Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Washington - Bắc Kinh leo thang.
Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc họp vào tối 15/11 (theo giờ Mỹ). Đây là lần thứ 3 lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc nói chuyện kể từ khi ông Biden nhậm chức.
Tuần trước, Nhà Trắng tuyên bố, trong cuộc họp trực tuyến tới đây, Tổng thống Joe Biden sẽ "thẳng thắn" với Chủ tịch Tập Cận Bình về mối quan ngại của Mỹ với Trung Quốc .
“Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các cách thức quản lý có trách nhiệm sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như tìm cách cùng hợp tác khi lợi ích phù hợp. Xuyên suốt cuộc họp, Tổng thống Biden sẽ nêu rõ các ý định và ưu tiên của Mỹ, bày tỏ quan điểm thẳng thắn về quan ngại của Mỹ đối với Trung Quốc”, Thư ký báo chí Jen Psaki nói.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Nypost) |
Thư ký báo chí Jen Psaki không cho biết liệu ông Biden có đề cập đến chủ đề nguồn gốc COVID-19 hay không, song tiết lộ "Tổng thống Biden chắc chắn sẽ không nương tay" về các vấn đề mà ông lo ngại.
Về phần mình, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ. “Hiện tại, quan hệ Trung - Mỹ đang ở một thời điểm lịch sử quan trọng”, ông nhấn mạnh.
Trong bức thư gửi đến Ủy ban quốc gia về quan hệ Mỹ-Trung, ông Tập Cận Bình cho rằng: “Cả hai nước sẽ được lợi và mất đi khi đối đầu. Hợp tác là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất”.
Mặc dù gần đây Mỹ và Trung Quốc có những tiến triển tích cực trong vấn đề hợp tác chống biến đổi khí hậu, cùng như đàm phán các điều khoản về thương mại song phương, nhưng các chuyên gia cho rằng kỳ vọng về hội nghị trực tuyến giữa ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình khá thấp.
“Nhìn chung, kỳ vọng về việc cùng hợp tác giữa Washington và Bắc Kinh không còn. Thay vào đó, mối quan hệ đã trở nên mang tính giao dịch nhiều hơn”, Scott Moore, Giám đốc các chương trình và sáng kiến chiến lược Trung Quốc tại Đại học Pennsylvania nói.
“Ông Biden đang phải đối mặt với những thách thức chính trị ở trong nước với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra vào năm tới. Do đó, ông ấy có thể sẽ phải đối mặt với những ràng buộc chính trị về việc thực hiện bất kỳ hành động nào có thể được coi là nhượng bộ đáng kể đối với Trung Quốc”, chuyên gia Scott Moore cho hay.
“Đối với ông Tập Cận Bình, lỗ hổng lớn nhất của ông ấy là trên mặt trận kinh tế. Đó là lý do tại sao Bắc Kinh phát đi các tín hiệu thể hiện sự quan tâm trong việc đạt được tiến bộ về thương mại. Các bình luận gần đây từ các quan chức chính quyền Biden cho thấy có sự quan tâm đến việc tham gia vào những vấn đề này, nhưng một lần nữa có thể có những ràng buộc chính trị đáng kể”, Scott Moore cho biết thêm.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời quan chức Nhà Trắng cho rằng: “Đây không phải là cuộc họp nhằm tìm kiếm các sản phẩm hoặc kết quả cụ thể. Khi Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc, ông Biden mong muốn ông Tập Cận Bình và Trung Quốc sẽ chơi đúng luật, và ông ấy sẽ đưa ra quan điểm đó trong suốt cuộc họp”.
Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh vẫn đang còn các bất đồng về các vấn đề từ nguồn gốc của đại dịch COVID-19 đến kho vũ khí hạt nhân ngày càng mở rộng của Trung Quốc. Các quan chức Mỹ tin rằng, làm việc trực tiếp với ông Tập Cận Bình là cách tốt nhất để ngăn quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đi vào vòng xoáy xung đột.
KÔNG ANH (Nguồn: New York Post)
Mỹ mở rộng lệnh trừng phạt công ty liên quan quân đội Trung Quốc |
Họp thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình diễn ra trực tuyến |
Ngày đăng: 07:46 | 15/11/2021
/ vtc.vn