Cần có ai đó cảnh báo và kiềm chế huấn luyện viên Park Hang-seo thói quen phản ứng trọng tài, bởi lạm dụng quá rất dễ khiến U22 Việt Nam trả giá đắt.
Khi tiếng còi kết thúc hiệp 1 vang lên, nhiều cầu thủ U22 Việt Namchạy lại vây lấy trọng tài Ashkanani để ý kiến. Trong khi đó, huấn luyện viên Park Hang-seo chờ sẵn ở đường biên, phàn nàn với trọng tài thứ 4.
Cùng với các trợ lý, ông thầy của U22 Việt Nam chạy lại khi tổ trọng tài rời sân vào phòng để phản ứng và theo vào tận cửa.
Ông Park và các trợ lý phản ứng với tổ trọng tài. Ảnh: D.P |
Theo bảng báo, bù giờ hiệp 1 là 1 phút và tỉnh huống U22 Việt Nam được hưởng quả đá phạt góc là giây thứ 52 nhưng trọng tài Ashkanani lại cắt còi thổi hết giờ. Như động tác của trợ lý Lee Jong Jin chỉ vào đồng hồ bấm giờ thì chưa đủ thời gian bù giờ và trọng tài đã cắt còi sớm.
Không chỉ hết hiệp 1, khi trận đấu kết thúc và U22 Việt Nam giành chiến thắng 1-0, ông Park vẫn tỏ rõ thái độ bằng cách hướng ánh mắt “hình viên đạn” về phía ông Vua sân cỏ. Còn trong trận đấu, vài lần ông chạy ra sát đường biên tỏ thái độ phản ứng với quyết định của trọng tài hoặc phàn nàn với trọng tài biên, trọng tài thứ 4. Giống như ông thầy người Hàn, cầu thủ U22 Việt Nam cũng liên tục chạy lại trình bày, phản ứng với các quyết định thổi phạt của trọng tài Ashkanani.
Trận thắng U22 Indonesia 2-1, ông Park ngoài phản ứng trọng tài còn lao vào gây sức ép khi có va chạm giữa các cầu thủ. Ảnh: D.P |
Ở trận đấu trước đó với U22 Indonesia, huấn luyện viên Park Hang-seo cũng vài lần phản ứng ra mặt. Bởi tính chất căng thẳng và nhiều va chạm, ông cùng các cầu thủ áo đỏ thường xuyên ý kiến, gây sức ép với trọng tài. Thậm chí, khi có va chạm giữa Tiến Linh với hậu vệ đối thủ, không chỉ cầu thủ U22 Việt Nam lao vào mà ông Park cũng chạy đến như thể đòi “ăn thua đủ”.
Trong chiến thắng 6-1 trước U22 Lào, trong cả 2 tình huống trọng tài biên phất cờ báo việt vì và trọng tài chính người Ấn Độ Srikrishna Ramaswamy từ chối pha ghi bàn của Văn Hậu rồi Tiến Linh, ông Park đều phản ứng. Trong trận đấu này, ông thầy người Hàn sau khi chạy ra ý kiến với trọng tài bàn cũng đã liên tục tỏ thái độ, cáu kỉnh và không đồng tình với quyết định của trọng tài.
Trong chiến thắng 6-1 trước U22 Lào, thầy Park cũng giận dữ với các quyết định của trọng tài. Ảnh: D.P |
Ông Park nóng tính, cương trực và thường xuyên va chạm, có phản ứng với công tác trọng tài. Ông nổi tiếng với việc “bật” các ông Vua sân cỏ từ khi còn làm ở Hàn Quốc và từng có một “bảng vàng thành tích” những án phạt. Thậm chí, chính ông Park công khai thừa nhận khi làm nghề ở Hàn Quốc thì một trong những lý do nhiều ông chủ đội bóng từ chối hợp tác vì thói quen tranh đấu, tiểu sử lắm va chạm với trọng tài.
Từ khi dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam, ông Park vẫn giữ thói quen phản ứng và gần như trận đấu nào cũng tỏ thái độ. Không chỉ với trọng tài, ông thầy này còn sẵn sàng lao vào đòi “thi đấu” với đối thủ mà vụ va chạm ở Mỹ Đình với trợ lý Sasa Todic của Thái Lan hay tình huống lộn xộn trận với U22 Indonesia là ví dụ.
HLV Park Hang-seo đòi ăn thua đủ với trợ lý của Thái Lan. Ảnh: H.A |
Làm động tác search google “HLV Park Hang-seo phản ứng trọng tài”, ra ngay 8.120.000 kết quả chỉ trong 0,51 giây.
