Một hôm Miên đến thăm, Diệu Linh khoe với Miên rằng đã có thể ngồi thiền được bốn tiếng đồng hồ liền. Mộc Miên ngạc nhiên lắm.
Hồng nhan đa truân (Kỳ 68)
Ngày hôm nay đến cảnh quay quan trọng - cảnh cuộc họp của Quận ủy nên ông Cường trực tiếp chỉ đạo diễn xuất. Nhưng ... |
Hồng nhan đa truân (Kỳ 67)
Trời đã về chiều, tại phòng họp của Đại tá Vĩnh - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm kinh tế ... |
Diệu Linh im lặng.
Bà Thanh nói thủ thỉ:
- Cháu bây giờ cũng lớn tuổi, cuộc đời cũng bầm giập nhiều rồi. Mà cô thấy cháu cũng có tình cảm với ông ấy. Thôi thì chẳng hiểu sâu lắng trong tình cảm thế nào, nhưng mà cháu là người hiểu biết, nếu cháu thấy nên duyên nên số được thì sau phim này cháu về ở với ông ấy đi.
Diệu Linh thẫn thờ khi nghe bà Thanh nói như vậy:
- Cám ơn cô. Đúng là với chú Cường, cháu cũng có tình cảm thật. Đầu tiên là cháu thương chú và cháu trọng chú về nhân cách, về tài năng. Nhưng còn bảo là để quyết định về sống với chú ấy thì thú thật là cháu không dám nghĩ đến. Cô thấy đấy, mấy người đàn ông trước đều bị cái vía của cháu làm cho người thì chết, người thì vào tù ra tội. Cô bảo lỡ bây giờ sống với cháu mà chú lại bị làm sao nữa thì cháu gánh cái tội này bao nhiêu đời cho hết.
Bà Thanh xua tay:
- Cháu đừng nói thế, chuyện quá khứ ngày xưa khác. Mà cô nói thật nhé, cô đã đọc cuốn hồi ký của cháu rồi. Mấy thằng đấy đều đáng chết hết, không thằng nào đáng sống cả. Chúng nó gieo nhân nào gặt quả nấy. Cháu nghe cô đi, cô coi ông Cường như anh trai. Thật đấy, thậm chí chồng cô còn bảo cô, hay là bây giờ đến trông nom ông ấy. Đấy, chồng cô còn thương ông ấy đến như thế. Còn cô bao nhiêu năm đi làm phim với ông ấy, anh em gắn bó với nhau, từng miếng cơm, hớp nước. Nhiều đoàn làm phim trước có những người cứ bảo cô rằng bớt khoản nọ, khoản kia, lấy tiền ra đưa cho ông ấy để ông ấy có thêm đồng ra đồng vào. Thằng con thì như vậy. Nhưng mà không bao giờ ông ấy tơ hào của đoàn làm phim một xu, một khắc. Đã có lần cô xấu hổ vì khi cô đưa tiền cho ông ấy, ông ấy nói rằng: “Cô đừng làm thế. Cô làm thế là làm tôi ngượng với cô. Khi nào tôi thiếu tiền, tôi đến tôi xin cô chú. Tôi chắc rằng cô chú sẽ không nỡ nào từ chối tôi. Nhưng còn bây giờ thì tôi chưa cần. Cô làm gì thì làm, đừng để tôi ngượng mặt với mọi người về mấy cái đồng bạc này”. Cháu thấy ông ấy có ghê không? Người như thế bây giờ không nhiều đâu. Ông ấy vẫn cứ dạy cô rằng biết đủ là vui. Ông ấy rất bằng lòng với cuộc sống vật chất mà hiện nay ông ấy có. Đấy cháu đến nhà ông ấy cháu thấy đấy, đồ đạc có cái gì đâu. Con Bình xót bố thì nó thay cho bố nó cái tivi, cái tủ lạnh. Tất cả là đồ của con Bình với chồng nó sắm cho. Ông ấy có sắm được cái gì đâu. Đấy, sắm được mấy cái tủ sách là hết. Thôi nhé, cháu nghe cô đi. Sau đợt làm phim này, cháu về sống với ông ấy đi.
