Nhịn ăn sáng để có tiền mua sách, tranh giành nhau để được thuê đọc trước, nuôi ước mơ và trưởng thành từ những cuốn truyện… là ký ức đẹp của thế hệ 8X gắn với bộ truyện Hesman.

Những năm 1990, bộ truyện tranh Dũng sĩ Hesman (Hùng Lân phóng tác) được nhiều độc giả yêu thích, có lúc con số phát hành lên tới 160.000 bản/ tập - con số phát hành mà bất cứ tác giả nào cũng ao ước. Số độc giả đọc Hesman còn nhiều hơn rất nhiều. Vì vào đầu thập niên 90, sách báo còn quá khan hiếm, rất nhiều trẻ em trên khắp vùng quê Việt đã đi thuê, chia nhau đọc cuốn truyện hấp dẫn, giàu tưởng tượng này.

Để rồi từ tập truyện tranh ấy, mỗi bạn đọc có được một kỷ niệm đẹp tuổi thơ.

‘Ngày đó, đứa trẻ nào mà không đọc Hesman’

Khi Zing.vn đăng tải hai bài viết về bộ truyện tranh Dũng sĩ Hesmangần đây, hàng trăm độc giả đã vào bình luận, phần lớn đều kể câu chuyện ngày bé, hồi xưa mình đọc truyện Dũng sĩ Hesman như thế nào, gắn bó ra sao.

hesman bo truyen viet hai ra tien la ca mot troi ky uc tho au 8x 9x
Trong tuổi thơ thế hệ 8X, đầu 9X, nhiều người không có điều kiện đọc đủ bộ Dũng sĩ Hesman, mượn hoặc thuê được tập nào thì đọc tập ấy. Ảnh: Erik Le.

“Ngày đó, đứa trẻ nào mà chẳng đọc Dũng sĩ Hesman”, ký ức của Việt Hà (36 tuổi, đang là giáo viên tại Ninh Bình) cho thấy mức độ phổ biến của bộ truyện tranh này.

Trẻ con biết đọc trên khắp mọi miền Tổ quốc đều ngóng chờ ngày phát hành truyện Dũng sĩ Hesman để đọc. Lê Trung Tín (sinh năm 1987) còn nhớ rõ tập truyện Hesman đầu tiên anh đọc là Gián điệp Robot. Khi đó, Trung Tín mới 7 tuổi, thấy mấy anh chị lớn hơn đi học về hay đọc cuốn truyện này nên cũng mượn về đọc. Ấn tượng với bìa truyện được vẽ đẹp, màu sắc rực rỡ, cậu bé tiểu học mượn thêm nhiều truyện để đọc.

Vì đi mượn nên có tập nào đọc tập đó, đọc thòm thèm, chờ anh chị đọc xong rồi mượn. Để có sách đọc, Trung Tín phải “hối lộ” các anh chị có truyện, khi thì mang cái kẹo, lúc mang hoa quả cho anh chị. “Mượn sách là được dặn dò kỹ lắm: Mở sách nhẹ thôi. Không được gấp trang truyện để đánh dấu hay không được làm bẩn truyện. Và đọc xong thì phải trả lại liền”, Trung Tín nhớ lại.

"Hesman bây giờ ngoài giá trị gợi nhớ ký ức tuổi thơ của lứa 8X thì còn giá trị sưu tầm rất lớn. Không phải có tiền là sẽ mua được. Mua lại tuổi thơ đâu có dễ".

Ngày nhỏ phải đi mượn nên khi lớn lên, Trung Tín muốn sở hữu bộ truyện đã gắn bó với tuổi thơ mình. Anh đi sưu tầm lại truyện Dũng sĩ Hesman. “Nhưng điều đó không đơn giản vì Hesman lên tới 159 tập. Đến nay đã hơn 20 năm ra mắt. Tìm đủ bộ lại rất khó. Giá truyện năm nay lại bị đẩy lên rất chóng mặt, từ 4 triệu đồng lên 6 triệu, 8 triệu, rồi 10 triệu đồng. Hiện giờ bỏ ra 10-15 triệu đồng để có một bộ Hesman cũng không phải là điều đơn giản”, Trung Tín nói.

