Phố Nguyễn Du, Duy Tân, Trần Duy Hưng, Trung Hoà... rợp bóng hoa sữa và toả mùi hương đậm đặc vào chiều tối.
Những ngày này cây hoa sữa trồng tại Hà Nội đang vào mùa hoa. Mật độ trồng quá dày ở nhiều con phố khiến người dân bị "tra tấn" bởi mùi hắc.
Qua khảo sát cho thấy rất nhiều tuyến phố hoặc khu dân cư ở Hà Nội trồng hoa sữa, nhất là đường Nguyễn Chí Thanh, Duy Tân, Trần Duy Hưng, Nguyễn Du, Trung Hoà, Quán Thánh, Đào Tấn, Nguyễn Khánh Toàn, ven hồ Tây...
Hoa sữa là cây thân gỗ, chiều cao từ 10-20 m, khi trưởng thành đường kính thân từ 0,5 – 1 m, thường nở vào cuối thu (tháng 9 đến tháng 11).
Cây trồng khoảng 5 năm là có thể ra hoa. Thời điểm mùi hương đậm đặc nhất là 17h.
Hoa có mùi nồng nặc, nếu hít nhiều dễ gây cảm giác choáng váng, mệt mỏi, khó thở.
Một cây hoa sữa cổ thụ có tuổi thọ hàng chục năm vẫn nở hoa trên đường Nguyễn Du, đường kính một người ôm và cao hơn 15 mét.
"Những ngày này, cứ đi làm về đến nhà là mùi hoa sữa ngào ngạt, đậm đặc, buộc tôi phải đóng cửa kín mít, buổi tối không dám ra ban công phơi quần áo", chị Thảo ở phố Huỳnh Thúc Kháng nói.
Hàng cây hoa sữa có tuổi thọ trên 10 năm dọc phố Trung Hoà.
"Trước kia hoa sữa chỉ gắn liền với một vài địa chỉ quen thuộc như phố Quang Trung, đường Nguyễn Du…, nhưng nay phố nào cũng có dày đặc. Hương thơm thoáng qua dễ chịu, tuy nhiên ngửi lâu thì rất kinh khủng" Bà Nguyễn Thị Loan ở phố Trung Hoà nói.
Chuyên gia sinh học Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam, cho biết đã nhận được điện thoại của nhiều người dân phàn nàn về việc phải chịu đựng mùi hoa sữa nồng nặc.
"Nhà quản lý cần đánh chuyển bớt hoa sữa trên đường phố và thay thế bằng cây khác phù hợp hơn, như sấu, cơm nguội, nhội...; hoặc trồng hoa sữa với khoảng cách 50-70 m trên đường phố không tập trung khu dân cư", ông Hùng đề xuất.