Thế giới ghi nhận hơn 130 triệu người nhiễm, hơn 2,8 triệu người chết do nCoV, trong khi Tổng thống Đức Steinmeier, 65 tuổi, đã tiêm vaccine của AstraZeneca.
Thế giới đã ghi nhận 130.134.885 ca nhiễm nCoV và 2.838.743 ca tử vong, tăng lần lượt 710.227 và 12.177, trong khi 104.868.063 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier hôm 1/4 được tiêm mũi đầu tiên của vaccine AstraZeneca, chỉ hai ngày sau khi giới chức khuyến cáo chỉ sử dụng loại vaccine gây tranh cãi này cho những người từ 60 tuổi trở lên.
"Tôi tin tưởng các loại vaccine được phê duyệt tại Đức", Steinmeier cho biết sau khi được tiêm chủng tại Bệnh viện Quân đội Berlin. "Tiêm phòng là bước quyết định trên con đường thoát khỏi đại dịch. Hãy tận dụng những cơ hội sẵn có. Hãy tham gia!".
Giới chức Đức đã rất nỗ lực để củng cố niềm tin của công chúng vào vaccine AstraZeneca. Ủy ban vaccine STIKO của Đức đầu tuần này khuyến nghị chỉ tiêm loại vaccine này cho người từ 60 tuổi trở lên sau những lo ngại về một số trường hợp đông máu ở những người trẻ tuổi được tiêm. Những người dưới 60 tuổi vẫn có thể tiêm với sự tư vấn của bác sĩ và nếu họ nhận thức đầy đủ về những rủi ro có thể xảy ra.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn, 40 tuổi, nói với các phóng viên rằng ông sẵn sàng tiêm AstraZeneca "khi đến lượt". Thủ tướng Angela Merkel, 66 tuổi, cũng cho biết bà rất vui khi được tiêm vaccine này, trong khi Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer, 71 tuổi từng nói ông không có kế hoạch tiêm AstraZeneca.
Một số quốc gia khác, gồm Pháp, Tây Ban Nha và Canada, cũng đã áp dụng giới hạn độ tuổi đối với người tiêm AstraZeneca.
Cơ quan Dược phẩm Châu Âu hôm 31/3 cho biết các chuyên gia điều tra mối liên hệ giữa vaccine AstraZeneca và hiện tượng đông máu đã không phát hiện yếu tố nguy cơ cụ thể nào, nhưng đang điều tra thêm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nói AstraZeneca là an toàn.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier phát biểu tại một sự kiện ở Berlin, hôm 26/3. Ảnh: AFP. |
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 31.239.831 ca nhiễm và 566.237 ca tử vong do nCoV, tăng 72.778 ca nhiễm và 908 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Tỷ lệ lây nhiễm ở Mỹ đã giảm trong vài tuần, nhưng hiện tăng trở lại, với dữ liệu gần nhất cho thấy mức trung bình 7 ngày qua là gần 60.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Antony Fauci, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Mỹ, cho rằng tốc độ lây nhiễm không giảm nhiều khả năng do các bang đã nới lỏng biện pháp kiểm soát phòng dịch quá sớm, cùng sự xuất hiện của nhiều biến chủng nCoV mới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 29/3 công bố loạt động thái mới nhằm mở rộng chiến dịch tiêm chủng và đảm bảo 90% người lớn đủ điều kiện tiêm vaccine Covid-19 trước ngày 19/4. Tuy nhiên, ông cảnh báo người Mỹ cuộc chiến đánh bại Covid-19 "còn lâu mới thắng" và kêu gọi người dân nâng cao ý thức phòng bệnh khi đất nước trên bờ vực sóng lây nhiễm thứ tư.
Biden cũng kêu gọi các bang đã nới lỏng quy định đeo khẩu trang và hạn chế với các doanh nghiệp nên đảo ngược động thái này. Hiện 6 bang ở Mỹ đã dỡ bỏ quy định về khẩu trang và một số bang khác có kế hoạch tương tự vào nửa đầu tháng 4.
BioNTech-Pfizer cho biết vaccine của họ hiệu quả 100% ở trẻ 12 -15 và họ đang thúc đẩy để được phép tiêm vaccine cho thiếu niên trước năm học tới.
Brazil là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 12.839.844 ca nhiễm và 325.284 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 86.586 và 3.398 ca.
Tháng ba là tháng ghi nhận nhiều ca tử vong vì nCoV cao nhất ở Brazil kể từ khi đại dịch bùng phát. Với 57.606 ca tử vong từ 1/3 đến 30/3, Bộ Y tế ghi nhận số người chết nhiều hơn 75% so với tháng chết chóc thứ hai trong đại dịch ở Brazil là tháng 7/2020.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hôm 30/3 ký sắc lệnh giải ngân 918 triệu USD vốn vay để đối phó đại dịch Covid-19, trong bối cảnh nước này ghi nhận số người chết vì đại dịch trong một ngày cao chưa từng có. Các khoản vay sẽ được chuyển cho Bộ Y tế Brazil để sử dụng trên 2.600 phòng khám công và bổ sung giường bệnh, giúp củng cố hệ thống y tế Brazil.
Áp lực đang ngày càng gia tăng với Tổng thống Jair Bolsonaro, khiến ông thay đổi thái độ về nỗ lực phòng chống Covid-19 và triển khai vaccine. Giới chức y tế nước này tuần trước công bố chiến dịch phát triển hai loại vaccine nội địa nhằm kiểm soát dịch bệnh, trong đó một loại dự kiến được bắt đầu sử dụng vào tháng 7.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 12.302.110 ca nhiễm và 163.428 ca tử vong, tăng lần lượt 81.441 và 468.
