Hầu hết các trường đại học đều dự kiến tăng học phí năm học 2023 - 2024 từ 10 đến 60% theo Nghị định 81, khiến nhiều thí sinh do dự, đổi mục tiêu vào đại học.

"Ứớc mơ học kinh tế nên ngay từ khi vào lớp 10 em luôn cố gắng học, đặt mục tiêu thi đậu vào Đại học Kinh tế quốc dân và Học viện Ngân hàng. Thế nhưng, khi biết thông tin năm học tới 2023 - 2024 các trường đồng loạt tăng học phí, em có chút đắn đo", Nguyễn Ngọc Bích Châm, trường THPT Thường Tín (Hà Nội) nói.

Bỏ ước mơ vì học phí quá cao

Bố mẹ Bích Châm đều là công nhân xí nghiệp may, tổng thu nhập mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng. Số tiền này vừa dùng để chi tiêu hàng tháng, vừa nuôi hai anh em ăn học và cả trả nợ ngân hàng. Do đó, mỗi khi có thông tin học phí năm học mới là cả gia đình lại nhốn nháo.

Anh trai Bích Châm đang học năm thứ 3 Đại học Giao thông vận tải, mỗi năm học phí và các khoản đóng góp gần 30 triệu đồng. "Đó là chưa kể trung bình mỗi tháng ba mẹ phải chu cấp cho anh cả 3 triệu đồng tiền sinh hoạt phí", Bích Châm nhẩm tính. Nếu thêm Châm học đại học thì chi tiêu gia đình vốn đã ít nay càng tằn tiện hơn.

thi-tot-nghiep-2022--42-15515219
Nhiều thí sinh do dự ước mơ vào đại học vì học phí tăng cao.

Dù lực học tốt, 3 năm học bậc THPT liền đều đạt học sinh giỏi, tổng điểm trung bình 8,5 trở lên nhưng nữ sinh này đang nghĩ tới chuyện học phí nhiều hơn là chọn trường, ngành phù hợp với lực học và yêu thích của bản thân.

"Xem qua học phí của Đại học Kinh tế quốc dân và Học viện Ngân hàng cũng khoảng 20-30 triệu đồng/năm, em dự định sẽ thay đổi đăng ký vào Đại học Thương Mại hoặc Học viện Phụ nữ. Mức học phí các trường này từ 10 -15 triệu đồng/năm học, phù hợp với năng lực chi trả của gia đình", Bích Châm nói.

Dù rất yêu thích Đại học Ngoại thương Hà Nội nhưng Nguyễn Ngọc Đức, lớp 12 trường THPT Trần Phú (Vĩnh Phúc) phải đổi sang mục tiêu khác sau khi trường công bố mức học phí dự kiến áp dụng cho sinh viên khoá 2023 - 2024 tới.

Đại học Ngoại thương dự kiến tăng học phí chương trình đại trà lên 25 triệu đồng/năm học, chương trình chất lượng cao 45 triệu đồng/năm. So với năm học 2022 - 2023, mức học phí mới này tăng 5 triệu đồng/năm. Như vậy, dự tính mỗi tháng ít nhất cậu đóng khoảng 2,5 triệu đồng tiền học phí, chưa kể phí giáo trình học tập, đồng phục, bồi dưỡng tiếng Anh...

"Theo kinh nghiệm các anh chị đi trước, học trường Ngoại thương, mỗi tháng cũng phải được ba mẹ cho ít nhất từ 5 triệu đồng trở lên, bao gồm tiền học chính, học thêm tiếng Anh, sinh hoạt phí", nam sinh nói. Mức chi tiêu này chiếm 1/4 tổng thu nhập của gia đình mỗi tháng. 

Mẹ của Ngọc Đức đang làm giáo viên trường cấp 3, bố làm ở trạm y tế xã nên mức thu nhập khoảng hơn 20 triệu đồng/tháng. Em gái cậu đang học lớp 8, sang năm sẽ thi vào lớp 10, ba mẹ cần phải đầu tư một khoản kha khá để em học thêm, "chạy đua" vào trường chuyên của tỉnh.

"Nếu học phí đại học quá cao, em sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình", nam sinh chia sẻ. Ngọc Đức quyết định tham gia sơ tuyển các trường quân đội để đăng ký nguyện vọng vào khối trường này, kế đến là nguyện vọng vào ngành Sư phạm Toán của Đại học Sư phạm Hà Nội để được giảm học phí.

Tương tự như Đức và Châm, Trần Bá Thế Chung (trường THPT Phan Đăng Lưu, Nghệ An) lực học khá, thi thử 3 lần tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) đều đạt 20 - 24 điểm. Mức điểm này đủ để em trúng tuyển trường ngành kỹ thuật tốp giữa, nhưng Chung bàn với cha mẹ chọn học cao đẳng nghề.

