Chuyên gia cho rằng, cần quy định khung về mức tăng học phí với các trường đại học tự chủ, không nên thả nổi dẫn đến tình trạng quá cao, khó khăn cho sinh viên.
Trước thông tin năm học 2021 - 2022, các trường đại học tăng học phí đào tạo sinh viên hệ chính quy, thậm chí gấp đôi so với học phí hiện tại. Điều này khiến nhiều sinh viên và phụ huynh lo lắng khó đảm bảo kinh tế khi cho con đi học, nhất là với những gia đình nghèo.
Tăng phi mã?
Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, các trường đại học tự chủ được quyền tự quyết định mức học phí, tuy nhiên nhà nước cần quy định mức khung cụ thể cho từng ngành/chương trình đào tạo.
"Không nên để tình trạng các trường tăng 'vô tội vạ', thích tăng bao nhiêu thì tăng. Giáo dục đại học phải công bằng cho tất cả sinh viên, không thể vì quá đắt đỏ mà mất đi cơ hội của các em", giáo sư Dong nhấn mạnh.
Phó giáo sư Vũ Thị Lan Anh, Phó hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội cho rằng, tác động tiêu cực rõ nét nhất của tự chủ đại học là dễ dẫn đến tình trạng các cơ sở giáo dục đại học chỉ chú trọng vấn đề tự chủ tài chính. Từ đó, bằng mọi giá tăng nguồn thu qua học phí khi nhà nước thay đổi cách thức sử dụng ngân sách và các nguồn lực đầu tư cho các cơ sở giáo dục đại học, không bao cấp dàn trải như trước.
Điều này khả năng dẫn đến việc các trường bỏ qua trách nhiệm xã hội, đồng thời, có thể khiến học sinh nghèo mất đi cơ hội sử dụng dịch vụ giáo dục đại học.
(Ảnh minh hoạ: M.K) |
Giáo sư Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, vấn đề quan tâm nhất là cách tính học phí của các trường đại học hiện nay. Để tính học phí, cần dựa vào chi phí đào tạo ra một sinh viên. Đây là cách thế giới đang làm, nhưng ở Việt Nam, chưa có cơ quan nào hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học về cách tính.
Về định mức kinh tế - kỹ thuật (là quy định được Bộ GD&ĐT hướng dẫn các trường từ năm 2014), rất khó để áp dụng cho giáo dục vì đây là một lĩnh vực đặc thù.
Báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội năm 2020 cho thấy, hầu hết các trường mới được tự chủ chưa xác định phương thức tính chi phí đào tạo. Trong khi khung học phí của nhà nước hướng dẫn chưa tính đúng, tính đủ mức chi phí thực tiễn cần thiết để bảo đảm chất lượng đào tạo.
Các hướng dẫn, cũng như căn cứ để xây dựng khung học phí, bao gồm định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp với từng nhóm ngành, chuyên ngành đào tạo còn chưa được tính toán một cách đầy đủ, khoa học, phù hợp thực tiễn.
Tăng không quá 2,5 lần
Đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP (sẽ hết hiệu lực khi năm học 2020-2021 kết thúc).
Nghị định dự thảo lần này với nhiều chính sách mới, có ý nghĩa lớn, gắn mức thu học phí không chỉ theo mức độ tự chủ tài chính của các trường công lập mà quan trọng hơn còn gắn với kết quả kiểm định chất lượng GD&ĐT của các trường công lập. Đây là điểm mới mà Nghị định 86 chưa quy định, nhằm đảm bảo mức thu học phí tương xứng với chất lượng GD&ĐT.
Đồng thời, Nghị định cũng mở rộng các đối tượng được hưởng chế độ chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục của tất cả mọi đối tượng yếu thế trong xã hội.
Sinh viên nghiên cứu thực hành. |
Dự thảo nghị định quy định đối với các trường công lập chưa tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng thì thực hiện mức thu học phí không quá mức trần nhà nước quy định. Các trường tự chủ tài chính và đạt kiểm định chất lượng trong nước hoặc quốc tế được thu học phí tối đa từ 2 đến 2,5 lần học phí của các trường chưa tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng.
Bộ GD&ĐT trong quá trình xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP bên cạnh việc giữ nguyên các quy định tự chủ quyết định mức thu học phí và về công khai mức thu học phí của các trường dân lập, tư thục như tại Nghị định 86, đã dự thảo bổ sung các quy định về trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục ngoài công lập đối với xã hội về chất lượng giáo dục đào tạo phải tương xứng với mức thu học phí.
Theo quy định mức tăng học phí tối đa mỗi năm học không quá 10% đối với giáo dục mầm non, phổ thông và không quá 15% đối với đào tạo đại học. Riêng mức thu học phí năm học 2021-2022 không được vượt quá mức thu học phí năm học 2020-2021 đã thu do cơ sở đào tạo quy định.
Yêu cầu các trường đại học không tăng học phí năm học 2021-2022
Bộ GD&ĐT yêu cầu tất cả cơ sở giáo dục phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí và khoản ... |
Học phí đại học tăng "sốc": Cần đảm bảo cơ chế cho người nghèo, người khuyết tật
Năm học 2021-2022, học phí một số trường ĐH lớn ở TP.HCM như Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Bách khoa... tăng mạnh, khiến nhiều phụ ... |
"Tự chủ đại học không có nghĩa là tăng học phí, đổ hết lên đầu sinh viên"
Chuyên gia cho rằng, khi thực hiện tự chủ đại học, mức học phí có thể tăng nhưng không có nghĩa đổ hết lên đầu ... |
Ngày đăng: 14:00 | 19/04/2021
/ vtc.vn