WHO cảnh báo các chính phủ và người dân không nên mất cảnh giác vì các thông tin tích cực về vaccine, nói rằng hệ thống y tế vẫn chịu nhiều áp lực khi ca nhiễm toàn cầu đã vượt 66 triệu. - VnExpress
Thế giới ghi nhận 66.162.224 ca nhiễm và 1.523.082 người đã tử vong do nCoV, tăng lần lượt 707.009 và 12.911 ca trong một ngày, trong khi 45.766.466 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19 ở Na Uy cuối tháng 11. Ảnh: AFP. |
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 241.910 ca nhiễm và 3.053 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 14.736.565, trong đó 285.280 người đã chết. Vài ngày qua, số ca nhiễm và ca tử vong trong 24 giờ liên tục cao kỷ lục. Chỉ trong tháng 11, hơn 37.000 người tại Mỹ đã chết vì Covid-19.
Chính quyền địa phương và các bang khắp nước Mỹ đã ra lệnh hạn chế hàng loạt các hoạt động kinh tế xã hội, với hy vọng giảm bớt sự bùng phát trở lại của Covid-19 sau thời gian tạm lắng vào mùa hè.
California, bang có 40 triệu dân, từ 5/12 áp đặt một số lệnh ở nhà nghiêm ngặt nhất đất nước, khi các khoa chăm sóc tích cực (ICU) tại bệnh viện dự kiến đạt hết công suất. Người dân California sẽ phải ở nhà, tránh đi lại trừ phi ra ngoài để thực hiện các hoạt động đã xin phép như mua nhu yếu phẩm, khám bệnh, dắt chó đi dạo và tập thể dục ngoài trời. Lệnh cấm cũng đặt ra hạn chế mới với hàng loạt hoạt động kinh doanh thương mại.
Ngoài thiệt hại về người, hệ thống chăm sóc y tế toàn quốc cũng đối mặt với viễn cảnh nguồn lực và nhân sự quá tải tới mức sụp đổ.
Tại khu vực Trung Tây, Thống đốc Mike DeWine hôm 3/12 cho hay các bệnh viện ở Ohio "không những vẫn trong tình trạng khủng hoảng mà còn khủng hoảng tồi tệ hơn", khi bang này ghi nhận số ca nhiễm cao thứ 5 trong nước. Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer hôm 3/12 cũng tuyên bố có thể sẽ gia hạn lệnh "tạm dừng" một số hoạt động kinh tế và cá nhân trong ba tuần.
Theo Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe của Đại học Washington, số ca tử vong trung bình trong tháng vì Covid-19 tại Mỹ được dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi trong tháng 12, lên hơn 70.000, sau đó tiếp tục tăng lên hơn 76.000 vào tháng 1, trước khi giảm xuống trong tháng 2.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 35.852 ca nhiễm và 487 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 9.607.632 và 139.714.
Thủ đô New Delhi đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, với nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Giới chức New Delhi đã tăng gấp 4 lần tiền phạt với người không đeo khẩu trang, lên 2.000 rupee (27 USD).
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cuối tuần trước tới thăm các cơ sở sản xuất vaccine, nhấn mạnh tầm quan trọng của vaccine Covid-19 trong công tác kiểm soát đại dịch. Hồi tháng 10 ông cho biết chính phủ sẵn sàng tiêm chủng cho từng người dân ngay khi vaccine sẵn sàng. Tuy nhiên, Rajesh Bhushan, quan chức cấp cao của Bộ Y tế Ấn Độ, giải thích thêm rằng họ chỉ cần tiêm cho một số lượng người nhất định để phá vỡ chuỗi lây truyền, thay vì tiêm chủng toàn quốc.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 657 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 175.964. Số người nhiễm nCoV tăng 46.452 trong 24 giờ qua, lên 6.533.968. Số ca nhiễm mới trung bình tại Brazil đã tăng từ 10.000 ca/ngày hồi đầu tháng 11 lên hơn 50.000/ngày, trong khi số người chết mỗi ngày tăng gấp gần 9 lần chỉ trong một tuần.
