Khi đi cùng ông Cường đến đâu, Hữu Tùng và bà Thanh cảm thấy mình ở đây cũng bằng thừa nên họ lẳng lặng ra xe và về luôn.

hong nhan da truan ky 46 Hồng nhan đa truân (Kỳ 45)

Có tiếng chuông cửa. Ông Cường ra mở cửa. Có hai cán bộ đứng ngoài cổng. Một người thì ông không còn lạ gì, đó ...

hong nhan da truan ky 46 Hồng nhan đa truân (Kỳ 44)

Diệu Linh về đến nhà. Cảnh nhà hiu quạnh, ông Tường buồn bã. Cứ thấy nén hương trên ban thờ vợ vừa hết, ông lại ...

Bà Thanh - Chủ nhiệm đoàn phim nói:

- Thôi, ông anh thông cảm. Các em, các cháu bây giờ cứ nghe đồn đại cái gì là sợ cái nấy. Anh thấy đấy, báo chí đưa cái tin là “trứng gà làm bằng chất dẻo” thế mà cũng tin sống tin chết, thế là tẩy chay trứng. Ngày nay sinh ra lắm thứ báo quá, mọi thông tin chẳng biết đúng sai cứ tràn lan trên mạng theo tính bầy đàn, cứ một tờ đưa là bao nhiêu tờ khác theo nên trước bất cứ thông tin gì, người ta có đủ lý trí để xem xét là đúng - sai, logic hay không logic đâu, cho nên ông anh đừng trách các cháu nữa.

Rồi bà Thanh đứng lên nói tiếp:

- Các cháu cứ yên tâm. Bộ phim này không dính gì đến chuyện “chính trị, chính em” cả. Các cháu đừng nghe những lời đồn đại.

Ông Cường hỏi:

- Tôi hỏi các bạn nhé. Những bạn nào thấy sợ hãi, không muốn đóng phim nữa thì giơ tay lên.

Mọi người ngồi im.

Cuối cùng, một diễn viên đứng lên rụt rè nói:

- Bác là đạo diễn bao nhiêu năm, bác còn lạ gì nữa. Bất kỳ cái gì có tác động nho nhỏ đến tâm tư, tình cảm của nguời diễn viên thì nó đều ảnh hưởng. Chúng cháu thì chẳng sợ gì cả, nhưng mà cứ thấy gai gai thế nào ấy. Giống như mình đang đi thì có cái dằm đâm vào chân.

Ông Cường bật cười trước câu nói của anh diễn viên:

- Thôi, hôm nay chúng ta tạm nghỉ. Tôi cũng không muốn quay phim trong không khí như thế này. Ngày mai chúng ta tiếp tục cảnh này. Nhưng để bù cho ngày hôm nay thì Chủ nhật này các bạn đừng nghĩ đến chuyện nghỉ nữa nhé.

Ông Cường cho mọi người giải tán. Ông vào trong nhà ngồi thừ ra.

Ông nói với bà Thanh:

- Chị tìm hiểu cho tôi xem tại sao lại có cái việc này?

Vừa lúc ấy tiếng chuông điện thoại reo, ông Cường mở máy thì nhìn thấy số số lạ.

Ông nói nhẹ nhàng:

- Alô, tôi Huy Cường nghe đây.

Đầu dây bên kia là tiếng của Thứ trưởng Phượng:

- Em chào ông anh. Em Phượng đây.

Ông Cường tươi nét mặt:

- À, Phượng à. Anh nghe đây.

Tiếng của Phượng rành rọt:

- Thưa ông anh, em đã hỏi rồi. Chẳng qua là chỗ Cơ quan Thanh tra, Cục Điện ảnh nhận được lắm đơn thư tố cáo về nội dung phim của anh và họ không biết làm thế nào. Mà anh thấy đấy, lại sắp bầu bán đến nơi rồi. Cứ mỗi kỳ như thế này là các quan chức lại rúm cả lại, nói đến đơn thư là run bần bật. Nếu như bộ phim này của anh, làm ra mà không có vấn đề gì thì chẳng ai đả động đến, coi như quên. Nhưng nếu như đến lúc đó mà có vấn đề gì thì họ sẽ bảo rằng, đã có đơn thư tố cáo, mà vẫn cứ làm, rồi thì bất chấp thế này, bất chấp thế kia. Rồi họ sẽ lại bảo hay là lãnh đạo Cục, Thanh tra Bộ “ăn”gì của ông anh để cho làm phim. Đấy, khổ là khổ như thế. Anh em cũng muốn ông anh giúp đỡ, cho xem kịch bản để còn trả lời cái đám đơn thư bố láo ấy là không có gì. Thôi, ông anh nhịn họ một tý.

