Ít người biết rằng, thời nhà Nguyễn từng tồn tại đấu trường độc nhất vô nhị, được so sánh với Colosseum thời La Mã cổ đại, là nơi diễn ra cuộc chiến giữa hổ và voi.
Truyền thuyết kể rằng, lúc Nguyễn Ánh bị nhà Tây Sơn truy lùng, hoàn cảnh ngặt nghèo, hết cả lương thực, may nhờ có thịt thú rừng do hổ tha tới tiếp tế mỗi ngày mà sống.
Về sau, khi lên ngôi vua, Nguyễn Ánh cho lập miếu thờ tại vùng Mô Xoài thuộc tỉnh Bà Rịa (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để tạ ơn, và dân gian thường gọi là miếu Ông Hổ. Vua còn ban lệnh cấm giết hổ. Nếu kẻ nào lỡ tay giết chết hổ thì bị phạt 30 trượng, còn nếu bắt sống thì được thưởng 30 quan tiền. Cũng vì lệ này mà hổ còn được gọi là Ông ba mươi.
Xuyên suốt thời kỳ phong kiến nhà Nguyễn, hình tượng “chúa sơn lâm” luôn gắn liền với đời sống văn hoá, tâm linh, phong thuỷ. Từ câu chuyện 2 cồn cát tự nhiên nổi lên giữa dòng sông Hương thơ mộng, tạo thế phong thuỷ “Tả Thanh Long (Cồn Hến) - Hữu Bạch Hổ (Cồn Dã Viên), mang lại sinh khí cho Kinh thành Huế, đến ý nghĩa của hình tượng ông Hổ được khắc trên Cao Đỉnh (một trong Cửu Đỉnh nhà Nguyễn, hiện là báu vật quốc gia) để tăng thêm vẻ uy quyền của Hoàng Gia…
Bên trong Hổ Quyền – Đấu trường độc nhất vô nhị được so sánh với Coloseum thời La Mã cổ đại. |
Và cũng thật thiếu sót nếu không nhắc tới địa danh Hổ Quyền - Đấu trường độc nhất vô nhị được xây dựng dưới triều Nguyễn và được ví như Colosseum thời La Mã cổ đại.
Sự ra đời của đấu trường đặc biệt
Nằm cách trung tâm TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) khoảng 5km về phía Tây, cụm di tích Hổ Quyền - Voi Ré toạ lạc tại thôn Trường Đá (phường Thủy Biều, TP. Huế), thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế. Đây là nơi từng diễn ra những trận đấu sinh tử giữa voi và hổ, vang bóng một thời.
Theo sử xưa chép lại, từ thời các chúa Nguyễn vào Nam khai hoang lập ấp, từng có những trận đấu giữa voi và hổ, hai con vật tượng trưng cho sức mạnh của núi rừng.
Những cuộc đấu như vậy được tổ chức không chỉ mang tính chất mua vui, giải trí mà còn để huấn luyện nên những con voi thiện chiến phục vụ mục đích quân sự, thể hiện sức mạnh của đương triều.
Thời điểm trước dịch COVID-19 bùng phát thì Hổ Quyền luôn là di tích thu hút những di khách nước ngoài đến tham quan. |
Khi chưa có các trường đấu cho voi và hổ, các trận đấu thường được tổ chức tại cồn Dã Viên. Năm 1829, khi vua Minh Mạng cùng các quan đang ngự giá xem một trận tử chiến giữa voi và hổ thì con hổ bất ngờ bơi về phía thuyền Rồng. Tuỳ tùng nhà vua phải dùng sào đẩy thuyền ra xa. Quan quân kịp thời giết con hổ ngay trên sông nên nhà vua thoát nạn.
Sau sự việc này, thấy tổ chức các trận đấu giữa voi và hổ ở cồn Dã Viên không an toàn, nên năm 1830, vua Minh Mạng quyết định chọn một vùng đất tại chân đồi Long Thọ, cách không xa Kinh thành Huế để xây dựng một trường đấu kiên cố dành cho những trận tử chiến giữa voi và hổ. Địa điểm đó chính là đấu trường Hổ Quyền.
Theo các nhà nghiên cứu văn hoá ở Huế, xét về cấu trúc, Hổ Quyền có nét tựa đấu trường Colosseum thời La Mã cổ đại khi có hình vành khăn nằm lộ thiên với hai vòng tường thành trong và ngoài. Vòng thành trong cao 5,9 mét. Vòng thành ngoài cao 4,75 mét, nghiêng một góc khoảng 10-15 độ tạo thế vững chãi kiểu chân đê. Chu vi tường ngoài Hổ Quyền 145 mét, đường kính lòng chảo là 44m. Hệ thống tường thành được xây vững chắc bằng gạch vồ, đá thanh và vôi vữa tốt, đảm bảo an toàn cho mọi người khi xem các trận đấu.
