Năm học 2017 - 2018, năm học được coi là năm “bản lề” cho sự đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Từ những việc đã làm được và chưa làm được của năm học trước, những bộn bề khó khăn và thách thức trước yêu cầu đổi mới, ngành giáo dục cần thêm những quyết tâm, nỗ lực, và đột phá để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới.

Học sinh, sinh viên cả nước vào năm học mới
Lễ khai giảng ở vùng rốn lũ đau thương
Hơn 21 triệu học sinh trên cả nước sẽ dự lễ khai giảng năm học mới 2017-2018. Ảnh: Q.T

Môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh

Hôm nay (5.9) cũng là ngày Nghị định 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường chính thức có hiệu lực. Với nghị định này, nhiều phụ huynh kỳ vọng con cái họ được học tập trong môi trường tốt đẹp.

Theo Nghị định 80, tất cả cơ sở giáo dục đều phải có môi trường giáo dục đảm bảo yêu cầu về địa điểm, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi trẻ em; Yêu cầu về tài liệu, học liệu giảng dạy. Ngoài ra, phải bảo đảm an ninh trật tự; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích; an toàn, phòng, chống cháy, nổ; an toàn phòng, chống thảm họa, thiên tai.

Các trường phải xây dựng, công khai và thực hiện nghiêm túc bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong cơ sở giáo dục có sự tham gia của người học. Thiết lập kênh thông tin như hộp thư góp ý, đường dây nóng và các hình thức khác để tiếp nhận, xử lý các thông tin của người học; bảo mật cho người cung cấp thông tin.

Tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động ngoài giờ chính khóa, hoạt động xã hội, từ thiện vì cộng đồng, hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao an toàn, lành mạnh, thân thiện, bình đẳng, phù hợp với độ tuổi, đặc điểm sinh lý, tâm lý của người học; Thực hiện công tác y tế trường học, công tác tư vấn, công tác trợ giúp người học. Thường xuyên trao đổi thông tin với gia đình người học và cộng đồng trong việc bảo đảm an toàn tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của người học.

Cũng từ năm học này, các cơ sở giáo dục phải tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường; về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực học đường. Đồng thời, ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường phù hợp với khả năng của bản thân.

Đồng thời, giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại người học; phòng, chống bạo lực học đường; bạo lực trẻ em trên môi trường mạng cho người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục và gia đình người học; giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho người học;...

Tập trung giải quyết những vấn đề “nóng”

Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, năm học 2017-2018, Bộ GDĐT tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường với 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản. Trong đó, tập trung triển khai 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Nhiệm vụ đầu tiên, toàn ngành sẽ quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, trọng tâm là các cơ sở đào tạo giáo viên. Các địa phương tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm.

Thứ hai, chuẩn bị các điều kiện để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, tập trung vào công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cuối cùng là việc đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo. Theo đó, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo, đề ra các giải pháp quyết liệt để Hội đồng trường đi vào hoạt động hiệu quả và thực chất hơn.

Trước những nhiệm vụ này, GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục - nhấn mạnh: Toàn ngành giáo dục dưới sự lãnh đạo của Bộ GDĐT cần nỗ lực, quyết tâm và đột phá thực hiện tốt 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp cơ bản của năm học 2017-2018 mà Bộ trưởng đã đề ra. Thực hiện được điều này có nghĩa là chúng ta đã thực hiện được một bước mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT theo Nghị quyết 29.

“Tôi cũng mong các địa phương từ tỉnh đến huyện, cấp xã phường tìm mọi cách để chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần của các thầy, cô giáo được tốt hơn. Vì hiện nay các thầy, cô giáo là những người đang gặp khó khăn nhất trong đội ngũ làm công ăn lương” - GS Phạm Minh Hạc cho biết.

GS Phạm Minh Hạc tin tưởng: Ở nước ta có truyền thống tốt đẹp, đó là mọi người, mọi gia đình có con em đi học đều hân hoan, đón chào ngày khai giảng năm học mới, với niềm hy vọng tràn trề vào thế hệ nối tiếp mình. Tôi chúc mừng các thầy, cô giáo và các em học sinh trong cả nước bước vào năm học mới sẽ có nhiều kết quả tốt, tiến tới đào tạo một thế hệ trẻ yêu nước, sẵn sàng bảo vệ tổ quốc, có tài năng, có đạo đức để phát triển con người phục vụ cho gia đình, xã hội.

9 nhiệm vụ chủ yếu, 5 giải pháp cơ bản

9 nhiệm vụ chủ yếu bao gồm: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo; hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

5 giải pháp cơ bản: Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về giáo dục và đào tạo; nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo.

https://laodong.vn/giao-duc/hom-nay-59-khai-giang-nam-hoc-2017-2018-can-dot-pha-trong-nam-hoc-ban-le-562770.ldo

Ngày đăng: 08:12 | 05/09/2017

/ Lao động