Các chuyên gia lo ngại chất độc có thể gây ung thư trong trạm không gian bị mất kiểm soát của Trung Quốc sẽ theo mảnh vỡ xuống trái đất

Trong năm 2018, mối đe dọa lớn nhất từ trên không gian có thể do chính con người tạo ra và nó đến từ trạm vũ trụ Thiên Cung-1 của Trung Quốc.

Không biết điểm "hạ cánh"

Thiên Cung-1 đã hoàn toàn mất kiểm soát nhiều tháng qua. Các cơ quan vũ trụ trên khắp thế giới dự báo nó sẽ rơi xuống trái đất đầu năm 2018. Không may là chẳng ai biết chính xác trạm không gian nặng 8,5 tấn này sẽ "hạ cánh" khi nào và ở đâu!

Trạm không gian trên được phóng lên quỹ đạo ngày 29-9-2011, ban đầu chỉ được chế tạo để hoạt động đến năm 2013 nhưng về sau được kéo dài sứ mệnh thêm vài năm nữa. Đến năm 2016, Cơ quan Vũ trụ Trung Quốc thông báo đã mất liên lạc và không còn kiểm soát được Thiên Cung-1.

Chính phủ Trung Quốc sau đó công bố ước đoán trạm vũ trụ đầu tiên của họ sẽ rơi xuống vào cuối năm 2017. Thông báo khá mơ hồ khiến các chuyên gia đi đến kết luận cơ quan vũ trụ Trung Quốc đã mất toàn bộ khả năng điều khiển quá trình đâm xuống của Thiên Cung-1 và không biết nó sẽ rơi xuống chỗ nào!

Thông thường, các nhà điều hành chuẩn bị sẵn một kế hoạch để có thể loại bỏ các thiết bị vũ trụ lớn một cách an toàn sau khi hoàn thành sứ mệnh. Nếu một thiết bị vũ trụ có bộ phận đẩy thì có thể tận dụng số nhiên liệu còn lại để khởi động bộ phận này và lái thiết bị xuống đại dương. Họ cũng có thể phóng một tàu vũ trụ khác với động cơ lắp ráp được vào thiết bị sắp rơi để lái nó đến một nơi an toàn hơn. Tuy nhiên, đó là trong trường hợp cỗ máy vũ trụ kia chưa bị mất kiểm soát!

Các nhà khoa học vũ trụ thế giới chạy đua với thời gian trong nỗ lực dự báo điểm rơi của Thiên Cung-1 nhưng chỉ có thể khoanh vùng khu vực "chịu trận" nằm giữa vĩ độ 43 độ Bắc và 43 độ Nam, còn thời gian rơi xuống là vào giữa tháng 1 và tháng 3-2018. Hầu hết khu vực rộng lớn "bị đe dọa" là đại dương nhưng vẫn còn nguy cơ khoảng 1/10.000 khả năng các mảnh vỡ hạ cánh xuống vùng có người sinh sống, đe dọa gây thương vong.

Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), các mảnh vỡ của Thiên Cung-1 có thể rơi xuống bất kỳ điểm nào trong "vùng nguy hiểm" nêu trên, vốn bao trùm nhiều thành phố lớn ở châu Á. Trung Đông, lục địa châu Phi và một phần châu Âu (Tây Ban Nha, Ý…). Các thành phố Mỹ như San Francisco, New York và Miami cũng có thể bị đe dọa.

Các mảnh vỡ sẽ lao xuống với tốc độ lên tới 9.000 m/giây. Tuy nhiên, không phải toàn bộ trạm Thiên Cung-1 sẽ rơi xuống trái đất. Thông thường, phần lớn các bộ phận của trạm không gian sẽ cháy rụi trong bầu khí quyền.

