Nguyên nhân Trung Quốc nỗ lực phát triển và xây dựng một quân đội hùng mạnh được đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau, xuất phát từ bối cảnh tình hình thế giới hiện tại và trong tương lai, cùng với cả những nỗi đau trong quá khứ.
Xuất phát từ bối cảnh tình hình thế giới hiện tại và trong tương lai, cùng với cả những nỗi đau trong quá khứ.
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do “cơn ác mộng trong lịch sử Trung Hoa”, hàng thế kỷ bị thất bại dưới tay của các cường quốc châu Á và phương Tây. Không tham vọng kiến giải toàn bộ động cơ hiện đại hóa quân đội Trung Quốc, nhưng lát cắt nghiên cứu của các học giả từ ý thức lịch sử xã hội của người dân Trung Quốc và tâm lý quốc gia này cũng đưa ra góc nhìn mới mẻ.
Quân đội Trung Quốc |
Theo một nghiên cứu của tác giả Harry J. Kazianis trên tờ National Interest của Mỹ, Trung Quốc đang cố gắng giải quyết một nan đề: “Làm thế nào để đánh bại các lực lượng quân sự có sức mạnh vượt trội so với mình trong một cuộc chiến tranh hiện đại có thể xảy ra bất cứ lúc nào?”.
Thế nhưng có phải đến bây giờ Bắc Kinh mới đi tìm câu trả lời này? Nếu chúng ta thay đổi quan điểm của mình và nhìn xa hơn về sự thất bại của quân đội Trung Quốc trong các cuộc chiến tranh quá khứ, chúng ta mới hiểu rằng, đó chính là một câu hỏi đã nhức nhối trong lịch sử dân tộc Trung Hoa trong nhiều thế kỷ qua.
“Cơn ác mộng lịch sử của đất nước” nằm dưới gót giày của các thế lực ngoại xâm chính là một trong những động lực để giới lãnh đạo Bắc Kinh tham vọng tìm cách xây dựng một quân đội mạnh, để thực hiện chiến lược “Chống tiếp cận/chống xâm nhập”.
Không bắt kịp bước phát triển của công nghệ quân sự
Các học giả và chính trị gia Đại lục chỉ ra rằng, có một số sự kiện trong lịch sử Trung Quốc đã làm suy yếu sức mạnh tập thể của đất nước và làm giảm dần vị thế toàn cầu của quốc gia qua nhiều thế hệ.
Các nhà hoạch định chiến lược Trung Quốc nhận thức sâu sắc rằng, họ đã bỏ lỡ những cuộc cách mạng trong lĩnh vực quân sự, một yếu tố đã khiến quân đội Trung Quốc nhiều lần bị khuất phục trước sức mạnh của các cường quốc châu Âu, châu Á, trong hàng trăm năm liên tiếp.
Việc không bắt kịp những biến đổi quan trọng từ một cuộc “chiến tranh vũ khí lạnh” (vũ khí là dao hoặc dụng cụ tấn công thô sơ) sang “chiến tranh vũ khí nóng” (như súng và các loại hỏa lực khác); từ “chiến tranh vũ khí nóng” sang “chiến tranh cơ giới” (xe tăng, tàu chiến, máy bay), đã khiến quân đội Trung Quốc qua nhiều thế kỷ đã đánh mất cơ hội xây dựng một lực lượng chiến đấu hiện đại.
Hậu quả là khi liên quân của 8 cường quốc phương Tây được vũ trang tốt tiến vào Đại lục hơn hai thế kỷ trước, người Trung Quốc chỉ với những vũ khí hết sức lạc hậu đã không thể chống trả được.
Khi các cường quốc phương Tây ồ ạt phát triển vũ khí cơ giới trong và sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, người Trung Quốc đang ở trong tình trạng hỗn loạn nội bộ (Nội chiến Trung Quốc) và bị nước ngoài xâm lược (thời kỳ bị Nhật Bản chiếm đóng), quân đội Trung Quốc cũng không có khả năng bắt kịp sự phát triển của những công nghệ quân sự mới.
