Những ngày qua, liên tiếp các vụ phá rừng nghiêm trọng bị quần chúng, báo chí và cơ quan chức năng phát giác. Và mỗi khi bị cấp trên hoặc công luận chất vấn về trách nhiệm để xảy ra phá rừng, chúng ta thường nghe đến một “điệp khúc” quen thuộc: Không biết!
Những gốc cây đại thụ trơ trọi sau khi những cánh rừng bị chặt phá ở Quảng Nam. Ảnh: dantri.com.vn.
Ngày 15/9, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định khởi tố vụ án hình sự hủy hoại rừng đối với vụ chặt phá hơn 43 ha rừng tự nhiên tại xã An Hưng, huyện An Lão. Chỉ 3 ngày sau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vụ phá rừng phòng hộ ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước.
Theo báo chí phản ánh thì đã có trên 300 ha rừng phòng hộ ở xã Tiên Lãnh bị xóa sổ trong thời gian vừa qua. Đây hẳn chỉ là phần nổi, phản ánh cho vấn nạn phá rừng diễn ra nghiêm trọng suốt nhiều năm qua.
Rừng bị phá ở bán đảo Sơn Trà năm 2016, lực lượng kiểm lâm địa phương nói “không biết”. Rừng tự nhiên ở xã Cư Yang (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) bị lâm tặc tàn phá nghiêm trọng trong thời gian dài, khi bị phát hiện khoảng tháng 7/2017 nhưng lực lượng kiểm lâm nói “không có gì”. Cũng tháng 7/2017, kiểm lâm Mang Yang (Gia Lai) thờ ơ khi nhận tin báo rừng bị tàn phá. Rồi vụ chặt phá rừng xảy ra tại bản Cao Vều 4, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, bị cơ quan chức năng phát hiện vào tháng 3/2017.
Theo báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh thì điểm khai thác cách trạm kiểm lâm địa bàn... 2 km. Tháng 5/2017, tại khu vực rừng giáp ranh giữa các huyện Bắc Trà My, Núi Thành, Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam) từng là điểm nóng phá rừng, cơ quan chức năng còn phát hiện ra cả một con đường mới mở dài 3 km để tiện cho việc phá rừng, vận chuyển gỗ…Tuy nhiên thật tiếc, lực lượng kiểm lâm ở đây vẫn… “không biết”(!?)
Có một điểm chung, mỗi khi sự vụ đã rành rành, đại diện các đơn vị quản rừng thường nói “không biết”. Nhưng có một nghịch lý mà những người dân ở quanh các vùng rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh thuộc diện cấm khai thác không khỏi thắc mắc rằng: Vùng rừng bị lâm tặc hoành hành đều có các trạm kiểm soát chốt chặt 24/24 giờ, thế mà lâm tặc vẫn đưa được máy cưa và các xe tải hạng nặng vào chặt hạ rừng và ngang nhiên vận chuyển gỗ ra ban ngày... mà các trạm kiểm soát vẫn “hồn nhiên” làm nhiệm vụ kiểu như "không biết gì"? Lẽ nào họ đang cố tình vận dụng cái lập luận “không biết” nhằm biện minh cho mình, chối bỏ trách nhiệm?
Cũng phải khẳng định một điều rằng, ở nhiều trường hợp, có sự kiên quyết của lực lượng bảo vệ rừng, lâm tặc cũng bớt ngông cuồng. Có nhiều vụ vì bảo vệ rừng, máu của cán bộ kiểm lâm đã đổ...
Nhưng không thể phủ nhận tình hình thực tế hiện nay, tình hình phá rừng vẫn diễn biến phức tạp, trong đó lỗi một phần là do không ít cán bộ có chức, có quyền bị thoái hóa biến chất, trực tiếp hoặc tiếp tay bảo kê, “chống lưng” cho lâm tặc. Điều này đang lí giải cho nạn phá rừng và ngang nhiên thách thức pháp luật. Vì vậy, chủ trương đóng cửa rừng, những khẩu hiệu hô hào giữ rừng khó trở nên hiệu quả trong thực tế.
Vẫn biết chuyện phá rừng là câu chuyện “khổ lắm, nói mãi” bởi nó là vấn đề quốc gia đại sự. Pháp luật xử lý cũng đã nhiều, mức độ trừng phạt ngày càng nghiêm khắc, răn đe hơn, nhưng rừng vẫn đang bị tàn phá liên tiếp, các vụ việc diễn biến ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn...
Ai cũng biết, rừng là lá phổi tự nhiên, có vai trò quan trọng trong quá trình cân bằng, điều hòa hệ sinh thái. Hành vi tàn phá rừng chẳng khác nào tự tay hủy hoại đi sự sống trong mỗi con người. Do đó, không phải đến bây giờ, mà từ nhiều thập niên qua, vấn đề bảo vệ rừng, tái sinh rừng đã được đưa lên bàn thảo tại các nghị trường, bởi nó có vai trò là nhân tố, nền tảng cốt lõi cho một quốc gia nếu muốn phát triển bền vững.
Câu hỏi đặt ra là: "Không biết" đến khi nào mới chấm dứt được tệ nạn phá rừng, hủy hoại tài nguyên môi trường? Câu trả lời xin dành lại cho ngành Kiểm lâm và các địa phương - những nơi có rừng đã và đang bị tàn phá!
Bình Định: Tạm đình chỉ công tác, kỷ luật một số cán bộ kiểm lâm trong vụ phá rừng tại huyện An Lão
Sáng 20/9, tại thành phố Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp báo cáo về tình hình phá rừng trái pháp luật ... |
Vụ 43,7ha rừng bị xóa sổ: Dân muốn chỉ mặt lâm tặc nhưng sợ trả thù?
Theo kết quả kiểm tra ban đầu của Hạt Kiểm lâm huyện An Lão Bình Định, tổng diện tích rừng bị phá là 43,7ha. Tuy ... |
Phá rừng - “Ai cũng hiểu chỉ vài người không chịu hiểu”!
Hầu hết các vụ phá rừng lớn mà dư luận biết tới, đều do người dân tố cáo rồi báo chí vào cuộc. |
(http://www.dangcongsan.vn/ban-doc/y-kien-ban-doc/hoi-chung-khong-biet-454679.html)
Ngày đăng: 09:44 | 21/09/2017
Báo ĐCSVN /