Sáng hôm sau, Diệu Linh bảo ông lái xe già đưa đến chùa Mía. Đi đến gần cửa chùa thì cô ra hiệu dừng xe lại, bởi cô biết trên xe có đặt máy ghi âm.
Hồng nhan đa truân (Kỳ 54)
Diệu Linh về nhà và nghĩ đến bữa cơm lúc tối mà trong lòng cũng bâng khuâng. Cô cũng không lý giải được tình cảm ... |
Hồng nhan đa truân (Kỳ 53)
Chiều thứ Bảy, tại nhà ông Cường đúng là vui như hội. Diệu Linh và Bình tất tả làm các món ăn. Thành ngồi trên ... |
Diệu Linh hỏi:
- Anh bảo gạt ra ngay là gạt ra thế nào? Mọi người đều phải có quan điểm của mình chứ?
Nhật Chiêu nói:
- Em ơi, em chẳng hiểu gì. Ở cấp dưới là phải “nghe nhạc hiệu, đoán chương trình”. Chỉ thấy ánh mắt của cấp trên nhìn cấp dưới là phải biết có tình cảm ra làm sao và phải có cách ứng xử ngay. Anh nói em nghe, chỉ cần vào cuộc họp, nếu như ông ấy có tình cảm với mình, muốn gây dựng cho mình, ông ấy chỉ cần nói một câu: “Ôi, riêng đồng chí Chiêu thì tôi đồng ý. Đấy là một cán bộ tốt, có năng lực, có triển vọng. Cá nhân tôi hoàn toàn nhất trí lựa chọn đồng chí Chiêu. Còn các đồng chí khác thì tùy, các đồng chí cứ xem xét anh ấy có mặt mạnh, mặt yếu như thế nào”. Chỉ cần ông ấy nói thế thôi là mình xong. Nhưng nếu như vào cuộc họp, ông ấy lại nói có tính chất ngãng ra rằng còn phải xem xét, còn phải phấn đấu, cũng có điều tiếng này khác, cần phải làm cho minh bạch thì chết rồi.
Diệu Linh hiểu ra:
- Em hiểu rồi. Nhưng em sợ là khó đấy. Qua cung cách nói chuyện thì em thấy ông ấy là người có tính nguyên tắc cao lắm.
Chiêu cười xòa:
- Thế anh mới phải nhờ đến em. Nói thế thôi, ông ấy mà được một người như em nói chuyện thì chắc ông ấy cũng thích lắm. Thế nhé, việc này em giúp anh. Còn Chủ nhật em cứ đi về chùa Mía lễ đi.
Chiêu mở cặp, lấy ra một tập tiền năm trăm ngàn đưa cho Diệu Linh:
- Em cầm tập tiền này sắm đồ lễ.
Diệu Linh nhìn số tiền thì ngạc nhiên:
- Sao lại nhiều thế này? Số tiền hằng tháng em đi lễ chùa, anh chẳng đưa vào hạch toán rồi còn gì nữa.
Chiêu nói:
- Không, việc ấy là việc khác. Anh cứ đưa em thêm.
Diệu Linh nói mỉa mai:
- Nhưng mà nhớ phải ghi vào sổ đấy.
Trước mặt chồng, Diệu Linh đếm tiền rất cẩn thận:
- Anh đưa cho em hai chục triệu nhé!
***
Sáng hôm sau, Diệu Linh bảo ông lái xe già đưa đến chùa Mía. Đi đến gần cửa chùa thì cô ra hiệu dừng xe lại, bởi cô biết trên xe có đặt máy ghi âm.
Cô ra cửa xe, gọi ông lái xe ra và nói:
- Bác ạ, hôm nay em có việc này muốn nhờ bác. Nhưng bác phải hứa tuyệt đối giữ bí mật cho em. Còn không thì bác cứ cho xe vào chùa, bác nghỉ, em gọi taxi đi.
