Ở Việt Nam mình hay có lối khi khó khăn gì thì thường đổ tại cơ chế, đặc biệt là với các DNNN.
Vậy thực chất “vòng kim cô” này là gì?
Ðó là cơ chế giám sát chặt hơn; kỷ luật dành cho những người quản lý nặng hơn, nhưng quyền tự chủ của người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngày càng ít… Thậm chí, một DNNN muốn làm cái gì cũng bị tầng tầng lớp lớp các thủ tục hành chính, các quy định cũ mới ràng buộc. Ðã có người ví von rằng, hiện nay DNNN như một võ sĩ phải lên võ đài “đấu” nhau với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài trong tình trạng bị xích chân, trói tay. Và người ta tiên đoán rằng, DNNN khi tham gia đấu thầu các công trình có yếu tố nước ngoài thì sẽ thua ngay trên sân nhà.
Chưa bàn về chuyện đúng - sai, phải - trái từ những quy định mới được ban hành về quản lý DNNN, đặc biệt là trong công tác đấu thầu, chỉ định thầu. Nhưng rõ ràng, quyền tự chủ của các doanh nghiệp này đã bị hạn chế rất nhiều.
Ảnh minh họa |
Vậy tại sao có chuyện này?
Lần giở lại trước đây, Ðảng, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách đối với DNNN và có thể nói là trao quyền tự chủ tới mức tối đa cho các tổng công ty nhà nước. Sự ra đời của các tổng công ty 90, 91 trong những năm 90 của thế kỷ trước là minh chứng rõ nhất cho điều này. Ðúng là vào thời đó, DNNN đã được cởi trói khỏi những “vòng kim cô” từ chính các bộ, ngành thắt vào đầu họ.
Những tưởng sự cởi trói này sẽ tạo nên một động lực to lớn cho DNNN phát triển.
Nhưng, sự sụp đổ của những Vinashin, Vinalines đã khiến Chính phủ phải tính toán lại và thế là, lại có hàng loạt những quy định, nghị định mới ra đời nhằm quản lý lại một cách chặt chẽ DNNN.
Ðúng là sự quản lý này rất cần thiết để tránh có thêm những Vinashin, Vinalines trong tương lai, nhưng với các doanh nghiệp làm ăn tử tế, thì như bị trói chân, trói tay.
Ở Việt Nam mình hay có lối khi khó khăn gì thì thường đổ tại cơ chế, đặc biệt là với các DNNN. Nhưng không bao giờ lãnh đạo các DNNN lại vắt tay lên trán mà tự hỏi rằng: Chính Nhà nước đã tạo điều kiện hết mức cho giám đốc các DNNN tung hoành, nhưng cũng chính không ít người đã phá hỏng cơ chế. Chính họ đã gây ra những tổn thất vô cùng nặng nề cho DNNN. Chính họ đã làm cho DNNN bị nghi ngờ, bị giảm lòng tin và chính họ đã buộc Chính phủ phải có những biện pháp quản lý mới.
Con người đã phá hỏng cơ chế!
Nhân việc này, tôi xin kể một câu chuyện về một ông Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng giám đốc một DNNN lớn cách đây 10 năm.
Ấy là trong một chuyến đi theo nguyên thủ công cán ở nước ngoài. Tất cả cánh nhà báo chúng tôi đều nhìn vị lãnh đạo đó với ánh mắt “ngưỡng mộ”, bởi ông ta rất tự tin chia sẻ với báo giới nhiều số liệu thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của tổng công ty này. Thậm chí, ông ta còn khoe rằng, đã kiếm đủ công ăn việc làm cho doanh nghiệp này tới năm 2020. Và từ lĩnh vực hoạt động chính, ông đã “mạnh dạn” vay vốn ngân hàng, lao vào đầu tư bất động sản, làm nhà máy bia. Nhưng nhìn cái cách ông tiêu tiền như nhặt được, chúng tôi lại thấy kinh hoàng. Ông sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu tài trợ cho những chương trình biểu diễn của ngôi sao nọ, ngôi sao kia. Ông sẵn sàng vung tiền ban phát cho người này, người khác mà không bao giờ cần đếm.
Rất nhiều người “yêu” ông, “xoắn” lấy ông, bởi ông lắm tiền quá, hào phóng quá.
Khi tới nước bạn, tất cả mọi người đi theo vị nguyên thủ thực hiện các chương trình công tác, trong đó có cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Việt Nam với các doanh nghiệp nước sở tại. Trong lúc đó, vừa xuống sân bay, vị chủ tịch kia đã được một đoàn tùy tùng hùng hậu đón tiếp riêng và sau đó, dẫn đi… đánh golf.
