Hiệp hội Taxi Hà Nội không đồng ý với các phương án mà Bộ GTVT trình Chính phủ, đồng thời vừa có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị phải định danh cụ thể và đúng với bản chất của loại hình vận tải taxi và vận tải xe hợp đồng trong Nghị định 86 sửa đổi.
Taxi truyền thống hoạt động tại sân bay Nội Bài (Hà Nội)- Ảnh: Văn Duẩn
Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng vừa ký văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về những bất cập trong dự thảo lần 7 nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh và kinh doanh vận tải bằng xe ôtô.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Taxi Hà Nội, vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã trình dự thảo lần 7 về nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP, trong đó đáng chú ý với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô dưới 9 chỗ, Bộ GTVT trình 2 phương án: Phương án 1 gọi là taxi, phương án 2 gọi là xe hợp đồng.
Đánh giá về 2 phương án mà Bộ GTVT vừa trình Chính phủ, Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng nếu áp dụng phương án 1, sẽ giải quyết được bất bình đẳng với vận tải hành khách bằng taxi gây tranh cãi suốt 3 năm nay. Tuy nhiên, sẽ trái với Luật Giao dịch điện tử 2005 và trái Luật Giao thông đường bộ 2008. Ngoài ra, không đạt được đa số ý kiến thành viên Chính phủ đồng ý.
Nếu áp dụng phương án 2, vẫn không giải quyết được bất bình đẳng với vận tải hành khách bằng taxi, vì bản chất của xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ là taxi (theo TAND TP HCM và bản thân Grab cũng đã khẳng định); không bảo đảm về an toàn giao thông (khi lắp bảng điện tử với kích thước 15x20 cm trước táp-lô xe thì sẽ cản trở tầm nhìn của lái xe gây nguy hiểm).
Do đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội không tán thành với cả 2 phương án mà Bộ GTVT đã trình Chính phủ, vì cả 2 phương án đều chưa đúng với bản chất.
Để bảo đảm không trái luật, đúng với bản chất thực tế, dễ quản lý, công bằng, bình đẳng về điều kiện kinh doanh giữa các loại hình vận tải, Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị phải định danh cụ thể và đúng với bản chất của loại hình vận tải taxi và vận tải xe hợp đồng. Các doanh nghiệp sẽ tự căn cứ vào đó để lựa chọn và đăng ký loại hình kinh doanh cho phù hợp, nếu đăng ký loại hình vận tải nào thì sẽ chịu điều kiện kinh doanh của loại hình vận tải đó.
Cụ thể, đối với xe taxi, thực tế tại Việt Nam và trên thế giới cho thấy xe taxi có những thuộc tính rất đặc trưng là: Chuyến ngắn; nhiều chuyến trong ngày; hoạt động chủ yếu ở đô thị. Do vậy cần phải đưa các thuộc tính này vào định nghĩa.
"Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là việc sử dụng xe ôtô có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) để vận chuyển hành khách; hoạt động chủ yếu ở đô thị; phục vụ chủ yếu các chuyến đi ngắn; hoạt động nhiều chuyến trong ngày; có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; có sử dụng đồng hồ tính tiền để tính cước chuyến đi hoặc sử dụng phần mềm ứng dụng để đặt xe, tính cước chuyến đi và kết nối với hành khách thông qua phương tiện điện tử"- ông Nguyễn Công Hùng nói.
Đối với xe hợp đồng, ông Hùng cho rằng thực tế tại Việt Nam, từ trước đến nay đã cho thấy xe hợp đồng được các cá nhân, tổ chức, cơ quan thuê theo 1 hợp đồng nguyên xe, nguyên chuyến, chuyến đi dài hoặc có thời gian dài. Kích cỡ xe được lựa chọn trên cơ sở phù hợp với số người được vận chuyển. Do vậy, cần bổ sung những thuộc tính này vào định nghĩa.
"Vận tải hành khách theo hợp đồng là hoạt động kinh doanh vận tải thuê trọn gói nguyên xe, nguyên chuyến (bao gồm cả thuê người lái xe), với thời gian không nhỏ hơn 4 giờ hoặc quãng đường vận chuyển không nhỏ hơn 40 km cho một hợp đồng, hoạt động không thường xuyên, không theo tuyến cố định. Được thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hành khách (bằng văn bản giấy hoặc điện tử) giữa đơn vị kinh doanh vận tải với người thuê vận tải" - ông Hùng bày tỏ.
Ngoài ra, tất cả các loại hình đều được ứng dụng công nghệ quản lý và kết nối (không trái Luật Giao dịch điện tử 2005); các doanh nghiệp đều được tự lựa chọn loại hình vận tải để kinh doanh (không trái với Luật Giao thông đường bộ 2008); nhà nước sẽ rất dễ quản lý vì có khung pháp lý rõ ràng, các loại hình vận tải sẽ không thể trá hình lẫn nhau như hiện nay. Lập lại trật tự cho hoạt động vận tải khách đối với loại xe dưới 9 chỗ; giải quyết triệt để vấn đề bất bình đẳng giữa xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ và xe taxi vốn đang gây tranh cãi hiện nay.
Văn Duẩn
Taxi Mai Linh hoàn tất sáp nhập ba miền thành công ty vốn hơn 1.700 tỷ
Sau khi hoàn tất thủ tục sáp nhập, vốn điều lệ của Mai Linh tăng lên mức 1.729 tỷ đồng, gần một nửa trong số ... |
9X thuê taxi từ Quảng Nam ra Đà Nẵng trộm ôtô về cho thuê
Trộm được ôtô, Trần Văn Hiền thay đổi biển số rồi sử dụng tài sản bất chính làm dịch vụ cho thuê xe. |
Ngày đăng: 09:58 | 15/03/2019
/ https://nld.com.vn