Người lái xe già nói:
- Có việc gì thì cô cứ nói. Tôi biết là cô đã phải dừng xe rồi gọi tôi ra ngoài để nói chuyện thế này là cô đã biết ở trong xe này có cái gì rồi. Tôi nói thật, tôi vì miếng cơm manh áo, cũng là kiếm thêm đồng ra đồng vào để nuôi cháu nên mới đi lái xe như thế này. Chứ chú ấy sử dụng tôi như thằng mật thám ấy, vừa lái xe chở cô đi nhưng hằng ngày phải báo cáo chú ấy rằng, chở cô đi đâu, làm gì, nói chuyện với ai... Tôi thấy nhục nhã lắm. Cô thông cảm với tôi. Cô cứ yên tâm. Khi tôi thấy chú nói như thế, tôi cũng rất thương cô. Người như cô mà phải sống với một ông chồng cứ suốt ngày dò xét, rình rập thì khổ lắm. Tôi nói thì có thể cô không tin, nhưng trong lòng tôi thực sự ái ngại cho cuộc sống của cô hiện nay. Tôi thề với cô, nếu như tôi nói sai nửa câu hoặc có ý định gì xấu đối với cô thì tôi không được nhìn thấy con, thấy cháu tôi.
Diệu Linh cảm động:
- Bác nói thế, em rất cảm ơn bác. Vậy thì em nói thế này để bác hiểu. Từ hồi lấy chồng đến giờ, em chưa biết mặt bố mẹ chồng em ra sao. Nhà chồng em chỉ ở cách đây có hai chục cây số thôi. Hôm nay em muốn về đó xem sự thể thế nào. Em có địa chỉ ở đây rồi. Em đã cũng chuẩn bị các thứ về thăm ông bà. Nhưng em muốn biết sự thật là như thế nào.
Người lái xe già nói với Diệu Linh:
- À, thế thì cô chưa biết gì rồi. Tôi quen chú ấy lâu rồi và cũng đã có lần đưa vợ cũ của chú ấy về quê. Cô Dung ấy, tôi nói thêm để cô biết, vợ cũ của chú Chiêu hiện nay là Phó chủ tịch, Bí thư Đảng ủy phường Tân Hòa. Cô ấy giỏi lắm. Cô ấy là người phụ nữ đoan trang, đức độ, dân ở phường quý mến vô cùng. Sở dĩ hai vợ chồng phải bỏ nhau là vì cô ấy không chịu nổi tính của chú ấy. Chú ấy ghen tuông đã đành, nhưng cách sống của chú ấy cũng khác người. Có lần tôi đưa cô ấy về thăm bố mẹ chồng, khi ra xe cô ấy đã khóc vì thấy bố mẹ chú ấy sống ở nhà quê khổ quá. Hai người bỏ nhau cũng là vì chuyện ấy đấy.
Diệu Linh thẫn thờ:
- Ông bà ở nhà quê sống khổ là sao ạ?
Người lái xe già nói:
- Thế này cô ạ, tôi biết chú Chiêu từ hơn hai mươi năm nay rồi. Tôi chơi với cậu ruột của chú Chiêu. Ông cậu ấy nói cho tôi thì tôi mới biết là chú ấy đối xử với gia đình ở quê không ra gì. Chú ấy làm Phó chủ tịch quận mà không giúp đỡ gì cho hai ông bà già và mấy người em. Ngày xưa khi chú ấy đi học Đại học Kinh tế, ông bà ở quê đã bán đi ba sào ruộng để lấy tiền cho chú ấy ăn học. Thế rồi đến khi học xong đi làm, lên đến chức nọ, chức kia, thế mà ông bà ở nhà quê vẫn ở ngôi nhà cũ nát. Khổ nhất đấy lại là nhà tình nghĩa. Bà được phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Nhà có năm người con thì chú Chiêu là thứ tư. Hai người con cả đi bộ đội đều hy sinh hết. Còn ba người là chú Chiêu, một cô em gái và một chị gái nữa. Nhưng chú ấy bỏ mặc bố mẹ ở quê. Hai, ba năm nay rồi, ông bà cấm chú ấy bén mảng về. Hình như họ Vũ nhà chú ấy ở quê đã biểu quyết là khai trừ chú ấy ra khỏi dòng họ. Thế nên từ ngày lấy nhau, cô không thấy có người họ hàng nào nhà chú ấy đến chơi là vì thế. Bây giờ thế này, tôi đưa cô qua, cô vào nhà chơi và cứ nói là vào thăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đừng nói gì chuyện cô là vợ chú Chiêu. Nếu họ biết thì có khi gia đình còn đuổi cô đi ngay đấy.
