Thế giới ghi nhận hơn 117 triệu ca Covid-19, trong đó gần 2,6 triệu người đã chết, số người Mỹ tin vào vaccine ngày càng tăng.
Thế giới đã ghi nhận 117.050.765 ca nhiễm nCoV và 2.598.706 ca tử vong, tăng lần lượt 434.046 và 8.565, trong khi 92.596.537 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew được công bố hôm 5/3, tại Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ngày càng nhiều người lên kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 với niềm tin ngày càng tăng, đặc biệt ở người Mỹ gốc Phi. 69% người được hỏi cho biết họ đã được tiêm hoặc dự định tiêm, tăng từ 60% so với hồi tháng 11, trong đó 19% nói đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19.
61% người Mỹ gốc Phi cho biết họ có kế hoạch tiêm vaccine, tăng mạnh so với 42% hồi tháng 11. Cộng đồng người Mỹ gốc Phi bị ảnh hưởng rất lớn trong đại dịch hiện khiến hơn 29.648.009 người nhiễm và 536.995 người tử vong tại Mỹ, tăng lần lượt 53.586 và 1.392.
Người Dân chủ đặt niềm tin vào vaccine hơn người Cộng hòa, tương ứng tỷ lệ 83% và 56%. 2/3 số người được khảo sát nói họ biết một người nào đó đã nhập viện vì Covid-19 hoặc một người nào đó đã chết vì đại dịch, tỷ lệ này tăng lên 78% ở người Mỹ da màu.
49% người da màu coi Covid-19 là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cá nhân, trong khi tỷ lệ này ở người da trắng là 26%.
Gần 30% người trưởng thành nói rằng họ không có kế hoạch tiêm vaccine với nhiều lý do, gồm lo ngại về tác dụng phụ và cảm thấy vaccine được phát triển, thử nghiệm quá nhanh.
Andy Slavitt, cố vấn cấp cao Nhà Trắng về ứng phó Covid-19, hôm 5/3 cho biết hơn 82 triệu mũi vaccine đã được tiêm ở Mỹ, "nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới". "Gần 55% những người từ 65 tuổi trở lên đã nhận được ít nhất một mũi tiêm", Slavitt nói.
Nhân viên y tế Mỹ tiêm vaccine Covid-19 cho người dân tại bang Colorado hôm 6/3. Ảnh: AFP. |
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 18.638 ca nhiễm và 98 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV lên lần lượt 11.210.502 và 157.791.
Số ca nhiễm tại nước này liên tục giảm kể từ giữa tháng 9/2020, trước khi tăng trở lại hồi đầu tháng trước. 8/10 số ca ghi nhận gần đây được báo cáo tại 5 bang, chủ yếu là Maharashtra và Kerala.
Chính phủ Ấn Độ tuyên bố "có đủ nguồn dự trữ và sẽ cung cấp số liều vaccine cần thiết" cho mọi địa phương, đồng thời kêu gọi các bang không nên tích trữ vaccine. Ấn Độ sản xuất 60% vaccine trên thế giới, đã tặng hoặc bán vaccine Covid-19 cho một số quốc gia.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 1.377 ca tử vong, nâng tổng số lên 264.325. Số ca nhiễm nCoV tăng 66.993 trong 24 giờ qua, lên 10.938.836. Ca tử vong hàng ngày ở Brazil liên tục ở mức cao kỷ lục từ hôm 3/3.
Trong khi phần lớn thế giới đang áp dụng các biện pháp hạn chế hoặc thúc đẩy tiêm vaccine Covid-19, nhiều người tại Brazil vẫn tiệc tùng và phớt lờ đại dịch, bất chấp việc nước này là nơi phát sinh biến chủng nCoV lây lan nhanh hơn và được cho là nguy hiểm hơn.
Giới chức Brazil cảnh báo hệ thống y tế tại nước này đang bên bờ vực sụp đổ, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đặc biệt lo ngại tình hình dịch bệnh tại quốc gia Nam Mỹ này.
Anh, vùng dịch lớn thứ 5 thế giới, báo cáo 4.213.343 ca nhiễm và 124.419 ca tử vong, tăng lần lượt 6.040 và 158 trường hợp. Anh hiện đã tiêm 22.887.118 mũi vaccine Covid-19 cho người dân, gồm 21.796.278 mũi đầu tiên và 1.090.840 mũi thứ hai.
Giới chức Anh ghi nhận 16 ca nhiễm biến chủng B.1.1.318 được phát hiện tại nước này hôm 15/2 và có đặc điểm giống những chủng ở Brazil và Nam Phi. Anh đang theo dõi tổng cộng 8 biến chủng nCoV, gồm 4 chủng đang được điều tra (VUI) và 4 chủng đáng lo ngại (VOC).
Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 23.306 ca nhiễm và 170 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.882.408 và 88.444.
Hàng trăm nghìn người ở miền bắc nước Pháp hôm 6/3 quay lại tình trạng phong tỏa khi giới chức y tế đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng toàn quốc để bù đắp khởi đầu chậm chạp. Hơn hai triệu người trên khắp nước Pháp phải chịu các hạn chế cuối tuần, buộc phải ở nhà trừ khi có giấy miễn trừ.
Lệnh giới nghiêm từ 18h đến 6h hôm sau đã được áp dụng, các cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa. Những hạn chế mới này sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vốn đã khó khăn.
Đức, vùng dịch lớn thứ mười thế giới, ghi nhận 2,502,122 ca nhiễm và 72,470 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 8,235 và 173 ca so với một ngày trước đó. Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 3/3 công bố kế hoạch dần nới lỏng hạn chế phòng dịch, khi các lãnh đạo khu vực và công chúng đang ngày càng mất kiên nhẫn và các doanh nghiệp chật vật tồn tại sau nhiều tháng đóng cửa
Tuyên bố về một "giai đoạn mới", Merkel cho biết các hộ gia đình sẽ được tương tác nhiều hơn kể từ 8/2. Các cửa hàng sách, cửa hàng hoa cũng sẽ mở cửa trở lại trên toàn quốc. Mở cửa trở lại sẽ được quyết định phù hợp với tỷ lệ lây nhiễm tại địa phương.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.373.836 ca nhiễm, tăng 5.767, trong đó 37.154 người chết, tăng 128. Thứ trưởng Y tế Indonesia Dante Saksono Harbuwono cho biết nước này đã phát hiện hai trường hợp nhiễm biến chủng nCoV từ Anh, đặt ra thách thức mới giữa lúc Indonesia cố gắng kiềm chế đại dịch.
Nhóm chuyên trách Covid-19 của Indonesia thông báo việc giám sát tại các cửa ngõ đất nước sẽ được siết chặt, nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến chủng có tốc độ truyền nhiễm nhanh hơn này.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 591.138 ca nhiễm và 12.465 ca tử vong, tăng lần lượt 3.439 và 42 ca.
Philippines đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp các vaccine Covid-19 của Pfizer, AstraZeneca và Sinovac. Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) hôm 3/3 trở thành nhà sản xuất thứ 6 nộp đơn xin cấp phép tại nước này.
Huyền Lê (Theo AFP, Worldometer)
Đảng Dân chủ thỏa hiệp trong dự luật cứu trợ 1.900 tỷ USD
Thượng viện Mỹ hôm nay tiến gần hơn đến ngưỡng cửa thông qua dự luật viện trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD sau các ... |
Ngày đăng: 07:26 | 07/03/2021
/ vnexpress.net