Giá xăng trong nước có thể giảm thêm 2.500 - 3.500 đồng/lít trong kỳ điều chỉnh chiều nay 21/7, nếu nhà điều hành trích lập quỹ bình ổn mức vừa phải.

Dữ liệu Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 15/7 cho thấy, giá xăng RON92 tại thị trường Singapore là 108,26 USD/thùng, xăng RON95 là 112,9 USD/thùng, dầu diesel là 134,23 USD/thùng…Mức giá này giảm mạnh so với thời điểm trước kỳ điều hành ngày 11/7.

Thông tin với VTC News, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cho biết, giá xăng dầu thế giới đã giảm mạnh trong tuần qua, nên kỳ điều hành chiều nay giá trong nước nhiều khả năng sẽ giảm sâu theo.

"Nếu không trích lập quỹ bình ổn giá, xăng sẽ giảm khoảng 2.500 - 3.500 đồng/lít, dầu cũng sẽ giảm sâu", vị này cho hay.

Trong kỳ điều hành giá ngày 11/7, xăng E5 RON92 có giá 27.788 đồng/lít, giảm 3.103 đồng/lít; xăng RON95-III giá 29.675 đồng/lít, giảm 3.088 đồng/lít. Dầu diesel giá 26.593 đồng/lít, giảm 3.022 đồng/lít; dầu hỏa giá 26.345 đồng/lít, giảm 2.008 đồng/lít; dầu mazut có giá 17.712 đồng/kg, giảm 2.010 đồng/kg.

Liên quan đến điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính mới đây đề xuất giảm một nửa mức thuế suất nhập khẩu xăng. Cụ thể, Bộ này có công văn gửi Bộ Tư pháp lấy ý kiến thẩm định về dự án nghị định sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ 20% xuống còn 10%.

Bộ Tài chính cũng báo cáo Thủ tướng cho phép trước mắt tách nội dung giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với xăng để ban hành một nghị định riêng theo trình tự, thủ tục rút gọn và có thể áp dụng ngay. Đánh giá số thu ngân sách nếu đề xuất trên được áp dụng, Bộ Tài chính cho hay cơ bản sẽ không có nhiều tác động đến thu ngân sách nhà nước. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng giá xăng dầu trong nước khó giảm sâu nếu chỉ giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN mà cần nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng trong bối cảnh hiện tại, nhà điều hành không nên trích lập quỹ bình ổn giá ở mức cao. Người dân và doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ để ổn định cuộc sống, phát triển kinh doanh sau chuỗi ngày khó khăn vì COVID-19.

Theo chuyên gia kinh tế TS Bùi Trinh, ngoài việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn thì cơ quan quản lý cần sớm giảm thêm các sắc thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT…như vậy mới làm “nguội” bớt sức nóng của giá mặt hàng chiến lược quan trọng này.

“Trường hợp giá dầu thế giới tiếp tục diễn biến tiêu cực, việc tính toán giảm thêm các loại thuế là cần thiết để giữ ổn định giá bán lẻ xăng dầu trong nước”, ông Trinh nói.

Ngày đăng: 08:02 | 21/07/2022

HÒA BÌNH / VTC News