Năm học 2023-2024, tỉ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội đạt khoảng 57% trong tổng số hơn 100.000 thí sinh đăng ký dự thi, thấp hơn so với năm 2022. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, có hơn 40% học sinh, tương ứng với khoảng hơn 33 nghìn học sinh bị trượt lớp 10 công lập, trong đó rất nhiều học sinh dù có học lực loại giỏi ở bậc THCS, điểm thi vào lớp 10 cũng khá cao nhưng không đỗ trường nào.

Thực tế trên cho thấy cuộc đua vào lớp 10 ngày càng khốc liệt hơn so với đại học và chỉ cần một chút sơ suất trong lựa chọn, sắp xếp thứ tự nguyện vọng, sơ suất trong làm bài thi hoặc thiếu một chút may mắn khi đăng ký vào các trường có tỷ lệ "chọi" cao đột biến là coi như học sinh đã lỡ mất cơ hội vào công lập sau nhiều năm cố gắng.

0.jpg -0
Kỳ thi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội luôn căng thẳng hơn thi đại học. (Ảnh minh hoạ)

Trên 8 điểm mỗi môn vẫn trượt lớp 10 công lập

Bồn chồn, lo lắng, mất ăn mất ngủ "canh" điểm chuẩn rồi buồn bã, hụt hẫng, ân hận và cuống cuồng tìm chỗ học sau khi các trường THPT công bố điểm chuẩn, đó là những cung bậc cảm xúc mà không ít phụ huynh tại Hà Nội đã phải nếm trải trong suốt những ngày qua. Chị N.T.H ở quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ: "Từ lúc biết điểm thi vào 10 của con, không khí gia đình chùng hẳn. Con trai mình từ lớp 6 đến lớp 9 đều là học sinh giỏi, điểm tổng kết 2 môn Toán và Ngữ văn đều trên 9.0. Điểm thi thử lớp 10 ở trường của con cũng đều trên 8,5 điểm mỗi môn. Do con thích Trường THPT Kim Liên nên con đăng ký đó là nguyện vọng (NV)1, NV2 là Trường THPT Lê Quý Đôn (Đống Đa) và không đăng ký NV3. Hôm báo điểm thi con được 41,5 điểm, gia đình cũng mừng vì năm ngoái điểm chuẩn trúng tuyển vào trường THPT Kim Liên là 41,25 điểm.

Tuy nhiên, do năm nay trường THPT Kim Liên có tỷ lệ chọi cao đột biến nên điểm chuẩn trúng tuyển tăng từ 41,25 lên 43,25 nên con đã trượt NV1. Trường đăng ký NV2 con đủ điểm đỗ NV1 nhưng do Sở GD&ĐT Hà Nội quy định điểm chuẩn trúng tuyển NV2 phải cao hơn NV1 là 1 điểm nên cuối cùng con cũng trượt. Giá như ngay từ đầu tôi không chủ quan, sát sao tư vấn cho con chọn NV2 phù hợp và tận dụng NV3 làm phương án "chống trượt" thì đã không rơi vào tình cảnh này".

Anh L.N.T ở Cầu Giấy (Hà Nội) cũng cho biết, dù điểm thi vào lớp 10 của con gái là 40,25, nếu tính trung bình rơi vào khoảng hơn 8 điểm một môn nhưng con vẫn trượt hết cả NV1 và NV2 vào 2 trường THPT trên địa bàn quận Cầu Giấy. Với NV3, anh đăng ký dự phòng cho con vào một trường THPT khu vực ngoại thành và thừa điểm đỗ. Tuy nhiên, do từ nhà đến trường hơn 20 km nên việc đi lại quá vất vả. Nhưng nếu đăng ký học các trường THPT ngoài công lập khu vực Cầu Giấy gần nhà thì áp lực tài chính lại khá lớn. Trung bình mỗi tháng cũng hết hơn 10 triệu đồng chưa kể tiền học thêm, ôn luyện bên ngoài. Hiện cả hai vợ chồng anh đang phải "cân não" lựa chọn phương án phù hợp cho con.

Chị H và anh T chỉ là hai trong số hàng nghìn phụ huynh khác ở Hà Nội đang phải tất tả ngược xuôi để tìm chỗ học phù hợp cho con. "Nếu như con học kém thì ngay từ đầu bố mẹ đã có phương án không cho con thi hoặc chủ động tìm trường tư cho con. Đằng này con học tốt, nhưng do không may đăng ký NV1 và NV2 vào trường có tỷ lệ chọi cao thành ra con bị trượt… oan. Gia đình tôi hiện đang phải đứng trước những lựa chọn không dễ dàng. Trường tư ưng ý thì không đủ tiền trả học phí mà trường có học phí vừa phải thì lại chưa yên tâm về chất lượng và môi trường học"- chị H.MT, một phụ huynh tại quận Hoàng Mai chia sẻ.