Và không chỉ dày đặc ở SEA Games 30 này mà vòng loại World Cup 2022 trận với Malaysia, Thái Lan, Indonesia đều có. Ở Mỹ Đình trong trận hòa 0-0 đầy dư âm ngoài đường pitch với Thái Lan, thậm chí HLV Park Hang-seo còn bị phạt thẻ vàng và sau trận lên tiếng xin lỗi.
Với nhiều người, ông Park hay phản ứng là đúng, bởi đó là cách đấu tranh để đòi công bằng, giành lợi thế. Ông hay va chạm, dám phản đối để bảo vệ quyền lợi của đội bóng. Và những vụ việc sẵn sàng lao vào đòi “ăn thua đủ” với đối thủ là cách làm tinh thần, kích thích tinh thần chiến đấu và truyền thông điệp cho cầu thủ…
Cũng là điều tốt, nếu nhìn ở khía cạnh của một người thuyền trưởng “đứng mũi chịu sào” và đang dẫn dắt Việt Nam rất thành công.
Cả 2 quyết định của trọng tài Ahmed Al-Kaf trong trận Việt Nam - Thái Lan ở Mỹ Đình đều không có lợi cho thầy trò ông Park. Ảnh: H.A |
Thế nhưng ở góc độ khác, việc làm dụng thái quá và phản ứng liên tục, coi đó như một thứ vũ khí hay công cụ ở mọi trận đấu, giải đấu thì cần cảnh báo về sự nguy hiểm cũng như cái giá phải trả, bởi cái gì cũng có 2 mặt.
Bởi cần ý thức nghiêm túc vấn đề này, khi ở tình huống chưa hết thời gian bù giờ 1 phút và hoàn toàn có thể cho U22 Việt Nam thực hiện quả đá phạt góc nhưng trọng tài Ashkanani đã từ chối. Và ông Vua sân cỏ này cũng thẳng tay rút 2 thẻ vàng với 2 trung vệ của U22 Việt Nam để rồi trận tới gặp U22 Thái Lan, Đức Chiến sẽ ngồi ngoài vì nhận đủ 2 thẻ.
Trận gặp U22 Thái Lan chắc chắn sẽ căng, nếu những trụ cột đã nhận 1 thẻ vàng gồm Thành Chung, Ngọc Bảo hay Đức Chinh dính tiếp thẻ vàng nữa rồi vắng mặt ở bán kết, sức mạnh của U22 Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Đừng quên, bàn rút ngắn cách biệt 1-2 của Malaysia ở chung kết lượt đi AFF Cup 2018 xuất phát từ quả đá phạt mà Trọng Hoàng tranh chấp hợp lệ, không phạm lỗi nhưng vẫn bị thổi phạt. Và hãy hỏi vì sao trận lượt về giữa Mỹ Đình, không cần nhắc nhở và ngay đầu trận đấu thủ môn Văn Lâm bị “dằn mặt” thẻ vàng rồi chưa đến phút 30 có 4 thẻ được rút với những vị trí chủ chốt của đội tuyển Việt Nam.
Nhiều trọng tài và giám sát đã “ghi sổ” do ông Park thường xuyên phản ứng trọng tài. Ảnh: H.A |
Cần phải hỏi, tại sao cả 2 tình huống gây tranh cãi trong trận hòa 0-0 ở Mỹ Đình giữa Việt Nam và Thái Lan mới đây, quả phạt 11m mà Văn Hậu khẽ kéo áo khi giằng co với đối thủ và bàn thắng của Tiến Dũng bị từ chối dù thủ môn Kawin mắc lỗi, trọng tài đều có thể dựa vào nhận định để thổi hoặc không thổi nhưng quyết định đều không có lợi cho Việt Nam?
Quá nhiều va chạm, liên tục “gây thù, chuốc oán” và gần như trận nào cũng có phản ứng, chắc chắn Việt Nam của thầy Park đã được giám sát, trọng tài “ghi sổ” với tâm lý đề phòng cao. Đó là điều cần cảnh báo, ý thức với U22 Việt Nam bây giờ.
Ngày mai sẽ là trận quyết đấu với U22 Thái Lan để quyết định tấm vé đi tiếp của bảng B, và có thể phía trước còn là bán kết, chung kết SEA Games 30…
Ngày đăng: 08:25 | 05/12/2019
/ laodong.vn