Cuộc họp thượng đỉnh của lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong bối cảnh khối đề cao mục tiêu trở thành một liên minh đoàn kết với sức chống chịu dẻo dai trước khủng hoảng và tầm ảnh hưởng toàn cầu rộng lớn.

Lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong hai ngày 23 và 24/3 nhóm họp thượng đỉnh tại Brussels (Bỉ) để tìm tiếng nói chung xung quanh hàng loạt thách thức mà khối đang đối mặt, cũng như các vấn đề quốc tế nổi bật. Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Tổng thư ký LHQ António Guterres tham dự sự kiện này với vai trò khách mời, động thái nâng tầm hiệu quả thảo luận về các vấn đề địa chính trị quan trọng và những thách thức toàn cầu, theo Reuters.

1.jpg -0
Lãnh đạo các nước thành viên EU nhóm họp thượng đỉnh trong hai ngày 23 và 24/3. Ảnh: Reuters.

Giống như các hội nghị diễn ra một năm qua, Ukraine là chủ đề chính được thảo luận. Lãnh đạo các nước châu Âu cam kết tiếp tục gây sức ép với Nga, đồng thời tìm cách cải thiện năng lực quốc phòng của khối. Politico tiết lộ, lãnh đạo EU sẽ bàn bạc về đề xuất của Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nhằm đẩy nhanh việc gửi vũ khí cho Kiev. EU gần đây lên kế hoạch chi hàng tỷ USD để tăng cường sản xuất và mua sắm đạn pháo để vừa lấp đầy phần thiếu hụt trong kho dự trữ, vừa gửi chúng tới Ukraine. "Từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, châu Âu đã suy giảm năng lực quốc phòng, đó là thực tế. Chi tiêu quốc phòng châu Âu giảm một nửa và theo các số liệu chúng tôi có, năng lực sản xuất đạn dược đã suy giảm 4 lần. Chúng ta phải gia tăng năng lực này khi môi trường an ninh đã thay đổi một cách khốc liệt", ông Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, phát biểu.

Chủ đề tiếp theo các nhà lãnh đạo EU đi tìm tiếng nói chung là các biện pháp cải thiện năng lực cạnh tranh của liên minh và thúc đẩy thị trường chung gắn kết chặt chẽ hơn, trong bối cảnh hậu quả về kinh tế do đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine gây ra buộc EU phải đánh giá lại năng lực cạnh tranh kinh tế trong ngắn và dài hạn. Bên cạnh những vấn đề nội bộ, châu Âu hiện cũng đang có khúc mắc với Mỹ về Đạo luật giảm lạm phát (IRA) mà Washington ban bố hồi năm ngoái, một đạo luật mà châu Âu chỉ trích gay gắt là mang tính bảo hộ và làm tổn hại đến lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp EU. Lãnh đạo các nước EU đứng trước các lựa chọn hành động để trả đũa Mỹ, nếu không muốn hàng loạt tập đoàn lớn chuyển sản xuất ra khỏi "lục địa già" vì năng lực cạnh tranh bị suy giảm đáng kể.

Về vấn đề năng lượng, ưu tiên đặt ra với EU vẫn là đảm bảo an ninh nguồn cung có mức giá phù hợp. Các nội dung gây tranh cãi nhất xung quanh chủ đề năng lượng là cách giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga và phi carbon hóa toàn bộ hệ thống năng lượng EU. Vài tuần qua, Đức đang tìm cách đảo ngược thỏa thuận của EU về việc cấm bán xe ô tô sử dụng động cơ đốt trong từ năm 2035. Đức trông đợi một ngoại lệ cho các ôtô chạy bằng một loại nhiên liệu tổng hợp không gây ô nhiễm môi trường. Đây là động thái bảo vệ ngành công nghiệp xe hơi khổng lồ của nước này, vốn nổi tiếng với ôtô chạy bằng động cơ đốt trong nhưng đang có dấu hiệu chậm chân trong cuộc đua xe điện với các đối thủ từ Mỹ và châu Á. Pháp phản đối nỗ lực của Đức vì cho rằng cách tiếp cận đó ảnh hưởng đến các mục tiêu khí hậu của EU. Ở chiều ngược lại, Pháp đang vận động châu Âu nâng cao tầm quan trọng của năng lượng hạt nhân trong kế hoạch trung hoà carbon, một chính sách mà Đức không ủng hộ do Berlin đang kiên trì với kế hoạch chấm dứt việc sử dụng năng lượng hạt nhân.

Chủ đề lớn kế tiếp là vấn đề người di cư. Các nước thành viên EU nhiều năm qua bất đồng về việc nước nào chịu trách nhiệm tiếp nhận người di cư bất hợp pháp, cũng như nghĩa vụ hỗ trợ người di cư của các nước láng giềng và đối tác. Theo kế hoạch, lãnh đạo EU sẽ đánh giá những sáng kiến được Ủy ban châu Âu đưa ra xung quanh vấn đề quản lý đường biên giới hỗn hợp và các biện pháp phối hợp trong tiếp nhận hay đưa người di cư hồi hương. Trong cuộc điện đàm hôm 22/3 với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni gọi đây là vấn đề cấp bách, đòi hỏi hành động khẩn trương ở cấp độ toàn châu lục.

Có thể nói, những ưu tiên thảo luận tại hội nghị là đều là những vấn đề EU đã tìm hướng giải quyết trong nhiều cuộc gặp gỡ trước, song chưa đạt được thống nhất. Với mục tiêu tăng cường sức chịu đựng trước những cuộc khủng hoảng và gia tăng tầm ảnh hưởng rộng lớn hơn trên toàn cầu, giới quan sát tin rằng cuộc họp thượng đỉnh đang diễn ra là cơ hội để lãnh đạo các nước thành viên EU thể hiện cam kết lâu dài của họ với các mục tiêu chung của khối.

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/hoi-nghi-thuong-dinh-eu-phep-thu-voi-tinh-doan-ket-noi-khoi-i687636/

Ngày đăng: 08:33 | 24/03/2023

Thái Hà / cand.com.vn