Thế giới ghi nhận hơn 134 triệu người nhiễm, hơn 2,9 triệu người chết do nCoV, khoảng 66 triệu người Mỹ đã hoàn thành chương trình tiêm chủng.

Thế giới đã ghi nhận 134.479.310 ca nhiễm nCoV và 2.913.731 ca tử vong, tăng lần lượt 714.047 và 13.337, trong khi 108.289.293 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 31.713.008 ca nhiễm và 573.799 ca tử vong do nCoV, tăng 75.765 ca nhiễm và 951 ca tử vong so với một ngày trước đó.

Tính tới ngày 8/4, gần 20% người Mỹ đã nhận đủ hai mũi tiêm vaccine ngừa Covid-19, mang tới cho khoảng 66 triệu người dân nước này "lá chắn" bảo vệ trước đại dịch khiến đã khiến hơn 500.000 người Mỹ tử vong.

Chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 của Mỹ được thúc đẩy mạnh mẽ với gần 175 triệu liều vaccine được tiêm chủng từ khi bắt đầu tháng 12 năm ngoái. Hơn 112 triệu người Mỹ, tức hơn 1/3 dân số, đã tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC).

Trong khi đó, giới chức New York cho biết sẽ cung cấp khoản hỗ trợ lên tới 15.600 USD cho những người nhập cư không giấy tờ bị ảnh hưởng bởi đại dịch, động thái có thể mang lại lợi ích cho gần 300.000 người trong bang này.

Hơn 134 triệu ca Covid-19 toàn cầu, gần 20% người Mỹ hoàn thành tiêm chủng
Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho một người phụ nữ ở McClellan, California tuần trước. Ảnh: Bloomberg.

Brazil là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 13.279.857 ca nhiễm và 345.025 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 82.826 và 3.928 ca.

Khi các ca nhiễm ở Brazil tiếp tục tăng và tốc độ triển khai vaccine bị chậm trễ, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ Anthony Fauci nói Brazil nên áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để ngăn Covid-19.

Bình luận của Fauci được đưa ra khi Tổng thống Jair Bolsonaro tiếp tục phản đối phong tỏa và các biện pháp hạn chế khác, đồng thời chỉ trích thống đốc và thị trưởng vì đã thực hiện chúng.

Hôm 7/4, ông Bolsonaro một lần nữa nói với người ủng hộ rằng phong tỏa toàn quốc là không có cơ sở, dù quốc gia này ghi nhận kỷ lục gần 4.200 ca tử vong trong ngày trước đó.

Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 13.057.863 ca nhiễm và 167.694 ca tử vong, tăng lần lượt 131.802 và 802.

Hơn 700 triệu người ở Ấn Độ đang đối mặt tình trạng thiếu vaccine, khi số ca nhiễm mới hàng ngày tiếp tục được ghi nhận ở mức kỷ lục mới, với hơn 126.000 người.

Bang Gujarat, quê nhà của Thủ tướng Narendra Modi, đã trở thành nơi mới nhất phải siết biện pháp kiểm soát vào ngày 7/4 khi quốc gia này báo cáo gần 116.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ trước đó.

Các chuyên gia cho rằng làn sóng tăng ca nhiễm là do người dân phớt lờ hướng dẫn an toàn của chính quyền, tham gia các sự kiện tôn giáo và chính trị lớn, cũng như đám cưới hay các trận đấu thể thao trong những tháng qua.

Maharashtra, bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đã áp lệnh giới nghiêm ban đêm và phong tỏa cuối tuần từ tuần này để ngăn Covid-19. New Delhi cũng áp lệnh giới nghiêm từ ngày 6/4 và bang Gujarat ngày 7/4 đã mở rộng các biện pháp hạn chế đối với 20 thành phố trực thuộc, đồng thời cấm các sự kiện tập trung đông người.

Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận 4.939.258 ca nhiễm và 98.065 ca tử vong.

Thủ tướng Jean Castex ngày 8/4 thông báo 10 triệu người Pháp đã được tiêm chủng ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19, khi quốc gia này đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ triển khai vaccine sau khởi đầu chậm chạp.

"Đây là một thành tích tốt. Pháp đang tiêm chủng rất nhiều", Castex nói sau khi thăm một trung tâm tiêm chủng ở phía đông thủ đô Paris, ca ngợi quốc gia này hoàn thành mục tiêu 10 triệu mũi sớm hơn một tuần so với dự kiến.

Anh, báo cáo 4.370.321 người nhiễm và 126.980 người chết, tăng lần lượt 3.030 và 53 trường hợp.

Các nhà khoa học tại trường University College London (UCL) cho biết dựa trên phân tích mô hình dịch bệnh mới, Anh có thể vượt qua ngưỡng quan trọng khi tỷ lệ người "an toàn" trước virus nhờ tiêm chủng, từng bị nhiễm hoặc miễn dịch tự nhiên đạt 73,4% vào ngày 12/4. Đây là "cột mốc" mà giới khoa học cho rằng Anh đạt khả năng miễn dịch cộng đồng để đẩy lùi virus. Song họ cảnh báo bất kỳ động thái nào nhằm đẩy nhanh tốc độ nới lỏng các biện pháp hạn chế đều có thể ảnh hưởng tới khả năng đạt miễn dịch cộng đồng.

