Ngày hôm nay đến cảnh quay quan trọng - cảnh cuộc họp của Quận ủy nên ông Cường trực tiếp chỉ đạo diễn xuất. Nhưng vì các diễn viên diễn không đúng ý của ông, quay đi quay lại đến 2-3 lần không đạt. Ông Cường nổi nóng.
Hồng nhan đa truân (Kỳ 67)
Trời đã về chiều, tại phòng họp của Đại tá Vĩnh - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm kinh tế ... |
Hồng nhan đa truân (Kỳ 66)
Trong lúc Diệu Linh đang tu thiền ở chùa Sùng Khánh thì ở bên ngoài biết bao nhiêu sự cố đã xảy ra. |
Mấy tiếng đồng hồ sau chiếc vali được mang vào trong trại giam.
Vũ Nhật Chiêu nhìn thấy chiếc vali thì mặt tái nhợt.
Đại tá Vĩnh hỏi:
- Đây có đúng là vali của anh không?
Chiêu cúi đầu nói:
- Dạ, vâng. Đúng ạ.
- Anh có chắc chắn đúng không?
- Dạ, vâng. Đúng ạ.
Đại tá Vĩnh hỏi thêm:
- Căn cứ vào đâu và chiếc vali này có đặc điểm gì mà anh nói rằng nó là của anh?
- Dạ, cán bộ lật mặt sau lên, có một dòng chữ chữ khắc chìm tên của tôi.
Mọi người lật lên thì đúng là có một dòng chữ khắc vụng về: “Vũ Nhật Chiêu - Phó chủ tịch quận”.
Đại tá Vĩnh hỏi:
- Chiếc vali này anh gửi ai?
- Dạ thưa cán bộ, tôi gửi anh Huân - là bạn của tôi.
- Lý do anh mang gửi anh Huân?
- Dạ, hôm đó tôi lấy số tiền ở hốc tủ sau bức tranh ra. Tôi mang trụ sở Huân làm việc, nhưng tôi không nói cho Huân biết đây là vali tiền mà tôi chỉ nói có chút đồ lặt vặt, tôi đi có việc gấp, mang theo không tiện nên gửi Huân giữ hộ.
Đại tá Vĩnh nói như ra lệnh:
- Các đồng chí cho lập biên bản, rồi mở khóa ra.
Rồi ông Vĩnh lại hỏi Chiêu:
- Thế chìa khóa anh để đâu?
- Dạ, báo cáo anh, chìa khóa thì thực sự là tôi vứt đâu mất rồi.
Các cán bộ điều tra lập biên bản, rồi sau đó cậy khóa ra.
Ông Vĩnh ra lệnh:
- Ngay bây giờ, đồng chí Lý và một đồng chí khác đến gặp bác Tường, nói rõ về việc đã tìm thấy vali tiền và xin lỗi bác Tường, đồng thời đến nói với sư thầy cho tôi.
***
Tại nhà ông Tường, hai cảnh sát đến nói chuyện với ông.
Nhìn thấy hai cảnh sát, ông Tường sợ hãi.
Ông mời họ vào nhà, rồi nói:
- Các anh lại đến thế này thì không biết là mang cho tôi tin vui hay tin buồn đây?
Một anh nói:
- Dạ thưa bác, mang đến cho bác tin vui ạ.
Ông Cường cười nhăn nhó:
- Bây giờ thì tôi còn có tin vui gì nữa?
Anh cảnh sát nói:
- Dạ, thưa bác, chúng cháu đã tìm ra được chiếc vali tiền mà Nhật Chiêu giấu rồi.
Ông Tường sáng mắt lên:
- Nó giấu ở đâu?
- Dạ, anh ta mang gửi một người bạn là công an. Rất may là anh bạn ấy đọc báo thấy nói công an đang truy lùng Diệu Linh. Anh ta mang chiếc vali đến trình báo và mở ra thì đúng là trong đó toàn là tiền.
Ông Tường đấm bàn rầm một cái:
- Thằng khốn nạn. Thế mà nó dám đổ tội cho con bé. Tôi đề nghị với các anh, loại không có nhân cách này thì mang tử hình nó đi. Để sống làm gì cho chật đất. Một kẻ ăn cắp, một kẻ trộm cướp, một kẻ giết người còn có thể tha thứ được, nếu như đó còn là một người có lương tri và có nhân cách. Nhưng với một kẻ không có nhân cách như thằng này thì không thể tha được.
