Báo chí mới đây vừa phanh phui sự thật về một trung tâm (TT) - nơi họ tự quảng cáo có thể biến trẻ tự kỷ (TK) thành nghệ sĩ, kỷ lục gia?
Chuyện... không tưởng
TT này hiện diện tại Từ Sơn, Bắc Ninh, từ đầu tháng 5.2019, để đào tạo trẻ TK. Từ tháng 6, TT này tổ chức diễn đàn dành cho những phụ huynh có con mắc chứng TK, với những quảng bá có một không hai: Huấn luyện trẻ TK thành nghệ sĩ, kỷ lục gia và nơi duy nhất trên thế giới chữa trị được TK ở tuổi dậy thì? Các trang web, fanpage của TT tiếp thị như có phép màu: “Với công nghệ “dịch chuyển đẳng cấp” kết hợp thành tựu khoa học tế bào gốc, khoa học thần kinh và khoa học hành vi, TT biến điều không tưởng thành bình thường”; “Đào tạo thành công trẻ TK thành kỷ lục gia, TT đã mở ra hướng đi mới cho thế giới về phương pháp huấn luyện và định hướng nghề nghiệp cho trẻ TK...”. CEO của TT này còn nói: “Cái dây thần kinh của trẻ TK giống như các vết đứt đoạn và TT là người nối lại chỗ đứt đoạn đó”?!
Cơ sở này có khoảng 45 học viên từ nhiều tỉnh, xa nhất là TPHCM, nhưng không chỉ trẻ TK, mà còn có người lớn mắc trầm cảm. CEO cho phóng viên biết, TT mới nhận một người nghiện thuốc phiện, “học viên” cao nhất mới... 42 tuổi trước đây nghiện rượu và ở đây còn nhận cả trẻ tăng động, nghiện game.Dụng cụ dạy học rất thô sơ, chỉ có các chai nước, bóng tennis, con lăn bằng sắt và những tấm gỗ cũ. Các “môn” học khá mạo hiểm, dễ ngã nếu mất thằng bằng, nhưng không có mũ bảo hiểm hay bất kỳ dụng cụ bảo hộ nào. Trẻ TK, trẻ tăng động nhỏ nhất 6 tuổi cho đến người bệnh tâm thần khác, đều được “đào tạo” theo “phương pháp” duy nhất là tập đội chai nước, tung hứng 3-5 quả bóng, đứng thăng bằng trên con lăn, đi xe đạp 1 bánh.
Bắt đầu học từ 6h sáng, học viên được dạy đi xe đạp một bánh, thời gian còn lại và buổi chiều, học viên ở trong bốn phòng học tung bóng, đội chai nước, đứng trên con lăn. Bốn phòng này là nơi tập và ngủ, sinh hoạt của học viên, có các tấm phản dựng và trưa, tối ngả xuống làm chỗ ngủ; ngăn cách với hành lang - nơi ăn uống tập thể bằng cổng sắt kiên cố. Nếu làm được các “bài học” riêng rẽ, sẽ chuyển sang phối hợp đi xe đạp đội chai nước; đội chai nước tung bóng; đứng trên con lăn tung bóng.
Phòng đội chai nước do cô giáo tên H (SN 1995) đứng lớp, mùi rất khai và hôi do học sinh đi vệ sinh không được lau chùi kỹ. Trong phòng có 7, 8 học sinh thay nhau tập đi và cố gắng giữ không rơi chai nước 350ml trên đầu... Ở phòng tập tung bóng, một học sinh nữ không chịu tập, “cô” N.T.T.D (SN 1992) ném bóng liên tiếp, chỉ tay vào mặt em, hét lên: “Đùa với bố mày đấy à? Trong túi xách bao giờ cũng có dao đấy”.
Giờ ăn, một học sinh không nghe lời, người nấu bếp dùng đũa đánh liên tiếp làm em hoảng loạn, khóc nức nở... Khi có phụ huynh, “cô” đưa những em nhanh nhẹn, tỉnh táo hơn ra biểu diễn tung bóng, đi xe đạp 1 bánh. Trong khi, một số em khác nằm vạ vật giữa nhà, có em mặc quần đùi thậm chí không mặc quần, chân tay tróc lở, ngồi thu lu ở góc phòng. Có những em tuổi dậy thì, thường xuyên nghịch “vùng kín” ngay trong lớp, nhưng “thầy”, “cô” không biết xử lý thế nào! TT tuyển “giáo viên” theo tiêu chuẩn 1.1.3, tức là phải đội được chai nước không rơi và đứng thăng bằng trên mảnh gỗ đè con lăn, cùng với tung hứng 3 bóng. Bằng chứng là N.V.M (SN 1995) - Phó Giám đốc - làm việc đã hơn 2 năm, trước bỏ dở đại học, đi bán hàng, rồi theo một lớp của TT...
Phép màu nào biến trẻ TK thành kỷ lục gia?
TK là hội chứng rối loạn tâm thần, gọi tên theo phân loại bệnh quốc tế là Rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder - ASD), bản chất là rối loạn phát triển và khuyết tật trí tuệ, mắc ở hơn 1% dân số thế giới, trẻ trai gấp 5 lần trẻ gái. TK khác tăng động (Attention deficit hyperactivity disorder - ADHD, bệnh rối loạn về hành vi và tính cách, có một số biểu hiện giống TK). Việt Nam ước tính có gần 1 triệu trẻ TK.