Ông Cường nói:

- Nói như cậu thì cũng chả có vấn đề gì lớn. Nhưng với tôi thì không được. Nói ra thì lại bảo coi thường họ, nhưng họ có hiểu gì đâu mà đòi duyệt kịch bản.

Phượng nói:

- Thôi ông anh ơi, em hứa với ông anh là ông anh đưa kịch bản cho họ xem, chỉ hai ngày sau là em ốp họ trả lời ông anh ngay. Nhịn đi một tý ông anh ạ. Thời buổi này nó thế. Người ta bảo phải là phải, trái là trái. Bây giờ cán bộ làm gì cũng theo dư luận, có mấy cán bộ dám quyết đoán đâu. Thằng em ông anh là Thứ trưởng đấy, nhưng thực ra có cái quyền phải gió gì đâu. Làm gì cũng phải ngó dưới, xem trên. Thôi ông anh nghe em. Cứ đưa kịch bản cho chúng nó. Em sẽ bảo một đứa đến lấy kịch bản về, hai ngày sau sẽ trả lời ông anh ngay.

hong nhan da truan ky 46

Ông Cường nghe bùi tai:

- Thôi được rồi, chú bảo nó đến đây. Anh đưa kịch bản cho chúng nó xem.

Một lát sau có một chiếc xe ôtô con đến. Hai người tầm tuổi khoảng bốn mươi bước xuống xe.

Một anh nói:

- Dạ, thưa anh. Chúng em muốn gặp đạo diễn Huy Cường.

Ông Cường nói:

- Dạ vâng, tôi đây. Các anh ở đâu?

Anh kia nói:

- Dạ thưa anh, thủ trưởng Phượng bảo chúng em đến xin anh cho mượn kịch bản về để các cơ quan chức năng ngó qua một chút.

Ông Cường bảo Phó đạo diễn Hữu Tùng:

- Hình như trong túi cậu còn một bộ kịch bản phim, cậu đưa cho họ mượn.

Phó đạo diễn Hữu Tùng mở túi, lấy ra một bộ kịch bản phim và nói:

- Các anh mang về cho họ xem, nhưng nhớ là đừng để mất tập nào đấy nhé.

Anh kia nói:

- Dạ vâng, làm sao mà mất được ạ.

Anh ta giở ra và đếm:

- À, có tất cả 25 tập. Em đã nhận đủ.

Hai người kia vừa đi, thì ông Cường gọi giật lại:

- Ơ này, hai anh nhận kịch bản của tôi thì cũng phải cho tôi một cái tờ giấy hay cái gì chứ?

Một anh nói:

- Em xin lỗi bác. Thủ trưởng Phượng bắt bọn em đi ngay nên em chẳng chuẩn bị thủ tục gì cả. Bác là bậc đàn anh của anh Phượng rồi, chúng em không dám làm bậy đâu. Bác cứ yên tâm. Chúng em làm gì không phải với bác, thì anh Phượng lột da chúng em ra.

Nói xong, anh ta ôm tập kịch bản chạy biến lên ôtô, rồi đi luôn.

Ông Cường thở dài sườn sượt, rồi bảo:

- Chán nhỉ? Thôi anh em mình đi uống rượu.

Hữu Tùng nhìn ông ngạc nhiên:

- Ông anh hôm nay sao bi quan thế? Mới có một tý thế này thôi mà đã phải tìm đến rượu giải buồn. Ông anh không nhớ câu “Rút dao chém xuống nước nước càng chảy mạnh, nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm” à?

Bỗng trong đầu Hữu Tùng lóe lên một suy nghĩ.

Hữu Tùng nói:

- Có lẽ bây giờ, em với anh đi chơi với trẻ con là thích nhất.

Bà Thanh nghe thấy thế thì tinh ý hiểu ngay.

Bà đế vào:

- Đúng rồi, đi chơi với trẻ con là thích nhất. Bây giờ cứ phải là già đi chơi với trẻ, trẻ đi chơi với già, chứ chơi đồng hạng khó lắm.

Ông Cường ngạc nhiên:

- Cô nói gì mà lạ thế? Thế nào là già đi chơi với trẻ, trẻ đi chơi với già? Rồi thế nào là đi chơi đồng hạng?

Bà Thanh cười khành khạch:

- Ông anh hay nhỉ? Cứ như trên mây, trên gió ấy. Có nghĩa lúc này anh nên đi chơi với bọn trẻ con. Anh gọi cho con Bình, bảo nó mang cháu ngoại về cho anh. Ông cháu dắt nhau đi chơi, vào công viên. Thế là mọi chuyện đơn giản đi.