Diệu Linh nói:
- Chuyện này cháu chưa thể hứa được.
Bà Thanh nói thêm:
- Cô biết ông Cường có tình cảm với cháu. Hay thôi, nói tình cảm nghe vẫn còn rụt rè, đắn đo. Ông Cường mê cháu, mê thực sự. Mà đừng nghĩ rằng ông ấy thấy cháu đẹp mà ông ấy mê đâu nhé. Các đoàn làm phim khác cũng nhiều đứa diễn viên xinh đẹp lắm, có những đứa còn chủ động đến với ông ấy và tán tỉnh trắng trợn lắm ấy chứ mà ông ấy vẫn dửng dưng như không. Nhưng với cháu, ông ấy mê cháu, yêu cháu thật đấy. Tất nhiên cô biết là cháu xinh đẹp thế này, bây giờ lại đi cạnh một người chồng có tuổi, mặt mũi thì lại khác người, chân thì tập tễnh, nó chênh lệch quá. Nhưng nếu như cháu lấy ông ấy thì cháu có thể tự hào về người chồng của mình. Cô nói thế cháu cứ suy nghĩ.
Diệu Linh lặng đi một lát, rồi nói:
- Cháu cảm ơn cô, nhưng việc này có lẽ phải nhờ trời quyết. Cháu cũng không thể quyết nổi.
***
Những ngày ở chùa, Diệu Linh sống theo lịch hết sức nghiêm ngặt mà sư thầy Đàm Tuệ Minh đưa ra. Buổi sáng, 4 giờ Diệu Linh đã dậy. Cô ngồi tụng một bài kinh ngắn, sau đó ngồi thiền khoảng hơn một tiếng rưỡi đồng hồ. Hết thời gian ngồi thiền, cô cùng chú tiểu đi quét chùa và làm các việc linh tinh trong chùa. Thực ra các chú tiểu trong chùa không muốn cô làm việc gì vì thấy cô bụng mang dạ chửa như vậy. Nhưng sư thầy Đàm Tuệ Minh bắt Diệu Linh phải làm.
Có một lần, Diệu Linh nói với thầy:
- Em thấy mọi người bảo đau đẻ khổ lắm, cho nên có lẽ sau này em sẽ đẻ mổ.
Sư thầy Đàm Tuệ Minh lắc đầu:
- Không được làm cái gì trái với tự nhiên, trừ khi không thể. Người phụ nữ muốn có hạnh phúc thì phải trải qua đau khổ. Muốn được nghe tiếng khóc của con thì phải mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày. Bây giờ chị thấy lạ thật, người ta còn chọn ngày, chọn giờ đẹp để sinh con bằng cách mổ đẻ. Làm như thế phỏng có ích gì. Em phải làm thật lực để sau này đẻ con cho dễ. Và khi em làm việc như thế này thì con em ở trong bụng cũng sẽ hiểu được nỗi vất vả của mẹ nó, sau này lớn lên thì nó sẽ yêu lao động hơn.
Diệu Linh nghe sư thầy nói thì rất ngạc nhiên. Cô không thể nào nghĩ rằng đứa bé trong bụng lại có thể cảm nhận được mẹ nó phải lao động như thế nào. Nhưng quả thực, theo ý nghĩ ấy, sư thầy đã bắt Diệu Linh phải làm luôn chân luôn tay. Nào là quét nhà, đun nước, nấu cơm, lau tượng Phật, lau dọn chùa… Đầu tiên thì sư thầy còn bảo Diệu Linh làm việc nọ việc kia. Dần dần cô cũng quen đi, không phải chờ bị sai nữa.