Diệu Linh hiểu ra.
Cô nói:
- Vâng, bác cứ đưa em qua.
Người lái xe đưa Diệu Linh đến một ngôi làng cổ.
Ông chỉ nhà cho Diệu Linh:
- Cô đi theo ngõ này, vào khoảng 100 mét thì rẽ tay phải là đến. Hỏi gia đình nhà cụ Vũ Nhật nhé, người ta sẽ chỉ cho.
***
Diệu Linh xách một túi quà to, bên trong có một phong bì 10 triệu đồng.
Thấy mấy đứa trẻ đang chơi ngoài đường, cô hỏi:
- Các cháu ơi, cho cô hỏi nhà cụ Nhật ở chỗ nào?
Mấy đứa trẻ dẫn Diệu Linh vào nhà cụ Vũ Nhật. Diệu Linh đứng ở ngoài nhìn vào thì thấy đó là một căn nhà mái bằng, diện tích chỉ khoảng 30m2 được gắn biển “Nhà bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.
Diệu Linh vào nhà thì thấy hai cụ già đang ngồi với hai đứa cháu. Cả hai cụ đều khoảng gần chín chục tuổi. Thấy có người lạ vào, bọn trẻ đang đùa bỗng im bặt và nhìn Diệu Linh chòng chọc.
Cô lễ phép:
- Con chào hai cụ ạ. Hai cụ cho con hỏi đây có phải là nhà cụ Vũ Nhật - Bà mẹ Việt Nam Anh hùng không ạ?
Cụ bà nhìn Diệu Linh bằng ánh mắt lạ lùng:
- Có biển đề ở ngoài kia rồi. Cô không đọc à?
Diệu Linh biết mình bị hớ, cô chống chế:
- Dạ thưa, cháu không nhìn thấy biển. Cháu nhờ các cháu dẫn vào đây ạ.
Bà cụ nói:
- Vâng, đúng rồi. Mời cô ngồi chơi. Xin lỗi, cô ở đâu đến?
Cụ ông có vẻ đã lẫn. Cụ nhìn Diệu Linh bằng ánh mắt đờ đẫn.
Diệu Linh nói:
- Dạ, con ở nơi xa đi ngang qua đây. Con nghe mọi người nói là ở làng mình có cụ là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Con đến thăm hai cụ và có chút quà biếu hai cụ.
Nói xong, Diệu Linh để túi đồ lên bàn.
Bà cụ nhìn túi đồ:
- Thế này thì không phải quá. Cô cho chúng tôi quà nhiều thế này, chúng tôi nhận cũng không phải, mà không nhận thì áy náy bởi vợ chồng chúng tôi chưa biết cô.
Diệu Linh mỉm cười:
- Dạ, cụ cứ coi con là người bình thường đến thăm hai cụ thôi ạ. Con về làng, nghe danh tiếng của hai cụ nên con muốn đến thăm, chúc sức khỏe hai cụ chứ không có gì khác đâu ạ.
Bà cụ rót nước vối ở trong tích ra mời Diệu Linh:
- Vâng, cảm ơn cô quá. Xin hỏi cô là người ở làng nào?
Diệu Linh nói:
- Dạ thưa cụ, con không ở làng này ạ. Con ở nước ngoài về. Con đi du lịch thôi. Đến đây, con thấy cảnh vật làng mình đẹp quá, lại được nghe cán bộ xã giới thiệu gia đình nhà ta như vậy nên con đến thăm hai cụ ạ.
Bà cụ đon đả:
- Vâng, cảm ơn cô quá. Nhà tôi có hai ông bà già thôi. Có hai cô con gái cũng ở gần đây nên thỉnh thoảng các cháu chạy qua chạy lại. Nhà tôi năm nay cũng gần 90 rồi, lẫn lắm. Đấy, lúc nãy vừa ăn cơm sáng xong. Thế mà con gái qua chơi lại tố ngay là: “Bà ấy chưa cho tôi ăn gì cả. Các cô mà không mang tôi về nuôi thì tôi chết đói”.
