Nhà cửa xuống cấp song nhiều người dân TP Hà Tĩnh không thể sửa chữa vì vướng dự án giao thông "treo".
Năm 2007, nhà chức trách TP Hà Tĩnh cắm mốc quy hoạch dự án đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo dài đi qua khối phố Linh Tân, Phường Thạch Linh. 82 hộ dân sống ở khu vực này được yêu cầu không xây dựng mới, sửa sang nhà cửa và công trình phụ; không tách sổ đỏ và chuyển đổi chức năng sử dụng đất.
Khi đơn vị quản lý đô thị của TP Hà Tĩnh về đo đạc, cắm mốc, nhiều người dân ở khối phố Linh Tân vui mừng vì nghĩ rằng sắp được đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đi khu tái định cư sinh sống. Tuy nhiên, 12 năm qua, dự án trong tình trạng "quy hoạch treo" khiến hàng chục gia đình sống tạm bợ giữa lòng thành phố.
|
|
Bà Ba cùng nhiều thế hệ phải sống trong căn nhà xuống cấp mà không được sửa chữa. Ảnh: Đức Hùng |
Ngồi bệt bên căn nhà cấp bốn xuống cấp, tường bong tróc từng mảng, bà Ba (62 tuổi) cho hay, mùa mưa lũ sắp đến, cứ sợ nhà đổ sập xuống, nhiều năm qua gia đình muốn sửa chữa mà không được, chuyển đi nơi khác cũng không xong.
"Nếu chính quyền không làm đường nữa thì cũng mong trả lời sớm để chúng tôi còn sửa sang, xây dựng lại nhà cửa, sống trong tình cảnh này khổ lắm", bà Ba nói.
"Quy hoạch treo" của thành phố cũng khiến nhiều thế hệ trong gia đình ông Nguyễn Văn Hoan (83 tuổi) rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Ông Hoan có mảnh đất rộng gần 3.000 m2 của cha ông để lại, muốn chia cho 3 người con trai đã lấy vợ ra ở riêng nhưng ông không được tách sổ đỏ. Căn nhà cấp bốn làm từ hơn 50 năm trước bị mối mọt đục khoét mục nát, gia đình ông Hoan cũng đành để vậy không dám sửa chữa.
|
|
Nhà văn hóa xuống cấp, người dân ở khối phố Linh Tân nhiều năm không được sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: Đức Hùng |
"Với tình cảnh này, không biết bao giờ chúng tôi mới có cuộc sống ổn định", ông Hoan bức xúc.
Chung tình cảnh với ông Hoan, gia đình bà Nguyễn Thị Tịnh phải sống chung với nhà vệ sinh ô nhiễm nhiều năm qua. "Tuổi đã già, tôi muốn xây nhà vệ sinh tự hoại để dùng, nhưng bây giờ bỏ ra khoảng 50 triệu đồng làm nhà vệ sinh mới, chỉ sợ bất ngờ nhận được thông báo dời đi thì lại rất phí", bà Tình nói.
Cùng vì "quy hoạch treo", nhà văn hóa khối phố Linh Tân không được sửa sang. Trước năm 2017, mọi cuộc họp của cộng đồng dân cư bị đình trệ vì nhà văn hóa xuống cấp không thể sử dụng. Năm 2018, nhà chức trách phải hỗ trợ dựng một nhà văn hóa tạm bợ bên cạnh để làm nơi tổ chức các hoạt động chung của khối phố.
|
|
Đường Xô Viết - Nghệ Tĩnh còn đoạn vắt ngang qua quốc lộ 1A đi về phường Thạch Linh chưa được triển khai. Ảnh: Đức Hùng |
Ông Trương Quang Sơn - Chủ tịch UBND phường Thạch Linh nói, chính quyền địa phương thấu hiểu nỗi khổ của dân song không thể làm khác. Tại các cuộc họp với lãnh đạo thành phố và tỉnh, ông Sơn đã trình bày những bức xúc của người dân nhưng chưa nhận được câu trả lời cụ thể.
Theo Phó bí thư TP Hà Tĩnh Lương Quốc Tuấn, "dự án chưa thể triển khai do chi phí giải phóng mặt bằng quá lớn, thành phố không cân đối được". Gần đây có một công ty đề xuất triển khai dự án đường Xô viết Nghệ Tĩnh đoạn qua khối phố Linh Tân theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao), tuy nhiên khi bắt đầu nghiên cứu thì Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu tạm dừng các dự án BT, chờ thông tư hướng dẫn, nên đến nay công ty này chưa thể thực hiện dự án.
"Dự án này thuộc về hạ tầng phát triển đô thị của thành phố Hà Tĩnh, chính quyền địa phương phải nỗ lực trong việc kêu gọi vốn đầu tư, tỉnh chỉ hỗ trợ khi nào có điều kiện", Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Tĩnh Trần Tú Anh nói.
Người dân tại ‘siêu dự án’ treo 27 năm Bình Quới – Thanh Đa: "Sợ rằng khi tôi chết, dự án vẫn treo"
Dự án treo 27 năm khiến nhiều người dân sống ở bán đảo Bình Quới - Thanh Đa khốn khổ, đi cũng không được, ở ... |
Dự án ‘treo’ gần 20 năm, hàng trăm hộ dân ở Đà Nẵng khốn đốn
Bị vây bởi 5 dự án, thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng trở thành “túi” chứa nước khiến hàng ... |
Ngày đăng: 21:41 | 08/07/2019
/ https://vnexpress.net