Các thống đốc bang và chính trị gia đối lập đang thúc giục chính phủ Tổng thống Jair Bolsonaro lập kế hoạch tiêm chủng quốc gia. Việc Bolsonaro tuyên bố "sẽ không sử dụng vaccine Covid-19" làm dấy lên lo ngại hàng triệu người ủng hộ ông cũng sẽ không chịu tiêm, khiến Brazil không thể đạt được mục tiêu tối thiểu 70-75% dân số được tiêm chủng để ngăn đại dịch.
Pháp, vùng dịch lớn thứ 5 thế giới, báo cáo 2.268.552 ca nhiễm và 54.767 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 11.221 và 397 ca. Tổng thống Pháp tuần trước nói rằng nước này đã qua đỉnh làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Chính phủ đã nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc thứ hai vì Covid-19, được áp dụng từ ngày 30/10, với việc cho phép tất cả cửa hàng mở cửa trở lại vào cuối tuần. Các hoạt động tôn giáo trong nhà cũng được phép tổ chức trở lại, nhưng tín đồ chỉ được tập trung dưới 30 người bất kể quy mô của nhà thờ.
Anh báo cáo thêm 14.879 ca nhiễm và 414 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.674.134 và 60.113. Chính phủ Anh tái phong tỏa toàn quốc từ ngày 31/10, áp đặt một trong những lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhất tại nước này từ sau Thế chiến II.
Quốc hội Anh đã thông qua kế hoạch kiểm soát Covid-19 cấp khu vực, buộc hơn 40% dân số phải chịu lệnh hạn chế khắt khe, bất chấp sự phản đối của hàng chục nghị sĩ trong chính đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson.
Đức ghi nhận 23.541 ca nhiễm và 431 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 1.152.283 và 18.691. Các cuộc tụ tập riêng tư bị giới hạn xuống còn 5 người từ ngày 1/12, số lượng khách được vào các cửa hàng cũng giảm xuống. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho rằng nước này có thể bắt đầu tiêm chủng muộn nhất vào tháng một năm sau.
Phản ứng của Đức trước làn sóng Covid-19 đầu tiên được đánh giá cao, nhưng sau khi nới lỏng các biện pháp phòng dịch khi làn sóng thứ hai tấn công châu Âu, số ca nhiễm được ghi nhận khá đáng kể. Bên cạnh đó, đông đảo người dân trở nên tức giận vì những lệnh hạn chế, dẫn đến các cuộc biểu tình.
Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 27.403 ca nhiễm nCoV và 569 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lên lần lượt 2.402.949 và 42.176. Nga dự kiến tiêm vaccine cho khoảng hai triệu người vào tháng 12.
Anna Popova, giám đốc Cơ quan Giám sát Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng và Nhân quyền Liên bang Nga, hôm 1/12 cho biết tình hình dịch tại nước này đang có xu hướng chậm lại.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin nói đại dịch vẫn khá nghiêm trọng tại nhiều vùng trên cả nước, đáng lo ngại nhất là Kaliningrad và Saint Peterburg. Thay vì áp dụng các lệnh phong tỏa trong làn sóng lây nhiễm thứ hai, Nga chọn phương án hạn chế theo từng khu vực. Saint Petersburg yêu cầu các quán cà phê, nhà hàng, bảo tàng, nhà hát và phòng hòa nhạc của thành phố đóng cửa trong kỳ nghỉ đón năm mới, từ 30/12 đến 10/1.
Iran, một trong những vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 49.695 người chết, tăng 347, trong tổng số 1.016.835 ca nhiễm, tăng 13.341. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV ở Iran có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 9. Tuy nhiên, Bộ Y tế nước này tuần trước cho biết tình trạng lây nhiễm đang chậm lại, với 89/160 thành phố đã được đưa khỏi danh sách những nơi có nguy cơ cao.
Thứ trưởng Y tế Iran Alireza Raisi cho hay mức độ tuân thủ các biện pháp phòng dịch của công chúng đã tăng lên 90%. Tuy nhiên, hầu hết văn phòng không thiết yếu của chính phủ vẫn bị đóng cửa nhằm ngăn virus lây lan. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết ông đã chỉ đạo Ngân hàng Trung ương nước này cấp ngân sách cần thiết để nhập khẩu vaccine Covid-19.