Diệu Linh bật cười:
- Ôi, chuyện các cụ có tuổi nên quên quên nhớ nhớ là chuyện bình thường. Bố con ở nhà cũng thế. Nhiều khi trong túi vẫn có tiền nhưng khách đến lại bảo: “Tôi chẳng có đồng nào tiêu cả. Anh có tiền cho tôi xin mấy đồng”.
Bà cụ cười móm mém:
- Cô bây giờ đang ở nước nào ạ?
Diệu Linh nói dối:
- Dạ, con đang ở bên châu Âu. Con sang bên đấy sinh sống, làm ăn lâu rồi ạ.
Rồi cô hỏi sang chuyện khác:
- Cụ ơi, các con cháu nhà cụ như thế nào, không giúp được cụ xây nhà hay sao mà phải để chính quyền xây nhà tình nghĩa cho thế ạ?
Ánh mắt bà cụ tự nhiên buồn hẳn đi:
- Ôi, chuyện nhà tôi thì buồn nhiều, vui ít. Hai đứa lớn thì 17, 18 tuổi đã xung phong đi chiến trường thì hy sinh cả. Còn lại ba đứa thì thằng thứ tư làm cán bộ to lắm ở ngoài Hà Nội. Cô con gái thứ ba thì làm ruộng ở đầu làng. Cô út thì bán thịt lợn ở ngoài chợ.
Diệu Linh hỏi:
- Ôi, có anh làm cán bộ to ở ngoài Hà Nội mà lại không giúp gì được hai cụ hay sao ạ?
Bà cụ lặng đi một lát rồi nói, giọng đau khổ:
- À, nó thì có cái lo lớn của nó. Nó còn đang muốn phấn đấu để có chức, có quyền to hơn. Chẳng biết kiếp trước chúng tôi làm gì có tội mà khi nó lớn lên, nó lại bảo hình như nó không phải con của nhà này. Cho nên nó cũng chẳng lo gì cho chúng tôi cả. Nhưng mà thôi, nó không lo cho chúng tôi thì cũng chẳng sao. Chuyện con cái bỏ mặc bố mẹ, tôi thấy cũng nhiều. Ở làng này cũng có khối người ra đấy.
Diệu Linh thắc mắc:
- Lạ nhỉ? Con tưởng anh ấy là cán bộ thì anh ấy phải có hiểu biết chứ?
Bà cụ nói:
- Đúng là như thế đấy. Chúng tôi cũng nuôi được cho nó học hết đại học, rồi có công việc làm. Mà thôi cô ạ. Con cái bây giờ không làm phiền đến bố mẹ là tốt lắm rồi. Nó chẳng làm phiền gì chúng tôi cả. Chúng tôi cũng không dám làm phiền đến nó. Hai cái thân già này bây giờ sống được ngày nào hay ngày ấy. Chúng tôi cũng chỉ mong sao đi sớm đi. Tôi nói thì cô cũng đừng trách chúng tôi người già lẩm cẩm. Tôi lo lắm. Người ta bảo là những người bị lẫn với quên thì lại sống lâu. Mà tôi thì hình như bị trời đày hay sao mà bắt tôi cái gì cũng nhớ. Tôi cũng khổ lắm. Biết lắm, nhớ lắm cái vui, cái buồn. Bây giờ tôi mà chết trước ông ấy thì ông ấy khổ quá.
Diệu Linh nói:
- Thế sao hai cụ không bảo anh con trai đưa ra ngoài Hà Nội? Anh ấy là cán bộ thì chắc cơ ngơi ở ngoài đấy cũng phải khá chứ?
Bà cụ:
- Tôi cũng nghe nói nó làm đến Phó chủ tịch hay Chủ tịch quận, huyện gì đó. Chức cũng to, nhà cửa cũng nhiều, cơ ngơi khang trang, cũng lắm tiền nhiều của. Nhưng mà hình như nó nghĩ chúng tôi không phải là người đẻ ra nên nó cũng bỏ mặc.
Diệu Linh hỏi:
- Thế các cháu nội có hay về đây chơi với hai cụ không ạ?