Ở chùa có 4 chú tiểu. Thấy Diệu Linh phải làm như thế, đầu tiên các chú tiểu cũng tranh giành làm giúp cô. Khi phát hiện ra, sư thầy đã mắng các chú tiểu, bắt các chú phải nhường thêm việc cho Diệu Linh làm. Diệu Linh làm mọi việc đến khoảng 9 giờ thì lại vào tụng một bài kinh ngắn hoặc nghe thầy giảng về giáo lý nhà Phật. Diệu Linh học giáo lý mà không phải ghi chép gì cả. Thầy nói cho cô từng chuyện nhỏ. Thầy giảng giải cho cô thế nào là Bát khổ, thế nào là Tứ diệu đế, thế nào là Thập nhị nhân duyên, rồi thầy lại giảng ý nghĩa của Đại thừa và Tiểu thừa. Diệu Linh đã hỏi thầy rất nhiều. Thậm chí cô chỉ hỏi một chữ “Tâm” thôi mà thầy đã phải mất nhiều công sức để giảng giải cho cô. Sư thầy Đàm Tuệ Minh dạy Diệu Linh nhiều nhất là tu thiền và khai mở tuệ nhãn cho cô.
***
Một hôm Miên đến thăm, Diệu Linh khoe với Miên rằng đã có thể ngồi thiền được bốn tiếng đồng hồ liền.
Mộc Miên ngạc nhiên lắm.
Nhưng rồi cô lại lo lắng:
- Em ngồi thiền như thế, ăn uống như thế này thì liệu đứa bé có đủ sức khỏe không?
Diệu Linh giảng giải:
- Việc ăn uống thì cũng có bữa ăn chay, bữa ăn mặn vì thầy bảo phải để cho em bé có đủ dinh dưỡng.
Nhưng Diệu Linh ăn chay tăng dần lên. Từ một lần lên hai lần, rồi sau là ba lần, bốn lần. Rồi một tuần bảy ngày, cô đã ăn chay được bốn ngày. Diệu Linh đến bệnh viện khám thì các bác sĩ đều nói cái thai rất khỏe và việc sinh nở sẽ không có gì trở ngại.
Một hôm, Diệu Linh hỏi sư thầy:
- Chị ạ, theo chị thì em tập đến bao giờ thì có thể khai mở được “tuệ nhãn”?
Thầy Đàm Tuệ Minh nhìn cô âu yếm:
- Cái này thì cũng không biết trước được. Có thể em tu luyện cho đến hết đời cũng không khai mở được “tuệ nhãn”, nhưng cũng có khi ít phút nữa, thậm chí có thể ngay bây giờ nếu như em tập trung được ở cao độ. Em thấy đấy, một ngọn lửa hàn nhỏ như hạt đỗ như vậy nhưng có thể cắt đứt sắt. Nếu như em tập trung toàn bộ trí tuệ và năng lượng trong con người của em vào thì em sẽ làm được điều ấy.
Hiểu lời thầy nói nên Diệu Linh tập trung hết sức.
Một chú tiểu hỏi Diệu Linh:
- Sao chị tập được như thế mà chúng em không tập được? Em chỉ ngồi thiền được nửa tiếng là đã thấy như có con gì bò sau lưng, rồi bò lên trên đỉnh đầu. Em thấy chị ngồi thiền đên mức độ muỗi đốt mà vẫn ngồi yên được thì lạ thật.
Diệu Linh cũng không lý giải được tại sao lại làm được, nhưng sư thầy Đàm Tuệ Minh thì hiểu hết.
***
Một hôm, sư thầy nói với Diệu Linh:
- Chị có một người đồng đội ở Thái Bình sắp mất. Chị phải về giúp anh ấy. Em đi với chị.
Tất nhiên là Diệu Linh vâng lời. Người nhà của người bạn của sư thầy ở Thái Bình cho xe lên đón sư thầy Đàm Tuệ Minh và Diệu Linh. Về đến nơi thì trời đã sập tối.
Mọi người rất ngạc nhiên khi thấy sư thầy Đàm Tuệ Minh đi cùng với Diệu Linh bụng đã chửa vượt mặt. Sư thầy cũng không giải thích gì nhiều mà chỉ bảo: “Đây là một người bạn của em, đi cùng em để giúp đỡ anh ấy”.
Người đồng đội của sư thầy Đàm Tuệ Minh tên là Tùy - là một người đàn ông khoảng hơn 60 tuổi, đang nằm thiêm thiếp trên giường, gần như không còn biết gì nữa.