Ông Cường:

- Ôi, vợ chồng chúng nó cứ phải cuối tuần mới mang con về, ngày thường thằng bé phải đi mẫu giáo.

Hữu Tùng nháy mắt với bà Thanh:

- Thế thì bây giờ anh em mình đến Trường mẫu giáo Lá Xanh, đến nghe cái Diệu Linh dạy các cháu hát. Mà em nghe nói ông anh ngày xưa cũng biết đàn, biết sáo đúng không?

Nhắc đến tên Diệu Linh, ông Cường lập tức thay đổi thái độ.

Ông cười có vẻ ngượng ngượng:

- Ôi, đàn sáo của tớ ngày xưa ra cái gì đâu. Tớ ngày xưa cũng biết thổi sáo một chút.

Hữu Tùng nói:

- Vâng vâng, khi em còn là lính hợp đồng của xưởng phim đã từng thấy ông anh biểu diễn văn nghệ rồi. Ông anh đã từng thổi sáo để cho cái con bé gì nó hát chèo, đúng không? Những người biết thổi sáo chèo là cao thủ rồi đấy. Thôi, anh em mình đến chỗ cái Diệu Linh, nghe trẻ con nó hát múa cho vui. Quên chuyện làm phim đi một chút có chết ai đâu.

Bà Thanh nói:

- Chú hay nhỉ? Chú biết bây giờ lùi một ngày quay là mất bao nhiêu tiền không? Mấy triệu bạc chứ có ít đâu.

Hữu Tùng dửng dưng:

- Mấy triệu thì ăn thua gì? Cái bà này, có mấy đồng bạc mà cứ làm như là... bị cắt buồng trứng ấy. Thôi, anh em mình đi chơi. Mà chị Thanh cũng đi cùng luôn.

Bà Thanh thấy cũng vui vui:

- Ừ, thì đi.

***

Ba người lên ôtô đến Trường mẫu giáo Lá Xanh. Khi họ đến thì Diệu Linh đang dạy học sinh hát.

Ông Cường đứng ở ngoài, nét mặt rạng rỡ khi nghe thấy tiếng Diệu Linh:

- Nào các con, bây giờ cô hát lại một lần nữa cho các con hát theo nhé!

Diệu Linh hát bài “Xòe bàn tay, đếm ngón tay”.

Nhìn thấy nét mặt rạng rỡ của ông Cường, bà Thanh nháy mắt với Hữu Tùng.

Bà kéo Hữu Tùng lùi ra đằng sau và nói:

- Mày nhìn ông ấy kìa. Khổ không?

Hữu Tùng:

- Chị bảo khổ làm sao?

Bà Thanh nói:

- Đấy, già rồi, đến tuổi này rồi mà còn tương tư. Cái này nó đốt gan ruột mới là chết.

Hữu Tùng bật cười:

- Thì cũng hay chứ sao? Cũng coi như là anh ấy được uống tý rượu. Đàn bà là như rượu ấy. Chị thấy không, cả đời mà chỉ biết uống nước lã thì buồn lắm. Thỉnh thoảng phải có chút rượu thì mới thăng hoa được.

Bà Thanh bĩu môi nhìn Tùng:

- Vâng, thăng với chẳng hoa. Ông thì ngày nào chẳng nốc rượu. Mà ông uống cả rượu nước, rượu... đàn bà. Ông thì cái gì cũng giỏi.

Hữu Tùng cười hì hì:

- Sao mà chị đáo để thế? Em nói thật với chị nhé, đời em rất may khi không phải là chị em trong một nhà với chị. Em mà có bà chị gái như chị thì chắc em chết.

Bà Thanh cười khoái chí:

- Chú mà làm em trai chị thì có khi lại sướng. Nói thế thôi chứ chị gái nào chẳng thương em trai.

Hữu Tùng:

- Thương cái phải gió ấy. Thương như chị thế này à? Hôm nọ, em mới nói chuyện đùa với con Phương Minh một tý mà chị đã lườm với nguýt.

Bà Thanh bật cười:

- Đấy là chị cứ phòng xa. Con bé nó đang như tờ giấy trắng mà vớ phải cái thằng lõi đời như chú, thì không khéo lại nát một đời hoa.

Hữu Tùng:

- Thôi thôi, chị nói gì khiếp quá. Cứ như dao chém vào mặt người ta ấy.

Hai người lùi ra và để ông Cường ngồi chờ.

