Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn công nghiệp cao su VN được Thanh tra Chính phủ kết luận, công bố từ cuối năm 2014. Những kiến nghị xử lý sai phạm về kinh tế số tiền hơn 8.300 tỉ đồng, xem xét xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân tại tập đoàn này đang “trôi” về đâu?
Trụ sở Tập đoàn công nghiệp cao su VN tại TP.HCM ẢNH: NGỌC DƯƠNG |
Như Thanh Niên từng phản ánh, cuối năm 2014, Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Tập đoàn công nghiệp cao su VN (VRG). Thời kỳ thanh tra từ 2006 - 2011, tập trung vào một số nội dung: tăng vốn điều lệ trong 2 năm 2010 - 2011; quản lý đầu tư tài chính dài hạn trong và ngoài ngành nghề kinh doanh chính; quản lý doanh thu, chi phí; quản lý đầu tư xây dựng và đất đai. Thời điểm đó, TTCP đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại VRG và nhiều đơn vị thành viên.
Xé rào
Điển hình nhất trong hàng loạt sai phạm của VRG là “xé rào” trong việc tăng vốn điều lệ. Theo kết luận của TTCP, Hội đồng thành viên VRG quyết định tăng vốn điều lệ năm 2010 và 2011 cho VRG và các đơn vị thành viên trước khi được Thủ tướng phê duyệt, chưa đúng quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt tăng vốn điều lệ.
Cụ thể: tăng vốn điều lệ tại Công ty tài chính TNHH MTV cao su VN 500 tỉ đồng; tăng vốn điều lệ 3 công ty TNHH MTV với lý do cấp bù vốn thiếu hơn 507 tỉ đồng; khoản đầu tư tài chính dài hạn ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính hơn 133 tỉ đồng; khoản trả nợ lãi vay ngân hàng hơn 120 tỉ đồng; các khoản VRG góp vốn vào 8 công ty cổ phần thuộc ngành nghề kinh doanh chính năm 2010 hơn 345 tỉ đồng, năm 2011 của công ty cổ phần hơn 1.491 tỉ đồng (tổng cộng hơn 1.837 tỉ đồng).
Cũng theo TTCP, VRG quyết định tăng vốn điều lệ để góp vốn vào các công ty cổ phần thuộc ngành nghề kinh doanh chính chưa đúng thẩm quyền với hơn 3.540 tỉ đồng.
Buông lỏng quản lý, nguy cơ mất vốn lớn
Về quản lý đầu tư tài chính dài hạn, tại VRG đã xảy ra nhiều sai phạm. Theo đó, VRG đầu tư vốn ra bên ngoài doanh nghiệp vượt so với vốn điều lệ theo quy định đến hơn 2.500 tỉ đồng. Trong khi đó, kết quả thanh tra tại các đơn vị thành viên cũng lộ ra nhiều “mảng tối”, đơn cử việc chuyển nhượng cổ phần đã đầu tư không đúng quy định tại Công ty CP cao su Tây Ninh, Công ty CP cao su Phước Hòa...
Đáng chú ý, việc quản lý, thực hiện đầu tư các dự án trồng mới cao su của đơn vị thành viên là Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng bị buông lỏng cả về cơ chế và công tác quản lý điều hành, dẫn đến xảy ra nhiều sai phạm từ khâu khảo sát, lập, trình duyệt và thực hiện dự án, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Một số “mảng tối” khác là có 4 dự án chưa được Bộ KH-ĐT cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, nhưng đã thực hiện đầu tư hơn 652 tỉ đồng bằng nguồn vốn vay của các dự án khác sai quy định; 2 dự án chưa được ký hợp đồng giao đất nhưng đã đầu tư hơn 147 tỉ đồng; một số công ty thanh toán vượt chi phí sang nhượng đất so với diện tích thực tế được giao, thanh toán tiền tư vấn vượt khối lượng thực hiện hơn 2 triệu USD.
Đặc biệt, một trong những sai phạm lớn là việc đầu tư góp vốn thành lập Công ty CP cao su Phú Riềng - Kratie (PRK) để đầu tư trồng mới cao su đã xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng từ khâu lập, thẩm định, trình duyệt dự án đến công tác khảo sát, điều tra thổ nhưỡng sai trình tự, kết quả khảo sát không đúng thực tế, dẫn đến chất lượng vườn cây thấp, chết nhiều, nguy cơ thiệt hại hơn 483 tỉ đồng. Trong khi đó, VRG và chủ đầu tư còn thực hiện việc vay vốn, bảo lãnh vay vốn ngân hàng và sử dụng vốn sai mục đích hơn 1,8 triệu USD chưa thu hồi được, dẫn đến mất khả năng trả nợ.