Bà cụ nói buồn buồn:
- Cũng có. Có một thằng cháu đích tôn với người vợ trước của nó. Chúng nó bỏ nhau rồi. Mà khổ quá. Con đẻ thì chẳng ra gì, nhưng con dâu thì tốt quá đi mất. Vài tuần mẹ con nó lại về đây thăm chúng tôi. Nghĩ thương con bé quá. Người tử tế như thế, chẳng hiểu tại sao thằng nhà tôi lại ruồng rẫy người ta bằng được. Tôi cũng nghe người làng nói là gần đây nó lại lấy vợ mới rồi. Nghe người ta bảo là lấy cái cô nào ấy đẹp lắm.
Bà cụ ngắm Diệu Linh rồi nói:
- Người ta bảo rằng là cô ấy đẹp, mà tôi nghĩ có khi phải đẹp như cô ấy.
Diệu Linh cố ngăn dòng nước mắt chực trào ra:
- Con thì có gì đâu mà đẹp.
Bà cụ nhìn Diệu Linh:
- Không, cô đẹp thật ấy chứ. Nhưng mà đẹp lắm thì khổ cháu ạ. “Hồng nhan đa truân” mà. Vợ trước của nó cũng hiền hậu, đứng đắn, thương chúng tôi lắm. Thôi thì số kiếp của chúng nó không ở được với nhau, chúng tôi cũng buồn, nhưng biết làm thế nào được.
Diệu Linh gượng hỏi:
- Thế từ ngày anh ấy lấy vợ mới, anh ấy chưa đưa con dâu về ra mắt hai cụ ạ?
Bà cụ lắc đầu:
- Không. Nó không đưa về đâu. Nó sợ đưa về thì xấu hổ vì chúng tôi ở nhà quê, nghèo túng. Nhưng tôi nghĩ không phải chỉ vì việc ấy đâu. Chắc là có việc gì đó. Mà thôi cô ạ, lần đầu gặp cô mà cứ đem chuyện nhà ra kể. Cô thông cảm. Cô thứ lỗi cho người già, nhiều khi lẩm cẩm.
Diệu Linh buồn bã:
- Không sao đâu, cụ ạ. Cụ ơi, cụ cho con đi thăm vườn một tý nhé.
Bà cụ nói:
- Vâng ạ, cô cứ tự nhiên. Bây giờ đang mùa ổi chín đấy.
Rồi bà gọi một đứa cháu trai:
- Này, thằng cu. Cháu dẫn cô ra vườn, xem có quả ổi nào ngon thì trèo lên trẩy cho cô ấy mấy quả để cô ấy mang đi nước ngoài làm quà.
Diệu Linh ra vườn, ngắm những cây ổi, cây bưởi.
Bà cụ ở trong nhà mở túi quà thấy có một phong bì, bà cụ mở ra xem và giật mình vì thấy có nhiều tiền quá. Bà đếm chỗ tiền, rồi lại xếp vào phong bì, để vào túi.
Diệu Linh ra vườn được thằng bé hái cho mấy quả ổi chín.
Cô cầm quả ổi đi vào, hít hà và nói:
- Ổi thơm quá cụ ạ. Con thấy ở Hà Nội cũng bán ổi nhưng mà chẳng có mùi vị gì cả.
Bà cụ khoe:
- Đúng rồi. Đây là mấy cây ổi lòng đào tôi còn giữ lại. Có đứa nó cũng bảo tôi chặt cây này đi, trồng cái loại ổi gì mà quả to như cái bát ấy. Nhưng mà tôi ăn thử rồi, chỉ được cái to quả chứ ăn chẳng ra gì.
Rồi bà cụ lại nói:
- Này cô, tôi nói thế này khí không phải, cô tha lỗi cho tôi. Cô cho tôi quà bánh kẹo như thế này là tôi rất cảm ơn cô. Nhưng mà cô cho tôi nhiều tiền thế này thì nói thật với cô là tôi không dám nhận.
Diệu Linh:
- Ôi, có gì đâu cụ. Con biếu hai cụ ít tiền để cụ mua đồng quà, tấm bánh. Con biết là hai cụ bây giờ ăn uống chắc cũng chẳng được bao nhiêu. Thôi thì để mua cho các cháu.
