Các lực lượng vũ trang Iran được đánh giá là một trong những đội quân có quân số đông nhất ở Trung Đông, trong khi nước này cũng được đánh giá đang trang bị số lượng tên lửa đạn đạo lớn nhất trong khu vực.
Kho vũ khí đáng gườm
Trong nhiều thập kỷ, chiến lược quân sự của Iran tập trung vào việc răn đe, bao gồm phát triển tên lửa tầm xa và chính xác, máy bay không người lái và hệ thống phòng không. Iran đã xây dựng một đội xuồng cao tốc lớn và một số tàu ngầm nhỏ có khả năng làm gián đoạn giao thông vận tải và nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu đi qua Vịnh Ba Tư và Eo biển Hormuz.
Ông Fabian Hinz, chuyên gia về quân đội Iran tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Berlin, cho biết, Iran có một trong những kho vũ khí tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái lớn nhất ở Trung Đông.
Hãng Thông tấn Iran ISNA gần đây đã công bố hình ảnh cho thấy 9 tên lửa của Iran được cho rằng có thể tấn công lãnh thổ Israel, trong khi Iran cho biết hồi tháng 8 rằng nước này đã chế tạo một máy bay không người lái tự chế tiên tiến có tên Mohajer-10 với tầm hoạt động 2.000 km và có khả năng bay tới 24 giờ.
Trong những năm gần đây, Tehran đã tập hợp một lượng lớn máy bay không người lái với tầm hoạt động khoảng 1.200 đến 1.550 dặm và có khả năng bay thấp để tránh radar, theo các chuyên gia và chỉ huy Iran đã trả lời phỏng vấn công khai với các phương tiện truyền thông nhà nước.
Trước đó vào tháng 6 năm ngoái, Iran đã trình làng thứ được mô tả là tên lửa đạn đạo siêu thanh đầu tiên được sản xuất trong nước. Tên lửa siêu thanh có thể bay nhanh hơn tốc độ âm thanh ít nhất 5 lần và có quỹ đạo phức tạp, khiến chúng khó bị đánh chặn.
Iran cũng có tên lửa hành trình như Kh-55, loại vũ khí có khả năng mang đầu đạn hạt nhân phóng từ trên không với tầm bắn lên tới 3.000 km.
Lực lượng vũ trang hùng hậu
Theo đánh giá thường niên năm 2023 của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), các lực lượng vũ trang Iran là một trong những đội quân có quân số đông nhất ở Trung Đông.
Tehran hiện sở hữu ít nhất 580.000 quân nhân đang tại ngũ và khoảng 200.000 quân nhân dự bị đã qua đào tạo, thuộc quân đội truyền thống và Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC).
Cả quân đội và Vệ binh Cách mạng đều có các lực lượng lục quân, không quân và hải quân riêng biệt và đang hoạt động, trong đó IRGC chịu trách nhiệm về an ninh biên giới của Iran. Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang điều phối các quân chủng và đề ra chiến lược tổng thể.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng còn điều hành Quds Force, một đơn vị tinh nhuệ phụ trách trang bị vũ khí, huấn luyện, hỗ trợ mạng lưới các nhóm vũ trang ủy quyền trên khắp Trung Đông được gọi là “trục kháng cự”.
Đáng chú ý, IRGC phụ trách giám sát chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, được các chuyên gia đánh giá là lớn nhất ở Trung Đông.
Ông Fabian Hinz cho biết: “Mức độ hỗ trợ và các loại hệ thống mà Iran cung cấp cho các tổ chức phi nhà nước thực sự chưa từng có về máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Chúng có thể được coi là một phần trong khả năng quân sự của Iran, đặc biệt là Hezbollah, nhóm có mối quan hệ chiến lược thân thiết nhất với Iran”.
Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của Iran là lực lượng không quân. Phần lớn máy bay của nước này có niên đại từ thời Shah Mohammed Reza Pahlavi, người lãnh đạo Iran từ năm 1941 đến 1979, và nhiều chiếc đã không thể hoạt động vì thiếu phụ tùng thay thế. Các chuyên gia cho biết, nước này cũng đã mua một đội tàu nhỏ từ Nga vào những năm 1990.
Bên cạnh đó, chuyên gia phương Tây đánh giá, xe tăng và xe bọc thép của Iran đã cũ và nước này chỉ có một số ít tàu hải quân lớn.
Ngày đăng: 08:58 | 14/04/2024
An Nhiên / CAND