Sau ba ngày nghỉ vì phải đợi cơ quan thanh tra của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xem xét kịch bản theo nội dung đơn thư tố cáo, đoàn làm phim lại tiếp tục quay.

hong nhan da truan ky 47 Hồng nhan đa truân (Kỳ 46)

Khi đi cùng ông Cường đến đâu, Hữu Tùng và bà Thanh cảm thấy mình ở đây cũng bằng thừa nên họ lẳng lặng ra ...

hong nhan da truan ky 47 Hồng nhan đa truân (Kỳ 45)

Có tiếng chuông cửa. Ông Cường ra mở cửa. Có hai cán bộ đứng ngoài cổng. Một người thì ông không còn lạ gì, đó ...

Ông Cường trợn mắt nhìn con trai:

- Chơi bời là thế nào? Hôm nay đoàn làm phim nghỉ vì ở trên nó đòi thanh tra kịch bản. Tao, chú Tùng và cô Thanh đi sang nhà trẻ của Diệu Linh chơi, rồi ăn cơm ở đấy. Tiện thì nó chở bố về.

Thành nói ngất ngưởng:

- À, thì con tưởng bố đi chơi với chị ấy. Thế cũng tốt chứ sao ạ.

Ông Cường nhìn con trai:

- Ơ, cái thằng này, mày ăn nói hay nhỉ?

Thành nói tỉnh như không:

- Ấy là con nói thế. Chứ bây giờ bố mà nên duyên được với Diệu Linh thì trái đất này sập.

Thành mỉm cười tinh quái và nói tiếp:

- Lúc ấy thì báo chí tha hồ có chuyện để nói.

Ông Cường bật cười:

- Ừ, nếu thế thì đúng là trái đất này sập thật.

Nói chuyện đến đấy thì có tiếng còi ngoài cửa.

Ông Cường ra mở cửa thì thấy Bình và chồng đến.

Ông ngạc nhiên:

- Ơ, sao giờ này mà chúng mày về nhà, có việc gì đấy?

Bình nhìn bố và nói đùa:

- Ơ, sao giờ này bố lại về nhà? Bố đang ở đoàn làm phim cơ mà.

Biết con gái và con rể về giờ này là có chuyện không hay. Ông hỏi:

- Chúng mày về đột ngột thế này là có chuyện gì? Đừng có nói là cháu tao ốm đấy nhé.

Bình bật cười:

- Bố yên tâm. Thằng cháu ngoại bố khỏe lắm.

Ông vội vàng:

- Phỉ phui vào mồm mày. Hôm nọ, tao nhìn thấy nó có vẻ gầy. Mà nghe nói thằng Thiệu bắt nó ăn dầu mà không cho ăn mỡ phải không?

Thiệu nói:

- Vâng bố ạ. Bây giờ ai ăn mỡ lợn nữa đâu.

Ông Cường lắc đầu:

- Chúng mày đúng là chẳng hiểu biết gì cả. Trẻ con là phải cho ăn mỡ lợn. Người già ăn dầu là chống động mạch vành, chứ trẻ con thì phải cho ăn mỡ lợn. Trong mỡ lợn có chất làm tăng trí thông minh cho não, làm cho não phát triển.

Bình nói:

- Đấy, anh thấy chưa. Em đã nói rồi. Tại sao cứ bắt con trẻ ăn theo cách ăn của người già. Rồi suốt ngày bắt nó phải uống sữa. Em thấy đâu cần phải như thế. Mà bây giờ lấy đâu ra sữa tươi. Toàn bọn lừa đảo. Hôm vừa rồi bọn em đi Ba Vì, hỏi mua sữa tươi thì người ở trên đấy người ta nói ngay bảo mua về uống thì uống thôi, chứ lấy đâu ra sữa tươi. Ở Ba Vì có bao nhiêu con bò mà lấy sữa đi bán khắp thế gian như thế.

Thiệu nói:

- Vâng vâng, từ nay con cho nó ăn mỡ lợn. Nhưng mà bố ạ, thịt lợn bây giờ cũng toàn lợn tăng trọng. Rau thì toàn thuốc kích thích. Gà, vịt nuôi bằng cám tăng trọng, cá trong hồ cũng cho ăn toàn đồ tăng trọng. Thế thì bố bảo con trẻ con bây giờ sống thế nào ạ? Nó cũng tăng trọng còn gì nữa. Đứa nào cũng béo chút cha chút chít. Ngày xưa, người ta bảo “Nữ thập tam, nam thập lục” - con gái mười ba, con trai mười sáu tuổi mới dậy thì. Bây giờ, mười tuổi khối đứa đã tập tọe yêu rồi bố ạ.

hong nhan da truan ky 47

Ông Cường nói:

- Cũng biết thế. Nếu cứ nghĩ như mày thì tự săn bắt, hái lượm, tự nuôi lấy mà ăn. Thôi thì thử đi hỏi xem người ta có cách nào khử độc tố ở trong thịt hay không? Rồi mua thịt lợn về cho thằng bé nó ăn. Bố thấy nó gầy đi thế thì không được.

