2 thành viên của đội hiệp sĩ Tân Bình đã ngã xuống, thành viên khác thì đang đối diện với hiểm nguy tính mạng khi xông vào bắt nhóm trộm xe, bảo vệ tài sản của người dân vào đêm 13.5 trên đường Cách Mạng Tháng Tám khiến ai cũng phải xót xa xen lẫn sự kính phục. Rồi khi sự việc gây chấn động này xảy ra, người ta hỏi, vì sao mà các anh quên mình vì đồng bào của mình như thế?
Nghe tin ông Hoàng qua cơn nguy kịch, ai cũng vui mừng nhưng vẫn đau thương với 2 mạng người đã ngã xuống dưới những đường dao đoạt mạng của băng trộm xe độc ác.
Có lẽ, khi nói đến các đội hiệp sĩ trên địa bàn TPHCM, không ai không biết đến ông Trần Văn Hoàng – Trưởng nhóm hiệp sĩ Tân Bình. Nói là hiệp sĩ nhưng tướng ông nhỏ thó, cao chỉ hơn 1m50. Vào Sài Gòn lập nghiệp được mấy năm, ông cưới người vợ cũng nghèo như mình. Hai mươi mấy năm đi bắt cướp, giờ gia tài của ông chỉ là chiếc xe cà tàng, nhà thì ở thuê, kinh tế trăm bề khốn khó.
Người ta nhớ tới ông bởi sự dũng cảm, không tha cho một tên cướp nào. Dân Bình Định, ông có ít vốn liếng võ nghệ, cộng với cái tính thấy chướng tai gai mắt là phải ra tay nên hễ cứ thấy cướp là xông vào bắt. Trận đầu của ông là màn chạy bộ đuổi theo hai tên trộm xe máy trên đường Trường Chinh, dùng tay không tước dao rồi giải về đồn công an.
Bộc trực, ngay thẳng, bất chấp hiểm nguy vì cái nghĩa, cái tình nên ông được người ta thương mến. Qua mấy chục năm hành hiệp, ông bắt được hơn 500 tên trộm cướp. Bọn chúng nhớ mặt ông, có lần kéo đến tận chỗ ông đậu chiếc xe cà tàng chờ khách dùng dao chém. Thoát khỏi những đường dao đoạt mạng, tưởng ông bỏ bắt cướp nhưng nào ngờ ông lại càng thêm quyết tâm.
Hơn chục năm trước, nể cái tính bộc trực và những hành động quả cảm của ông, nhiều thanh niên theo ông học “nghề” bắt cướp. Trong số mấy chục thành viên ngày đó có đầy đủ những hiệp sĩ lừng danh một thời. Họ gọi ông bằng chú, bằng anh, cũng có người gọi ông bằng thầy với tất cả sự tôn trọng.
Cách đây hơn 1 tháng, chúng tôi hẹn ông để viết một bài về những đoạn trường mà ông đã và đang trải qua. Tiếp chúng tôi trong một quán càphê, ông cười hiền rồi nói về quá khứ mà không hề than thở. Lúc này, đội của ông chỉ còn lại chưa đến chục thành viên, chiều tối lại hẹn nhau đi săn bọn cướp, lùng bọn trộm hoàn toàn tự nguyện.
Đêm hôm qua (13.5), khi hay tin ông và đồng đội lâm nạn, ai cũng thảng thốt rồi chắp tay nguyện cầu cho 2 con người quả cảm đã nằm xuống được sớm siêu thoát; còn người đang mang trên mình thương tích sớm qua cơn nguy nan. Riêng với ông – người trưởng nhóm, người dân thành phố và cộng đồng mạng thầm mong ông tai qua nạn khỏi. Rồi tin mừng cũng đã tới, ông được các bác sĩ tận tình cứu chữa, tạm thời còn mê man nhưng cơ bản đã qua cơn nguy kịch.
52 năm tuổi đời, 23 năm đi làm việc nghĩa, khi ai đó hỏi ông được lợi ích gì không thì ông nói mình đi bắt cướp không phải để nổi tiếng hay để kiếm tiền mà là vì muốn làm việc chính nghĩa, để bớt phải thấy cảnh người dân bị cướp đi tài sản còn té ngã gây thương tích, thậm chí vong mạng. Suy nghĩ đó thấm đến từng thành viên và họ đã làm được những điều tốt đẹp đó trong suốt thời gian dài.
Nhưng oái ăm thay, những đồng đội của ông – người thì chạy xe ôm, người sắp lấy vợ - đã ngã xuống vì sự bình yên của thành phố vào đêm qua. Đến phút này, người ta lại hỏi, khi nào bọn trộm cắp kia sẽ bị trừng trị trước pháp luật và vì sao mà những con người quả cảm kia lại hy sinh thân mình để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân trên chiếc xe cà tàng và tấm áo vải?
Ngày đăng: 09:04 | 14/05/2018
/ https://laodong.vn