Anh cảnh sát nói nhã nhặn:
- Dạ, việc chỉ có thế. Chúng cháu đến thông báo cho bác biết. Và ngay bây giờ, chúng cháu sẽ đến chùa nói chuyện với sư thầy, để sư thầy yên tâm và không làm ảnh hưởng đến Diệu Linh. Thủ trưởng cơ quan cử chúng cháu đến nói với bác như vậy và chúng cháu cũng xin lỗi bác là đã làm bác buồn.
Ông Tường nói:
- Ôi cảm ơn các anh. May quá, từ hôm đó đến nay, tôi nói thực với các anh tôi không nuốt nổi miếng cơm.
Hai anh cảnh sát lại đến gặp sư thầy Đàm Tuệ Minh.
Nhìn thấy hai cảnh sát, sư thầy nói:
- Các anh tìm được người cầm tiền rồi đúng không?
Hai cảnh sát vô cùng ngạc nhiên.
Một anh hỏi:
- Trời ạ. Sao thầy lại biết được chuyện đấy?
Sư thầy chắp tay lại và nói:
- Phật pháp vô biên.
Cảnh sát Lý nói:
- Dạ thưa thầy, đúng là chúng tôi đã tìm được vali tiền mà anh Chiêu gửi ở chỗ khác. Việc này không liên quan gì đến Diệu Linh. Cấp trên bảo chúng tôi đến thông báo với thầy như vậy để thầy yên tâm và cố gắng chỉ bảo cho cô Diệu Linh.
Sư thầy:
- Các anh về nói với lại các anh lãnh đạo là cho tôi cảm ơn các anh ấy. Tôi biết là khi đặt chuyện Diệu Linh giấu tiền hay không cũng có nhiều người nghi ngờ. Nhưng chính người lãnh đạo của các anh lại không nghi ngờ những điều đó. Đấy là điều tôi rất cảm kích. Anh nói với lại chỉ huy lúc nào rỗi, mời các anh đến đây chơi.
***
Đoàn làm phim tiếp tục quay. Vì là ngày Chủ nhật nên Diệu Linh cho bé Hương đến.
Ngày hôm nay đến cảnh quay quan trọng - cảnh cuộc họp của Quận ủy nên ông Cường trực tiếp chỉ đạo diễn xuất. Nhưng vì các diễn viên diễn không đúng ý của ông, quay đi quay lại đến 2-3 lần không đạt. Ông Cường nổi nóng.
Ông nói như quát:
- Các anh hôm nay làm việc cứ như mất hồn cả thế? Các anh diễn xuất thì phải có cảm, phải có thần trong từng gương mặt chứ. Các anh diễn vô hồn như thế, định để khi lên màn ảnh thì người ta ném muối vào mặt, lúc ấy diễn xuất mới mặn được à?
Ông chỉ vào mặt diễn viên đóng vai Nhật Chiêu:
- Còn anh nữa, kịch bản anh đã đọc kỹ như thế rồi mà anh vẫn không hiểu được nhân vật ấy như thế nào hay sao mà diễn vô cảm như vậy?
Anh diễn viên lúng túng:
- Chú ơi chú cho con từ từ. Con diễn vai này, con thấy xấu hổ lắm.
- Ô hay, anh là diễn viên mà lại bảo xấu hổ là thế nào?
Anh diễn viên đóng vai Nhật Chiêu gãi đầu:
- Con đọc kịch bản thấy vai này ác quá, chú ạ. Con chẳng tin cuộc đời này có những thằng làm cán bộ Nhà nước mà khốn nạn đến thế.
Ông Cường cười khẩy:
- Thế à? Tôi lại thấy tôi viết đoạn này chưa ổn. Cán bộ bây giờ nhiều kẻ còn đốn mạt hơn nhiều. Các anh cứ đọc báo thì thấy đấy. Cái thứ cán bộ bây giờ không có liêm sỉ đầy rẫy. Vì không có liêm sỉ, vì không biết xấu hổ chúng nó mới tham ô, tham nhũng, mới cố ý làm trái. Các anh thấy đấy, bao nhiêu cán bộ lên diễn đàn nói như hát hay. Và tôi cam đoan với các anh rằng nếu như với số cán bộ mà vừa rồi báo chí đăng và Trung ương phải xử lý, khi lên diễn đàn nói về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh thì họ nói hay hơn anh em chúng mình ở đây rất nhiều. Anh phải nghĩ rằng mặt trái của cán bộ hiện nay là như vậy. Họ có thể nói rất hay, họ có thể rao giảng đạo đức rất giỏi nhưng họ nói một đằng, làm một nẻo. Nào, bây giờ bình tĩnh lại đi. Mỗi người uống một hớp nước rồi quay lại.
