Trưa hôm ấy, phiên tòa tạm nghỉ. Diệu Linh về nhà thì thấy cửa khóa ngoài và có một mảnh giấy: “Bố phải vào Viện Tim mạch. Mẹ đang cấp cứu ở đó. Con tự lo ăn trưa”.

hong nhan da truan ky 42 Hồng nhan đa truân (Kỳ 41)

Chiều hôm đó, cán bộ Viện Kiểm sát và Công an đến nhà đọc lệnh cấm Diệu Linh đi khỏi nơi cư trú và phải ...

hong nhan da truan ky 42 Hồng nhan đa truân (Kỳ 40)

Diệu Linh tắt điện thoại, lên tàu đi Sapa. Cô muốn trốn tất cả mọi thứ. Nhưng cô chỉ ở Sapa được một ngày thì ...

Sự giúp đỡ của hai người em khiến ông Tường như trút được một gánh nặng.

Ông Thưởng hỏi:

- Lúc nãy em vừa xem tivi, thấy con Linh phải ra tòa. Liệu tòa có kết án nó không?

Ông Tường nói:

- Tôi đọc cáo trạng thì không thấy con Linh bị kết án. Họ chỉ nhắc nhở, rút kinh nghiệm thôi chứ không có mức án gì cả.

Ông Thưởng nói:

- Thế thì tốt. Nhưng nếu có mức án cho con Linh thì cũng hay đấy.

Ông Tường nói:

- Chú này hay thật. Sao lại có án mà lại hay?

Ông Thưởng nói:

- Cứ phải cho nó một bản án thì nó mới sáng mắt ra. Cậy có một tý sắc đẹp, không chịu học hành, giao du toàn với những đứa chẳng ra gì. Anh thấy đấy, hai thằng người yêu của nó đều có ra gì đâu. Thằng Quang thì lợi dụng nó, còn bây giờ lại thằng này nữa. Toàn bọn đốn mạt. Em nghe nói là thằng Tổng biên tập Vũ cũng vậy. Nó cũng định dùng con Linh để kinh doanh đấy.

Ông Tường nói:

- Thôi, thôi. Việc này tôi biết rồi. Các chú cứ kệ nó.

Ông Thưởng vẫn ấm ức:

- Con bé mặt hoa, da phấn, đẹp như tiên, bao nhiêu năm ngoan ngoãn, học hành giỏi giang. Em đi đâu cũng lấy nó ra làm niềm tự hào. Bây giờ, đùng một cái… Những ngày qua, con nhà em cũng bảo không dám vào đọc báo vì vào tờ báo nào cũng thấy nhắc đến tên chị Linh.

Ông Tường ngồi thừ ra hồi lâu mới nói được:

- Tôi lo điều này lắm. Không biết bà nhà tôi có chịu đựng nổi cú sốc này không? Bà ấy chỉ xem nó trên tivi mà đã ngã gục ngay. May mà hôm nay tôi ở nhà. Nếu không ở nhà thì không biết điều gì sẽ xảy ra nữa.

***

Trưa hôm ấy, phiên tòa tạm nghỉ. Diệu Linh về nhà thì thấy cửa khóa ngoài và có một mảnh giấy: “Bố phải vào Viện Tim mạch. Mẹ đang cấp cứu ở đó. Con tự lo ăn trưa”.

Diệu Linh hớt hải chạy vào viện. Khi Diệu Linh tìm được phòng của mẹ thì các bác sĩ đang tiến hành phẫu thuật đặt stent cho bà Thường. Ông Tường đang ngồi ngoài hành lang.

Diệu Linh ngồi thụp xuống, ôm lấy chân bố:

- Bố ơi, mẹ thế nào rồi?

Ông Tường nói vô hồn:

- Sáng nay, lúc con ra tòa, trên tivi có truyền hình trực tiếp. Mẹ nhìn thấy cảnh con ở tòa, bị xúc động mạnh quá nên đột quỵ. Bây giờ đang đặt stent để nong động mạch vành.

Diệu Linh úp mặt vào chân bố:

- Vậy là con làm hại mẹ rồi.

Diệu Linh khóc nức nở.

Ông Tường vuốt tóc con gái:

- Thôi con ạ, tương lai con còn dài. Làm việc gì cũng phải biết nghĩ. Các bác sĩ nói đặt stent xong là mẹ sẽ khỏe thôi.

Diệu Linh giật mình:

- Con nghe nói đặt stent tốn kém lắm. Bố chuẩn bị tiền thế nào?

