Theo Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hôm nay (10/10), đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) đến Việt Nam để kiểm tra các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, xem xét gỡ "thẻ vàng" IUU đối với Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đây là lần thứ tư EC làm việc với Việt Nam về việc triển khai các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), kể từ khi Việt Nam bị cảnh báo "thẻ vàng" IUU năm 2017.
Mục tiêu chuyến làm việc của EC lần này sẽ tập trung vào công tác kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và hoạt động trên biển, kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Dự kiến, Đoàn thanh tra EC sẽ kiểm tra thực địa và làm việc kỹ thuật từ ngày 10 - 17/10. Cụ thể, ngày 10/10, đoàn sẽ đến Việt Nam.
Ngày 11 - 15/10, đoàn sẽ làm việc với Cục Thú y, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm tra thực địa tại cảng cá chỉ định theo Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng (PSMA) và tại địa phương.
Ngày 16 - 17/10, sẽ làm việc kỹ thuật với Cục Kiểm ngư, Cục Thủy sản, Cục Thú y, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường và các đơn vị có liên quan.
Ngày 18/10, Đoàn sẽ đối thoại cấp cao với lãnh đạo Bộ NN&PTNT.
Đoàn thanh tra EC sẽ tập trung vào công tác kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và hoạt động trên biển; tập trung vào công tác kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và hoạt động trên biển.
Bộ NN&PTNT cho biết, kể từ tháng 11/2022 đến nay, Việt Nam đã tập trung triển khai 4 nhóm khuyến nghị của EC để chống khai thác IUU, nhằm được gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU gồm: Hoàn thiện khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; thực thi pháp luật.
Bộ cũng cho biết đã đề rõ các mục tiêu: Tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam chống khai thác IUU, tiến tới hài hòa quy định quốc tế và phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản Việt Nam.
Tuy vậy, Bộ nhấn mạnh, việc chuyển đổi một ngành đánh cá từ mang tính chất đánh bắt tự nhiên trở thành một ngành đánh cá hiện đại, bền vững, có trách nhiệm và việc thay đổi ý thức của ngư dân là một thách thức lớn, đòi hỏi quyết tâm cao của tất cả các bên liên quan.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, sau hơn 5 năm bị cảnh báo "thẻ vàng" IUU, quá trình gỡ thẻ của Việt Nam đang đi đúng hướng, có sự cải thiện tích cực và kết quả khả quan. Cụ thể, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý đảm bảo đầy đủ các quy định, chế tài để các địa phương thực thi chống khai thác IUU.
Bên cạnh đó, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình kiểm soát tàu cá và truy xuất nguồn gốc hải sản được thực hiện nghiêm túc. Tàu cá vi phạm đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài đã giảm rất nhiều so với thời gian trước đây.
EC cho biết, sẽ "có khung pháp lý rõ ràng" và mục tiêu hỗ trợ Việt Nam trong việc gỡ "thẻ vàng" IUU sớm nhất có thể.
Việc gỡ “thẻ vàng” IUU là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết vì Liên minh châu Âu (EU) nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trị giá 11 tỷ USD năm 2022, thị trường EU đóng góp khoảng 1,3 tỷ USD.
Trước đó, tại Hội nghị thúc đẩy các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị đón và làm việc với đoàn thanh tra của EC lần thứ 4, chiều 7/10. Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải hợp tác, thẳng thắn, trung thực, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe, không đối phó để có kết quả tốt nhất trong đợt thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC).
Thủ tướng nhấn mạnh việc chống khai thác IUU chính là vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân, chứ không phải vì việc thanh tra, kiểm tra của EC. Do đó, các cấp, các ngành, các địa phương cần không ngừng nâng cao ý thức người dân trong thực thi pháp luật và bảo vệ môi trường, kết hợp chặt chẽ giữa việc xử lý vi phạm, tuyên truyền, giáo dục và chăm lo, nâng cao đời sống ngư dân, tạo sinh kế, việc làm cho người dân theo hướng tăng cường nuôi trồng, chế biến và giảm thiểu đánh bắt xa bờ. "Đánh bắt thủy hải sản là sinh kế lâu đời của ngư dân. Do đó, việc chuyển đổi không phải là việc dễ trong ngày một, ngày hai mà chúng ta phải kiên trì thực hiện", Thủ tướng nói.
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp các tỉnh, thành phố ven biển và các bộ, ngành có liên quan tập trung thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Bộ Công an khẩn trương củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU.
Đặc biệt là chủ động phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong việc đón và làm việc với đoàn thanh tra của EC một cách công tâm, khách quan, trách nhiệm, đảm bảo đạt kết quả tốt nhất, hướng tới sớm gỡ cảnh báo "thẻ vàng".
Ngày đăng: 10:18 | 10/10/2023
Theo CAND /