Đó là một trong những câu hỏi của nhiều bạn trẻ Việt khi gặp giáo viên dạy môn Lịch sử.
LTS: Khi trở về Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương (từng nghiên cứu về giáo dục lịch sử tại Đại học Kanazawa, Nhật Bản) trở thành một giáo viên dạy môn Lịch sử.
Trong khoảng vài ba thập kỉ trở lại đây, trên các diễn đàn môn Lịch sử trong nhà trường phổ thông và thái độ của học sinh đối với môn học này luôn trở thành chủ đề bàn luận nóng bỏng. Đặc biệt khi năm học mới chuẩn bị bắt đầu, thầy Vương nhận được khá nhiều câu hỏi liên quan đến việc học và lựa chọn môn học Lịch sử này.
Hôm nay trong bài viết gửi tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Vương đã nêu ra quan điểm về vai trò của môn học này với những ví dụ cụ thể.
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Biết tôi là giáo viên dạy lịch sử, nhiều bạn trẻ khi gặp thường hỏi: “Này anh! Học lịch sử để làm gì? Nó có ích lợi gì không mà cần học? Học Toán, Lý, Hóa ra trường còn dễ xin việc làm chứ học Sử thì để làm gì?”.
Đối với tôi, một người giáo viên dạy Lịch sử, đấy là một câu hỏi… không mấy thú vị.
Nếu vào lúc tâm trạng bực bội, rất có thể tôi sẽ đáp kiểu “lý sự cùn” rằng:
“Đương nhiên môn Sử phải có ích lợi chứ! Nếu không thì nó đã bị loại khỏi chương trình trường học rồi. Nhưng thử nhìn ra thế giới mà xem, cho đến nay đã có nước nào bỏ môn Lịch sử đi chưa?”.
Nhưng suy ngẫm kĩ thì đó là những câu hỏi rất thực lòng. Sự khủng hoảng của môn Sử trong trường học suốt một thời gian dài vừa qua có mối liên hệ ít nhiều đến việc đưa ra câu trả lời có tính thuyết phục đối với câu hỏi ấy.
Hiện nay nhiều bạn trẻ đang đặt ra câu hỏi rằng: "Học lịch sử để làm gì? Nó có ích lợi gì không mà cần học? Học Toán, Lý, Hóa ra trường còn dễ xin việc làm chứ học Sử thì để làm gì?” (Ảnh minh họa: VOV) |
Tất nhiên, một câu trả lời sẽ khó có thể làm thỏa mãn tất cả người nghe nhưng khi nhận được câu hỏi trên, tôi đã trả lời rằng sản phẩm cuối cùng của học tập lịch sử là nhận thức lịch sử được hình thành ở bên trong học sinh.
Nhận thức này có tính chủ thể rất rõ. Chính vì vậy, nói theo ngôn ngữ của các bậc tu hành thì học lịch sử là quá trình giác ngộ-giác ngộ về chân lý, giác ngộ về sự thật, giác ngộ về thực tại. Từng cá nhân, những người vốn có tư chất, hoàn cảnh gia đình, nền tảng giáo dục…khác nhau, sẽ đạt được các “cảnh giới” khác nhau trong nhận thức.
“Cảnh giới” cao nhất của người học lịch sử là liên tục nâng cao, mài sắc nhận thức lịch sử mà mình có sao cho nó ngày một khoa học, thực chứng, lôgic hơn và biến nó thành tư duy và hành động của mình trong việc nhận thức thực tại và cải biến thực tại cho ngày một tốt đẹp.
Ở điểm này khi nhìn lại lịch sử và ngay cả khi nhìn vào thực tại, người ta sẽ thấy không có nhà lãnh đạo hay nhà hoạt động xã hội nào từ bỏ việc dùng nhận thức lịch sử như một công cụ, phương tiện để liên kết, động viên quần chúng và thúc đẩy quần chúng hành động. Tuy nhiên, trên thực tế không có nhiều người đạt được “cảnh giới” này cho dù có nhiều người tự huyễn hoặc hay ngộ nhận về điều đó.
Nếu như khó đạt được “cảnh giới” đó, phải chăng với cá nhân, chuyện học lịch sử là vô nghĩa? Câu trả lời của tôi là ngay cả các cá nhân bình thường, trong tư cách là một người công dân có nhận thức lịch sử tốt cũng có thể biến nhận thức đó thành hành động để cải tạo hiện thực ngày một tốt đẹp hơn. Đấy là tâm thế của một công dân có tư duy độc lập và là người công dân hành động. Tâm thế này thích hợp với xã hội dân chủ khi chính trị dân chủ được hiểu là “toàn dân trị nước”.
Trong phương diệnđời thường, cho dù chưa đạt được “cảnh giới” cao như ở trên, những cá nhân bình dị cũng có thể đạt đến một “cảnh giới” khác thấp hơn. Đó là sử dụng nhận thức lịch sử để nhận thức tốt hơn những vấn đề khác trong cuộc sống và làm cho thế giới tinh thần của mình thêm phong phú.
Ví dụ, nếu bạn yêu thích văn học Nhật với các tác phẩm như "Totto-chan bên cửa sổ", "Rừng Na Uy" mà bạn có nhận thức lich sử tốt bạn sẽ thấy thú vị hơn khi bạn đọc nó mà không có nhận thức lịch sử liên quan.
Chẳng hạn nếu bạn biết rằng ngôi trường Tomoe trong các toa tàu mà Tottochan học là ngôi trường tồn tại trong thời kì lịch sử đen tối nhất của nước Nhật-thời kì chủ nghĩa phát xít (người Nhật quen gọi là chủ nghĩa quân phiệt) cai trị, bạn sẽ thấy rõ hơn “bản lĩnh cao cường” và nhân cách đáng kính của thầy hiệu trưởng và gia đình ông. Bạn cũng sẽ hiểu tại sao sau này khi đã thành danh và vang danh thế giới bà Kuroyanagi Tetsuko vẫn dành cho thầy hiệu trưởng và ngôi trường sự kính trọng và tình cảm sâu sắc đến thế!
Đọc "Rừng Na Uy" nếu như bạn biết bối cảnh của câu chuyện là xã hội Nhật Bản những năm 70-80 của thế kỉ trước khi nước Nhật tràn ngập của cải vật chất nhưng con người, nhất là thanh niên lại bị chao đảo giữa Đông và Tây, giữa “Cách mạng” và “Quốc xã”, phong trào sinh viên lên cao chưa từng thấy ở quy mô toàn quốc với sự tiên phong của sinh viên các trường đại học danh tiếng nhất như Đại học Tokyo, Đại học Kyoto, bạn sẽ hiểu thêm bi kịch lớn lao và nỗi đau của các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này.
Hình ảnh Watanabe Toru, một thanh niên chỉ thỏa mãn được xác thịt bên người mình không yêu là một hình ảnh ẩn dụ có nhiều tầng ý nghĩa.
Hình ảnh những thanh niên nước Nhật có thể sống bình thường trong tại tâm thần nhưng khi ra bên ngoài thì hoặc là tự sát hoặc là ngây dại cũng là một ẩn dụ.
Nhiều bạn trẻ muốn đạt đến đỉnh cao hoặc đơn giản là có được thành công trong các lĩnh vực như mĩ thuật, văn học, báo chí...nhưng lại lười đọc sách và có nhận thức lịch sử rất mù mờ hoặc nông cạn. Đó là một sự phi lý dù sự tồn tại của nó là hợp lý.
Ngày đăng: 00:10 | 23/07/2017
/ Nguyễn Quốc Vương/báo Giáo dục Việt Nam