Ông Tường nói:

- Nhà làm gì có tiền. Thu nhập của bố mẹ có thế nào thì con biết quá rồi còn gì. Đây là tiền của chú Tưởng đưa bố để lo cho mẹ. Mọi việc khác thì sau này tính.

Bà Thường được đưa từ trong phòng mổ ra.

Diệu Linh chạy theo mẹ, nước mắt lã chã. Lúc này bà Thường vẫn chưa biết gì.

Đưa bà về phòng xong, ông Tường hỏi Diệu Linh:

- Ngày mai con còn phải ra tòa không?

Diệu Linh trả lời:

- Dạ, vẫn phải ra bố ạ.

Ông Tường thở dài:

- Ừ, con cứ phải ra tòa cho nghiêm chỉnh, không người ta lại nghĩ mình chống đối.

***

Trưa hôm đó, anh cảnh sát khu vực đi qua nhà ông Tường và nhìn thấy tấm giấy ở cửa.

Anh đọc, rồi hỏi người hàng xóm:

- Bà Thường làm sao mà phải đi cấp cứu thế?

Bà hàng xóm trả lời:

- Ôi, sáng nay bà ấy bị tắc động mạch vành, ông ấy phải gọi xe cấp cứu. Nghe nói là nguy lắm. Bây giờ đang ở trong Viện Tim mạch ấy.

Anh cảnh sát khu vực vội vàng lấy điện thoại gọi cho chỉ huy:

- Báo cáo anh, mẹ cô Diệu Linh bị cấp cứu ở Bệnh viện Tim mạch. Nghe nói là khó qua khỏi.

Không hiểu đầu dây đằng kia nói gì, chỉ thấy anh cảnh sát vâng vâng, dạ dạ.

Anh quay sang nói với bà hàng xóm nhà ông Tường:

- Cháu gọi điện thoại thì Diệu Linh tắt máy. Nếu cô ấy về thì bác nói với cô ấy là cứ ở nhà lo cho mẹ, không phải ra tòa chiều nay nữa. Công an sẽ báo cáo với tòa về việc ấy.

Diệu Linh mở điện thoại di động ra thì thấy một loạt cuộc gọi nhỡ.

Cô nhìn thấy số máy của Thư ký Tòa án nên vội gọi lại ngay.

Tiếng anh Thư ký:

- Có phải cô Diệu Linh đấy không?

Diệu Linh trả lời:

- Dạ vâng, em đây ạ.

Tiếng anh thư ký Tòa án thong thả:

- Chúng tôi được biết tin mẹ cô phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Chúng tôi đã báo cáo với Hội đồng thẩm phán và đã được nhất trí là chiều nay cho cô được phép vắng mặt tại phiên tòa.

Diệu Linh thở phào nhẹ nhõm:

- Dạ, em cảm ơn anh quá.

Anh Thư ký động viên:

- Thôi, cứ lo cho bà cụ đi. Chúng tôi cũng sẽ thông báo với tòa tình hình sức khỏe của mẹ cô. Còn việc cô không thể có mặt làm nhân chứng, thì chúng tôi cũng đã có cách rồi.

Vậy là những ngày tiếp theo Diệu Linh không phải đến tòa nữa.

***

Sau một tuần nằm viện, bà Thường được trở về nhà, nhưng sức khỏe của bà diễn biến rất lạ. Bà quên quên, nhớ nhớ, lẫn lộn lung tung.

***

Phiên tòa kết thúc, báo chí lại được một dịp “chan tương đổ mẻ” vào Diệu Linh. Có tờ báo còn đặt câu hỏi liệu cán bộ tòa án có tiêu cực không khi cho phép Diệu Linh vắng mặt với tư cách là nhân chứng bắt buộc. Trần Văn Quý bị kết án 20 năm tù và được đưa đi cải tạo ở Trại 5 của Bộ Công an.

Vào trại được ít hôm, trong một lần đi lao động ở trên núi, Quý bị rắn cắn. Thay vì đưa Quý đưa cấp cứu ngay, đám phạm nhân do rất ghét Quý nên bỏ mặc mãi đến chiều mới đưa Quý về. Khi đó Quý đã bị trụy hô hấp. Cán bộ trại đưa Quý đi cấp cứu nhưng không kịp. Tối hôm đó, Quý chết.

Tin Quý chết hai ngày sau báo chí đưa. Có tờ báo ác mồm nêu lên rằng, vía của Diệu Linh cao quá, hai người đàn ông yêu cô đều đã chết.

