Theo TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học FPT ở Việt Nam học phí bao nhiêu cũng có thể đào tạo được, quan trọng là chiến lược của từng trường. Riêng với các trường đào tạo ngành Y thì phải tính đến sự hỗ trợ, thậm chí là bù lỗ của các bệnh viện.

Các trường đại học y thường có bệnh viện đi kèm hỗ trợ công tác đào tạo. Ảnh: Sơn Tùng

- Câu chuyện học phí nhiều trường công lập tăng cao sau tự chủ, thậm chí cao hơn cả ngoài công lập đang thu hút dư luận. Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng tăng học phí “phi mã” gây sốc như hiện nay?

Giáo dục đại học tại Việt Nam có một điều rất đặc biệt là bao nhiêu tiền cũng có thể “thu vén” được. Ít tiền dạy theo kiểu ít tiền, nhiều tiền dạy theo kiểu nhiều tiền. Cùng lắm là gộp lớp lại, trả tiền cho giảng viên ít hơn và cơ sở vật chất thiếu thốn một chút….

Tổng chi phí đào tạo cho một sinh viên ở Việt Nam rất thấp so với các nước do vậy chất lượng khó chạy theo những nơi có nguồn đầu tư lớn.

Chính vì thế, việc tăng hay giảm học phí hoàn toàn do chiến lược phát triển của trường. Việc tăng học phí khiến trường phải đối diện với việc số lượng nguyện vọng giảm. Từng trường sẽ phải tính con đường đi của mình để làm thế nào chất lượng vẫn theo định hướng tăng dần và người học vẫn chấp nhận được.

- Có một thực tế cứ tự chủ là tăng học phí, thậm chí tăng một cách chóng vánh tới gấp 5 lần khiến người nghèo khó có cơ hội theo học. Nguyên nhân này do đâu, thưa ông?

Việc tự chủ học phí nằm trong chiến lược phát triển nhưng vẫn phải hướng đến tăng chất lượng, phải đảm bảo được quyền và khả năng tiếp cận giáo dục đại học của đa số tầng lớp có nhu cầu học đại học hiện nay. Bên cạnh đó, vẫn phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước. Làm thế nào để giải quyết tất cả vấn đề này đều mang tính chiến lược.

Tăng học phí phải đi kèm với chính sách học bổng, tín dụng như thế nào để người giỏi thì được học bổng và người nghèo có khả năng vay và chi trả để đi học. Các nội dung này phải đi song song với nhau. Ngoài ra, đầu vào tinh hoa, điều kiện đào tạo tinh hoa thì ra trường cũng phải có việc làm và thu nhập tinh hoa. Những điều kiện này chúng ta chưa thực hiện được song song.

- Việc tăng học phí sẽ nảy sinh những bất cập nào, thưa ông?

Ngoài những bất cập đã nêu trên, việc tăng học phí đột ngột như nhiều trường thực hiện hiện nay sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng. Cùng sử dụng một dịch vụ, giảng đường, người dạy, chương trình mà cuối cùng sinh viên cũ không thu thêm, sinh viên mới phải đóng gấp 5 lần.

Song song với đó là khó khăn trong quản lí như thế nào khi các lứa sinh viên lại có học phí khác nhau, giảng viên dạy cho cho lớp học phí ít và cao thì trả thế nào, có trả giống nhau không?

Như vậy, bản thân mô hình đó đã không được chuẩn. Các trường sẽ phải tự cân nhắc để phù hợp. Ở nước ngoài, các trường thường sẽ sử dụng chung 1 mức học phí để áp dụng trong 1 năm, nhưng sẽ không thể tăng gấp 5 lần được.

- Nhiều ý kiến cho rằng việc tăng cao học phí nhưTrường Đại học Y Dược TPHCM cần được tính toán lại để học sinh nghèo vẫn có thể theo học. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Về nguyên tắc đào tạo ngành Y Dược rất tốn kém nhưng trường đại học Y Dược thường có bệnh viện đi kèm. Phải làm rõ mối liên hệ giữa 2 đơn vị này. Hoạt động điều trị tại bệnh viện là hoạt động sinh lời, vì thế bệnh viện phải hỗ trợ chi phí, thậm chí bù lỗ cho trường. Vì thế, học phí trường Y Dược có thể không cần tính đúng, tính đủ. Hai bên sẽ phải cân đối ngân sách với nhau.

- Xin cảm ơn ông!

Sinh viên chuyển nhầm gần 2 tỷ đồng học phí, ĐH Quốc gia Hà Nội thông báo tìm
Học phí trường Y 70 triệu/năm có thể là bước đột phá
Tín dụng sinh viên chưa theo kịp tốc độ tăng học phí

Ngày đăng: 09:50 | 10/06/2020

/ laodong.vn