Đúng như dự đoán của Hồ Việt Sử, ông trùm Năm Cam dù sớm hay muộn cũng phải sa lưới pháp luật. Ngày tàn của Năm Cam cũng là thời điểm ông trùm càng muốn Sử lún sâu vào cuộc chơi, dựa vào nhân vật này làm cầu nối tìm đến những người có thế lực.
Kế bẩn của một ông trùm
Cái bảng lý lịch trích ngang của ông trùm Năm Cam có bề dày thành tích bất hảo làm Sử giật nảy người. ở trong giới giang hồ, nhắc đến ông trùm, người ta biết ngay đến mưu mô của một ông trùm từ thuở thiếu thời. Cái tuổi 15, Năm Cam dám đứng ra lãnh trách nhiệm giết người thay để đàn anh Bảy Sy thoát tội chết. Trương Văn Cam chỉ bị mức án 3 năm tù do còn ở tuổi vị thành niên.
Ông trùm Năm Cam sụp đổ đúng như dự báo của Hồ Việt Sử
Năm Cam mãn hạn tù, băng nhóm Bảy Sy ngày nào cũng bị xóa sổ. Đại ca thay độc chiếm bảo kê các sòng bạc trong giới giang hồ. Năm Cam bỗng dưng trở thành kẻ lạc lõng bơ vơ trong chốn giang hồ. Thực chất bản tính Năm Cam là một giang hồ... nhát gan hay "dây máu ăn phần" ở các cuộc đâm chém thời trước những năm 1975. Nhưng chính từ cái bản chất của một gã lưu manh "sợ chết ham sống", ông ta đã sống và tồn tại để vượt lên làm ông trùm một thời của Sài Gòn.
Cũng không ít lời giang hồ đồn đại, Năm Cam chuyên dùng kế "mưu sĩ" xử lý theo kiểu tiểu nhân. Tai mắt của Hồ Việt Sử không ít nên những câu chuyện làm quà về ông trùm trong mỗi buổi nhậu Sử đều biết. Con đường để bước vào "đế chế" giang hồ của Năm Cam chẳng mấy gì hảo hớn, nếu không muốn nói là... bẩn.
Những năm 1997, khi đó Năm Cam vừa mới ra trại sau lần thoát khỏi lưới pháp luật một cách ngoạn mục. Lúc này, Lâm "chín ngón", một tay giang hồ có nhiều giai thoại cũng từ Vũng Tàu dạt về Sài Gòn tính kế làm ăn. Sự xuất hiện của Lâm làm cho ông trùm cảm thấy khó chịu. Dù miếng cơm của Năm Cam vẫn bảo toàn nhưng "một rừng không thể có hai con hổ sống chung", ông trùm muốn Lâm "chín ngón" không ngóc đầu lên trong thế lực ngầm. Thời đó, vai vế trong giới giang hồ, Năm Cam phải ngả mũ chào Lâm "chín ngón". Muốn đập bỏ "tượng đài" quá lớn, Năm Cam nghĩ đến "mưu hèn kế bẩn" và rất tàn độc. Chỉ cần triệt hạ được Lâm "chín ngón", ông trùm chắc chắn một điều, những băng nhóm giang hồ sẽ quy phục về dưới trướng Năm Cam.
Năm Cam muốn cái tên Lâm "chín ngón" phải thật sự chìm sâu vào dĩ vãng và không để ai nhắc đến. ông trùm đã chỉ đạo Dung Hà tìm cách sát hại nhân vật có nguy cơ cản bước tiến lên vị trí số một trong giới giang hồ Sài Gòn của y. Bọn chúng dùng a-xít đậm đặc rồi rình rập và hất thẳng vào mặt Lâm "chín ngón" để triệt hạ. Đến tháng 7.1999, Dung Hà thực hiện kịch bản hoàn hảo để làm đẹp lòng "đại ca". Giới giang hồ sôi sùng sục trước cái tin Lâm "chín ngón" bị tạt a-xít đến thân tàn ma dại. May mắn thoát chết nhưng Lâm "chín ngón" tàn phế suốt đời với vết thương tật vĩnh viễn 75%. Biết không thể đối đầu được với Năm Cam, Lâm đành lui về ở ẩn sau biến cố thoát chết. ông trùm Năm Cam lên ngôi vị đại ca cũng từ cái dạo ấy.