Cố nén sự bức tức, ông Cường ra ngoài ngồi.
Thấy có một cậu diễn viên đang hút thuốc, ông Cường vẫy vẫy:
- Cho tao hít một hơi.
Anh ta đưa điếu thuốc cho ông Cường. Bà Thanh và Phó đạo diễn Hữu Tùng nhìn thấy ông hút thuốc thì họ biết.
Bà Thanh nháy ông Tùng:
- Núi lửa sắp bùng cháy đấy. Mày tìm cái Diệu Linh, xem nó ở đâu thì bảo nó về đây ngay. Không thì chết đến nơi rồi, lại ăn đủ với ông ấy.
Thực ra lúc này Diệu Linh đang ngồi một góc, lặng lẽ theo dõi ông Cường. Cô đã nhìn thấy ở trong đầu ông Cường có những quầng sáng đang lẫn lộn đan xen nhau đủ các màu. Cô biết là tâm trạng ông đang có điều gì đó bấn loạn.
Tùng chạy ra chỉ cho Diệu Linh thấy ông Cường hút thuốc. Diệu Linh ra cạnh ông Cường và gỡ điếu thuốc hút dở trong tay ông ra, rồi ném đi.
Ông Cường không dám nói thêm một câu nào.
Diệu Linh nghiêm mặt:
- Đây là lần thứ hai cháu thấy chú hút thuốc. Chú phải bỏ thuốc đi.
Ông Cường cười bẽn lẽn, không tỏ vẻ bực tức. Thậm chí ông còn cảm thấy hạnh phúc khi được Diệu Linh chăm sóc như vậy.
Diệu Linh nói:
- Chú đang bực lắm à?
Ông Cường cằn nhằn:
- Chẳng hiểu hôm nay chúng nó thế nào mà diễn xuất cứ như là một lũ rôbốt.
Diệu Linh nói:
- Thôi, chú để anh Tùng chỉ huy cho. Thật ra hôm nay họ diễn không được là vì chú.
Ông Cường ngạc nhiên hỏi:
- Sao lại là vì chú?
Diệu Linh nói:
- Bởi vì chú chỉ đạo diễn xuất nhưng trong đầu chú đang nghĩ đến chuyện khác. Các diễn viên đọc được suy nghĩ đấy của chú. Họ cũng không tập trung và đang tự hỏi trong đầu là hôm nay bác Cường làm sao.
Nghe Diệu Linh nói thế ông Cường hốt hoảng:
- Trời ạ, thế này thì sợ quá. Đúng là chú đang có chuyện phải suy nghĩ.
Diệu Linh mỉm cười đôn hậu:
- Đấy, chú thấy chưa? Thế nên chú đừng trách diễn viên. Bây giờ chú nghe cháu đi. Chú vào trong phòng ngồi, nhắm mắt lại và nghĩ về một hình ảnh gì mà chú thích nhất hoặc chú đang gửi gắm vào hình ảnh một ai đó. Mười phút thôi, rồi chú ra đây.
Ông Cường vào căn buồng nhỏ - chỗ ông nghỉ trưa. Ông ngồi xuống, nhắm mắt lại và trong đầu ông hiện lên hình ảnh hai người: đó là Diệu Linh và bà vợ. Hai hình ảnh cứ đan xen nhập nhòe nhau và ông Cường không làm thế nào để tách ra được.
Ở bên ngoài, bé Hương cứ nằng nặc đòi về.
Diệu Linh nói:
- Con ở đây xem. Về làm gì? Hôm nay con được nghỉ cơ mà.
Bé Hương nói:
- Mẹ ơi, con sợ ông lắm. Con thấy ông quát lên mà vết sẹo của ông đỏ lên, giật giật.
Diệu Linh bật cười:
- Ai bảo con để ý. Hôm nay ông như thế là còn mát tính đấy. Con hãy xem các diễn viên kia kìa. Hay là chiều nay mẹ bảo quay một cảnh sớm, cảnh con đánh đàn nhé.
Bé Hương cười bẽn lẽn:
- Không, không. Con không đóng phim đâu.
Bà Thanh nói xen vào:
- Tại sao lại không đóng phim? Cháu phải đóng phim để sau này làm diễn viên. Như các cô đây này.
Bé Hương nói:
- Đóng phim khổ lắm. Cứ bị ông quát.
Đạo diễn Hữu Tùng bật cười:
- Cháu thấy không, những người bị quát toàn là con trai. Có ai là phụ nữ đâu. Bác Cường không dám quát phụ nữ.