Ông Cường hỏi con rể và con gái:

- Sao, thế trưa nay chúng mày về đây đột xuất như thế này làm gì? Chắc là không phải về thăm bố đấy chứ?

Bình nói:

- Bố ạ, con về bàn với bố là con sẽ đi sang Đức mấy hôm.

Ông Cường bảo:

- Có chuyện gì? Con sang làm gì? Đi du lịch à?

Bình lắc đầu:

- Không phải ạ. Thôi anh Thiệu nói cho bố nghe đi.

Thiệu kể:

- Hôm nay con lên văn phòng Interpol có việc. Chị Phó văn phòng biết chuyện mẹ đang làm ăn ở bên đấy. Chị ấy có đưa cho con xem một tập hồ sơ, trong đó có nói về một vụ người Việt ở bên đấy lừa đảo, bắt cóc, tống tiền. Một nạn nhân trong vụ lừa đảo ấy bị chúng nó lừa mất hết sạch cơ nghiệp mà bây giờ không biết kêu ai, kiện ai. Người đó... chính là mẹ.

Ông Cường nói dửng dưng:

- Làm ăn kinh tế mà dại dột thì chết. Biết làm thế nào? Bị nó lừa thì bây giờ phải đi kiện chứ còn gì nữa.

Thiệu nói:

- Bố bảo bây giờ kiện ai ở bên đấy? Nghe chị ấy nói thì tình cảnh của mẹ ở bên đấy giờ khó khăn vô cùng. Mẹ đang nợ ngân hàng, bị siết nợ, lấy hết cả nhà cửa. Nghe nói ngày trước mẹ cũng mua được cái nhà nhưng cũng mất hết. Cửa hàng, cửa hiệu thì bị chúng nó lừa mất sạch. Bây giờ phải sống bằng tiền trợ cấp hằng tháng của Chính phủ Đức.

Ông Cường bảo:

- Thế bây giờ chúng mày sang thì giải quyết được việc gì?

Bình nói rụt rè:

- Hôm qua con cũng nói chuyện với mẹ. Mẹ chỉ khóc thôi.

Ông Cường hỏi:

- Thế mẹ mày bảo làm sao?

Bình nói:

- Mẹ bảo mẹ muốn về Việt Nam. Sức khỏe của mẹ bây giờ cũng yếu. Nhưng mẹ về cũng chẳng còn mặt mũi nào nhìn bố.

Ông Cường hỏi:

- Thế ý chúng mày thế nào?

Bình nói giọng chao chát:

- Nhiều lần bố cũng dạy chúng con là chuyện của bố với mẹ như thế nào là chuyện của hai người, còn chúng con vẫn phải giữ phận làm con. Vẫn phải lo báo hiếu. Nhưng mà con nói thực là con không muốn bà ấy về.

Ông Cường hỏi:

- Tại sao?

Bình nói:

- Lúc khó khăn, nhà chạy ăn từng bữa, bố phải bán cả cái xe cọc cạch để lấy tiền chữa bệnh cho con. Bà ấy đi lao động nước ngoài ngày ấy cũng kiếm ra được nhiều tiền, nhưng bà ấy giúp mấy bố con ở nhà được cái gì? Rồi sang bên đó chỉ được có 6 tháng bà ấy đã ở với người khác. Dù bà ấy đẻ ra chúng con thật, nhưng con thấy bà ấy không xứng để chúng con gọi là mẹ.

Thành đẩy xe đến và nói:

- Đúng đấy bố ạ. “Gieo nhân nào thì gặt quả ấy”.

Ông Cường thừ người ra, bỗng ông nói gằn giọng:

- Bố yêu cầu các con không được nói những lời đó đối với mẹ.

Bình nói:

- Nhưng mà không nói thì tức lắm. Không chịu được.