Kẻ dám “nắn gân” ông trùm Năm Cam
Nhiều lần chạm mặt Năm Cam, Sử nắm được "tẩy" ông trùm mang bản tính nhút nhát và chơi bẩn. Để thu phục những băng giang hồ đàn em, ông trùm hay tung chiêu khích tướng ở hai bên. Trúng đòn tâm lý của Năm Cam, cuộc tàn sát nảy lửa diễn ra. Bên thắng trong cuộc chơi đâm chém, ông trùm sẵn sàng đứng thu nạp về dưới trướng và tạo điều kiện để kiếm tiền bất chính. Từ cách "mưu sĩ" của một tay giang hồ lão luyện, chẳng mấy chốc, xung quanh ông trùm là những tay giang hồ số má.
Có lần, Sử đang ngồi tâm tình với Năm Cam, một đàn em của ông trùm đi vào mếu máo thưa chuyện vừa bị hất cẳng ra khỏi một vũ trường. Sử muốn lên gân Năm Cam và dò xét thái độ của ông trùm bèn nói với tay đàn em này: "Mày làm thế nào nó mới đuổi, hay là lại dựa vào ông trùm". Nghe bị nhột, biết bị Hồ Việt Sử chơi xỏ, Năm Cam quay ngoắt lại và gằn giọng: "Đây là chuyện nội bộ của tôi, sao chú nói như vậy?". Cuộc đấu khẩu tiếp tục diễn ra gay cấn như một đòn cân não giữa Sử và ông trùm.
Trong người lâng lâng một ít hơi men, Hồ Việt Sử nắn gân ông trùm bằng cách mắng tên đàn em của Năm Cam: "Đây là chuyện thực tế, tụi nó không nể anh Năm nữa rồi. Làm lính ông trùm mà bị đuổi thì làm gì nữa". Nghe xong câu xỏ xiên của Sử, ông trùm giận tím người và chẳng kịp vuốt mặt trước đàn em. Từ dạo nhậu chung ấy, Năm Cam tỏ ra cẩn trọng với Sử hơn trong những cuộc giao tế. Riêng Hồ Việt Sử cũng hiểu thêm một phần nào về ông trùm khét tiếng đất Sài Gòn.
Quyết không làm đàn em của Năm Cam
Bao lần ra tù vào tội, Năm Cam vẫn chẳng thể bỏ được cái nghề bảo kê sòng bạc. Lần sau tội nặng hơn lần trước, nhẩm tính ông trùm năm lần "xuất nhập kho". Cái đầu tinh quái của một ông trùm càng làm cho đám đàn em nể sợ. Lần ra tù sau cùng, chỉ trong một thời gian ngắn, Năm Cam đủ sức chiêu binh khiển tướng và tập hợp dưới trướng những băng nhóm giang hồ liều lĩnh. Thời điểm Hồ Việt Sử có ý định mở vũ trường, ông trùm cử Hiệp "phò mã" nhiều lần gặp gỡ Sử để bàn kế hoạch hùn hạp tại Monaco. Sử muốn toàn quyền sở hữu Monaco hơn là cùng hợp tác với một ông trùm như Năm Cam.
Kinh doanh vũ trường là món lời béo bở khiến các ông trùm luôn tranh giành.