“Thế kỷ của sự sỉ nhục”, bắt đầu từ “chiến tranh thuốc phiện”
Những học giả Trung Quốc hiện tại đã nhiều lần nói về “sự sỉ nhục thế kỷ” của đất nước mình, bao gồm: Bị khuất phục trước nhiều thế lực khác nhau, bị xâm chiếm lãnh thổ, mất chủ quyền quốc gia và mất vị thế cường quốc.
Thất bại lớn đầu tiên về quân sự dưới tay các cường quốc phương Tây là dưới tay người Anh trong cuộc “Chiến tranh nha phiến đầu tiên” (1839-1842) và một thời gian dài sau đó đã gây hậu quả trên diện rộng đối với Trung Quốc và phần lớn châu Á-Thái Bình Dương.
Quân đội khổng lồ của nhà Thanh bị đánh bại trong một loạt các thất bại trước một lực lượng quân sự của Vương quốc Anh có quy mô nhỏ hơn rất nhiều, nhưng vượt trội về mặt công nghệ quân sự. Điều này đã chỉ ra rằng: Kỹ thuật quân sự, chiến thuật tác chiến và định hướng chiến lược của quân đội Trung Quốc không ngang tầm với phương Tây.
Thất bại trong cuộc chiến tranh này là nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đời của một thỏa ước đầu tiên, được lịch sử đánh giá là một “Hiệp ước bất bình đẳng” đối với Bắc Kinh. Năm cảng của Trung Quốc được mở cho các thương nhân nước ngoài và thuộc địa của Anh tại Hồng Kông được thành lập (đến năm 1997 mới được trả lại).
Những thất bại trên chiến trường đã đánh dấu sự khởi đầu của một thế kỷ mất mát và nhục nhã. Hậu quả của cuộc xung đột là vô cùng nghiêm trọng và sâu sắc, nó đã khiến địa vị chiến lược của Bắc Kinh tại Châu Á bị suy yếu nghiêm trọng.
Khoảng thời gian dài từ trước đến sau cuộc “Chiến tranh thuốc phiện” được chính người Trung Quốc khái quát trong lịch sử của đất nước là “một thế kỷ của sự sỉ nhục và yếu đuối”.
Thất bại lớn thứ hai là trong cuộc “Chiến tranh Trung-Nhật”
Thất bại quân sự to lớn thứ hai của Trung Quốc là dưới tay người Nhật Bản, khi quân đội của nhà Thanh thảm bại trong Chiến tranh Trung-Nhật (1894-1895). Thất bại quân sự trong cuộc chiến còn được gọi là “Chiến tranh Giáp Ngọ” cũng đã gây ra hậu quả sâu rộng cho Bắc Kinh.
Trong nhiều thập kỷ, Nhật Bản và Trung Quốc đã cạnh tranh gay gắt trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng chủ yếu là chính trị và ngoại giao, về quyền kiểm soát và ảnh hưởng trên bán đảo Triều Tiên. Bắc Kinh coi Triều Tiên như một quốc gia chư hầu, chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Trung Quốc.
Nhật Bản với những nỗ lực lớn để Tây phương hóa trong thời kỳ Phục hưng Meiji, đã thực hiện những nỗ lực để đưa Triều Tiên về dưới phạm vi ảnh hưởng của mình. Cả hai quốc gia đều tích cực theo đuổi các nỗ lực hiện đại hóa lực lượng vũ trang để giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh trước sau gì cũng sẽ nổ ra.
Hậu quả của cuộc chiến là vô cùng thê thảm đối với Bắc Kinh. Quân đội Nhật Bản đã đánh bại quân đội Trung Quốc một cách thuyết phục, quan trọng nhất là chiến thắng then chốt trong trận chiến Yalu (sông Áp Lục), Hải quân Nhật Bản đã tiêu diệt hầu hết Hạm đội Bắc Dương của Trung Quốc.
Trong bối cảnh vào thời điểm đó Trung Quốc đã bị các cường quốc phương Tây xâm lược, mất đi một phần lãnh thổ đáng kể và vị thế của một cường quốc, việc bị đánh bại bởi một quốc gia châu Á láng giềng thậm chí còn nhục nhã hơn.