Theo trang The Verge, các chuyên gia ước tính các mảnh vỡ có tổng trọng lượng 0,91 - 3,63 tấn của Thiên Cung-1 sẽ vượt qua bầu khí quyển trái đất. Họ cũng lo ngại các động cơ rốc-két đặc cứng sống sót trong khí quyển và những mảnh vỡ có thể lên tới 100 kg sẽ rất nguy hiểm nếu rơi trúng con người dưới trái đất.

hoa tu tren troi roi xuong

Trung Quốc phóng trạm vũ trụ Thiên Cung-1 năm 2011 Ảnh: REUTERS

Hóa chất cực độc

Trong khi đó, ông Bill Ailor, một kỹ sư hàng không chuyên về vấn đề quay trở lại khí quyển của các vật thể tại Công ty Aerospace (Mỹ), cho rằng nhiều khả năng bộ phận bánh răng và các thiết bị phần cứng trong bảng điều khiển của Thiên Cung-1 sẽ còn nguyên khi rơi xuống đất. Sở dĩ có hiện tượng này là vì các lớp vật liệu bảo vệ bên ngoài Thiên Cung-1 được thiết kế bọc lớp kiểu củ hành.

"Về cơ bản, nhiệt độ sẽ chỉ bóc tách các lớp vỏ này. Nếu có đủ các lớp vỏ bao bọc, rất nhiều năng lượng sẽ tiêu hao trước khi đến vật thể (trong cùng). Đến lúc đó, nếu không còn nóng nữa, vật thể có thể sống sót và rơi xuống đất" - ông Ailor lý giải.

Điều tương tự từng xảy ra sau khi tàu vũ trụ Columbia của NASA gặp tai nạn, nổ tung trên bầu trời bang Texas - Mỹ năm 2003. Theo ông Ailor, các nhà điều tra đã tìm thấy một chiếc máy tính trên tàu và chính vật thể này sau đó giúp lý giải nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc.

Tuy nhiên, vấn đề đang khiến nhiều người lo ngại hơn cả là hóa chất cực độc trong trạm không gian Thiên Cung-1 có thể sống sót và theo các mảnh vỡ mang hiểm họa xuống trái đất. Hóa chất có tên hydrazine này thường được dùng trong nhiên liệu rốc-két và việc phơi nhiễm nó thời gian dài được cho là có thể gây ung thư ở người. "Để bảo đảm an toàn, bạn không nên chạm vào bất cứ mảnh vỡ nào cũng như không được hít hơi thoát ra từ đó" - Công ty Aerospace đưa ra cảnh báo về về hydrazine.

Đây không phải là lần đầu tiên có một thiết bị vũ trụ rơi không kiểm soát xuống mặt đất. Năm 1979, trạm vũ trụ đầu tiên của NASA - gọi là Sky Lab và nặng hơn 72 tấn - đã vỡ vụn rồi rơi xuống nước Úc. Năm 2001, trạm không gian khổng lồ Mir nặng 134 tấn của Nga trở thành tàu vũ trụ lớn nhất rơi xuống trái đất, an nghỉ ở Nam Thái Bình Dương. Gần đây hơn, năm 2012, tàu vũ trụ Phobos-Grunt của Nga lẽ ra phải lên sao Hỏa nhưng gặp trục trặc và rơi xuống Thái Bình Dương.

Trong khi đó, xác suất một người trúng phải mảnh vỡ tàu vũ trụ là chưa đầy 1/1.000 tỉ. Cho tới nay, thế giới chỉ ghi nhận một trường hợp bị mảnh vụn từ tàu vũ trụ rơi trúng là bà Lottie Williams ở TP Tulsa, bang Oklahoma - Mỹ. Năm 1997, phụ nữ này bị một mảnh vỡ kim loại dài 15 cm từ rốc-két Delta II sượt qua vai trong lúc đi dạo.

hoa tu tren troi roi xuong Nga xây khách sạn 5 sao trên vũ trụ giá 40 triệu USD một tuần

Du khách có cơ hội đi bộ ngoài không gian cùng các nhà du hành chuyên nghiệp, ngắm trái đất từ độ cao 350 km.

hoa tu tren troi roi xuong Ba phi hành gia Mỹ, Nga và Nhật Bản lên Trạm Vũ trụ Quốc tế

Phi hành đoàn gồm ba phi hành gia người Nhật Bản, Mỹ và Nga đã lên tàu vũ trụ Soyuz của Nga để lên Trạm ...

hoa tu tren troi roi xuong Trạm vũ trụ 8,5 tấn của Trung Quốc sắp rơi xuống Trái Đất

Các chuyên gia cảnh báo trạm Thiên Cung 1 sẽ rơi xuyên qua khí quyển Trái Đất trong vài tháng tới.

Ngày đăng: 10:30 | 08/01/2018

/ Người lao động