Ngày 19/5, Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku và điều chỉnh chủ trương dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có điểm đầu tại quốc lộ 19B thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh thuộc TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tổng chiều dài khoảng 125 km, trong đó đoạn qua Bình Định 40 km, qua Gia Lai 85 km.

Cao tốc có 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục, bề rộng nền đường 24,75 m, tốc độ thiết kế 100 km/h. Tổng diện tích đất sử dụng sơ bộ 942,15 ha. Chính phủ đề xuất hình thức đầu tư công, sơ bộ tổng vốn hơn 43.730 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh, dự án góp phần hình thành trục ngang Đông - Tây kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư; tạo dư địa, động lực phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài gần 54 km, quy mô 4-6 làn xe, tổng mức đầu tư 17.800 tỷ đồng. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư đoạn ba; Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư đoạn hai dài 18,2 km; tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư đoạn còn lại 16 km.
Tại tờ trình, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, phê duyệt tăng tổng mức đầu tư dự án từ 17.837 lên 21.551 tỷ đồng do phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có biến động lớn. Dự án cũng bị ảnh hưởng do biến động về đơn giá bồi thường ở Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu tại thời điểm thu hồi đất so với dự kiến. Dự án phải bổ sung nút giao khác mức liên thông với đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao.
Ngoài ra, chi phí đầu tư xây dựng tăng thêm do biến động đơn giá vật liệu, nhân công, máy thi công tại thời điểm lập, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng công trình vào năm 2023 so với thời điểm lập chủ trương đầu tư.
Sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Buổi chiều, Chính phủ trình Quốc hội bổ sung ngân sách chi thường xuyên và việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính. Sau đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.
Liên quan đến công tác triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, ngày 17/5/2025, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 235/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 17 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo).
Theo đó, Thủ tướng nêu rõ các mục tiêu hoàn thành các dự án trong năm 2025 là không thay đổi (kiên quyết không đội vốn, không tiêu cực, không kéo dài thời gian thực hiện…). Phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị quan trọng là cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc trong năm 2025; cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành và khởi công dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (tại 5 địa điểm vào ngày 19/12/2025).
https://markettimes.vn/hom-nay-19-5-quoc-hoi-xem-xet-hai-du-an-cao-toc-82928.html
Ngày đăng: 09:31 | 19/05/2025
An Diệp / Markettimes.vn