Ấn Độ bắt đầu tiêm chủng cho tất cả những người trên 45 tuổi kể từ 1/4. Trước đó, chỉ những nhân viên tuyến đầu trong lĩnh vực y tế và các lĩnh vực khác, cùng với người trên 60 tuổi và người trên 45 tuổi có bệnh nền mới đủ điều kiện để tiêm vaccine AstraZeneca hoặc vaccine nội địa Bharat Biotech.
Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận 4.695.082 ca nhiễm và 95.976 ca tử vong.
Tổng thống Emmanuel Macron hôm 31/3 ra lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ ba, đóng cửa các trường học trong ba tuần. Thông báo của ông có nghĩa là các hạn chế di chuyển đã được áp dụng trong hơn một tuần ở Paris và một số miền bắc và miền nam, giờ sẽ áp dụng cho cả nước trong ít nhất một tháng, kể từ ngày 3/4.
Macron đã cố tránh áp đặt phong tỏa quy mô lớn lần ba kể từ đầu năm, cho rằng nếu ông có thể đưa nước Pháp thoát khỏi đại dịch mà không đóng cửa đất nước một lần nữa, nền kinh tế sẽ có cơ hội phục hồi.
Tuy nhiên, Macron giờ đây không còn lựa chọn nào khi các biển chủng nCoV dễ lây lan hơn lan rộng ở Pháp và phần lớn châu Âu. Pháp tụt hậu so với nhiều nước phương Tây về số lượng người được tiêm chủng khi mới tiêm được 10,7 triệu liều vaccine, so với gần 35 triệu ở Anh và hơn 13 triệu ở Đức. Xu hướng tiêm chủng tăng nhanh những tuần gần đây, song ca nhiễm cũng tăng đột biến.
Anh, báo cáo 4.350.266 người nhiễm và 126.764 người chết, tăng lần lượt 4.478 và 51 trường hợp.
Anh nới lỏng biện pháp phòng dịch từ 29/3, cho phép các nhóm lên đến 6 người gặp nhau ngoài trời. Chính phủ cũng có kế hoạch cho phép uống rượu ngoài trời và mở lại dịch vụ không cần thiết như tiệm làm tóc kể từ ngày 12/4.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cuối tuần trước tuyên bố chiến dịch tiêm chủng đại trà và các chính sách ủng hộ doanh nghiệp của chính phủ sẽ thúc đẩy phục hồi kinh tế. Johnson thừa nhận sóng Covid-19 thứ ba đang càn quét châu Âu và có thể tấn công Anh trong khoảng ba tuần, nhưng điểm khác biệt chính so với năm ngoái là sự gia tăng ca nhiễm và nhập viện đều được giảm thiểu nhờ việc triển khai vaccine.
Đức, vùng dịch thứ mười thế giới, ghi nhận 2.854.137 ca nhiễm và 77.244 ca tử vong, tăng lần lượt 23.802 và 205 trong 24 giờ qua.
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 1/4 kêu gọi người dân hạn chế tiếp xúc xã hội trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh những ngày tới trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang vật lộn kiềm chế sóng Covid-19 thứ ba.
"Các bác sĩ và y tá đang làm tất cả những gì họ có thể làm được", bà Merkel nói, đồng thời cảnh báo ngày càng nhiều người trẻ tuổi nhập viện. "Chúng ta không nên để mặc họ, mà thay vào đó hãy hỗ trợ họ bằng hành động của chính mình".
Bà cũng tìm cách khích lệ tinh thần người dân khi nói rằng xét nghiệm hàng loạt và tiêm chủng mở rộng mang lại "ánh sáng và hy vọng". "Chúng ta sẽ cùng nhau đánh bại loại virus này", bà nói thêm.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.517.854 ca nhiễm, tăng 6.142, trong đó 41.054 người chết, tăng 196.
Indonesia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ tháng một và đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 181,5 triệu người trong vòng một năm. Khoảng 10,7 triệu người đã được tiêm vaccine.
Philippines vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 756.199 ca nhiễm và 13.303 ca tử vong, tăng lần lượt 8.920 và 6 ca.
Philippines bắt đầu lệnh phong tỏa với hơn 24 triệu người tại Vùng thủ đô Manila và 4 tỉnh lân cận từ ngày 29/3. Người dân sẽ phải làm việc tại nhà trừ khi được coi là lao động thiết yếu, phương tiện giao thông công cộng sẽ dừng hoạt động. Tất cả cuộc tụ tập đông người đều bị cấm, lệnh giới nghiêm từ 18h đến 5h được thực thi và các cơ sở kinh doanh không thiết yếu sẽ bị đóng cửa.
Huyền Lê (Theo AFP, Worldometer)
Triển vọng Cuba thành cường quốc vaccine Covid-19
Cuba đã chú trọng phát triển công nghệ sinh học và họ đang sở hữu 5 ứng viên vaccine, có thể giúp họ cứu nền ... |
Gần 129 triệu ca nCoV toàn cầu, 14 nước quan ngại báo cáo Covid-19 của WHO
Thế giới ghi nhận gần 129 triệu người nhiễm nCoV, hơn 2,8 triệu người chết, Mỹ và đồng minh nói báo cáo nguồn gốc Covid-19 ... |
Ngày đăng: 07:39 | 02/04/2021
/ vnexpress.net