UBND tỉnh Hòa Bình đã đề xuất cho chuyển đổi khoảng 47ha đất trồng lúa xây dựng khu du lịch sinh thái tâm linh.
Theo nguồn tin của Tuổi trẻ, UBND tỉnh Hòa Bình vừa có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất cho chuyển đổi khoảng 47ha đất trồng lúa xây dựng khu du lịch sinh thái tâm linh Lạc Thủy tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy.
Theo UBND tỉnh Hòa Bình, dự án khu du lịch sinh thái tâm linh Lạc Thủy đã có tên trong danh mục điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 tỉnh Hòa Bình, được Chính phủ phê duyệt tại nghị quyết 96 vào tháng 7/2018.
Khu du lịch sinh thái tâm linh Lạc Thủy cũng nằm trong quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, quy hoạch phát triển tổng thể du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2014-2020.
Dự án đã được tỉnh Hòa Bình chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy phép quy hoạch và phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500.
Ảnh minh họa |
Khu du lịch sinh thái tâm linh Lạc Thủy do Công ty TNHH MTV Pacific - Hòa Bình đề xuất đầu tư với quy mô sử dụng đất sau điều chỉnh khoảng 121ha, trong đó diện tích đất trồng lúa khoảng 47,6ha.
Quy mô vốn đầu tư dự án khoảng 3.038 tỉ đồng, trong đó khoảng 455 tỉ đồng vốn tự có của Công ty TNHH MTV Pacific - Hòa Bình, phần còn lại khoảng 2.500 tỉ đồng sẽ được huy động và vay từ các nguồn hợp pháp.
Theo đề xuất của nhà đầu tư, khu du lịch sinh thái tâm linh Lạc Thủy được chia thành 2 phân khu. Phân khu 1 diện tích sử dụng đất khoảng 81ha xây dựng tuyến cáp treo Hương Bình; đường giao thông, khuôn viên cây xanh; xây dựng công viên làng du lịch Việt Nam; xây bảo tàng nguồn cội; xây biệt thự trên núi, biệt thự ven hồ và xây dựng các công trình thương mại dịch vụ.
Phân khu 2 rộng 38,9ha xây dựng các công trình thương mại dịch vụ, xây biệt thự trên núi, biệt thự ven hồ, xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe.
Theo Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Hòa Bình, khu du lịch sinh thái tâm linh Lạc Thủy sẽ hoàn thành thủ tục pháp lý trong quý 1/2020, đến tháng 3/2025 sẽ đưa vào kinh doanh, khai thác dịch vụ.
Khu du lịch sinh thái này dự kiến đón khoảng 10.000 lượt khách/ngày, tương đương khoảng 3.000.000 lượt khách/năm.
Khuất tất trong việc cấp đất xây chùa
Cuối tháng 8/2019, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã ký văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) xung quanh việc cấp hàng ngàn hecta đất tại Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Phòng...để doanh nghiệp xây chùa.
Bộ đã nhận được 3 câu hỏi, trong đó Đại biểu đề nghị làm rõ căn cứ cho việc cấp hàng ngàn hecta đất tại Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Phòng... để doanh nghiệp xây chùa Bái Đính, Tam Chúc. Việc xây chùa có nằm trong quy hoạch sử dụng đất không và việc giao đất được tính giá như thế nào?.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, việc Ninh Bình giao 495ha đất cho một số đơn vị là chưa thể hiện rõ đối tượng được giao đất để quản lý hay giao đất để sử dụng; không thể hiện chế độ sử dụng đất (giao có thu tiền hay không thu tiền, hay thuê đất, không xác định thời hạn sử dụng đất); không thể hiện mục đích sử dụng từng loại đất theo quy định của Luật đất đai nên chưa đủ cơ sở để xác định diện tích phải tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, căn cứ để xác định giá đất.
Việc UBND tỉnh Hà Nam giao toàn bộ diện tích 815,1ha cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch Tam Chúc còn chưa rõ ràng về nội dung.
Mục đích sử dụng chỉ thể hiện "đầu tư xây dựng khu du lịch Tam Chúc" mà không thể hiện loại đất cụ thể theo quy định tại Điều 13 của Luật đất đai; chưa xác định được mục đích sử dụng đất cụ thể trong từng quyết định (do tại thời điểm giao đất chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng) là không thống nhất và thiếu cơ sở để tính tiền thuê đất (nếu trong phạm vi đất cho thuê có cả các công trình tôn giáo tín ngưỡng và trong phạm vi đất giao quản lý không thu tiền có cả công trình cho mục đích kinh doanh thương mại).
Sáng 6/6, trong phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện, Hòa thường Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định không có hiện tượng "chùa BOT", "xây chùa có sự góp vốn của cá nhân để kinh doanh" như chất vấn của một số ĐBQH. Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết, hiện các chùa đều do Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở Trung ương và địa phương cùng nhân dân xây dựng, quản lý. "Không có chùa nào nằm ngoài hệ thống này. Không chùa nào có sự góp vốn đầu tư xây dựng từ tập thể, cá nhân với mục đích kinh doanh mà đại biểu nêu dưới cụm từ mới là chùa BOT", Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm nhấn mạnh. |
Hoà Bình - thị trường bất động sản mới nổi tại miền Bắc Một loạt chủ đầu tư lớn công bố những dự án hàng trăm ha tại khắp các huyện thuộc Hoà Bình, bên cạnh các dự ... |
Cựu giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình bị khai trừ Đảng Ông Trương Quý Dương, cựu giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khai trừ Đảng, theo thông ... |
Gian lận thi cử ở Hòa Bình: Cựu hiệu phó khai nhận hơn 1 tỷ đồng để nâng điểm Bị can Đỗ Mạnh Tuấn khai, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hòa Bình, ông ta đã nhận hơn 1 tỷ đồng của ... |
Bảo Ngọc
Ngày đăng: 08:53 | 02/10/2019
/ baodatviet.vn