Nhìn cảnh ấy, ông H - phóng viên tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam nghiến răng lại, nói: “Thằng này mà không vào tù thì tôi không làm người”.
Và quả nhiên, 3 năm sau, doanh nghiệp ông chủ tịch này lâm vào khủng hoảng trầm trọng, sống dở, chết dở. Hình ảnh ông đứng trước vành móng ngựa và nhận án tù chung thân “chường” ra trên truyền hình, đầy rẫy trên khắp các mặt báo. Chẳng thấy đâu dáng điệu oai phong, thét ra lửa hồi nào.
Rồi lại như một tổng giám đốc nữa, cũng của một DNNN danh tiếng vừa bị kết án nặng. Ông này vốn là người rất được anh em báo chí yêu quý bởi cách nói năng khiêm nhường, luôn luôn tỏ ra biết lắng nghe và cũng… khá hào phóng Nhưng rồi về sau mới biết đây cũng là một tay chơi có hạng bởi cách tiêu tiền như rác và đặc biệt là cực kỳ gia trưởng, độc đoán trong cung cách làm việc.
Với vị này, vai trò của tập thể không là cái… đinh gì cả.
Tổ chức Ðảng, Tổ chức Công đoàn, các tổ chức đoàn thể khác… có để cho vui còn thực chất là hữu danh vô thực.
Ông thực sự là một ông “vua” hùng cứ một phương, quyết định tất cả mọi việc và coi các lãnh đạo khác trong tập đoàn như tôi tớ.
“Chẳng chóng thì trầy”, ngày tổng công ty đó sụp đổ cũng đã đến. Ông và nhiều người khác phải ra tòa và nhận mức án rất nặng.
Rồi mới đây nhất, hàng loạt cán bộ chủ chốt của Ngân hàng NN&PTNT, trong đó một số đã về hưu - theo cách nói dân gian là “hạ cánh an toàn”, bị khởi tố và bắt tạm giam. Ðám cán bộ này đã phá hoại chính sách tín dụng của nhà nước trong việc sử dụng đồng tiền. Mục tiêu của Ngân hàng này là rất cao cả và đầy nhân văn. Nhưng những việc làm của họ đã phá đi tất cả.
Hình như người ta chưa thống kê ra rằng, trong khoảng 10 năm trở lại đây, có bao nhiêu lãnh đạo các DNNN bị pháp luật “sờ” gáy. Có lẽ con số chắc cũng phải lên tới hàng chục.
Rõ ràng, Chính phủ và các bộ, ngành đã tạo mọi điều kiện thông thoáng về cơ chế, chính sách để cho DNNN phát triển. Nhưng chính những “con sâu làm rầu nồi canh” này đã phá hỏng cơ chế.
Vậy lại đặt ra một vấn đề khác. Chúng ta có nên “vơ đũa cả nắm” hay không khi mà nhiều DNNN, tập đoàn kinh tế nhà nước khác đang lao động hết mình vì sự phát triển của đất nước. Nhưng bây giờ, họ lại đang bị lâm vào tình trạng “trên đe dưới búa”. Làm đúng, làm tốt thì được khen thưởng bằng “tờ giấy A4”, còn hễ sai bất cứ một cái gì thì sẽ bị nâng quan điểm và xử lý thẳng tay.
Trong bối cảnh như thế, ai còn dám làm đây. Ai dám thể hiện bản lĩnh quyết đoán, dám làm, dám chịu? Nếu chúng ta chỉ vì những “con sâu” mà phá đi hết những cơ chế, chính sách từng là động lực cho DNNN phát triển thì không khác gì “cầm dao tay phải, chặt tay trái”.
Nguyễn Như Phong
Theo Năng lượng Mới (năm 2012)
Cơ chế nào để không xảy ra những vụ Vũ \'nhôm\', Út \'trọc\'?
- Vụ Vũ \'nhôm\', Út \'trọc\' được nhiều ĐB nêu ra khi thảo luận báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm ... |
Bố trí việc làm cho sinh viên sư phạm: “Thụt lùi” về cơ chế bao cấp?
Trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có nội dung sẽ bố trí việc làm cho sinh viên sư phạm được nhiều chuyên gia ... |
20 nghìn tỷ đồng nợ xấu muốn bán giá thị trường nhưng không có tiền mua
Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV VAMC cho biết khối lượng nợ xấu hiện nay của ngành ngân hàng (tính cả nội và ngoại ... |
Ngày đăng: 06:00 | 04/10/2018
/