Bà cụ nói:
- Thôi, thế này nhé. Cô cho tôi thì tôi xin nhận, nhưng mà tôi chỉ nhận một ít thôi.
Nói rồi, bà cụ mở phong bì, lấy ra một tờ 500 nghìn, rồi đưa lại phong bì cho Linh.
Diệu Linh không chịu.
Cô để lại phong bì vào túi quà và nói:
- Cụ ơi, con ở bên kia kinh tế cũng khấm khá. Con về đây, được nghe bà con nói về hai cụ, gọi là có chút lòng thành biếu hai cụ. Xin cụ đừng từ chối.
Rồi bỗng nhiên Diệu Linh rưng rưng nước mắt. Cô muốn thốt lên và ôm lấy bà cụ để gọi câu “mẹ ơi” nhưng cổ họng cứ nghẹn lại.
Cô vội vàng đứng dậy và nói:
- Thôi, con xin phép cụ. Con xin cụ mấy quả ổi, con đi.
Nói xong Diệu Linh chạy vội ra ngoài để ngăn dòng nước mắt đang trào ra. Ra đến ôtô, cô mở vội cửa xe, chui vào trong, rồi gục đầu vào hai bàn tay khóc nức lên từng hồi.
***
Từ hôm ấy, Diệu Linh nhìn chồng như nhìn một con quái vật. Cô sợ hãi Nhật Chiêu mọi thứ. Đến nụ cười của anh ta cũng khiến cô sợ.
Đối với Diệu Linh lúc này, Nhật Chiêu đúng như là một con thú không hơn không kém. Diệu Linh không còn một chút cảm tình gì với Chiêu. Diệu Linh dửng dưng xa lạ. Nhưng hình như Nhật Chiêu không nhận ra sự thay đổi tình cảm đó ở Diệu Linh. Nhật Chiêu vẫn cười cười nói nói và vẫn đưa tiền cho Diệu Linh theo kế hoạch chi tiêu hằng tháng. Và mỗi khi có nhu cầu, Nhật Chiêu lại đè nghiến Diệu Linh ra, không cần biết cô có ưng thuận hay không. Những lúc ấy Diệu Linh có cảm giác như bị cưỡng hiếp. Diệu Linh không biết làm thế nào để thoát ra được cảnh này. Không phải vì cô tham tiền bạc của anh ta. Chẳng có một cái gì của anh ta có thể níu kéo Diệu Linh. Nhưng cô biết, từ khi mình lấy chồng, bố cô đã khỏe hơn. Bởi dù thế nào thì con gái mình cũng đã từng có nhiều chuyện như vậy, bây giờ lại lấy được chồng có địa vị, được xã hội nể trọng. Đó là điều ông không mong gì hơn. Em trai Diệu Linh chỉ còn vài tháng nữa là được ra tù trước thời hạn. Quân cũng rất mừng vì chị mình lấy được một người chồng có địa vị.
Mỗi lần Diệu Linh về nhà, ông Tường lại hỏi:
- Hai vợ chồng sống với nhau ổn chứ? Thôi, cố gắng mà giữ gìn con ạ. Bố thấy thằng Chiêu rất được. Nó lấy con và không nghĩ gì đến quá khứ trước đây của con. Thế là người đàn ông đại lượng. Con thì cũng phải chăm lo cho gia đình, sinh con đẻ cái, rồi phải vun vén cho sự nghiệp của nó. Phụ nữ khi có sắc đẹp, khi đang đương chức đương quyền thì cứ lấy công việc làm vui, quên đi thiên chức của người phụ nữ là chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái. Đến lúc bừng tỉnh, thấy tay trắng thì lúc ấy hối cũng không kịp nữa.
Diệu Linh không dám hé răng kể với bố bất cứ điều gì phàn nàn. Cô luôn tỏ ra là cô và Nhật Chiêu luôn hạnh phúc. Thỉnh thoảng, Diệu Linh lại đưa Chiêu về nhà ăn cơm với bố.
(Xem tiếp kỳ sau)
Ngày đăng: 06:00 | 11/02/2018
Nguyễn Như Phong / Năng Lượng Mới