TTCP còn chỉ rõ hầu hết khi ký hợp đồng kinh tế, các đơn vị không yêu cầu đối tác phải bảo lãnh việc thực hiện hợp đồng theo quy định; nhiều sai phạm trong quản lý đất đai, tài chính, đầu tư xây dựng... Với hàng loạt “mảng tối” đó, TTCP đánh giá VRG và các đơn vị thành viên liên quan “thể hiện sự chấp hành không nghiêm các quy định của pháp luật, thiếu chặt chẽ, buông lỏng trong quản lý chi phí đầu tư, dẫn đến rủi ro trong thanh toán, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn với giá trị lớn”.
Thao túng “sân sau”, có dấu hiệu cố ý làm trái
Theo TTCP, tính đến cuối năm 2011, VRG đã đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính số vốn hơn 2.420 tỉ đồng, chiếm 13,03% vốn điều lệ và 13,25% tổng vốn đầu tư tài chính, chủ yếu lấy từ nguồn vốn điều lệ do nhà nước đầu tư. Do VRG sử dụng vốn đầu tư dàn trải, thiếu sự tính toán... nên tỷ suất lợi nhuận thu được rất thấp, chỉ đạt 3,95%; nhiều khoản đầu tư rất lớn trong nhiều năm không thu được lợi nhuận, lỗ, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ gây mất vốn giá trị lớn.
Đơn cử, VRG đầu tư hơn 390 tỉ đồng vào Công ty CP đầu tư thủy điện VRG Phú Yên, Tổng công ty xây dựng miền Trung... nhưng trong 5 năm liền (2006 - 2011) không có lợi nhuận được chia; đầu tư hơn 600 tỉ đồng vào lĩnh vực kinh doanh khách sạn, thép... nhưng không có lợi nhuận được chia trong giai đoạn 2008 - 2011... Từ năm 2012, VRG thực hiện việc thoái vốn nhưng vào thời điểm thanh tra tháng 5.2013 vẫn còn 23 doanh nghiệp giá trị vốn đã đầu tư hơn 2.100 tỉ đồng.
Nghiêm trọng nhất phải kể đến “phi vụ” một số cá nhân là lãnh đạo VRG và đơn vị thành viên thao túng “công ty sân sau” thông qua việc “góp vốn” vào Công ty CP chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Đồng Tháp (DSEC). Công ty này được cấp giấy phép kinh doanh lần đầu năm 2007 với vốn điều lệ 169 tỉ đồng, các cổ đông sáng lập là Công ty TNHH MTV cao su Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Phú Riềng và một số cá nhân là lãnh đạo VRG.
Các đơn vị này đã sử dụng quỹ phúc lợi của công ty để góp vốn, khi quyết định đầu tư góp vốn đã không xây dựng đề án, không có ý kiến đồng ý của VRG là trái quy định về quản lý vốn nhà nước. Việc một số cá nhân là lãnh đạo VRG và các công ty thành viên tham gia góp vốn cá nhân, gia đình để sáng lập và lãnh đạo, quản lý điều hành hoạt động DSEC như: nguyên Chủ tịch HĐQT VRG kiêm Chủ tịch HĐQT DSEC; Tổng giám đốc Công ty CP công nghiệp và xuất khẩu cao su (góp vốn cá nhân) kiêm ủy viên HĐQT và Tổng giám đốc DSEC là trái quy định về quyền thành lập, góp vốn mua cổ phần và quản lý doanh nghiệp theo luật Doanh nghiệp.
Điều đáng nói, từ khi thành lập đến năm 2012, DSEC liên tục bị thua lỗ nhưng vẫn được Công ty tài chính TNHH MTV cao su VN và các đơn vị góp vốn ưu ái cho vay bằng những hợp đồng vay, hồ sơ thế chấp và bảo lãnh không đủ căn cứ pháp lý. Thực tế, nhiều khoản vay đã bị DSEC sử dụng sai mục đích, chiếm dụng vốn gây thiệt hại nhiều tỉ đồng.
TTCP khẳng định, việc đầu tư góp vốn, quản lý sử dụng tại DSEC có nhiều sai phạm, có dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong việc góp vốn, sử dụng vốn đầu tư, gây thiệt hại lớn cho nhà nước và doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh của công ty liên tục lỗ, đến nay đã mất hết vốn điều lệ khoảng 144 tỉ đồng và dư nợ không có khả năng thanh toán hơn 253 tỉ đồng...
Vụ Khaisilk: Hội Bảo vệ người tiêu dùng và Cục Quản lý thị trường đang làm gì?
Câu hỏi đặt ra sau vụ Khaisilk mua khăn Trung Quốc gắn mác Made in Vietnam bán cho người tiêu dùng chính là vai trò ... |
Xử lý các vi phạm tại "biệt phủ" gia đình ông Phạm Sỹ Quý
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết đã giao Sở Xây dựng cùng TP Yên Bái xem xét, sớm xử lý các vi phạm ... |
https://thanhnien.vn/thoi-su/hon-8300-ti-dong-sai-pham-tai-tap-doan-cong-nghiep-cao-su-vn-troi-ve-dau-895865.html
Ngày đăng: 12:45 | 02/11/2017
/ Thanh niên