600 lồng cá của 430 hộ dân huyện Bá Thước và Cẩm Thủy bị thiệt hại do nước sông ô nhiễm.
Ngày 16/4, ông Phạm Minh Vũ, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Thuỷ, cho hay đến sáng nay địa bàn huyện ghi nhận hơn 24,8 tấn cá chết của 120 hộ dân với 167 lồng nuôi. Tình trạng này xảy ra nhiều nhất ở các xã Cẩm Thành (100 lồng), Cẩm Lương (64 lồng) và Cẩm Thạch (3 lồng).
Tại huyện Cẩm Thuỷ có hơn 24,8 tấn cá lồng nuôi bị chết mấy ngày qua. Ảnh: Lê Hoàng |
Tại huyện Bá Thước, theo ông Võ Minh Khoa - Chủ tịch UBND huyện, trong một tháng qua đã có hơn 26 tấn cá lồng của người dân nhiều xã trên địa bàn bị chết (433 lồng, với khoảng 310 hộ). Cá chết kéo dài thành nhiều đợt và diễn ra liên tục. Ngoài ra, các loài cá tôm, nhuyễn thể tự nhiên trên sông cũng chết rất nhiều.
Chính quyền địa phương ghi nhận từ ngày 15/3 đến 15/4, nước sông Mã đoạn qua huyện Bá Thước, Cẩm Thuỷ đổi màu đen bất thường, bốc mùi hôi tanh, sủi bọt trắng... Đến hôm nay (16/4), tình trạng cá lồng nuôi và thủy sản tự nhiên chết bất thường tiếp tục diễn ra trên sông Mã, đoạn qua các huyện Bá Thước và Cẩm Thuỷ, phạm vi trải dài khoảng 40 km.
Lực lượng chức năng phát hiện đường ống xả thải chôn ngầm phía sau nhà máy của Công ty Tân Thái Thanh. Ảnh: Lam Sơn |
Nghi vấn có cơ sở xả thải bẩn ra sông, nhà chức trách đã thành lập đoàn liên ngành đi kiểm tra, ghi nhận 4 nhà máy có hành vi chôn ống ngầm, hoặc bơm trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra sông Mã, gây ô nhiễm. UBND huyện Bá Thước thông tin đây là cơ sơ của các doanh nghiệp như Công ty TNHH Tân Thái Thanh, Công ty CP chế biến lâm sản Phú Thành (đều đóng tại xã Thiết Kế, huyện Bá Thước); Công ty CP sản xuất thương mại Đồng Tâm TH (đóng tại thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước)...
Lãnh đạo các doanh nghiệp trên thừa nhận xả nước thải bẩn với lưu lượng khác nhau, ở nhiều thời điểm.
Chủ tịch UBND huyện Bá Thước Võ Minh Khoa đã kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét thu hồi giấy phép hoạt động ba cơ sở sản sản xuất giấy trên địa bàn; sớm đưa các nhà máy vào hoạt động tập trung tại các Cụm công nghiệp Điền Trung và Thiết Ống, không để tồn tại sát bờ sông như hiện nay.
Người dân vớt cá chết trong lồng nuôi. Ảnh: Lam Sơn |
Về thiệt hại kinh tế của người dân do cá chết, theo lãnh đạo huyện Bá Thước, đại diện các nhà máy cam kết sẽ hỗ trợ, đền bù.
UBND huyện Bá Thước cũng đã đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo cơ quan chuyên môn lấy mẫu nước giếng khơi người dân đang sử dụng để phân tích độ an toàn, xem có bị ảnh hưởng tới người dùng hay không.
Vì sao cá chết trắng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Chất thải từ cống thoát nước, bùn chứa khí độc bị sục lên sau mưa lớn khiến cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè ... |
Cá chết ở biển Nghi Thiết, Nghệ An: Kết quả phân tích chất lượng nước biển
Sở TN&MT Nghệ An vừa có báo cáo kết quả phân tích chất lượng nước biển nơi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt ... |
Ngày đăng: 15:12 | 16/04/2021
/ vnexpress.net