Hệ sao GJ 15 A chỉ cách Trái Đất 11 năm ánh sáng, bao gồm hai hành tinh quay quanh một ngôi sao lùn đỏ.
Hành tinh GJ 15 A c mất 20 năm để quay quanh ngôi sao chủ. Ảnh: CNN. |
Các hành tinh GJ 15 A b và c thuộc hệ sao GJ 15 A được đưa vào kho dữ liệu ngoại hành tinh Exoplanet Archive của NASA hôm 10/10. Trước đó, nhà thiên văn học Matteo Pinamonti và cộng sự đã đề cập tới hai hành tinh trong nghiên cứu công bố năm 2018, sử dụng kính viễn vọng Galileo ở Italy. Hành tinh GJ 15 A b được nhà nghiên cứu Andrew Howard phát hiện năm 2014 tại Đại học Hawaii.
Ngôi sao GJ 15 A nhỏ và mát hơn nhiều so với Mặt Trời của chúng ta. Cả hai ngoại hành tinh đều có điều kiện cực hạn. Hành tinh b ở gần sao chủ hơn, chỉ mất 11 ngày để quay một vòng quanh quỹ đạo. Hành tinh này còn được gọi là "siêu Trái Đất" vì có khối lượng lớn gấp 3 lần địa cầu. Nhưng siêu Trái Đất này cũng cực nóng với nhiệt độ trung bình 276 độ C.
Ngược lại, hành tinh c lớp gấp khoảng 36 lần Trái Đất. Nó có quỹ đạo dài, hoàn thành một vòng quay sau 20 năm. Các nhà thiên văn học so sánh nó với sao Thổ trong hệ Mặt Trời và chắc chắn hành tinh này rất lạnh. Dựa trên quỹ đạo kéo dài của hành tinh thứ hai, nhóm nghiên cứu cho rằng có thể nó chịu tác động từ phiên bản song sinh ở xa của ngôi sao chủ là GJ 15 B.
Pinamonti và cộng sự tìm thấy các hành tinh sử dụng phương pháp vận tốc xuyên tâm dựa trên lực hấp dẫn và hiệu ứng Doppler, trong đó ánh sáng tăng hoặc giảm khi mục tiêu nghiên cứu di chuyển tới gần hoặc ra xa nhau. Các ngôi sao không hoàn toàn bất động trong khi những hành tinh xoay quanh. Chúng di chuyển theo vòng tròn nhỏ do sức hút lực hấp dẫn từ hành tinh. Chuyển động trên làm thay đổi bước sóng của ngôi sao, rơi vào khoảng giữa màu đỏ và xanh tùy theo vị trí hành tinh. Việc theo dõi biến động giúp các nhà thiên văn phát hiện hành tinh, nâng tổng số hành tinh được xác nhận lên 4.073.
An Khang (Theo CNN)
Ngày đăng: 15:35 | 18/10/2019
/ vnexpress.net