Diệu Linh dạy các cháu hát xong, đi ra ngoài thì trông thấy ông Cường.

Cô ngạc nhiên và nói:

- Chú đến lúc nào mà cháu không biết?

Ông Cường:

- Ừ. Chú đến lâu rồi.

Diệu Linh hỏi:

- Sao hôm nay không quay phim hả chú?

Ông Cường thở dài:

- Ôi, ở trên nó đang đòi thanh tra. Hay là do mình không có phong bì nên nó cố tình làm khó? Họ đang lấy kịch bản để xem.

Diệu Linh ngạc nhiên:

- Tại sao lại thế nhỉ? Thảo nào, tối hôm qua cháu cũng nhận được thông tin từ bạn cháu nói rằng, nào là cơ quan an ninh văn hóa tư tưởng sẽ vào cuộc xem xét bộ phim này, rồi họ còn nói rằng nếu chiếu bộ phim thì sau này sẽ bôi nhọ tất cả các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam. Nếu mà suy diễn như thế thì chết.

Ông Cường nói:

- Đấy, thế mới khổ.

Diệu Linh hỏi:

- Chú đi một mình ạ?

Ông Cường:

- Không, còn thằng Tùng với bà Thanh nữa.

Diệu Linh chạy ra ngoài thì không thấy hai người đâu.

Ông Cường cũng ra ngoài:

- Quái lạ nhỉ? Nó vừa ở đây, mà đã biến mất rồi.

Thật ra khi đi cùng ông Cường đến đâu, Hữu Tùng và bà Thanh cảm thấy mình ở đây cũng bằng thừa nên họ lẳng lặng ra xe và về luôn.

Ông Cường nhìn đồng hồ, thấy đã hơn 10 giờ, ông hỏi:

- Cháu dạy các bé đến mấy giờ?

Diệu Linh:

- Cháu dạy các bé thì làm gì có giờ giấc đâu ạ. Sắp đến giờ cho các cháu ăn rồi ạ. Trưa nay chú ở đây ăn cơm với cháu nhé! Ăn cơm cùng với các cháu ở đây vui lắm ạ!

Ông Cường đồng ý ngay:

- Ừ. Thế thì tốt quá. Trưa nay cho chú báo một suất nhé.

Diệu Linh chạy ra ngoài nói với Nhân:

- Nhân ơi, em chuẩn bị nhé. Trưa nay có chú Cường ăn cơm ở đây với chị em mình.

***

Diệu Linh, Nhân cùng các cô phục vụ cho các cháu ăn cơm.

Diệu Linh đưa cho ông Cường một bát cơm, canh và bảo ông:

- Chú thử xúc cho các bé ăn xem ạ.

Ông Cường mang bát cơm ra cạnh một bé gái:

- Nào, cháu ông ăn ngoan nào. Ông xúc cho cháu nhé!

Đứa bé khoảng 4 tuổi nhìn trân trân vào ông Cường rồi bỗng rú lên:

- Mẹ ơi! Mẹ ơi!

Mọi người ngơ ngác.

Ông Cường nói:

- Sao cháu lại thế? Ông có làm gì cháu đâu.

Diệu Linh và Nhân hốt hoảng chạy ra.

Diệu Linh nói:

- Ôi, con làm sao mà lại khóc thế? Ông yêu con cơ mà.

Con bé vẫn rú lên khóc và chỉ vào mặt ông Cường.

Lúc này ông Cường mới bừng tỉnh. Ông vội vàng đặt bát cơm xuống, rồi lủi thủi đi ra ngoài.

Diệu Linh hiểu ngay rằng cháu bé nhìn thấy mặt ông Cường nên sợ quá.

Chờ cho ông Cường đi ra hẳn bên ngoài, Diệu Linh bảo Nhân cho cháu bé ăn, rồi cô chạy ra an ủi ông:

- Ở đây các bé nó toàn thấy các cô. Tự nhiên thấy đàn ông nên nó sợ.

Ông Cường cười như mếu:

- Không phải đâu. Nó không sợ đàn ông đâu. Nó sợ cái mặt của chú đấy. Thế mới biết là cái mặt của chú nó khủng khiếp đến thế nào.

Nói đến thế, ông Cường lặng người đi.

Diệu Linh an ủi ông:

- Trẻ con thì sợ thôi, chứ người lớn thì ai sợ. Chú chờ cháu một tý nhé. Cháu cho các bé ăn cơm xong, rồi chú cháu mình ăn cơm ạ.

Ông Cường nói:

- Ừ, cháu cứ cho các bé ăn đi.