Học phí các trường đại học năm tới sẽ đồng loạt tăng theo quy định từ 10 đến 60%, Chung không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình. Gia đình làm nông nên cậu muốn tiết kiệm cho bố mẹ. Dự định ra Hà Nội Chung sẽ làm thêm để đỡ đần sinh hoạt phi cho bố mẹ.

Vì sao học phí tăng cao?

Theo đề án tuyển sinh các trường đại học vừa công bố đầu tháng 5/2023, hầu hết mức học phí dự kiến cho năm tới đều tăng từ 10 đến 60%, khoảng 13 - 30 triệu đồng/năm học với hệ đại trà, tuỳ vào từng ngành học. Mức học phí này được các trường tính toán dựa vào Nghị định 81 của Chính phủ ban hành năm 2021.

Hầu hết các trường đại học đều khẳng định, mức học phí năm 2023 - 2024 không cao. Đồng thời, hai năm 2022, 2021 các trường không tăng học phí, đó đó khi áp dụng mức phí đúng theo lộ trình của Nghị định 81 thí sinh "sốc" là dễ hiểu.

screen-shot-2023-05-11-at-101732-am-15481141
Lộ trình tăng học phí theo Nghị định 81 của Chính phủ.

Theo ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương, trường tăng học phí theo lộ trình, không đột biến. Bên cạnh đó cũng có chính sách hỗ trợ cho sinh viên khó khăn, diện đối tượng chính sách. Nhà trường đã phối hợp với nhiều tổ chức, doanh nghiệp có quỹ học bổng cho sinh viên vay.

Bà Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó hiệu trưởng trường Đại học Hà Nội cũng cho hay, sau hai năm không tăng học phí, dự kiến năm học tới trường sẽ tăng từ 5 đến 8%/tín chỉ. Mức tăng này không quá cao, nằm trong khung cho phép của Nghị định 81. 

PGS.TS Nguyễn Ninh Thụy, Trưởng ban Ban Kế hoạch - Tài chính (Đại học Quốc gia TP.HCM) phân tích, ba nguồn thu chính tại các trường công lập gồm: ngân sách nhà nước, học phí và nguồn thu khác (thu từ chuyển giao công nghệ, hoạt động dịch vụ, hiến tặng, hợp tác công tư...). Trong đó, học phí là nguồn thu lớn và quan trọng nhất.

Khi các trường tự chủ, đầu tư từ ngân sách nhà nước sẽ giảm. Để giảm bớt gánh nặng học phí, các trường cần đẩy mạnh hoạt động để tăng nguồn thu khác nhưng việc gia tăng này phụ thuộc vào quy định pháp luật cũng như cần thời gian lâu dài. Vì vậy, các trường buộc phải tăng học phí.

Thực tế, việc tăng học phí giúp nhiều trường tăng doanh thu; giảng viên tăng thu nhập; cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giảng viên, hoạt động nghiên cứu khoa học, thực hành, thực tập cho sinh viên tốt hơn, kéo theo tăng chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, nó cũng có mặt trái, nổi cộm là tạo áp lực lên vai người học.

PGS Nguyễn Ninh Thụy cũng nhìn nhận mặt trái của việc tăng học phí trong các trường đại học công lập tự chủ là có thể làm giảm cơ hội được đến trường của sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài tác động đến người học, học phí tăng còn làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ đại học. Ông Thụy lấy ví dụ với các ngành khoa học cơ bản, dù có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển bền vững đất nước nhưng ít được lựa chọn bởi với cùng một mức chi trả học phí, người học chọn các ngành "hot" để tăng cơ hội nghề nghiệp và thu nhập sau ra trường.

Do đó, để "chống sốc" cho sinh viên, gia đình các em sau 2 năm chịu ảnh hưởng dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu điều chỉnh khung học phí trong Nghị định 81. Các trường sẽ lấy đó làm căn cứ để "hạ nhiệt" học phí xuống mức phù hợp hơn.

Đề xuất trên cũng là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về vấn đề học phí hôm 11/5. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định 81. Trong đó nghiên cứu lộ trình thích hợp, áp dụng chính sách học phí theo hướng tính đúng, tính đủ để thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo.

"Không làm giảm cơ hội vào đại học, nhất là đại học chất lượng cao đối với các đối tượng chính sách, học sinh nghèo học giỏi, người yếu thế....", Phó Thủ tướng chỉ đạo rõ.

Ngày đăng: 17:44 | 18/05/2023

Hà Cường / VTC News