Sau khi mọi người kể lại tình hình cho sư thầy nghe, sư thầy vào trong buồng người bệnh và nắm lấy tay người bệnh:
- Anh Tùy ơi, em đây, Minh đây.
Sư thầy nắm chặt lấy bàn tay của người sắp mất và lặng đi một lát.
Bỗng ông Tùy hé mở mắt. Mấy người con của ông Tùy thấy thế thì vui mừng nói: “Thầy tỉnh rồi, thầy tỉnh rồi”.
Sư thầy Tuệ Minh thấy thế thì ra hiệu cho mọi người im lặng, rồi nói:
- Anh nhận ra em chứ.
Ánh mắt ông Tùy chớp chớp ra hiệu là nhận được.
Sư thầy nói:
- Em cùng mọi người về thăm anh đây. Anh nhớ không? Hôm ấy bom đánh, cả đại đội mình chết một nửa rồi. Cái Liễu, Hương, Quỳnh, Mai... đi cả từ ngày ấy. Còn chúng mình bây giờ mới đi là quá muộn, anh nhỉ? Anh đi trước, anh nói với chúng nó là hãy về thăm em. Em vẫn nhớ chúng nó lắm.
Thế rồi sư thầy cứ nói thủ thỉ như thế những câu chuyện ngày xưa. Nét mặt ông Tùy giãn dần ra.
Bỗng sư thầy quay sang nói với Diệu Linh:
- Em ngồi đây. Em đọc cho anh ấy bài kinh “Lời nguyện cầu cuối”. Chị kể những câu chuyện thời đó chắc em còn nhớ. Bây giờ em cứ nghĩ rằng em đang là chị và vào cái thời điểm 40 năm trước.
Diệu Linh đến ngồi bên cạnh.
Cả gia đình hết sức ngạc nhiên.
Sư thầy bước ra và nói:
- Ông ấy sắp đi rồi. Mọi người hãy để cho ông ấy về với bạn bè, với những người đồng đội của ông ấy được vui vẻ, thanh thản. Mọi người đang ở quanh đây chờ đón ông ấy đấy.
Nghe sư thầy nói như vậy, mọi người bất giác giật mình và nhìn quanh căn phòng.
Sư thầy nói:
- Mọi người không hiểu được đâu. Thôi đừng nói gì nữa. Tôi xin mọi người đừng khóc. Để tôi gọi những người bạn của tôi về đón ông ấy đi.
Sư thầy Đàm Tuệ Minh ngồi xuống ở ngay trong góc buồng, lấy mõ trong túi ra. Sư thầy vừa gõ mõ, vừa lầm rầm tụng kinh. Ở phía trong, Diệu Linh ngồi cạnh người sắp mất và nhắm mắt lại, rồi đọc lời kinh. Bỗng nhiên Diệu Linh nhìn thấy những sợi ánh sáng màu xanh đang từ từ chạy từ dưới chân người bệnh đi lên. Những sợi ánh sáng bò chầm chậm. Từ những đầu ngón tay cũng xuất hiện những sợi ánh sáng ấy. Chúng bò dần đến phía ngực. Bỗng nhiên, trong một khoảnh khắc, Diệu Linh hiểu ra những tia sáng ấy chính là những tinh lực cuối cùng của người thanh niên xung phong năm ấy.
Sư thầy đang tụng kinh bỗng im bặt. Sư thầy đứng dậy, từ từ đến đứng cạnh người sắp mất. Chỉ trong khoảnh khắc, những tia sáng ấy chập lại trên đỉnh đầu rồi biến mất. Diệu Linh cảm thấy như trước mặt mình có một luồng khói màu xanh nhạt đang bay phất phơ, rồi tụ dần trên trần nhà. Dường như trong vầng sáng đó hiện lên gương mặt người thanh niên xung phong ngày còn trẻ vô cùng tuấn tú.
Diệu Linh như mê đi cho đến khi thầy Đàm Tuệ Minh đặt tay lên vai và nói:
- Em ạ. Các bạn của chị đã đón ông ấy đi rồi. Họ vui lắm.
Diệu Linh lúc này mới thoát khỏi trạng thái nhập thiền. Mồ hôi cô vã ra.