Khán đài nơi vua ngồi được đặt ở phía Bắc, xây cao hơn các vị trí xung quanh và có không gian tương đối rộng. Bên trái khán đài là hệ thống bậc cấp đi lên với 24 bậc dành cho vua và quốc thích đại thần. Bên phải là hệ thống bậc cấp khác dành cho các quan và binh lính.
Từ khán đài nhìn về phía đối diện là 5 chuồng cọp được xây dựng ngay trong lòng đấu trường, với hệ thống cửa gỗ được đóng mở bằng cách kéo dây nối từ trên xuống. Sân đấu là thảm cỏ. Giữa sân có một vòng tròn nổi bật trên nền cỏ xanh. Không ai biết vòng tròn này có từ bao giờ, chỉ biết nó chưa bao giờ bị phai mờ bất kể thời tiết khắc nghiệt ra sao.
Ngoài hệ thống tường thành còn có một cửa cao 8 thước, rộng 7 tấc được làm bằng đá thanh, phía trên cửa có ghi “Hổ Quyền” là nơi đưa voi vào trường đấu.
Bên trong chuồng nhốt hổ trước mỗi trận chiến sinh tử giữa hổ và voi được tổ chức hằng năm dưới triều nhà Nguyễn. |
Nói về đấu trường Hổ Quyền, nhà Huế học Phan Thuận An cho biết, khi nghiên cứu về Hổ quyền, các nhà sử học ví von rằng: “Ngoài đấu trường giác đấu nổi tiếng thời La Mã cổ đại như Colosseum, không đâu tìm được một đấu trường quy mô như Hổ Quyền”.
Một cán bộ trông coi di tích Hổ Quyền - Voi Ré thậm chí còn đánh giá: "Xét về mặt kiến trúc thì Hổ Quyền không độc đáo, nhưng xét về giá trị lịch sử thì không có triều đại nào ở Châu Á có được đấu trường như nước mình, kể cả các nước lớn như Trung Quốc hay Nhật Bản”.
Cuộc chiến thiếu công bằng cho hổ
Nghi thức tổ chức trận đấu giữa voi và hổ tại Hổ Quyền rất trang trọng. Xung quanh đấu trường có bày nghi trượng, cờ lọng. Binh lính cầm khí giới cung kính đứng hai bên đường trải sẵn chiếu hoa để chào đón nhà vua.
Đến chính Ngọ, vua và đoàn tùy tùng ngự thuyền rồng đến. Khi thuyền gần sát bờ sông, vua rời thuyền, sang kiệu che bốn lọng vàng cùng bốn tàn vàng. Đi phía trước là lính Ngự lâm, phía sau theo thứ tự là Thị vệ cầm cờ Tam tài, cờ Ngũ hành, cờ Nhị thập Bát tú, gươm tuốt trần và cuối cùng là đội nhạc cung đình. Trận tử chiến tại đấu trường Hổ Quyền diễn ra hàng năm, và có một thực tế là tại các cuộc đấu, voi luôn luôn giành phần thắng.
Nguyên do là vì cuộc chiến giữa voi và hổ ở đấu trường Hổ Quyền không có sự công bằng cho hổ. Để đảm bảo voi luôn thắng, trước mỗi trận đấu, người ta thường bỏ đói hổ mấy ngày, trong khi voi được cho ăn uống, chăm sóc đầy đủ.
Bên ngoài di tích Hổ Quyền trước thời điểm được trùng tu. |
Không chỉ có thế, hổ còn bị bẻ 2 răng nanh và tuốt hết móng chân. Trong cuộc chiến không cân sức đó, hổ chắc chắn sẽ thất bại.
Một cán bộ từng 12 năm gắn bó với di tích Hổ Quyền - Voi Ré chia sẻ: “Theo quan niệm thì voi đại diện cho cái thiện, cho sức mạnh của nhà vua. Hổ đại diện cho cái ác. Ác thì không bao giờ thắng được thiện, cũng như vua là thượng tôn và có đầy sức mạnh, cho nên bằng giá nào voi cũng phải thắng hổ”.
Có thể chính vì sự thiếu công bằng kể trên mà người đời còn lưu truyền nhiều câu chuyện liêu trai liên quan đến đấu trường Hổ Quyền. Trong đó, câu chuyện phổ biến nhất là, dù cuộc đấu giữa voi với hổ tại Hổ Quyền kết thúc vào năm 1904, dưới thời vua Thành Thái, nhưng đến trước năm 1975, hằng đêm, người dân sống gần khu vực Hổ Quyền vẫn nghe tiếng hổ gầm rú như tiếng oán than bi thương từ những cuộc chiến trong quá khứ.
Ngày đăng: 08:14 | 03/02/2022
/ vtc.vn