Cùng với các loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn, đóng gói đang ngày càng được nhiều gia đình lựa chọn bởi sự tiện lợi, hương vị hấp dẫn.

Việc hiểu đúng, sử dụng hợp lý loại thực phẩm này để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình là rất cần thiết.

day-chuyen-san-xuat-tai-nha-may-che-bien-thuc-pham-sach-th-tap-doan-th-.-anh-thu-trang.jpg
Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Chế biến thực phẩm sạch TH (Tập đoàn TH). Ảnh: Thu Trang

Lo ngại nguồn gốc, hàm lượng dinh dưỡng

Trên thị trường, thực phẩm chế biến sẵn, đóng gói ngày càng phong phú, đa dạng, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Chị Nguyễn Thanh Hà, nhân viên một công ty kinh doanh nhựa trên địa bàn quận Long Biên (Hà Nội) chia sẻ: “Do công việc bận rộn nên mỗi lần đi siêu thị, tôi thường chọn mua các loại thực phẩm chế biến sẵn, đóng gói. Thế nhưng, điều tôi băn khoăn nhất là thực phẩm chế biến sẵn có bị mất hàm lượng dinh dưỡng, các vitamin, khoáng chất cần thiết hay không (?)”.

Liên quan đến vấn đề này, tại diễn đàn sinh hoạt chuyên đề “Dinh dưỡng lành mạnh - Hiểu đúng về thực phẩm chế biến sẵn” diễn ra mới đây, Tiến sĩ - bác sĩ Bùi Thị Mai Hương, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm chế biến sẵn chắc chắn có sự thay đổi trong quá trình chế biến và bảo quản. Cụ thể, hàm lượng này sẽ giảm so với nguyên liệu thô ban đầu. Chẳng hạn, những thực phẩm có chứa vitamin A, C, chỉ cần để ngoài ánh sáng cũng có thể làm hao hụt các vitamin này. Thậm chí, quá trình ra nhiệt, lấy thực phẩm từ nhiệt độ lạnh ra bên ngoài cũng làm hao hụt hàm lượng vitamin A, C...

“Tuy nhiên, nhà sản xuất thực phẩm chế biến sẵn sẽ đánh giá, theo dõi hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm sau khi chế biến, từ đó công bố thời gian bảo quản, sử dụng cùng với hàm lượng dinh dưỡng. Tức là người dùng có thể nhận biết được hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm qua thông tin in trên bao bì sản phẩm, bảo quản theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Do đó, người tiêu dùng nên chọn thực phẩm chế biến sẵn từ các thương hiệu uy tín, dán nhãn đầy đủ trên bao bì, có giảm đường, giảm muối”, Tiến sĩ - bác sĩ Bùi Thị Mai Hương lưu ý.

Đề cập đến xu thế tiêu dùng thực phẩm chế biến sẵn, ông Phạm Thế Quyền, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm (Tập đoàn TH) cho rằng, để giữ được hàm lượng dinh dưỡng tự nhiên của thực phẩm, việc ứng dụng các dây chuyền công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất là rất quan trọng. Dây chuyền công nghệ này không chỉ giúp lưu giữ độ tươi ngon và dinh dưỡng tự nhiên của sản phẩm, mà còn tạo ra hương vị hài hòa đặc trưng của từng món ăn. Hơn nữa, để bảo đảm tiêu chí “tốt cho sức khỏe”, toàn bộ các công thức sản phẩm đều được nghiên cứu và phát triển theo hướng sử dụng nguyên liệu tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản.

Không chỉ quan tâm đến hàm lượng dinh dưỡng, người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm chế biến sẵn còn quan tâm nhất đến nguồn nguyên liệu và quy trình chế biến. Theo ông Phạm Thế Quyền, để nhận được sự tin dùng của khách hàng, doanh nghiệp phải khắt khe trong khâu tuyển chọn và kiểm soát xuất xứ nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, nguyên liệu phải được tuyển chọn nghiêm ngặt theo bộ tiêu chuẩn đã quy định và từ các nhà cung cấp hàng đầu có uy tín trên thị trường. Từ đó, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, bảo đảm được chất lượng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm, tốt cho sức khỏe.

Cần thực hiện 10 lời khuyên dinh dưỡng

Bên cạnh thực phẩm chế biến sẵn, do eo hẹp về thời gian, hiện nhiều gia đình cũng có thói quen mua sẵn thực phẩm, rồi cấp đông, tiện cho việc nấu nướng hằng ngày.

Tuy nhiên, đề cập đến thói quen rã đông và cấp đông lại thực phẩm của nhiều gia đình hiện nay, Tiến sĩ - bác sĩ Bùi Thị Mai Hương cho rằng, đối với thực phẩm khi đã rã đông rồi thì không nên cấp đông lại. Bởi vì việc cấp đông lại rất nguy hiểm. Lý do là trong quá trình rã đông đều có nguy cơ để các vi sinh vật phát triển rất mạnh trong thực phẩm đó. Hơn nữa, sau khi rã đông, thực phẩm không được ủ đông nhanh ngay sau đó, sẽ làm mất nước và biến tính về mặt dinh dưỡng, tức là thực phẩm không còn hàm lượng dinh dưỡng như lúc đầu. Vì vậy, không nên tái cấp đông sau khi đã rã đông thực phẩm.

Để bảo đảm cung cấp đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể, Tiến sĩ - bác sĩ Bùi Thị Mai Hương chia sẻ, không một loại thực phẩm nào có thể cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho nhu cầu của cơ thể. Vì vậy, mỗi người cần phối hợp ăn nhiều loại thực phẩm và thường xuyên thay đổi món ăn. Do đó, mỗi ngày, mỗi người cần ăn tối thiểu 15 loại thực phẩm đại diện từ 4 nhóm, bao gồm: Chất bột; chất đạm; chất béo; vitamin và muối khoáng.

Ngoài ra, để giúp người dân có chế độ ăn uống hợp lý, bảo đảm sức khỏe, phòng tránh các bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng như: Tim mạch, đái tháo đường, ung thư, thừa cân - béo phì, rối loạn mỡ máu..., Tiến sĩ - bác sĩ Bùi Thị Mai Hương khuyến cáo, người dân cần thực hiện 10 lời khuyên dinh dưỡng. Cụ thể là ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm; phối hợp thức ăn nguồn đạm động vật và thực vật; ăn phối hợp dầu thực vật và mỡ động vật hợp lý; nên sử dụng muối iốt, không ăn mặn; ăn rau quả hằng ngày; bảo đảm an toàn vệ sinh trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm; uống đủ nước sạch hằng ngày; cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; trẻ sau 6 tháng và người trưởng thành nên sử dụng sữa và các sản phẩm của sữa phù hợp với từng lứa tuổi. Cuối cùng là tăng cường hoạt động thể lực, duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, bia, nước có ga và ăn, uống đồ ngọt.

https://hanoimoi.vn/hieu-dung-ve-thuc-pham-che-bien-san-673363.html

Ngày đăng: 09:21 | 30/07/2024

Xuân Lộc / HNM.com.vn