Ông Cường lắc đầu:

- Không được nói như thế, các con ạ. Mẹ con phụ bạc bố thế nào thì cũng là chuyện của bố với mẹ. Thực ra, chuyện mẹ con đi với người khác, bỏ bố thì bố nghĩ rằng chuyện ấy mẹ con không đáng trách. Chúng mày thấy đấy, mẹ mày đẹp như thế, ngày xưa cũng là một diễn viên có tiếng đấy chứ. Thế mà đi cạnh một thằng chồng người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm, mặt mũi như thế này thì chịu làm sao được. Bố thì đi quanh năm suốt tháng, hết làm phim phía bắc, rồi lại làm phim phía nam. Mang tiếng là đạo diễn có danh tiếng thật đấy, nhưng tiền nong bố mang về cho mẹ mày được bao nhiêu. Mục đích mà mẹ con phải đi kiếm sống vào thời đấy thì cả nước này như thế. Lúc ấy ai chẳng mong được đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Bao nhiêu cán bộ bỏ đi đấy thôi, trong đó có rất nhiều người danh giá. Cho nên thôi, chuyện cũ qua rồi. Chúng mày đừng có nhắc đến nữa, cũng không bao giờ được buông những lời phụ bạc về mẹ như vậy. Bố thử hỏi nếu không có mẹ thì liệu bây giờ chúng mày có mặt trên đời này không? Có ngồi đây để nói chuyện với bố được không?

Bình không chịu!

- Đẻ con ra thì dễ, chứ để con cái gọi bằng mẹ, bằng cha thì không đơn giản đâu. Không phải ai sinh con ra cũng xứng đáng là cha, là mẹ.

Ông Cường gật đầu:

- Bố đồng ý quan điểm đấy. Nhưng các con phải đặt mình vào hoàn cảnh của mẹ con. Thôi, chuyện đấy cứ từ từ đã. Mà mày sang Đức để làm gì? Mày nói về mẹ như thế, mày sang để làm gì nữa?

Bình nói:

- Thật ra con sang vì nghe nói cơ nghiệp của mẹ mất đi ở bên đấy cũng khoảng 3 triệu Euro. Con và nhà con có một anh bạn rất thân đang phụ trách về người Việt Nam ở khối Đông Âu. Con muốn sang để nhờ anh ấy giúp. Mẹ cũng muốn con sang để giúp mẹ chuyện đấy.

Ông Cường:

- Nếu mà con sang mà giúp mẹ được chuyện ấy thì con sang. Bố nhắc lại. Nếu con giúp được mẹ con thì giúp, chứ đừng sang buông những lời bạc bẽo.

Nghe ông Cường nói như thế, Bình và Thành cũng cảm thấy xấu hổ.

Bình cúi đầu:

- Vâng. Con xin lỗi bố.

Nhân lúc Bình chạy vào trong nhà, Thiệu hỏi ông Cường:

- Thật ra là như thế này bố ạ. Con bảo nhà con sang không phải để đòi tiền về. Không đòi được đâu. Cái chính là con muốn nhà con sang để kiểm tra xem mẹ sống ở bên đấy như thế nào, nếu mà khó khăn quá, hay không an toàn thì nói với mẹ nên về nước.

Ông Cường nhìn con rể bằng ánh mắt hài lòng:

- Thế sao con không đi?

Thiệu nói:

- Bố ơi, chúng con là công an. Đi nước ngoài phức tạp lắm. Thủ tục vô cùng nhiêu khê. Cứ để nhà con đi thôi.

Bình quay vào nhà, ông Cường nói:

- Thôi tùy các con, chúng mày tính sao cho phải đạo thì làm. Bố đi nghỉ một lát đây.

***

Ông Cường lên phòng nhưng không ngủ được. Ông hình dung ra cái ngày cách đây gần 20 năm, ông cùng với Bình và Thành - lúc còn bé tý, đi tiễn vợ ở sân bay Nội Bài lên đường đi xuất khẩu lao động ở Đức. Hồi ấy Đông Đức chưa sụp đổ. Những ai được đi xuất khẩu lao động ở Đức ngày ấy là những người may mắn, có cơ hội để cứu thoát gia đình.

Trước dòng người đông đúc, bà Vân ôm lấy hai con khóc nức lên:

- Thôi em đi, mình ở nhà. Em sang sẽ cố gắng lao động, chắt bóp tằn tiện gửi tiền về để mình giữ. Chứ sống thế này khổ quá.

Ông Cường động viên vợ:

- Rồi, em cứ đi đi. Anh ở nhà chăm sóc chúng nó được mà.

