Sự việc đoàn liên ngành của Q.1 (TP.HCM) do ông Đoàn Ngọc Hải (Phó chủ tịch UBND Q.1) làm “chủ tướng” ra tay bắt chó chạy rông, không rọ mõm bị chủ chó ngăn cản, chửi bới... không khiến tôi ngạc nhiên.
Tôi chỉ thắc mắc, không biết những chủ chó ấy có đọc được những thông tin liên quan đến hàng loạt vụ chó cắn người, thậm chí đã có nạn nhân tử vong xảy ra liên tục trong 2 tháng gần đây hay không?
Hàng loạt vụ chó cắn người
Nếu chưa biết, tôi xin liệt kê một số trường hợp. Ngày 3.4, một bé trai 7 tuổi ở TT.Lương Bằng (Hưng Yên) bị đàn chó khoảng chục con lao vào tấn công sau khi cùng các bạn chơi đá bóng ở sân vân động gần đó, trở về nhà trọ. Bé đã được đưa vào Bệnh viện đa khoa Hưng Yên trong tình trạng ngưng tim, mất nhiều máu, đồng tử giãn. Sau khi được cấp cứu, tim cháu bé đã đập trở lại nhưng không lâu sau, bé đã tử vong.
Hôm 19.4, cháu bé 7 tuổi tại xã Khôi Kỳ (H.Đại Từ, Thái Nguyên) bị chó dữ Pitbull nặng 17 kg, nuôi được 2 năm, cắn với nhiều tổn thương nghiêm trọng đã được Bệnh viện T.Ư Thái Nguyên khâu gần 200 mũi trước khi chuyển lên tuyến trên. Nhưng do những vết thương quá nặng, bé đã đã tử vong ngay trong ngày.
Sau đó ít ngày (ngày 22.4), T.H.K (4 tuổi, ở Hà Nam) phải nhập viện cấp cứu do bị chó nhà tấn công giập nát vùng má từ góc mép đến sát tai; đặc biệt, chó cắn bé K. chưa được tiêm phòng.
Trước đó, vào tối 17.4, một bé trai 4 tuổi, được người nhà đưa tới Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh cấp cứu trong tình trạng nhiều vết thương chảy máu ở vùng đầu và mặt; đáng chú ý, vết thương lóc da đầu dài khoảng 13 cm...
Có thể thấy, các trường hợp bị chó cắn (kể cả chó nhà và chó thả rông) trải dài ở nhiều vùng miền. Đó cũng chỉ mới là những trường hợp được các phương tiện thông tin đại chúng ghi nhận. Năm ngoái (2018), Bộ Y tế đưa ra thông tin, tại Việt Nam, hằng năm trung bình khoảng 500.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại, phí tổn tiền vắc xin ước tính hơn xấp xỉ 1.000 tỉ đồng mỗi năm; gây tổn thất đến sức khỏe, tinh thần của người dân.
Quy trách nhiệm với người nuôi chó
Tôi không rõ phong trào nuôi chó giống nước ngoài phát triển rầm rộ ở Việt Nam từ bao giờ, nhưng để tìm một chú “cún” đến một “gã” chó khổng lồ không khó. Những giống chó cảnh “hot” nhất hiện nay như: Pitbull, Pug, Alaska, Golden Retriever, Poodle, Husky, Corgi, Samoyed, Doberman… bằng nhiều con đường, trong đó có cả con đường “xách tay”, đa phần đều có tại Việt Nam.
Đặc biệt, những giống chó được xếp vào loại nguy hiểm nhất thế giới (Alaska, chó ngao Tây Tạng, chó đốm (Dalmatian), chó chọi Presa Canario, Pitbull...) cũng đã xuất hiện ở Việt Nam. Trong đó, Pitbull - giống chó có nguồn gốc từ châu Mỹ - được coi là hung thần trong giới chó chọi vì tính hiếu chiến, bền bĩ, gan lỳ, được mệnh danh là “sát thủ máu lạnh”, “chiến binh”, “võ sĩ giác đấu”... cũng đã được một số hộ dân nuôi dưỡng.
Giá của các giống chó (tùy màu sắc, nguồn gốc cha mẹ, kích thước...), có giá phổ biến từ 7-60 triệu đồng. Các dịch vụ ăn theo phong trào nuôi chó cũng rất đa dạng, từ dịch vụ huấn luyện, phối giống , khám chữa bệnh... đến các dịch vụ “làm đẹp” cho chó, như: cung cấp phụ kiện, thức ăn, spa...
Chó từ lâu đã được con người thuần dưỡng và coi như người bạn trung thành. Không ít giống chó được sử dụng để hỗ trợ người già, trẻ em, người mù, cảnh sát...; nhiều chú chó đã được “vinh danh” vì có những hành động dũng cảm cứu người... Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc nuôi chó theo phong trào trong khi không tìm hiểu nguồn gốc, tập quán, thiếu kiến thức “sư phạm” đối với chó...; chủ chó thiếu ý thức... đã gây ra rất nhiều phiền toái. Một hàng xóm của tôi đã phải lắp camera an ninh để “bắt quả tang” một người hàng xóm khác cứ mỗi 5 giờ sáng là dắt chú cún cưng của mình “ị” trước cổng nhà người khác... (có lẽ vì chú cún ấy quen mùi, hoặc thấy thú vị ở vị trí đó chăng?).
Luật và các văn bản dưới luật ở Việt Nam cũng đã quy định một số điều, khoản trong việc quản lý vật nuôi; trách nhiệm của người sở hữu; cơ quan quản lý... trong đó có thể phạt tiền (được quy định trong Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ), chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra (Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Ở Việt Nam, gần như chưa có vụ án, chưa có bị can nào bị khởi tố liên quan đến việc chó do mình sở hữu cắn chết người. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, có thể áp dụng Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015 (mức phạt có thể lên đến 12 năm tù) để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người để vật nuôi do mình sở hữu cướp đi sinh mạng của người khác.
Chờ cho đến khi các quy định pháp luật trong lĩnh vực này hoàn thiện sẽ còn một thời gian dài. Nhưng, trước hết, người sở hữu vật nuôi nói chung, người nuôi chó nói riêng, hãy nuôi chó văn minh, hiểu biết.
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân ở TP.HCM.
Chủ nuôi chó thả rông chửi bới: Bài học vụ chó dữ Hưng Yên đâu rồi?
Đây chính là hệ lụy của việc thực thi luật pháp không nghiêm. Không nghiêm từ gốc, dẫn đến ngọn là sự phản ứng, chống ... |
Tranh cãi chuyện nuôi chó mèo ở chung cư: To như becgie nhưng... ‘nó không cắn đâu!’
Một cư dân chung cư chung cư Era Town (Q.7, TP.HCM) cho biết lúc nào thấy ai dẫn chó to như becgie xuống sân chơi ... |
Ngày đăng: 18:51 | 30/04/2019
/ https://thanhnien.vn