Với Trung Tín và rất nhiều độc giả khác, Dũng sĩ Hesman là cả thổi thơ, nhìn vào Hesman là thấy tuổi thơ. Tuổi thơ say mê đọc từng trang rồi tưởng tượng mình là Gatco vươn vai hét lên “Kiaiii biến thành khổng lồ”, “Dũng sĩ Hesman là một robot khổng lồ do 5 con robot mãnh sư ghép lại”.

Giờ đây, việc sở hữu đủ bộ sách quá khó, nên Trung Tín và nhiều bạn khác đã xin phép tác giả cho phép in lại Dũng sĩ Hesman để lưu giữ. Việc làm này hoàn toàn xuất phát từ tình cảm của những độc giả với bộ sách mà họ yêu quý. Đây là dự án phi lợi nhuận, tiền góp vào vừa đủ tiền in, được làm hoàn toàn từ tình yêu với Hesman nên được nhiều người ủng hộ.

Đánh nhau, tranh nhau thuê đọc Hesman

Những năm 1990, sách báo không sẵn có nên tuổi thơ của thế hệ 8X, đầu 9X ở thành phố là những lần nhịn ăn sáng lấy tiền mua sách truyện. Một cuốn truyện Hesman có giá khoảng 3.000 đồng, một gói xôi có giá 500 đồng, như vậy nhịn ăn sáng gần một tuần thì có thể mua được một cuốn truyện.

Với những bạn ở vùng nông thôn, sẽ rất ít khi được mua truyện, mà thường đi mượn hoặc thuê về. Trung Tín nhớ lại: “Cứ mỗi chiều thứ 3 hàng tuần tôi cùng tụi bạn chầu trực sẵn ở tiệm bán truyện để chờ xe chạy từ TP.HCM về giao truyện. Có những hôm xe về muộn thì cả đám tiu nghỉu ra về”.

hesman bo truyen viet hai ra tien la ca mot troi ky uc tho au 8x 9x
Theo Trung Tín, hiện nay, để có trọn bộ Hesman như này, có tiền chưa chắc đã mua được. Ảnh: Erik Le.

Còn với Trọng Hưng (sinh năm 1989, Quảng Ninh) thì tuổi thơ của cậu là những buổi háo hức tới quán thuê truyện đọc Hesman. “Chúng tôi đọc ngay ở quán thuê truyện, vì có quá đông bạn đến thuê, không được thuê về nhà. Thuê đọc tại chỗ thì 300 đồng, còn mang về nhà qua đêm thì 500 đồng/ tập”, Trọng Hưng kể.

Theo ký ức Trọng Hưng, quán cho thuê truyện gần nhà thường nhập mỗi tập hai cuốn, truyện mới ra nên ai cũng muốn đọc trước. “Muốn đọc truyện tại cửa hàng cho thuê, phải xếp hàng 5-7 người mới tới lượt mình đọc, chỉ rình đứa đến trước đọc xong là mình đọc ngay, nghiến ngấu. Có khi không chờ được, mình phải xin đọc ké. Đứa đang đọc không cho ké thì tranh giành, đánh nhau xảy ra như cơm bữa”, Trọng Hưng kể.

Bởi vậy, có những hôm tan học mà Hưng và đám bạn mãi không về vì còn mải đọc truyện. Lại có những hôm trong tiết học mải mê vẽ nhân sư, hoặc đi xin vỏ bao thuốc lá để làm mô hình robot.