***

Sức khỏe bà Thường đã có tiến triển tốt hơn nhưng không hiểu sao bà thành lẩn thẩn. Ông Tường ở nhà trông vợ, không dám để vợ ra đường vì đã có lần bà bị lạc, phải nhờ hàng xóm đi tìm mới thấy. Diệu Linh cũng tranh thủ hằng ngày đến làm việc với Mộc Miên, rồi về trông mẹ.

hong nhan da truan ky 42

Một hôm, Diệu Linh ở nhà và vừa cho bà ăn xong, thì bà đòi đi chơi.

Diệu Linh nói:

- Mẹ ơi, mẹ cứ ở nhà đã. Con đến cơ quan làm một lúc, rồi về đưa mẹ đi chơi.

Bà Thường nhìn con gái bằng ánh mắt đờ đẫn:

- Ừ, chị cứ làm đi. Chiều về đưa tôi đi công viên.

Khi Diệu Linh đi, ông Tường dặn Diệu Linh:

- Con phải khóa cổng cẩn thận nhé. Mẹ con bây giờ lẫn lắm rồi. Có lẽ nhà mình phải thuê người giúp việc để trông mẹ. Bố cứ suốt ngày ngồi gác cửa thế này thì gay quá.

Diệu Linh nói:

- Dạ vâng, con sẽ tìm người giúp việc.

Khi Diệu Linh phóng xe đến thì Mộc Miên đón cô bằng ánh mắt lo lắng.

Thấy sự bất bình thường của Mộc Miên, Diệu Linh hỏi:

- Có chuyện gì, mà sao trông chị lo lắng thế?

Mộc Miên kéo Diệu Linh vào phòng, pha nước cho cô uống rồi nói:

- Hôm nay chị vừa biết một tin là cơ quan an ninh văn hóa tư tưởng nhận được rất nhiều đơn tố cáo về ông Vũ và một số thành viên trong Ban Giám khảo cuộc thi hoa hậu vừa rồi.

Diệu Linh hỏi:

- Chị có tin từ đâu?

Mộc Miên:

- Từ anh Lương. Anh ấy làm ở An ninh văn hóa mà. Em lạ gì nữa. Người ta gửi đơn đến và kèm thêm cả chứng cứ là băng ghi âm, thậm chí là ảnh chụp. Họ sẽ mở cuộc điều tra về cuộc thi hoa hậu ấy.

Diệu Linh nói tự tin:

- Em cũng biết những chuyện ấy. Có những đứa phải biếu xén tiền cho Ban Giám khảo. Mỗi người đi thi đều có những công ty, những đại gia đứng sau. Chị có hãng mỹ phẩm đúng không?

Mộc Miên gật đầu.

Diệu Linh nói tiếp:

- Em thì có thằng cha Quang và ông Vũ. Tất cả đều phải biếu tiền cho Ban Giám khảo hết. Riêng em thì không.

Mộc Miên nói:

- Có 2 người bị tố nặng nhất. Một là Mai Phương - người đẹp bình chọn qua mạng và hai là Lê - người đẹp thân thiện. Ban Giám khảo thì có ông Vũ, bà Huyền và ông Hải bị tố. Cơ quan công an thể nào cũng hỏi đến em đấy.

Diệu Linh thở dài:

- Khổ thật. Sao đời em cứ phải dính tới công an thế này? Đã 3 lần bị công an gọi lên khai báo rồi.

Mộc Miên hỏi:

- Sao em lại nói 3 lần? Thế là sao?

Diệu Linh nói tỉnh bơ:

- Lần thứ nhất là vụ thằng Quang chết, họ cũng gọi em lên hỏi mấy lần. Lần thứ hai là vụ thằng Quý. Phòng Cảnh sát hình sự gọi hỏi, Phòng Công an kinh tế gọi lên. Thế chẳng là 3 lần còn gì. Nghĩ mà nhục nhã quá. Bây giờ lại Cơ quan an ninh gọi lên nữa.

Mộc Miên an ủi:

- Em ơi, hồng nhan đa truân mà.

Diệu Linh thở dài:

- Chị bảo hồng nhan đa truân. Ngày xưa mẹ em dạy em đọc Chinh phụ ngâm, câu đầu tiên là “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi/ Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên/ Xanh kia thăm thẳm tầng trên/ Vì ai gây dựng cho nên nỗi này”. Bây giờ càng ngẫm càng thấy cái câu “hồng nhan đa truân” sao mà đúng thế. Không biết số kiếp em đến bao giờ mới hết khổ?

