3 năm kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, các bên liên quan có dấu hiệu tiến gần hơn đến một cuộc đàm phán để chấm dứt chiến tranh, đặc biệt là sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ Marco Rubio tại Thủ đô Riyadh (Saudi Arabia) ngày 18-2.

russia-force-2.jpg
Tên lửa của Nga thực hiện cuộc tấn công vào Ukraine. Ảnh: Ria Novosti.

Ngày 24-2 đánh dấu thời điểm đúng 3 năm Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine với yêu cầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ bỏ tư cách thành viên cho Ukraine và rút quân khỏi sườn phía Đông khối này. Xung đột giữa hai nước đã trở thành cuộc chiến lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai. Hàng chục nghìn người đã thiệt mạng, nhiều thành phố đã biến thành đống đổ nát. Nga và nhiều nước phương Tây tung ra nhiều đòn trừng phạt trả đũa lẫn nhau.

Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), hơn 12.600 thường dân được xác nhận đã thiệt mạng và hơn 29.000 người bị thương trong 3 năm qua.

Những người ở các vùng giao tranh phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng và khả năng tiếp cận viện trợ nhân đạo hạn chế. Các cuộc tấn công liên tục vào cơ sở hạ tầng đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Hơn 10% nhà ở của Ukraine đã bị hư hại hoặc bị phá hủy, khiến ít nhất 2 triệu gia đình không có nơi trú ẩn đầy đủ. Các cuộc tấn công liên tiếp vào hệ thống năng lượng đã khiến nhiều thị trấn không có điện, hệ thống sưởi ấm và các dịch vụ thiết yếu trong điều kiện băng giá của mùa đông. Tổng cộng có 12,7 triệu người cần viện trợ nhân đạo.

Ukraine vốn là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu trước cuộc xung đột, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người thấp thứ hai (chỉ xếp trên Kosovo). GDP trước khi xảy ra xung đột chỉ khoảng 200 tỷ USD. Ước tính, thiệt hại cơ sở hạ tầng đến nay có thể lên tới 1 nghìn tỷ USD.

Cuộc xung đột đã có tác động rõ rệt đến giá lương thực toàn cầu — đặc biệt là đối với các nước thu nhập thấp và trung bình — do gián đoạn nguồn cung cấp hàng hóa nông nghiệp từ Ukraine và Nga. Giá năng lượng cũng tăng vọt, đặc biệt là đối với các quốc gia châu Âu sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt.

Không lâu sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã đảo ngược mạnh mẽ chính sách cô lập Nga kéo dài 3 năm của Mỹ khi ông gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng ý "hợp tác chặt chẽ" để chấm dứt chiến tranh.

Theo thông tin mới nhất từ hãng thông tấn Nhà nước Nga TASS, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang Nga Sergei Ryabkov cho biết, cuộc đàm phán tiếp theo giữa Nga và Mỹ sẽ diễn ra vào cuối tuần này.

"Chúng tôi sẵn sàng tiếp xúc với phía Mỹ, đặc biệt là về những vấn đề gây trở ngại trong quan hệ song phương. Chúng tôi đang chờ đợi tiến triển thực sự khi cuộc gặp dự kiến diễn ra vào cuối tuần tới", ông Sergei Ryabkov nói.

Theo kế hoạch, ngày 24-2, Mỹ cũng sẽ đệ trình lên Liên hợp quốc một dự thảo nghị quyết mang tính bước ngoặt về Ukraine nhằm hướng tới hòa bình lâu dài.

Nhiều nhà quan sát dự đoán, với tốc độ và tín hiệu phát đi từ cả Nga và Mỹ, cuộc xung đột tại Ukraine nhiều khả năng sẽ sớm kết thúc.

 

Ngày đăng: 08:52 | 24/02/2025

QUỲNH DƯƠNG / HNM