Tuy nhiên, nhiều học giả và nhà khoa học khác ở Anh hoài nghi về dự đoán của nhóm nghiên cứu trường UCL, trong khi Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi những số liệu thực tế.

Theo số liệu chính thức được Văn phòng Thống kê Quốc gia công bố ngày 8/4, khoảng 54% người ở Anh đã có kháng thể chống nCoV tính đến hết ngày 14/3.

Đức, vùng dịch lớn thứ 10 thế giới, ghi nhận 24.242 ca nhiễm và 299 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 của quốc gia này lên lần lượt 2.951.814 và 78.473.

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết ông muốn điện đàm với Moskva để có được nguồn cung vaccine Sputnik V, trong nỗ lực nhằm thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng của quốc gia này.

Bộ trưởng Spahn cho biết Berlin không ngần ngại hành động độc lập với Liên minh châu Âu (EU), bày tỏ thất vọng về việc khối từ chối hợp tác với các nhà sản xuất Nga. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh loại vaccine này chỉ được sử dụng nếu được Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép.

Ông Spahn đã phải đối mặt áp lực ngày càng tăng để đẩy nhanh chương trình tiêm chủng giữa lúc vấp nhiều chỉ trích rằng phải chịu đựng sự "chậm chạp" của Ủy ban châu Âu. Ngày 8/4, ông cho biết cho đến nay 13,8% dân số Đức đã được tiêm ít nhất một liều và 5,7% đã hoàn thành chương trình tiêm chủng.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.552.880 ca nhiễm, tăng 5.504, trong đó 42.227 người chết, tăng 163.

Jakarta cảnh báo 100 triệu liều vaccine AstraZeneca có thể không được chuyển giao cho Indonesia đúng hạn, do những hạn chế xuất khẩu ở Ấn Độ.

Tính tới thời điểm hiện tại, quốc gia Đông Nam Á này đã tiêm chủng ít nhất 13,5 triệu liều. Khoảng 4,43 triệu người, chiếm 1,6% dân số, đã hoàn thành chương trình tiêm chủng.

Philippines vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 828.366 ca nhiễm và 14.119 ca tử vong, tăng lần lượt 9.216 và 60 ca.

Philippines đã đình chỉ tiêm vaccine AstraZeneca cho người dưới 60 tuổi sau các báo cáo về tình trạng đông máu ở nhiều nước, khiến chiến dịch tiêm chủng vaccine chống Covid-19 của nước này bị đình trệ.

Cùng với Philippines, nhiều quốc gia khác cũng đưa ra quyết định giới hạn sử dụng vaccine AstraZeneca cho người lớn tuổi, gồm Hà Lan, Australia, Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Đức và Canada.

"Chúng tôi phải có các biện pháp phòng ngừa cần thiết dựa trên những lời khuyên y tế tốt nhất có thể", Thủ tướng Australia Scott Morrison nói ngày 8/4.

Dự án Covax do Liên Hợp Quốc dẫn đầu đã chuyển gần 38,4 triệu liều vaccine Covid-19 tới 102 quốc gia và vùng lãnh thổ sau 6 tuần khởi động. Chương trình đã cung cấp "phao cứu sinh" cho các nước có thu nhập thấp, cho phép họ có thể bắt đầu triển khai tiêm chủng cho nhân viên y tế và nhóm có nguy cơ cao, ngay cả khi chính phủ của họ không thể xoay xở để đặt hàng vaccine từ các nhà sản xuất.

Đợt phân phối đầu tiên của Covax dự kiến cung cấp khoảng 238,2 triệu liều vaccine trước ngày 31/5 cho 142 nền kinh tế tham gia dự án. Trong đó, 237 triệu liều là vaccine AstraZeneca và 1,2 triệu liều là Pfizer/BioNTech.

Châu Phi hiện đứng "bên rìa" chiến dịch tiêm chủng của thế giới, khi số lượng vaccine được tiêm ở châu lục này chỉ chiếm 2% của toàn cầu, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Thanh Tâm (Theo Reuters, CNN, Washington Post, Guardian, AFP)

Thái Lan phát hiện loạt ca mắc biến thể COVID-19 mới, nguy cơ tái bùng phát dịch Thái Lan phát hiện loạt ca mắc biến thể COVID-19 mới, nguy cơ tái bùng phát dịch

Thái Lan ghi nhận các trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể COVID-19 mới, làm tăng nguy cơ bùng phát làn sóng đại dịch mới.

Con đường ngoại giao vaccine Covid-19 Trung Quốc rộng mở Con đường ngoại giao vaccine Covid-19 Trung Quốc rộng mở

Các chuyên gia đánh giá Trung Quốc đang từng bước mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế khi 70 quốc gia và vùng lãnh thổ ...

Ngày đăng: 06:59 | 09/04/2021

/ vnexpress.net