Đáp trả những công kích, chỉ trích của người hâm mộ và truyền thông có vẻ là nét đặc trưng trong cách làm việc của huấn luyện viên Philippe Troussier.
Chiều 23/1, HLV Troussier gây sốc khi công khai chỉ trích truyền thông Việt Nam với nhiều lời lẽ nặng nề. Nhà cầm quân người Pháp cho rằng "ai cũng thấy đội tuyển Việt Nam tiến bộ, chỉ trừ truyền thông Việt Nam". Trước đó, vị huấn luyện viên này cũng có một phát biểu gây xôn xao khi cho rằng 80% người hâm mộ không ủng hộ ông.
Đây không phải lần đầu tiên HLV Troussier chỉ trích truyền thông và cổ động viên. Dường như, điều này chính là một trong những nét đặc trưng của nhà cầm quân người Pháp khi ông không ít lần gặp rắc rối không cần thiết vì đặt bản thân vào thế đối đầu với dư luận.
Mất việc vì "bị hiểu nhầm"
Năm 2004, HLV Philippe Troussier bị Liên đoàn bóng đá Qatar (QFA) sa thải sau trận thua trước chính Indonesia tại Asian Cup 2023. Thời điểm ấy, báo chí Ả Rập cho rằng trận thua nói trên chưa phải lý do chính khiến chiến lược gia sinh năm 1955 mất việc. Nguyên nhân đến từ phát ngôn của ông Troussier trong buổi họp báo sau cuộc đọ sức với đại diện Đông Nam Á.
HLV người Pháp bất ngờ tiết lộ rằng muốn "chấm dứt công việc của mình" sau giải đấu. Ông Troussier cho biết quyết định này không liên quan đến các học trò và đã được ông đưa ra cách thời điểm công bố một thời gian.
Vấn đề là đội tuyển Qatar mới chỉ đá trận mở màn và HLV của họ lại muốn "nghỉ việc". Vậy là, sẵn với mâu thuẫn trước đó về văn hoá, QFA sa thải ông Troussier dù vẫn còn 2 trận đấu tại vòng bảng Asian Cup 2004.
Sau đó, đích thân HLV Troussier lên tiếng về sự việc trên: "Tôi vừa được QFA thông báo công việc của tôi dừng lại ngay từ bây giờ. Tôi thất vọng, cay đắng và ngạc nhiên vì chưa bao giờ nghĩ mình sẽ dừng lại ở thời điểm như vậy sau những nỗ lực đã bỏ ra. Tôi trông trọng quyết định này, nhưng tôi tiếc vì nghĩ nó được đưa ra khi họ hiểu sai lời nói của tôi, vốn chỉ liên quan đến những gì diễn ra sau Asian Cup 2023".
Ẩu đả với CĐV Trung Quốc
Câu chuyện xảy ra vào năm 2012 khi HLV Troussier nhận lời dẫn dắt CLB Thâm Quyến. Đội bóng này từng vô địch giải Trung Quốc năm 2004. Đúng với phong cách của mình, ông Troussier loại nhiều công thần và ưu tiên dùng cầu thủ trẻ. Hai ngôi sao là Li Fei và Chris Killen phải rời đi, điểm đến của họ là CLB Trùng Khánh.
Trong buổi họp báo trước trận đấu giữa Thâm Quyến và Trùng Khánh, một phóng viên đã hỏi nhà cầm quân này về việc nhóm CĐV đang chỉ trích ông và CLB Thâm Quyến. Đáp lại, ông Troussier nói các CĐV ấy "không thích thì đừng đến sân xem đội thi đấu". Trong bài trả lời phỏng vấn được Sina đăng tải, HLV Troussier xác nhận ông đã trả lời như vậy với phóng viên.
Dĩ nhiên, phát biểu như vậy chẳng khác nào việc "dùng xăng dập lửa". Bất chấp việc Thâm Quyến đã thắng Trùng Khánh, sự cố đáng tiếc vẫn xảy ra. Khi HLV Troussier bước ra xe di chuyển, ông bị một nhóm CĐV nhà có hơn 20 người vây kín. Xô xáy xảy ra trước khi ông Troussier được thành viên ban huấn luyện và học trò bảo vệ.
"Tôi rất tức giận vì bị tấn công. Nếu là bạn, bạn có tự vệ không? Tôi chỉ có một mình trước sự vây hãm của 20 người. Tôi đã bị đe doạ, tôi không chấp nhận tình huống ấy", HLV Troussier nói.
Căng thẳng với truyền thông Nhật Bản
Truyền thông Nhật Bản ghi nhận những thành tích mà HLV Troussier từng đạt được ở Asian Cup 2000 và World Cup 2002. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa hai bên thực sự "quý mến" nhau. Từ năm 1998, khi ông Troussier mới đến xứ sở hoa anh đào, mối quan hệ với báo chí Nhật Bản và nhà cầm quân này bị đánh giá là "không êm đềm".
Tình cảnh không được cải thiện nhiều dù World Cup 2022 đã cận kề và đội tuyển Nhật Bản là đồng chủ nhà. Báo chí quốc tế cảm nhận được sự "lạnh nhạt" của HLV Troussier. Tờ NZherald của New Zealand ghi lại rằng: "Sự lạnh nhạt trong buổi họp báo đầu tiên sau khi đội tuyển Nhật Bản công bố đội hình dự World Cup 2002 là minh chứng cho áp lực mà nước đồng chủ nhà gặp phải".
Kí giả Bryan Reade của Mirror từng viết: "Trong 4 năm qua ở Nhật Bản, đã có một mối quan hệ yêu-ghét giữa truyền thông và HLV Troussier. Mối quan hệ này thay đổi nhanh chóng thành yêu mến khi Nhật Bản lần đầu tiên vượt qua vòng bảng World Cup. Người ta còn đòi ômg ông Troussier ngay trên sóng truyền hình. Nhưng 4 ngày sau, khi Nhật Bản thua Thổ Nhĩ Kỳ, moi thứ chuyển thành hận thù".
Tờ New York Times từng nhận định về ông Troussier: "Trong phần lớn thời gian ở Nhật Bản, ông Troussier bị giới truyền thông công kích. Họ cho rằng nhà cầm quân này kiêu ngạo. Tuy nhiên, những người hâm mộ bóng đá dần coi HLV Troussier như người hùng của họ sau chức vô địch Asian Cup 2000, lọt vào tứ kết Olympic,...".
Những bình luận này tóm gọn vấn đề đối với ông Troussier. Phản ứng ngược lại với những chỉ trích của truyền thông là điều không cần thiết. Ông có thể bẻ gãy toàn bộ những luận điểm công kích mình bằng thành tích trên sân mà không cần bất cứ lời nào khác.
Ngày đăng: 09:38 | 24/01/2024
Phương Anh / VTC News