Mộc Miên lại hỏi:

- À, em này. Tình hình mẹ thế nào rồi?

Diệu Linh nói:

- Mẹ em tim thì ổn định rồi, nhưng bây giờ lại sinh ra lẩn thẩn. Ở trong nhà thì cứ ngồi một chỗ, chẳng nói, chẳng rằng. Thỉnh thoảng lại len lén đi ra đường và chẳng nhớ đường về nữa. Khổ thế chứ.

Mộc Miên lấy ra một phong bì và nói:

- Hôm trước bác nằm viện, chị lại đi xa nên không đến được. Hôm vừa rồi chị đến thăm bác, chị biếu bác ít tiền để phụ thêm mua thuốc, nhưng bác trai nhất quyết không nhận. Chị ngại quá. Thôi, chị em mình cùng phận, cùng cảnh. Chị biết lúc này em cũng chẳng dư dả gì, nhà thì nhiều việc. Em cầm lấy một chút, gọi là đỡ đần thêm.

Diệu Linh cầm phong bì và giật mình khi thấy số tiền lớn quá:

- Chị ơi, chị cho mẹ em nhiều thế này thì em không dám.

Mộc Miên nói:

- Đừng câu nệ thế. Chị em mình gắn bó với nhau, buồn vui có nhau thì bây giờ giúp được nhau cái gì thì phải giúp chứ. Em đừng ngại. Biết đâu sau này lại có lúc em lại phải giúp đỡ chị. Cuộc đời là cái nợ đồng lần mà em.

Diệu Linh nhìn Mộc Miên:

- Chị cũng là người đẹp mà sao chị lại không bị ứng với câu “hồng nhan đa truân nhỉ”?

Mộc Miên bật cười:

- Chị đâu có đẹp. Em là hoa hậu cơ mà. Chị chỉ là Á hậu thôi. Trong cuộc thi hoa hậu, á hậu chẳng có giá trị, chẳng có ý nghĩa gì. Nó cũng như một giải khuyến khích, giải an ủi thôi. Giống như đá bóng ấy, 2 đội đá với nhau thì chỉ có một đội thắng thôi chứ. Đội kia dù có phong cách chơi hay bao nhiêu, dù có nhiều ngôi sao đi chăng nữa mà thua thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Chị luôn ý thức được một điều về bản thân mình. Lúc đi thi là tham gia do hãng mỹ phẩm kia tài trợ. Được thì tốt, mà chẳng được thì thôi. Chị cũng chẳng mất gì. Nhưng có một điều chị khác em, đó là chị biết mình đang đứng ở chỗ nào.

Diệu Linh thở dài:

- Em không biết rồi số phận em sẽ thế nào nữa.

Mộc Miên triết lý:

- Nhiều người nói đàn bà như đôi giày mới ấy. Người có đôi giày mới thì rất giữ gìn, đi rón rén, cẩn trọng. Nhưng đã một lần dính vào tí bùn, đôi giày bẩn đi một chút thì rất ít người biết tháo giày ra để rũ cho sạch, mà cứ thế đi tiếp và giẫm bạt mạng. Đàn bà là thế em ạ. Nhưng chị nghĩ rằng, sau lần này thì em sẽ bình tâm trở lại. Chị chỉ khuyên em một điều, em làm gì thì làm nhưng phải nghĩ đến cậu Quân. Cuộc đời em phải trả ơn Quân nhiều lắm.

Diệu Linh gật đầu:

- Vâng. Em hiểu điều ấy.

***

Diệu Linh và Mộc Miên đang ngồi nói chuyện với nhau thì Phương Lan đến.

Cũng với nét mặt hốt hoảng, Phương Lan nói:

- Linh ạ, từ sáng đến giờ xôn xao về việc Cơ quan công an điều tra về vụ bê bối của cuộc thi hoa hậu vừa rồi. Không biết họ nhận được đơn tố cáo những gì.

Mộc Miên:

- Có đơn tố cáo về người đẹp thân thiện, người đẹp được bình chọn qua mạng và việc Ban Giám khảo ăn tiền. Người ta nói rằng cuộc thi này là cuộc thi mà chưa đi thi đã biết ai sẽ trúng.

