Trong thời buổi “tấc đất tất vàng”, mỗi mét vuông đất giá hơn 100 triệu đồng, và kinh phí ngân sách còn hạn hẹp thì việc người dân hy sinh quyền lợi, hiến đất mở đường, xây trường là điều trân quý.
“Mất đất ai cũng xót, nhưng để mở rộng hẻm thì tôi ủng hộ 100%”
Hai chục năm trước, cư dân ở quận Phú Nhuận (thành phố Hồ Chí Minh) đã tiên phong thực hiện phong trào hiến đất, mở rộng hẻm. Từ những "Ngày hội hiến đất mở hẻm", hàng chục nghìn mét vuông đất trị giá hàng nghìn tỷ đồng đã được người dân thành phố Hồ Chí Minh đóng góp, nhiều con hẻm trong các khu dân cư khang trang, sạch đẹp, an toàn hơn.
Mới đây, UBND phường 8, quận 3 thông báo chủ trương mở hẻm rộng 6 mét. Theo giá thị trường, 1m2 đất ở khu vực này có giá cả trăm triệu đồng, mặt tiền của nhiều hộ là sinh kế của cả gia đình nên cũng có người còn đắn đo. Tuy nhiên sau khi được chính quyền xuống tận nơi vận động, thấy được lợi ích chung của việc hiến đất riêng cho cộng đồng chung, hàng trăm người dân dù phải thu hẹp phương tiện sinh kế nhưng vẫn hào hứng ủng hộ.
Từ những "Ngày hội hiến đất mở hẻm", hàng chục nghìn mét vuông đất trị giá hàng nghìn tỷ đồng đã được người dân thành phố Hồ Chí Minh đóng góp, nhiều con hẻm trong các khu dân cư khang trang, sạch đẹp, an toàn hơn. Ảnh: baogiaothong |
Giá đất tại hẻm 62 Lý Chính Thắng trên 100 triệu đồng/m2 nhưng gia đình bà Đông tự nguyện hiến hơn 6m2.
“Mất đất ai cũng tiếc, cũng xót. Nhưng hiến đất để mở rộng hẻm thì gia đình tôi ủng hộ 100%. Hẻm được mở rộng sẽ mang lại nhiều lợi ích như chống ngập, đường điện, đường nước tốt hơn. Hơn nữa, hẻm rộng ra nhà mình đẹp lên. Mà khi có hỏa hoạn, vấn đề gì thì xe vào được”, bà Đông chia sẻ trên tờ Thanh niên.
Trước đây, hẻm 85, đường Rạch Bùng Binh, quận 3 rộng 1,5m. Giữa năm 2018, những người dân đồng lòng cắt hàng trăm mét đất mở con hẻm từ 1,5m rộng thành 4m, đổ bê tông, làm hệ thống thoát nước, cáp điện… Hẻm rộng, giá nhà đất tăng, công việc kinh doanh ngày càng hanh thông, suôn sẻ.
“Ngày xưa muốn sửa cái nhà cũng phải cõng gạch đá từ ngoài hẻm vào, cưới xin, ma chay cũng không dám làm ở nhà vì hẻm chật không có chỗ để xe. Hơn nữa, mấy lần xảy ra cháy nổ mà xe chữa cháy không vào được nên ai cũng khiếp. Giờ rộng hẻm nhà cửa khang trang, kinh doanh thuận tiện, cuộc sống thay đổi hẳn. Dân ở đây ai cũng vui vẻ bởi rộng hẻm thì đổi đời”, anh Lê Văn Hải (hẻm 85/20, đường Rạch Bùng Binh, quận 3) hào hứng chia sẻ.
Hiến 2.500 m2 mét đất xây trường, mở rộng nhà văn hóa
Chuyện người dân hiến đất riêng không chỉ dừng ở chuyện mở rộng hẻm. Mấy năm trước, gia đình ông Bùi Công Hiệp ngụ đường số 1 (phường Long Trường, quận 9, TPHCM) đã tặng cả một gia tài gồm mảnh đất rộng 2.500 m2 đất cùng căn nhà 3 tầng (trị giá hơn 100 tỷ đồng) để mở trường nuôi dạy trẻ mồ côi.