Ông Cường lại hình dung ra cái ngày ông nhận được thùng hàng của vợ ở bên kia gửi về. Cả nhà sáng mắt lên khi thấy những bánh xà phòng thơm, rồi một chiếc xe đạp Mifa, rồi những tấm vải, quần áo… thậm chí cả cái chổi lau nhà. Tất cả những thứ đồ dùng ấy sao với ông lúc ấy nó lại quý giá đến thế. Một chiếc xe đạp Mifa ông bán đi là đủ tiền mua cái mảnh đất ngày hôm nay ông đang ở. Ông phải mang đi bán từng bánh xà phòng vợ gửi về, rồi bán từng bộ xích, líp xe đạp.

Rồi ông lại nhớ lại lần bà về nhà và đặt lên bàn một mớ tiền Deutsche Mark (Mác) của Đức hồi ấy.

Bà nói:

- Anh cầm lấy chỗ tiền này.

Ông Cường ngạc nhiên nhìn vợ khi thấy nhiều tiền như thế.

Ông hỏi:

- Sao em không mang sang bên kia mà làm ăn?

Bà lặng đi một lúc, rồi nói:

- Mình cứ bỏ tiền vào túi đã. Em có chuyện này muốn thưa với mình.

Ông Cường linh cảm ra ngay cái điều ấy. Trước đó, ông đã nghe loáng thoáng thông tin bà sống cùng một người đàn ông từng là sinh viên ở Đức. Khi thấy lần này về bà có những nét gượng gạo, ông đã linh cảm thấy chuyện không hay.

Ông đẩy tập tiền cho bà và nói:

- Tôi biết mẹ nó định nói gì. Thật ra thì chuyện mình ở bên Đức sống với người khác tôi cũng đã nghe. Nhưng mà tôi nghĩ rằng, mình ở nơi đất khách quê người cô đơn như thế mà có người để dựa vào làm ăn, sinh sống thì cũng tốt. Tất nhiên, chẳng ai muốn vợ mình như thế cả. Nhưng tôi đã biết từ lâu mình không còn tình cảm với tôi nữa. Mình đi bên cạnh tôi cũng thấy xấu hổ. Tôi thì người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm như thế này.

Bà Vân gục đầu xuống, khóc nức lên từng hồi.

Rồi một hồi lâu, bà nói:

- Thôi, em xin mình tha lỗi cho em.

Nói xong bà lảo đảo chạy ra ngoài.

Mấy hôm sau bà lên đường sang Đức, rồi từ đó không quay trở về nữa.

Nghĩ đến chuyện vợ, ông Cường thấy nhói lòng.

Ông lại hình dung ra ngày ông với bà yêu nhau, ngày ông đi vào chiến trường miền Nam. Bà lúc ấy là sinh viên của Trường đại học Tổng hợp văn. Bà tiễn ông ra bến tàu lên đường vào Nam. Bà dúi vào tay ông một chiếc khăn mùi xoa có thêu chữ “C” và “V” lồng vào nhau.

Mặc dù rất đông người, nhưng bà vẫn vít ông xuống, hôn lên má, rồi nói với ông:

- Anh đi mạnh khỏe nhé! Em sẽ chờ anh về.

***

Nghĩ đến vợ, trong lòng ông thấy nao lên một nỗi vừa buồn, vừa thương, vừa giận. Đúng lúc ấy thì có tiếng chuông điện thoại.

Ông nghe và thấy tiếng của Diệu Linh ở đầu bên kia reo lên:

- Chú ạ, cháu đã hỏi rồi. Các anh ấy đã xem kịch bản chú đưa rồi ạ.

Ông Cường hỏi:

- Ai đã xem? Chú mới đưa lúc sáng nay thôi mà.

Diệu Linh nói:

- Dạ, chú Phượng - Thứ trưởng bắt là phải xem ngay. Mọi người đang xem và thấy rằng nó không đúng như những gì đơn tố cáo. Theo cháu, chiều nay chú cứ tiếp tục quay đi ạ.

Ông Cường:

- Thế thì tốt quá. Nhưng mà thôi, cứ để chờ xem họ trả lời thế nào. Cho đoàn làm phim nghỉ 1, 2 ngày cũng được cháu ạ.

Diệu Linh:

- Dạ, vâng. Kế hoạch quay mới như thế nào thì chú bảo anh Tùng nhắn cho cháu biết nhé. Tuần này cháu cũng đang bận chuẩn bị cho các cháu đi thi ở trên quận.

Ông Cường:

- Ừ, cháu cố gắng sắp xếp đến với đoàn. Mấy cô diễn viên chỉ mong cháu đến thôi.

Diệu Linh trả lời:

- Dạ, vâng ạ.

Ông Cường tắt máy.

