Nếu thường xuyên bị chóng mặt, sa sẩm mặt mày, có thể bạn đã bị mắc chứng rối loạn tiền đình.
Rối loạn tiền đình ngày càng trở nên phổ biến hơn, bệnh có thể gặp ở nhiều lứa tuổi. Tuy nhiên, rối loạn tiền đình là triệu chứng rất mơ hồ, nhiều người khi bị chóng mặt thường được bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn tiền đình. Tuy nhiên, vì sao bị bệnh có nhiều trường hợp chưa xác định được, vì vậy việc chữa trị không hiệu quả.
Những dấu hiệu của bệnh tiền đình thường dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn vì rất nhiều căn bệnh khác cũng có biểu hiện như vậy. Tuy nhiên biểu hiện đặc trưng nhất của bệnh rối loạn tiền đình là hoa mắt, chóng mặt.
Hay chóng mặt - Coi chừng mắc chứng rối loạn tiền đình |
Dưới đây là các dấu hiệu cho thấy bạn đã bị mắc chứng rối loạn tiền đình:
- Hoa mắt chóng mặt: Đây là dấu hiệu đầu tiên mà bạn cảm thấy khi mắc phải hội chứng rối loạn tiền đình. Ban đầu là thoáng qua sau đó mức độ nặng dần lên với tần suất tăng dần. Bạn sẽ có ảo giác về sự vận động xung quanh, sự di chuyển của các vật thể, cảm giác xoay tròn, bập bềnh. Trong một vài giây, tầm nhìn có thể trở nên mờ đi nếu cảm giác quay xảy ra có định kỳ.
- Nặng đầu: Đầu óc lâng lâng, quay cuồng, nặng nề hay cảm giác sợ ngã,…Triệu chứng này thường xuất hiện ở những người rối loạn tiền đình kèm theo chứng rối loạn cảm xúc (lo âu, trầm cảm, tăng thông khí,…).
- Buồn nôn, muốn ói khi thay đổi thời tiết: Bạn có thể buồn nôn hoặc nôn ói dữ dội khi lên cơn tiền đình. Cảm giác như bạn bị say xe dù đang ở trên đất bằng.
Chóng mặt, mất thăng bằng và cảm giác quay có thể gây ra cảm giác buồn nôn và dẫn tới tình trạng nôn ói dữ dội. Nôn thường xuyên có thể dẫn đến tình trạng mất nước của cơ thể. Nhiều người bị tình trạng này nên không ăn không uống gì được, sức khỏe và cơ thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
- Ù tai, sợ tiếng động: Tai trong có trách nhiệm xử lý các tín hiệu, giúp bạn có cảm giác cân bằng và giúp bạn ý thức được về môi trường xung quanh. Với những người bị rối loạn tiền đình, những tín hiệu này không được truyền và nhận một cách chính xác.
Điều này cũng có thể gây tình trạng ù tai và suy giảm thính lực. Trong một số trường hợp sẽ khiến bạn sợ tiếng động hoặc nghe thấy những tiếng động lạ trong tai.
- Ngất xỉu: Trong một khoảng thời gian bị bị đe doạ mất ý thức hoặc ngất đi, kèm theo đó là hiện tượng đổ mồ hôi, buồn nôn, thị lực giảm thoáng qua.
Nguyên nhân là do giảm lượng máu đến não, tụt huyết áp, rối loạn chức năng tim hay phản xạ thực vật gây nên.
- Nhịp tim nhanh: Thường xảy ra với những người có huyết áp không ổn định. Kèm theo đó là bạn bị đổ mồ hôi, tay chân lạnh và tê bì.
- Mất thăng bằng, dễ ngã: Một người bị rối loạn tiền đình có thể bị chóng mặt và có cảm giác quay ngay cả khi đứng yên hay chuyển động nhẹ đột ngột. Điều này có thể gây khó khăn cho việc phán đoán môi trường xung quanh, ảnh hưởng đến cảm giác thăng bằng của bạn.
Cơ thể mất sự cân bằng khiến bạn không thể đứng vững, lâng lâng không xác định trọng lượng như người bị say rượu.
Rối loạn tiền đình điều trị có khó?
Rối loạn tiền đình là một hội chứng, không phải là một bệnh lý nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Cần phải tìm nguyên nhân gây ra hội chứng này để điều trị căn nguyên, do vậy, ở nhiều trường hợp không tìm được nguyên nhân thì việc điều trị trở nên khó khăn. Còn đối với các bệnh nhân chẩn đoán được căn nguyên rõ ràng thì bác sĩ sẽ có hướng điều trị thích hợp.
Trong mọi trường hợp, khi xảy ra chóng mặt cấp tính, triệu chứng hay gặp của hội chứng tiền đình cần phải điều trị triệu chứng vì cho dù các cơn chóng mặt có thể tự khỏi nhưng bệnh nhân rất khó chịu và sợ hãi vì các triệu chứng này. Cần lưu ý, với người bị rối loạn tiền đình, không nên cách ly môi trường làm việc vì càng cách ly môi trường làm việc thì càng chóng mặt nhiều hơn, thậm chí còn bị ù tai, hoa mắt, lảo đảo, tâm trí rối loạn. Cách tốt nhất là tránh làm việc quá sức để tránh bị rơi vào stress.
Đối với người làm việc văn phòng cần tránh ngồi quá lâu trước máy vi tính. Thường xuyên thực hiện các bài tập vận động vùng đầu, cổ gáy. Tập đẩy hơi vào hai tai bằng cách dùng hai bàn tay áp vào hai bên tai mỗi ngày 50-100 lần.
Khi bệnh nhân đã mắc hội chứng rối loạn tiền đình thì phải cẩn trọng trong tư thế sinh hoạt, như không nên quay cổ một cách đột ngột hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh, tránh tiếng ồn... Bệnh nhân cũng cần giảm căng thẳng, lo âu, nên ngồi hoặc nằm ngay xuống nếu cảm thấy chóng mặt.
Bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ ngay lập tức nếu chóng mặt và buồn nôn do rối loạn tiền đình gây nhiều mệt mỏi, ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày.
http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-tam-than/hay-chong-mat-coi-chung-mac-chung-roi-loan-tien-dinh-394105.html
Ngày đăng: 13:05 | 24/09/2017
/ Theo Minh Khuê/Vietnamnet