Năm 2008, vợ chồng ông Đặng Văn An, ở thôn Tam Hiệp, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ vẫn tự nguyện hiến tặng 700 m2 đất thổ cư, có vị trí giao thông thuận lợi cho địa phương xây dựng Trường mẫu giáo thôn Tam Hiệp. Không dừng lại ở đó, tháng 11/2018, gia đình ông tiếp tục hiến tặng thêm gần 500 m2 đất, là vườn cây ăn quả của gia đình để sửa chữa và mở rộng Nhà văn hóa thôn Tam Hiệp.
Gia đình ông Trần Văn Đôi ở ấp Mỹ Lợi A, Thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng quyết định hiến tặng 2.800m2 đất để xây mới Trường Tiểu học B Huỳnh Hữu Nghĩa. Nếu quy đổi ra thành tiền, mảnh đất nói trên trị giá khoảng 300 triệu đồng. Ngoài ra ông còn hiến thêm 100m2 đất trước sân trường để làm lối đi. Sau đó, do nhu cầu xây thêm phòng mới ông lại hiến thêm 300m2 đất. Tính ra ông đã hiến hơn 3.200m2 đất để xây trường lớp phục vụ sự nghiệp giáo dục.
Khi lòng dân và chính quyền đồng thuận
Trân trọng hành động hiến đất riêng cho cộng đồng chung cùng hưởng lợi, ông Nguyễn Thùy Linh, Phó chủ tịch UBND phường 8, quận 3 cho biết để có sự đồng thuận ngày hôm nay, phường đã tổ chức 5 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, thành lập 2 tổ vận động trực tiếp đến từng hộ dân.
Theo ông Linh, song song với việc mở rộng hẻm, phường sẽ làm lại hệ thống cống, đường điện, cáp viễn thông trên cao được ngầm hóa để đảm bảo an toàn hơn.
Ông Nguyễn Thái Long Hải, Phó Chủ tịch UBND phường 7, quận 3 cho biết, kế hoạch mở rộng hẻm là chủ trương của quận 3 từ rất lâu. Đã rất nhiều lần tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân nhưng gặp nhiều khó khăn, nhiều người không đồng tình vì giá đất, giá nhà ở đây được đánh giá là “đất vàng”. “Tuy nhiên, mưa dầm thấm lâu, dần dần người dân cũng hiểu được lợi ích của việc mở rộng hẻm và rồi họ vui vẻ góp công, góp sức, hy sinh lợi ích riêng vì lợi ích chung, chung tay với chính quyền mở hẻm”, ông Hải cho biết.
Ông Trần Trọng Tuấn, Bí thư Quận ủy Quận 3 chia sẻ với báo giới, sắp tới UBND quận 3 tiếp tục rà soát các con hẻm có chiều rộng dưới 3,5m, vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm trên tinh thần đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình, thực hiện dự án công khai, minh bạch.
Theo ông Tuấn, trong các cuộc mở rộng hẻm, người dân vừa là người hiến đất vừa là người chỉnh trang nhà cửa của mình và vận động chính hàng xóm cùng nhau hiến đất để đem lại lợi ích chung. Khi hẻm rộng hơn, việc đi lại sẽ thuận lợi hơn, làm ăn, sinh hoạt tốt hơn, mỹ quan đô thị đẹp hơn, an toàn hơn, mặt đường và hệ thống thoát nước cũng được nâng cấp nên giá trị nhà ở tăng lên.
Trường hợp những hộ khó khăn không đủ điều kiện sửa sang nhà cửa sau khi hiến đất thì phường sẽ linh hoạt vận động doanh nghiệp, mạnh thường quân hay chính người dân trong hẻm đó để hỗ trợ lẫn nhau.
Một nông dân Bình Phước hiến đất trị giá hàng tỷ đồng để làm đường |
Niềm hy vọng của Mỹ trong cuộc chiến đất hiếm với Trung Quốc |
Người dân TP.HCM hiến đất tiền tỷ mở rộng hẻmHiến đất |
Ngày đăng: 11:15 | 17/09/2019
/ vietnamnet.vn