1.jpg -0
Kỳ thi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội luôn căng thẳng hơn thi đại học. (Ảnh minh hoạ)

Cần điều chỉnh quy chế xét tuyển để hạn chế rủi ro cho thí sinh

Từ nhiều năm nay, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập của Hà Nội luôn căng thẳng và áp lực do phần lớn phụ huynh đều có mong muốn con trúng tuyển NV trường công lập nhưng mỗi năm chỉ tiêu cho trường THPT công lập chỉ khoảng 60% nên sự cạnh tranh giữa các thí sinh là rất lớn. Riêng năm 2023, toàn thành phố có 270.080 lượt thí sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 công lập, trong đó số lượng thí sinh đăng ký NV1 là 104.917/ 69.805 chỉ tiêu. Như vậy, tỷ lệ "chọi" trung bình ở NV 1 toàn thành phố là 1/1,5; ở trong khu vực nội thành, tỷ lệ "chọi" cá biệt ở một số trường còn lên tới 1/3,5. Do tỷ lệ "chọi" có độ "vênh" lớn giữa các khu vực, đặc biệt là nội thành và ngoại thành nên điểm chuẩn cũng có độ "chênh" tương ứng.

Nếu như các trường THPT có thương hiệu, có chất lượng dạy và học tốt thì điểm chuẩn luôn nằm ở mức từ 41-44,5 điểm. Trong khi đó, một số trường ở khu vực ngoại thành, điểm chuẩn trúng tuyển chỉ nằm trong khoảng từ 15,7 đến 20 điểm. Riêng năm 2023, tỷ lệ "chọi" vào các trường ở một số quận nội thành đông dân cư tăng đã khiến điểm chuẩn vào một số trường dâng cao so với năm 2022. Có những trường THPT không chuyên nhưng phải đạt điểm trung bình từ 8,9 điểm/môn thi thì thí sinh mới có cơ hội trúng tuyển. Vì thế, học sinh giỏi đại trà ở các trường THCS cũng rất khó có cơ hội đậu vào những trường top điểm chuẩn cao, thậm chí có thể trượt hết các NV nếu như không có "chiến thuật" đăng ký NV phù hợp.

Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, mỗi học sinh được đăng ký 3 NV vào trường công lập, trong đó có 2 trường thuộc khu vực tuyển sinh ở các quận được chỉ định, và một trường ở địa bàn khác. Nếu học sinh trúng tuyển NV1 không được xét NV2, NV3. Học sinh không trúng tuyển NV1 được xét tuyển NV2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 1,0 điểm. Học sinh không trúng tuyển NV1, NV2 được xét tuyển NV3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 2,0 điểm. Với mức chênh lệch điểm chuẩn giữa các NV hiện nay, cùng với việc Hà Nội quy định không cho phép học sinh điều chỉnh NV xét tuyển sau khi đã đăng ký, học sinh rất dễ rơi vào nguy cơ trượt hết các NV nếu chiến thuật lựa chọn, đặt thứ tự NV không hợp lý và thiếu một chút may mắn do tỷ lệ "chọi" vào các trường THPT có sự biến động theo từng năm, rất khó lường.

Nhiều phụ huynh và giáo viên đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội nên xem xét tính đến việc cho học sinh được phép đổi NV sau khi các trường công bố số lượng học sinh đăng ký hoặc sau khi thí sinh hoàn thành bài thi vào lớp 10 như cách mà một số địa phương đang làm để giảm bớt áp lực, căng thẳng cho học sinh. Ngay cả trong xét tuyển đại học, từ nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT cũng đã đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, tăng cường đổi mới trong cách thức xét tuyển bằng cách cho phép học sinh được thay đổi, điều chỉnh NV đã đăng ký nhằm tạo thuận lợi hơn các em. Và cách làm này đã hạn chế được tối đa tình trạng học sinh dù có điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhưng vẫn trượt đại học như đã từng xảy ra ở các năm trước đó.

Chia sẻ với PV Báo CAND về đề xuất này, thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên của tổ chức giáo dục FPT cho biết: Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành nên điều chỉnh quy chế tuyển sinh vào lớp 10 để trao quyền chủ động hơn cho thí sinh, giảm áp lực, giảm tỉ lệ thí sinh "điểm cao mà vẫn trượt". Cách thức đăng NV trước và không thay đổi NV sau khi biết điểm như hiện nay đang thể hiện sự bất cập, một trong những nguyên nhân gây tăng áp lực tuyển sinh vào 10, khiến việc đăng ký NV vào lớp 10 càng trở nên may rủi, nhiều thí sinh điểm cao có nguy cơ trượt công lập.

"Tôi không hiểu tại sao, bao năm nay Hà Nội cũng như nhiều địa phương vẫn duy trì cách thức này. Chúng ta hoàn toàn có thể để học sinh thi xong và đăng ký NV vẫn theo phân khu vực như hiện tại. Lúc này phụ huynh và học sinh sẽ chủ động hơn rất nhiều, có cơ sở để đặt NV cũng như có các phương án dự phòng, thí sinh ước tính được khả năng đỗ, trượt tốt hơn. Nếu tốt hơn nữa, Hà Nội có thể công bố phổ điểm thi 3 môn để từ đó phụ huynh, học sinh có cái nhìn chính xác hơn, căn cứ tốt hơn cho việc đặt NV"- thầy Hiền nêu quan điểm.

https://cand.com.vn/giao-duc/hoc-sinh-gioi-thi-diem-cao-van-truot-vi-sao-bai-1--i699751/

Ngày đăng: 14:47 | 10/07/2023

Huyền Thanh / CAND