Bé Hương lại nói:
- Cháu chẳng đóng phim đâu.
Hữu Tùng nói:
- Cháu tôi lớn lên sẽ xinh đẹp lắm đây. Rồi lại cũng sẽ theo gót mẹ đi thi hoa hậu.
Bé Hương ngúng nguẩy:
- Không, cháu ứ thi hoa hậu. Cháu không thích người đẹp. Cháu chỉ thích cháu xấu thôi. Đẹp như mẹ cháu khổ lắm. Mẹ cháu bảo “hồng nhan đa truân” đấy.
Mọi người sững sờ khi nghe con bé nói câu “hồng nhan đa truân”.
Bà Thanh bật cười:
- Trời ạ. Đến một đứa bé như thế này mà cũng biết câu “hồng nhan đa truân”. Thế mới thấy sắc đẹp ghê gớm thật.
Hữu Tùng nói:
- Ngày xưa đã có người làm câu đối thế này. Có một ông thấy trời mưa, học trò không về được mới ra vế đối “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách” - tức là trời mưa, không có khóa nhưng lại giữ được người ở lại, thì một học trò đối lại: “Sắc bất ba đào dị nịch nhân” - tức là sắc đẹp không có sóng gió gì lớn nhưng lại làm chìm đắm được lòng người. Cho nên là phụ nữ đẹp đúng là một báu vật của trời cho. Nhưng mà ngẫm thấy rằng cái gì đẹp vừa vừa thôi, chứ đẹp quá cũng khổ, Diệu Linh nhỉ?
Diệu Linh bật cười:
- Thì thế mới có câu “hồng nhan đa truân”.
Ông Cường ngồi ở trong phòng, sau một hồi tĩnh tâm thì thấy đọng lại gương mặt người vợ tội nghiệp của mình và hình ảnh Diệu Linh đã nhòe đi đâu mất. Tự nhiên ông thấy thanh thản. Ông ra khỏi phòng và nét mặt ông khác hẳn.
Ông vỗ tay bảo mọi người:
- Thôi, bắt đầu vào.
Mọi người bắt đầu vào.
Ông Cường không cần nhìn kịch bản nữa.
Ông hô:
- Nào, xong hết chưa? Chuẩn bị, máy... bắt đầu!
Lần này, bé Hương lại không ra ngoài nữa mà sán đến gần ông. Rồi bất giác, bé Hương sờ lên vết sẹo của ông.
Ông Cường bật cười:
- Ôi, cháu làm ông buồn quá.
Cả đoàn làm phim ngơ ngác, đang diễn xuất bỗng dừng lại.
Ông Cường nói:
- Quay lại. Quay lại.
Mọi người ngơ ngác không hiểu làm sao.
Ông Cường nói:
- Tự nhiên con bé sờ vào cái sẹo của mình làm mình buồn quá.
Bé Hương cười:
- Lúc nãy cháu thấy cái sẹo của ông màu đỏ, bây giờ nó lại màu trắng rồi.
Cả đoàn phá lên cười.
Diệu Linh kéo bé Hương ra ngoài:
- Con ơi, con để cho ông làm việc.
Bà Thanh rỉ tai Hữu Tùng nói:
- Đấy là bé Hương nó sờ vào cái sẹo, chứ cái Diệu Linh nó sờ cái sẹo này thì có khi ông anh ngất rồi đấy.
Đến giờ ăn cơm, tất cả mọi người ăn cơm hộp. Diệu Linh thì cho khay thức ăn và cơm của ông Cường vào lò vi sóng hâm nóng lên. Diệu Linh và bé Hương cũng ăn cơm hộp, còn ông Cường thì ăn cơm do Diệu Linh nấu.
Bé Hương thắc mắc:
- Mẹ ạ, tại sao mẹ con mình lại ăn cơm hộp, còn ông lại được ăn thức ăn của mẹ nấu?
Bà Thanh tinh ý nói:
- Vì ông có tuổi rồi, không ăn được cơm hộp.
Bé Hương lại hỏi:
- Ông ơi, ông ăn cơm của mẹ cháu nấu có thấy ngon không?
Ông Cường ngượng nói:
- Ngon lắm, cháu ạ. Hay là ông xẻ ra, cháu ăn chung với ông nhé.
Bé Hương phụng phịu:
- Không, cháu chẳng ăn chung với ông. Mẹ cháu nấu cho ông ăn chứ có nấu cho cháu đâu.