Gia đình rất ngạc nhiên nhưng không dám nói gì.
Sư thầy nói với người con trai cả:
- Cháu ạ, bố cháu đi rồi. Ông ấy vui lắm. Ông ấy lại được gặp những người bạn của ông ấy.
Mấy người con của người thanh niên xung phong đó đều bật khóc và quỳ thụp xuống lạy sư thầy.
Khi ra ngoài, sư thầy hỏi Diệu Linh:
- Hôm nay em có nhìn thấy gì ở ông ấy không?
Diệu Linh nói:
- Chị ơi, lạ lắm. Em nhìn thấy những luồng ánh sáng xanh chạy từ chân ông ấy lên đỉnh đầu và em nhìn thấy khuôn mặt của ông ấy trên trần nhà.
Sư thầy Tuệ Minh ôm chầm lấy Diệu Linh:
- Em ơi, vậy là tuệ nhãn của em đã được khai mở rồi. Trời ạ. Tại sao lại có thể nhanh như thế được.
Thế là từ sau cái lần ấy, sư thầy dạy Diệu Linh cách nhìn những vầng sáng tỏa ra từ con người để biết được vận mệnh xấu, tốt và sức khỏe của người đó như thế nào.
***
Lại có một biến cố nữa xảy ra với Diệu Linh. Vào đúng ngày đi sinh con thì Nhật Chiêu tự sát.
Hôm ấy Nhật Chiêu được chuyển phòng giam. Trại giam vừa được xây thêm một dãy nhà mới. Dù sao Nhật Chiêu cũng là cán bộ có chức sắc nên được chuyển sang phòng giam tốt hơn. Ở phòng đó có một phạm nhân khác phạm tội về tham ô. Cán bộ ở trại không biết rằng, từ sau khi vali tiền bị thu thì Chiêu suy sụp hẳn. Ở trong trại, Chiêu không có người thăm nom. Gia đình thì đã từ bỏ, vợ cũ cũng không nhìn mặt anh ta, còn những người con của anh ta cũng coi thường bố. Chiêu bị bỏ mặc, chẳng ai thăm nom. Những điều đó làm cho Nhật Chiêu suy sụp.
Đêm hôm đó, khi phạm nhân kia đã ngủ say. Nhật Chiêu lẳng lặng xé quần áo, bện thành một sợi dây và treo cổ. Chiêu chết trong tư thế vẫn còn đang ngồi.
Đêm đó, đích thân sư thầy đưa Diệu Linh vào trạm xá của xã để sinh con. Việc sinh nở diễn ra hoàn toàn tự nhiên và cũng rất dễ dàng. Diệu Linh sinh xong thì sư thầy gọi điện cho Mộc Miên.
Miên hớt hải chạy đến thì Diệu Linh vẫn đang nằm trong bệnh xá.
Mộc Miên trách:
- Trời ạ. Sao em không đi bệnh viện mà lại sinh ở trạm xá thế này? Ngộ nhỡ có chuyện gì xảy ra thì sao?
Diệu Linh giọng mệt mỏi:
- Thầy bảo em cứ ở đây đẻ, không việc gì phải đi bệnh viện. Mà chị thấy đấy, em khỏe, cháu khỏe.
Mặc dù thấy Diệu Linh như vậy nhưng Mộc Miên vẫn không yên tâm:
- Hay em xin chuyển về Bệnh viện Phụ sản, để có gì họ còn tiện chăm sóc.
Diệu Linh lắc đầu:
- Không, em ở đây thôi. Mai họ cho về rồi, em lại về chùa.
Mộc Miên sung sướng gọi điện cho ông Tường khoe rối rít.
Quân cùng ông Tường phóng xe vào trạm xá.
Quân cứ nằng nặc:
- Chị ơi, cho em bế cháu một tý nào.
Mấy cô nhân viên ở trạm xá bế đứa bé lên trao cho Quân và nói:
- Đây, bế cháu đi. Có vẻ thích em bé nhỉ? Lấy vợ đi mà đẻ. Chỉ sợ đến lúc đấy thì việc chăm bẵm, bế con lại khoán hết cho vợ.