Sau cuộc chiến, Bắc Kinh bị buộc phải trả khoản bồi thường chiến phí lớn, lại còn phải cắt bán đảo Liaodong (Liêu Đông) cho Tokyo. Thêm vào đó, Triều Tiên đã thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc và được đặt dưới sự kiểm soát của Nhật Bản.
Hỗn loạn những năm 1930, Nội chiến và Thế chiến II
Năm 1931, Nhật Bản chiếm lãnh thổ Mãn Châu của Trung Quốc, tạo ra một quốc gia bù nhìn là “Mã Châu Quốc”. Năm 1937, căng thẳng lại bùng lên sau một sự cố ở “Lư Câu Kiều” (phương Tây gọi là cầu Marco Polo), làm bùng phát cuộc chiến toàn diện giữa hai nước.
Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tạm thời đình chỉ cuộc nội chiến đã kéo dài từ năm 1927 đến năm 1937, để chống lại cuộc xâm lược của Nhật Bản. Cuộc xung đột đẫm máu kéo dài cho đến khi kết thúc Thế chiến II năm 1945, sau khi quân Nhật bại trận trước quân đồng minh.
Trong khoảng thời gian này, phần lớn lãnh thổ Trung Quốc do Nhật Bản chiếm giữ, các cơ sở thương mại, công nghiệp của đất nước bị phá hủy, đất nông nghiệp bị hoang hóa.
Cuộc nội chiến lại tiếp tục vào năm 1946, khiến Trung Quốc một lần nữa chịu tổn thất nặng nề. Sau khi Quốc Dân đảng bại trận trước Quân Giải phóng nhân dân, Tưởng Giới Thạch chạy trốn sang Đài Loan vào năm 1949 và cho đến nay, tình trạng của Đài Loan vẫn chưa được giải quyết.
Đất nước Trung Quốc đã phải chịu đựng rất nhiều đau khổ trong giai đoạn lịch sử này. Vô số sinh mạng đã bị cướp mất trong cuộc xâm lược của Nhật Bản và cuộc chiến huynh đệ tương tàn.
Một thời kỳ hỗn loạn như vậy trong lịch sử Trung Quốc sẽ có tác động sâu rộng đối với ý thức lịch sử xã hội của người dân Trung Quốc và tâm lý quốc gia.
Các học giả Trung Quốc đã tranh luận trong nhiều thập kỷ về vai trò của giai đoạn này khi bàn luận về vị trí của nó trong trật tự quốc tế ngày nay và rút ra bài học: Trong thế kỷ 21, Trung Quốc tham vọng sẽ xác định lại địa vị của mình ở châu Á và vị thế quốc gia trong trật tự toàn cầu, trong đó có vai trò của quân đội Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc ra lời cảnh báo với người biểu tình Hong Kong Quân đội Trung Quốc mới đây đã phát đi cảnh báo với những người biểu tình cố tính chiếu tia laser vào căn cứ của ... |
Tổng thống Trump: Xây dựng quân đội quá nhanh, Trung Quốc đang là mối đe dọa với thế giới Tổng thống Trump cho rằng Trung Quốc đang là một mối đe dọa với thế giới, khẳng định ông không cần phải đạt được một ... |
Quân đội Trung Quốc cải tổ toàn diện, xây mộng siêu cường thế giới Những chỉ trích về hiệu quả chiến đấu khiến quân đội Trung Quốc thực hiện chương trình cải cách sâu rộng, nhằm giành quyền lãnh ... |
Quân đội Trung Quốc cảnh báo sẽ ập tới Hong Kong trong vài phút Quân đội Trung Quốc tuyên bố, họ chỉ mất 10 phút để đến Hong Kong. Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh tình hình ... |
'Quân đội Trung Quốc bị các cường quốc quân sự bỏ xa' Lời nhận định trên được nhiều chuyên gia quân sự đưa ra, sau khi Bắc Kinh hôm 24/7 công bố sách trắng quốc phòng năm ... |
Nguyễn Ngọc
Ngày đăng: 19:03 | 18/11/2019
/ baodatviet.vn