Phương Lan nói thêm:

- Em nghe nói là không phải chỉ có thế. Có báo còn phanh phui ra vụ trước đêm chung kết, các người đẹp đi với các đại gia đến 4-5 giờ sáng mới về. Chỉ có Mộc Miên, Diệu Linh và một cô nào nữa là không đi.

Diệu Linh nói:

- À, đấy là bạn Thúy. Ba chị em tớ ở một phòng. Hôm đó nhận được lời mời đi ăn cơm nhưng chẳng hiểu tại sao ba chị em tớ không đi.

Mộc Miên nói:

- Chẳng qua là ngày hôm đó đi nhiều nên mệt quá. Mấy chị em rủ nhau đi ăn bát phở, rồi về lăn ra ngủ. Vì mình tắt máy điện thoại nên họ không gọi được. Nhưng mà họ đi chơi với các đại gia đến 4-5 giờ sáng thì có vấn đề gì?

Phương Lan cười nhạt:

- Nói chuyện củ khoai. Toàn sinh viên 18, 19 tuổi, đi thi người đẹp mà lại đi với đại gia đến 4-5 giờ sáng. Thế chẳng lẽ vào hội trường ngồi đọc báo à?

Mộc Miên thốt lên:

- Nói thật là bây giờ có các vàng để thi hoa hậu chị cũng không đi. Hai lần là sợ lắm rồi.

Diệu Linh:

- Chị còn dám đi thi đến hai lần, em thì chỉ một lần là sợ lắm rồi.

Ba người vừa nói đến đấy thì có một đám nhà báo xông vào.

Một phóng viên hỏi:

- Ôi may quá, lại gặp Hoa hậu Diệu Linh ở đây. Xin hoa hậu cho chúng tôi phỏng vấn một vài câu được không?

Diệu Linh bây giờ đã có kinh nghiệm đối phó với báo chí nên cô nói bình tĩnh.

- Mời bạn vào đây! Bạn ở báo nào vậy?

Cô phóng viên nói luyến thoắng và đặt ngay máy ghi âm lên bàn.

Diệu Linh cảnh giác nhìn máy ghi âm và nói:

- Này, bạn chưa biết tôi có đồng ý trả lời hay không mà đã đặt máy ghi âm. Sao lại có kiểu làm ăn kỳ lạ thế?

Cô phóng viên cười, giọng nói có vẻ xấc xược:

- Tôi nghĩ rằng trả lời thì sẽ có lợi cho chị thôi.

Diệu Linh mỉm cười nhã nhặn:

- Thế à? Vậy tôi sẽ chọn cách không có lợi cho tôi. Đó là tôi không trả lời điều gì cả.

Cô phóng viên bật máy ghi âm và nói:

- Chị có biết thông tin gì về vụ bê bối của cuộc thi hoa hậu vừa rồi không?

Diệu Linh lắc đầu:

- Cho đến giờ thì tôi chưa biết gì cả.

Cô phóng viên lại hỏi:

- Nếu như việc chạy các danh hiệu hoa hậu có liên quan đến chị thì chị nghĩ như thế nào?

Diệu Linh nhìn cô phóng viên:

- Thế tôi hỏi lại bạn một câu này nhé?

Cô phóng viên nói:

- Vâng. Chị cứ hỏi.

Diệu Linh:

- Nếu như tôi hỏi lại cô rằng có phải cô hỏi tôi câu hỏi này với mục đích tống tiền, thì cô nghĩ như thế nào?

Cô phóng viên đỏ mặt:

- Không, em không có ý như thế. Nhưng bây giờ dư luận đang đồn đại về chị rất nhiều.

Diệu Linh nói:

- Chị viết báo thì phải trung thực, chính xác. Nếu có tài liệu, có đủ chứng cứ thì hãy viết. Tôi không cần xin chị nửa câu. Còn nếu như chị viết xúc phạm đến tôi, mà không đủ chứng cứ thì tôi sẽ kiện chị ra tòa. Bây giờ mời chị về. Tôi không muốn làm việc với chị.

Cô phóng viên đỏ mặt:

- Khiếp, người đẹp mà làm gì khó tính thế? Cái lúc cần khó tính thì lại dễ quá. Bây giờ thì lại khó tính.

Phương Lan nhìn cô phóng viên kia:

- Này em, em làm báo được mấy năm?

Cô phóng viên trả lời:

- Em làm báo được hơn một năm rồi.

(Xem tiếp kỳ sau)

Ngày đăng: 06:00 | 29/01/2018

Nguyễn Như Phong / Năng Lượng Mới