Trưởng thành từ Hesman

Bộ truyện Dũng sĩ Hesman không chỉ để giải trí, mà trở thành người bạn, mang lại hy vọng, ước mơ cho nhiều bạn trẻ ngày đó. Kiều Quốc Công (sinh năm 1983, hiện sống tại Hà Nội) kể, khi học lớp 3, cậu đã biết tới Hesman qua vài chiếc card in bìa truyện, sau đó tình cờ thấy truyện ở nhà bạn thì mượn về đọc. Say mê những cuốn truyện, Công đã vẽ lại các nhân vật. Cứ mỗi tập truyện có nhân vật mới là cậu bé lớp 3 lại vẽ nhân vật đó vào một cuốn sổ tay.

Công thích vẽ, nhưng ban đầu cậu “vẽ xấu lắm”, ở quê hồi nhỏ không có điều kiện học vẽ. Từ khi chép nhân vật theo truyện Hesman, “tay nghề” của Công cũng khá dần lên. Cậu thường vẽ tặng bạn bè, đôi khi coi đó là món quà “hối lộ” để được mượn truyện dễ hơn.

Từ những tranh vẽ nhân vật trong Hesman, Công đã tự vẽ truyện tranh cho bạn bè đọc. Tốt nghiệp cấp 3, cậu thi vào Mỹ thuật Công nghiệp. Học xong, Công làm trong một công ty sản xuất robot, đúng mơ ước tuổi thơ. Và giờ đây, Công có một công ty đồ chơi của riêng mình.

Bởi vậy, Kiều Quốc Công nói: “Hesman và họa sĩ Hùng Lân là người thầy đầu tiên của mình”.

hesman bo truyen viet hai ra tien la ca mot troi ky uc tho au 8x 9x
Gắn bó với tuổi thơ, nên nhiều độc giả Hesman đã đưa nhân vật trở lại bằng các dự án in sách, webtoon, đưa nhân vật lên đồ dùng. Ảnh: Tired.

Không chỉ nuôi dưỡng đam mê hội họa, Dũng sĩ Hesman còn gắn bó với tuổi thơ 8X, 9X bởi những câu chuyện nhân văn. Trọng Hưng đánh giá: Khi đọc, tôi thích nhất tính cách Hesman, mà có lẽ đứa trẻ nào chẳng thích những người hùng trừ gian diệt ác.

Hiện tại, Hưng cũng là tác giả của vài đầu sách, nên cậu đánh giá mỗi tập Hesman có dung lượng vừa phải, mỗi tập là mỗi nhân vật (kẻ thù) mới xuất hiện, khiến độc giả nhỏ dễ tiếp nhận. Thời điểm những năm 1990, việc cho ra đời một con robot với không gian vũ trụ là rất mới mẻ. Bên cạnh đó, mỗi cuốn truyện Hesman đều có tính nhân bản, mỗi câu chuyện như cổ tích, ai cũng thích cái kết có hậu, kiểu gì rồi thiện cũng thắng ác.

Với Trung Tín, Dũng sĩ Hesman mở ra một thế giới bao la của trí tưởng tượng. “Những khái niệm như robot khổng lồ, robot sinh học, nguồn điện chết, sóng siêu âm, từ trường... hồi đó rất lạ lẫm. Tôi biết có nhiều bạn đã định hướng được nghề nghiệp khi đọc Hesman từ bé”, Trung Tín nói.

Theo Trung Tín, bộ truyện ra mắt thời điểm đó thật sự mới lạ. Những chuyến phiêu lưu viễn tưởng, những khái niệm không gian hay du hành thời gian, những thuật ngữ khoa học... khơi mở trí tưởng tượng.

hesman bo truyen viet hai ra tien la ca mot troi ky uc tho au 8x 9x Cuốn truyện hái ra tiền của Việt Nam, họa sĩ nhận 3 triệu đồng/tập

Họa sĩ Hùng Lân kể, mỗi tuần ông phải xong một cuốn “Dũng sĩ Hesman” từ làm bìa, lên kịch bản tới vẽ; làm riết ...

Ngày đăng: 17:35 | 26/10/2018

/ Zing