Nhiều lần, Hồ Việt Sử đối mặt với Hiệp "phò mã" thường có những đòn cân não gay cấn. Tất nhiên, Sử vẫn là người nắm thế trận sau mỗi lần giao bang, Hiệp đành thúc thủ trước Hồ Việt Sử. Lần thương lượng cuối cùng, Hồ Việt Sử đánh thẳng vào tâm lý con rể ông trùm. Trong lần gặp Hiệp ở quán bar Monaco, Sử đề cập thẳng vào vấn đề: "Tôi muốn mua lại toàn bộ Monaco, chú tính toán thế nào?". Nghe Sử hỏi một câu chắc như đinh đóng cột, bỗng dưng Hiệp "phò mã" trả lời lấp lửng: "Đó là tài sản của ông già vợ, để em về hỏi ý kiến xem thế nào!".
Bấy nhiêu thôi với Sử cũng là một "đáp án" của những lần thương lượng. Sử có thể đoán ý đồ của một ông trùm trong giới bảo kê sòng bạc, cho vay nặng lãi. Kỳ thực, Sử chẳng muốn dính dáng đến chuyện làm ăn với ông trùm. Chưa được vạ thì má đã sưng, chẳng ai có thể làm đối tác lâu dài với ông trùm. Hồ Việt Sử không dám mạo hiểm để cùng ngồi chung trên một con thuyền do Năm Cam lèo lái đang có nguy cơ đắm bất kỳ lúc nào. Không khuất phục được Sử, bản thân ông trùm cũng chẳng dám đi gây hấn. Năm Cam biết, Hồ Việt Sử có những mối quan hệ thân tình với một số nhân vật khiến ông trùm phải còn để dành chờ lúc lợi dụng.
Sử nắm được "tẩy" của ông trùm rất nhiều trong những phi vụ làm ăn và thủ đoạn kiếm tiền của Năm Cam chẳng bao giờ qua mắt được "người của giang hồ". Các hoạt động nhà hàng của Năm Cam chỉ nhằm mục đích che mắt lực lượng cơ quan chức năng và hợp thức hóa những đồng tiền bẩn. ở Sài Gòn những năm cuối thập niên 90, các vụ giết người hay thanh toán lẫn nhau giữa những băng nhóm giang hồ đều mang màu sắc Năm Cam đạo diễn và dàn dựng. Hoặc cũng có những vụ, ông trùm ngấm ngầm dàn xếp sau các cuộc rượt chém đẫm máu.
Quá khứ của ông trùm khiến cho Sử hiểu rằng, một khi chuyện làm ăn hợp tác với Năm Cam trở thành hiện thực, cũng giống như chuyện một Hồ Việt Sử phải lùi về dưới trướng ông trùm. Trong cuộc đời, Sử gần như chưa dự đoán sai con đường làm ăn kinh tế và những trở ngại trước mắt. Hiểu ông trùm nhiều điều, Hồ Việt Sử muốn dứt dạt khỏi con người này càng nhanh càng tốt. Sử đối với Năm Cam ở mối quan hệ quen biết qua đường. Ngay cả khi chuyên án Năm Cam kết thúc, những đối tượng giang hồ dây dưa, hùn hạp hay thân tín của Năm Cam có mấy ai được hưởng những mức án nhẹ nhàng. Những tay đệ tử thân tín thì lĩnh án tử hình, nhẹ nhất cũng ngót chục năm.
Những ngày tàn của Năm Cam, tay trùm giang hồ càng muốn lôi Sử dấn sâu vào chốn giang hồ, nhưng, Hồ Việt Sử không phải là người thích đùa. "Đồng hội cùng thuyền" với ông trùm, Sử đã không có được như ngày hôm nay.
Hồ Việt Sử - ông trùm “chia ba Sài thành” (Kỳ 2): Cuộc chiến tàn khốc
Biết A Lý hậm hực với Hồ Việt Sử trong nhiều phi vụ làm ăn, Năm Cam đổ thêm dầu vào lửa và mượn tay ... |
Hồ Việt Sử - ông trùm “chia ba Sài thành” (Kỳ 1): Đường vào giang hồ
Từ cuộc sống cơ cực, Hồ Việt Sử từng bước vượt lên để có cuộc sống vương giả hơn. Trong cuộc chiến đấu, cạnh tranh ... |
Ngày đăng: 12:15 | 14/01/2018
/ Dân Việt