Nghe bé Hương nói thế, bà Thanh, Hữu Tùng cười sặc sụa.
Ông Cường không ăn nổi cơm nữa.
Diệu Linh cũng ngượng:
- Con ơi, ông già rồi. Ông không ăn được cơm hộp như thế này. Cơm cứng nhé, thức ăn thì hôm nay con có thấy mặn không? Ông có tuổi rồi, ông làm việc vất vả thì phải ăn khác mọi người một chút chứ.
Bé Hương vẫn không buông tha:
- Ông già, ông khó ăn, còn con bé thế này thì lẽ ra con cũng phải được ăn như ông chứ?
Diệu Linh nói:
- Thôi được rồi, mai mẹ nấu cho con ăn như ăn với ông.
Bé Hương lại nói:
- Nhưng mai con lại ăn ở nhà trẻ rồi. Mà tại sao mẹ lại chỉ nấu cho ông ăn? Thế còn bà đây, bác đây - Bé Hương chỉ bà Thanh và Hữu Tùng - Sao mẹ không nấu cho bà với bác ăn.
Bà Thanh nói:
- Cháu ơi là cháu. Bà đã già đâu. Mày nói thế tự nhiên lại làm giảm giá trị của bà đi. Bà vẫn còn trẻ. Phải gọi bà là bà trẻ. Chứ còn ông này già rồi, gọi là ông già, hiểu chưa?
Bé Hương thấy mọi người nói thế thì cũng thôi. Nhìn nét mặt ông Cường thấy rạng rỡ hẳn lên, nhưng rồi lại thoắt ánh mắt ông tối đi. Tất cả những ánh mắt và cử chỉ của ông Cường không thoát qua được cặp mắt soi mói của bà Thanh.
Ăn cơm xong, ông Cường vào trong phòng nằm nghỉ.
Bà Thanh ngồi ngoài nói chuyện với Diệu Linh:
- Đúng là ông ấy có cái gì lạ lạ phải không cháu?
Diệu Linh nói:
- Dạ, vâng. Hình như chú ấy đang có điều gì phải đấu tranh tư tưởng ghê lắm.
Bà Thanh hỏi:
- Thế theo cháu thì đấu tranh tư tưởng về cái gì?
Diệu Linh nhún vai:
- Cái này thì cháu không biết. Nhưng có lẽ gia đình có chuyện.
Bà Thanh giật mình nghĩ ngay đến chuyện bà vợ ông Cường đang định về.
Bà nói:
- Ừ. Hôm nọ cô có nghe cái Bình nó nói là vợ cũ của ông ấy ở bên Đức bây giờ sạt nghiệp. Bà ấy bị lừa đảo, mất sạch. Đang sống nay đây mai đó, phải nhờ vả bạn bè giúp đỡ. Bà ấy cũng muốn về, nhưng về bây giờ thì xấu hổ với chồng, với con. Mà có về thì cũng chẳng có nhà có cửa mà ở.
Diệu Linh hiểu ngay ra vấn đề:
- À, ra thế. Nhưng mà cũng khó nói. Thế chú ấy quyết thế nào?
Bà Thanh nói huỵch toẹt luôn:
- Cô nói thật nhé, ông Cường phải lòng cháu đấy.
Diệu Linh lắc đầu:
- Không phải đâu.
Bà Thanh nói:
- Mày tin cô đi. Điều này cô đã nhận ra từ lâu rồi. Cái Bình cũng biết. Mà cô nói thật nhé, ông Cường tốt lắm. Mấy năm nay, ông ấy không làm được phim ảnh gì nữa không phải là vì thiếu kịch bản hay, mà là vì ông ấy không có chỗ dựa tinh thần. Buồn, vui, một mình mình chịu, không có người an ủi, không có người chia sẻ nên ông ấy không làm được cái gì. Đó cũng là một nguyên nhân. Từ ngày biết cháu, ông ấy thay đổi hẳn. Cháu không biết đâu, ngày xưa ông ý chỉ đạo diễn xuất, ông ấy chửi ghê lắm đấy. Về chửi diễn viên thì cả làng điện ảnh này, không có ai bằng ông ấy. Nhưng từ ngày cháu thấy đấy, có mấy khi ông ấy nổi nóng đâu. Cháu đã làm thay đổi tính tình ông ấy rất nhiều. Thôi cô nói thế này, nếu như có gì sai thì cháu bỏ qua cho cô.
(Xem tiếp kỳ sau)
Ngày đăng: 06:00 | 24/02/2018
Nguyễn Như Phong / Năng Lượng Mới