Quân bế đứa bé và nựng rất khéo. Ánh mắt của Diệu Linh và ông Tường rạng ngời hạnh phúc.
Đúng lúc ấy thì Mộc Miên có điện thoại. Cô ra ngoài nghe điện thoại một lát thì quay trở vào.
Cô kéo Quân ra ngoài và nói:
- Quân ạ. Lão Chiêu chết rồi.
Quân ngạc nhiên:
- Làm sao mà lại chết? Bị tử hình à?
Mộc Miên nói:
- Chồng chị vừa cho hay đêm hôm qua anh ta treo cổ tự tử trong nhà giam. Bây giờ các bác sĩ đang khám nghiệm pháp y.
Quân nói:
- Trong nhà giam làm sao mà tự sát được? Anh ta ở một mình hay sao?
Mộc Miên lắc đầu:
- Chị có biết gì đâu? Chị chỉ biết là anh ta tự sát, còn tự sát thế nào thì chị làm sao biết được.
Quân thắc mắc:
- Lạ nhỉ? Em biết ở trong nhà giam mà muốn tự sát thì khó lắm đấy. Chỉ có bọn bị tử hình ấy thì mới tự sát được. Vì phòng giam của nó ít người. Chứ còn nếu phòng giam đông người thì khó lắm. Ở ngoài muốn chết thì dễ, chứ muốn chết trong trại giam thì khó lắm. Mà thôi, cái người như thế chết cũng đáng. Chết đi cho đỡ nhục.
Khi hai người trở vào trong, Diệu Linh nhìn Quân hỏi:
- Có phải em với chị Miên vừa nói chuyện về anh Chiêu phải không?
Quân hốt hoảng:
- Sao? Chị nghe trộm được à?
Diệu Linh mỉm cười:
- Không. Chị không nghe được. Nhưng chị đoán được. Có phải anh ta chết rồi phải không?
Cả ông Tường, Quân và Mộc Miên đều sững sờ.
Mộc Miên lắp bắp:
- Tại sao em lại biết được điều này? Chị vừa biết tin, vừa báo cho Quân xong mà sao em biết được?
Diệu Linh mỉm cười:
- Điều này sư thầy đã nói cho em cách đây ít hôm.
Ông Tường hỏi:
- Thầy bảo sao?
Diệu Linh nói:
- Thầy bảo: Khi con sinh cháu thì con đã được giải thoát đi khỏi một bóng ma.
Rồi Diệu Linh thở dài:
- Đó là một người kỳ lạ. Đến bây giờ con vẫn không thể hiểu được tại sao cuộc đời lại có những người kỳ lạ như vậy?
***
Ngay sau cái chết của Nhật Chiêu, báo chí lại được dịp làm ầm ĩ lên. Cũng sau hôm ấy, trong bất cứ bài báo nào Diệu Linh cũng được nhắc đến với với cái tên “Hoa hậu sát thủ” hoặc “Linh sát thủ”.
Diệu Linh mang con từ bệnh xá về chùa. Cô vừa về thì sư thầy mang cho cô xem những bài báo viết về cô và về cái chết của Nhật Chiêu.
Sư thầy nói:
- Em đọc đi.
Diệu Linh đọc những bài báo. Trong lòng cô thấy dửng dưng và bình thản vô cùng. Những bài báo nói về cô với những lời lẽ hết sức cay nghiệt nhưng cô hầu như không cảm thấy gì tác động đến cô. Diệu Linh bỏ những tờ báo ấy xuống rồi ôm lấy bé Diệu Hương.
Sư thầy nhìn thấy thế thì rất vui.
Sư thầy nói:
- Em ạ. Lúc em đọc những bài báo này, chị đã quan sát em rất kỹ. Từ giờ chị không còn điều gì dạy em nữa. Từ mai em mang cháu về ở với ông cho ông vui. Thỉnh thoảng, lúc nào rảnh đến đây với chị.
(Xem tiếp kỳ sau)
Ngày đăng: 06:00 | 25/02/2018
Nguyễn Như Phong / Năng Lượng Mới