Ông Cường lững thững đi dạo trong khuôn viên nhà trường.

Một lát sau, Nhân chạy ra:

- Cháu mời chú vào xơi cơm ạ!

Ông Cường ăn cơm cùng Linh, Nhân và một cô giáo nữa. Các cô giáo khác ngồi ăn ở bàn bên cạnh. Có mấy cô giáo khác nữa thì dỗ các cháu đi ngủ.

Đầu tiên, ông Cường cứ tưởng bữa ăn sẽ vui, nhưng hóa ra bữa ăn lại rất nặng nề. Ông Cường bị ám ảnh về chuyện gương mặt của mình, Diệu Linh thì đang nghĩ về chuyện bộ phim.

Nhân thì chẳng hiểu làm sao giữa hai người lại có chuyện gì đó không vui. Cô cố gắng nói chuyện, nhưng câu chuyện cũng chẳng đâu vào đâu.

Diệu Linh an ủi:

- Chú ạ, chuyện phim chú không phải lo đâu. Họ xem chắc chỉ mất một, hai ngày, rồi lại tiếp tục làm.

Ông Cường nói:

- Vấn đề không phải là một, hai ngày mà vấn đề là chú cảm thấy mình bị xúc phạm.

Nhân nói:

- Chú đừng cả nghĩ thế. Chẳng đến mức ấy đâu. Chú cũng thấy đấy, các quan chức bây giờ nhát lắm. Cứ đụng đến cái gì có kiện tụng là rúm ró hết cả lại. Ngay như ở quận đây cũng thế thôi. Trường của chúng cháu thì như thế này, ấy thế mà chỉ cần vài chữ ở trên mấy trang web vớ vẩn nào đấy là quận lại bắt giải trình lên, giải trình xuống. Khổ lắm chú ạ!

Diệu Linh nói với ông Cường:

- Chú cứ yên tâm. Chiều nay cháu sẽ lên Cục Điện ảnh để hỏi. Cháu cũng có mấy anh chị quen ở trên ấy. Cũng đều là người tốt cả. Nếu có gì thì cháu sẽ giải thích.

Ông Cường lắc đầu:

- Cháu nói với họ làm gì. Chú đây - cả Cục Điện ảnh, cả giới điện ảnh Việt Nam không ai lạ gì chú. Thế mà bây giờ chỉ vì mấy cái thư của đứa nhố nhăng nào đấy mà họ dám làm vậy.

Rồi ông lại tự hỏi: “Tại sao lại có người làm đơn thư tố cáo nhỉ? Mình có làm gì ảnh hưởng đến họ đâu?”.

Diệu Linh:

- Cháu thấy cũng lạ. Nếu mà là tác phẩm báo chí điều tra, đi phanh phui chuyện nọ, chuyện kia thì đã đành. Đây lại là một tác phẩm văn học, mà đã là văn học thì phải có hư cấu. Dù là trong đó có một phần cuộc đời của cháu thì cũng làm sao đâu, mà đến mức đòi kiểm tra kịch bản.

Ông Cường thở dài:

- Thôi, cháu ạ. Không việc gì phải hỏi. Kệ họ. Chú cứ để xem chúng nó xử lý việc này thế nào.

Rồi mọi người lảng sang chuyện khác. Nhưng những câu chuyện tiếp theo cũng rời rạc.

Ăn xong cơm, ông Cường nói:

- Thôi, cháu nghỉ ngơi đi. Chú đi về đây.

Diệu Linh hỏi:

- Thế chú về bằng gì ạ?

Ông Cường nói:

- Thì… chú ra đi xe ôm.

Diệu Linh:

- Thôi, chú để cháu chở chú về.

Ông Cường gãi đầu:

- Chết, ai lại để một cô gái thế này chở.

Diệu Linh:

- Có làm sao đâu chú. Để cháu chở chú về.

Diệu Linh lấy xe máy và mượn mũ bảo hiểm của Nhân để chở ông Cường về.

Ngồi sau Diệu Linh, ông chỉ muốn con đường kéo dài, kéo dài mãi.

Thành vừa mở cửa nhà thì thấy Diệu Linh chở ông Cường về. Anh rất ngạc nhiên.

Ông Cường xuống xe, rồi Diệu Linh phóng xe đi ngay.

Thấy ông Cường vừa vào nhà, Thành hỏi ngay:

- Bố đi chơi với Diệu Linh về đấy ạ?

(Xem tiếp kỳ sau)

Ngày đăng: 06:00 | 02/02/2018

Nguyễn Như Phong / Năng Lượng Mới