Trẻ TK có 10 biểu hiện rõ nét: Rối loạn tiếp xúc xã hội; hành vi chống đối; rối loạn ngôn ngữ giao tiếp; hành vi lặp đi lặp lại; gắn bó bất thường; vận động chậm chạp; thích chơi một mình; hành vi kỳ lạ; rối loạn ăn uống; khiếm khuyết trí tuệ, mà mỗi nhóm rối loạn này triệu chứng biểu hiện hết sức phong phú, đa dạng. Ví dụ, rối loạn tiếp xúc xã hội: Trẻ không nhận biết môi trường xung quanh, không hoặc hãn hữu giao tiếp với mọi người bằng mắt, cử chỉ, điệu bộ; tránh né, không nhìn thẳng vào người đối diện hoặc nhìn như thể không có họ ở đó; sự cô lập thể hiện ở các mốc phát triển như không cười ở tháng thứ 3, không sợ hãi người lạ hoặc khi để ở nơi lạ vào 8 tháng tuổi; không phân biệt được bố, mẹ, anh, chị, em với người dưng; khi cần lấy vật gì chúng cầm tay người khác đặt vào vật đó.
Hầu hết trẻ TK có khiếm khuyết trí tuệ: Khoảng 40% trẻ TK có IQ dưới 55 điểm (bình thường 85 - 115); 30% trí tuệ chậm phát triển (thiểu năng tâm thần) nhẹ; khoảng 30% trí tuệ bình thường, có thể huấn luyện làm được một số công việc không phức tạp lắm, như bé K.H (9 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội) có 3 năm học ở TT nói trên và thường đưa ra “làm mẫu” để quảng bá cho khả năng làm xiếc.
Y học đương thời đang mờ mịt và thực sự bế tắc về nguyên nhân TK, nó được cho là nhóm các yếu tố phức tạp, tương tác với nhau gồm di truyền, môi trường và phát triển não bộ. Nghiên cứu 22.000 ca cho đến 16 tuổi được chẩn đoán TK ở các nước Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Israel và Tây Australia từ 1998 - 2011 của Viện Karolinska (Stockholm, Thụy Điển) cho thấy, 80% rối loạn TK xuất phát từ yếu tố di truyền, đã phát hiện biến đổi 18 gen ở trẻ TK (trong đó 6 gen mới được ghi nhận) và nhiều trong số này đã thấy ở người bại não hay thiểu năng trí tuệ.
Nghiên cứu các cặp song sinh năm 2016 cho thấy, gene là nguyên nhân của 64-91% TK. Gần 20% còn lại do môi trường độc hại tác động, mà bụi siêu mịn được cho là một thủ phạm. Nghiên cứu khác thấy trẻ TK thiếu protein quan trọng (nSR100) cho sự phát triển bình thường của não, chưa kể hàng tá bệnh tổn thương và nhiễm độc não; không ít học giả đổ lỗi cho vacxin! Một vài người TK có khả năng đặc biệt lại càng làm y học bối rối.
Viện Karolinska còn thống kê thấy tuổi thọ người TK rút ngắn 12-30 năm, nhiều người không thể đón sinh nhật tuổi 40.
TK không có thuốc chữa nên cả thế giới hiện đang “đánh vật” với trẻ TK bằng cả tá phương pháp huấn luyện nhưng kết quả rất khiêm tốn. Giống như huấn luyện người thiểu năng trí tuệ mức trung bình gấp được hộp giấy (cắt sẵn) đựng phấn viết, nhưng không kèm lại làm sai ngay! Ở các nước giàu, có đến 4, 5 chuyên gia phối hợp huấn luyện một trẻ TK!
Người ta hy vọng phương pháp tế bào gốc giải quyết được TK nhưng có lẽ còn xa vời. Năm 2016, một TT đã “kích hoạt” não để trẻ thành thiên tài, nay lại đến chiêu này. Ôi, sao ở ta, còn lắm người u mê!
Nghiên cứu các cặp song sinh năm 2016 cho thấy, gene là nguyên nhân của 64-91% tự kỷ. Gần 20% còn lại do môi trường độc hại tác động, mà bụi siêu mịn được cho là một thủ phạm. Theo nghiên cứu khác, trẻ tự kỷ thiếu protein quan trọng (nSR100) cho sự phát triển bình thường của não, chưa kể hàng tá bệnh tổn thương và nhiễm độc não, không ít học giả đổ lỗi cho vaccine. Một vài người tự kỷ có khả năng đặc biệt lại càng làm y học bối rối. |
Cần có biện pháp cụ thể quan tâm đến trẻ tự kỷ |
Tiết lộ giật mình của thạc sĩ tâm lý từng làm giáo viên ở Tâm Việt |
Đóng 15 triệu học kỷ lục gia ở Tâm Việt, 1 tháng sau mẹ nhận lại thi thể con |
Ngày đăng: 14:00 | 10/11/2019
/ laodong.vn