Sau một thời gian ổn định, Hàn Quốc đang đương đầu làn sóng Covid-19 thứ ba khi ca nhiễm mới hàng ngày liên tục tăng mạnh. Nước này báo cáo thêm 629 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 36.332, trong đó 536 trường hợp tử vong, tăng 7 ca so với một ngày trước. Đây là mức tăng ca nhiễm trong một ngày cao nhất trong 9 tháng.
Từ 5/12, thủ đô Seoul áp đặt hạn chế chưa từng có tiền lệ, đóng cửa hầu hết các cơ sở và cửa hàng lúc 21h. Thủ tướng Chung Sye-kyun cảnh báo nếu tình trạng virus lây lan không được kiểm soát, số ca nhiễm mới hàng ngày có thể lên tới 1.000, dẫn đến nguy cơ thiếu giường bệnh.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 563.680 ca nhiễm, tăng 5.803, trong đó 17.479 người chết, tăng 124.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo hồi giữa tháng 11 thông báo nước này dự định tiêm chủng hàng loạt cho nhân viên y tế và các nhân viên trên tuyến đầu khác từ tháng 12, nhằm kiềm chế dịch bệnh và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Indonesia sẽ sử dụng một số loại vaccine Covid-19 tiềm tăng như Sinovac của Trung Quốc.
Philippines báo cáo 436.345 ca nhiễm và 8.509 ca tử vong, tăng lần lượt 934 và 63 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.
Philippines là một trong những nơi ăn lễ Giáng sinh lâu nhất thế giới, bắt đầu từ tháng 9. Hàng đoàn người đổ về các trung tâm thương mại và mua sắm rộng lớn bất chấp Covid-19 diễn biến phức tạp tại quốc gia Đông Nam Á này.
Trung tướng Cesar Binag, người đứng đầu tổ công tác đặc biệt chống Covid-19, trong cuộc họp báo ngày 4/12 cho biết cảnh sát và binh sĩ Philippines sẽ đi tuần tại các khu vực công cộng của thủ đô Manila và mang theo gậy mây dài một mét để đo khoảng cách. Manila là một trong những "điểm nóng" Covid-19 tại Philippines. Người vi phạm quy tắc giãn cách xã hội có thể bị đánh roi.
Chính phủ Philippines đã ban lệnh cấm tổ chức tiệc Giáng sinh, các buổi tụ họp gia đình và hát mừng ngoài trời. Philippines cũng hủy kế hoạch cho phép trẻ em tới các trung tâm mua sắm.
Anh và Bahrain là các nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt vaccine Pfizer/BioNTech. WHO hy vọng có 500 triệu liều vaccine thông qua sáng kiến COVAX vào quý I năm 2021.
WHO cảnh báo các nước không nên chủ quan cho rằng khủng hoảng sắp qua vì chương trình tiêm chủng đang cận kề. "Vaccine không có nghĩa là không còn Covid", giám đốc mảng khẩn cấp của WHO, Michael Ryan, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 4/12.
"Vaccine và tiêm chủng sẽ bổ sung một công cụ lớn, mạnh mẽ vào bộ công cụ mà chúng ta có. Nhưng chỉ riêng vaccine không đủ để xóa sổ đại dịch".
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng các tiến bộ về vaccine mang lại cho chúng ta một bước tiến và giờ đây chúng ta có thể bắt đầu nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm.
"Tuy nhiên, WHO lo ngại rằng ngày càng nhiều người cho rằng đại dịch đã kết thúc. Nhiều nơi đang chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm rất cao, gây áp lực rất lớn cho các bệnh viện, khoa chăm sóc tích cực và nhân viên y tế", ông nói
Mỹ không bắt buộc dân phải tiêm vaccine COVID-19 |
Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về ứng phó Đại dịch COVID-19 |
Khác biệt giữa chuỗi lây nhiễm nCoV ở TP HCM và đợt dịch Đà Nẵng |
Ngày đăng: 08:06 | 05/12/2020
/ vnexpress.net