Tự nhiên hình ảnh của Diệu Linh cứ ám ảnh lấy ông: Những lúc Diệu Linh chỉ đạo diễn xuất, những lúc cô mang cho ông cốc nước, những lúc cô làm cho ông bát mỳ ăn liền ở hiện trường quay... Rồi hình ảnh người vợ đang khổ sở ở nơi đất khách quê người làm ông cứ bị giằng xé.

***

Sau ba ngày nghỉ vì phải đợi cơ quan thanh tra của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xem xét kịch bản theo nội dung đơn thư tố cáo, đoàn làm phim lại tiếp tục quay.

Buổi sáng, tại hiện trường, ông Cường họp tất cả đoàn làm phim.

Ông cầm một mảnh giấy của Cơ quan Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa lên và nói với mọi người:

- Bây giờ các anh chị yên tâm rồi nhé. Chúng ta lại tiếp tục làm. Tôi đề nghị mọi người phải tăng tốc độ lên để bù lại ba ngày vừa rồi. Tuy nhiên, trong các cảnh quay này, anh Tùng và cháu Diệu Linh sẽ giúp tôi chỉ đạo diễn xuất. Tôi sẽ xem lại phần cuối kịch bản. Có lẽ phải sửa chữa đôi chút.

Phương Minh cười tinh quái, rồi nói với một diễn viên khác:

- Có lẽ từ giờ đến hết phim, chị Diệu Linh sẽ làm đạo diễn thôi.

Phó đạo diễn Hữu Tùng nói:

- Cảnh quay sáng nay sẽ để Diệu Linh chỉ đạo diễn xuất. Mọi người bắt tay vào việc.

Đoàn làm phim lại tiếp tục làm việc với tốc độ khẩn trương.

Diệu Linh xem lại kịch bản, rồi trao đổi với Phương Minh. Họ vừa trao đổi với nhau và không hiểu có chuyện gì vui mà Diệu Linh, Phương Minh, cùng diễn viên đóng vai Chủ tịch quận cười rúc rích.

9giờ sáng, cảnh quay bắt đầu.

Diệu Linh cầm loa pin, chỉ đạo diễn xuất như một đạo diễn đã nhiều năm kinh nghiệm.

Tiếng cô oang oang:

- Thư ký trường quay đâu.

Anh nhân viên thư ký trường quay “dạ” một tiếng rõ to.

Diệu Linh chỉ đạo:

- Kiểm tra trang phục với bối cảnh trước.

Anh thư ký trường quay cầm sổ và một bản ảnh, soi vào các diễn viên.

Diệu Linh lại chỉ đạo:

- Đạo cụ kiểm tra. Bố trí cảnh.

Nhân viên đạo cụ ra kiểm tra lại xem các cảnh có giống cảnh quay trước không.

Mọi người kiểm tra xong, anh thư ký trường quay nói:

- Xong rồi, chị ạ.

Diệu Linh nhìn anh diễn viên đóng vai Chủ tịch Chiêu và hỏi:

- Có đúng không? Chắc chắn không?

Anh thư ký trường quay:

- Chắc chắn ạ.

Diệu Linh nói:

- Anh làm ơn nhìn lại hộ tôi cái đồng hồ. Tôi nhớ không nhầm thì trong bối cảnh trước, cách đây ba hôm, anh ấy đeo đồng hồ quai da. Hôm nay lại đeo đồng hồ dây vàng chóe thế kia là thế nào?

Người diễn viên đóng vai Chiêu ngượng ngập:

- Thôi chết, tôi quên mất.

Diệu Linh nhắc thư ký trường quay:

- Như vậy đây là lần thứ ba anh không nhớ về trang phục của diễn viên đấy nhé. Tôi đã nói là anh phải ghi chép rất cẩn thận, mà phải đối chiếu với bản ảnh rồi.

Anh thư ký trường quay đến gần Diệu Linh:

- Chị ơi, chị nói khẽ thôi. Bác Cường nghe thấy là chết em đấy. Em xin lỗi. Em nhớ rồi. Em sẽ rút kinh nghiệm.

Diệu Linh véo tai anh ta:

- Lúc nào cũng rút kinh nghiệm. Rút kinh nghiệm gì đến ba lần thế.

Diệu Linh cầm loa pin:

- Thử lần thứ nhất. Chuẩn bị. Cảnh 650. Đúp 1. Chuẩn bị. Máy. Bắt đầu!

(Xem tiếp kỳ sau)

Ngày đăng: 06:00 | 03/02/2018

Nguyễn Như Phong / Năng Lượng Mới