Ngủ ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào đang là một trong những biểu hiện đáng lo ngại về tình trạng thiếu ngủ của học sinh hiện nay.
Thông điệp “Hãy cho em được ngủ!” của 2 nữ sinh tại TPHCM mới đây khiến ngành giáo dục, các bậc cha mẹ học sinh một lần nữa cần nhìn nhận lại một thực tế đáng báo động: Áp lực học hành và việc bố trí giờ giấc học tập, làm việc của nhà trường, của phụ huynh không hợp lý đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tâm - sinh lý con trẻ.
“Lời kêu cứu” và tình trạng thèm ngủ ở bất cứ đâu
Những ngày qua, dư luận đang xôn xao trước thông điệp “Hãy cho em được ngủ!” trong đề tài nghiên cứu của 2 HS Trần Thùy Trang và Phạm Thị Khánh Vy (Trường THPT Gia Định, TPHCM) về vấn đề thiếu ngủ của HS, tại chung kết Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật HS trung học TPHCM năm học 2017-2018. Theo đó, đề tài thực hiện khảo sát với 7.363 HS ở các trường THPT trên địa bàn thành phố với kết quả đáng báo động: Cứ 10 HS thì có 8 em gặp khó khăn trong việc tập trung trên lớp do ảnh hưởng trực tiếp từ giấc ngủ. Có 81,8% HS ngủ dưới 7 tiếng/ngày, có 13,7% HS ngủ dưới 5 tiếng/ngày. 44,1% HS không ngủ trưa. Thời gian HS đi ngủ từ 23h-0h chiếm tỉ lệ cao nhất với 39,8%, HS đi ngủ sau 0h chiếm 20,7%. Số HS đi ngủ trước 22h chỉ chiếm 8,6%.
Từ kết quả khảo sát cho thấy lý do HS bị thiếu ngủ là do áp lực học tập và ảnh hưởng từ thiết bị công nghệ. Trong đó, áp lực học tập, kiểm tra và thi cử là nguyên nhân hàng đầu ảnh hưởng đến tình trạng thiếu ngủ của HS phổ thông. Cụ thể, thiếu ngủ do chuẩn bị cho kỳ thi chiếm 90%; có bài kiểm tra vào ngày hôm sau là hơn 89%; làm bài tập và học bài là 86,8% và 62,1% là thời khóa biểu chưa hợp lý.
Lời kêu cứu, thông điệp trên đã khiến cho nhiều phụ huynh, giáo viên phải “giật mình”. Anh Đạt Lê (Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) có con học lớp 10 cho biết: “Áp lực bài vở trên lớp quả thực cũng là nỗi lo của phụ huynh. Tối nào cũng thấy con bé học rất muộn. Cứ mỗi ngày nghỉ là ngủ suốt cả ngày”. Còn chị Nguyễn Thu Huyền (Quan Nhân, Thanh Xuân, Hà Nội) kể về câu chuyện của mình: “Tôi thương con nhưng không biết làm thế nào. Vì công việc bận, cháu lại học một trường ngoài công lập cách nhà 5km nên gia đình phải nhờ xe của nhà trường đưa đón cháu đi lại. Sáng nào 6h cháu cũng phải ra khỏi nhà để xe đón đi học. Buổi tối lại phải đến lớp học thêm rồi hoàn thành bài tập trên lớp đến khuya mới được đi ngủ. Nhiều hôm chở cháu ra điểm đón xe hay đi trong thang máy thôi cũng thấy cháu tranh thủ ngủ”.
Theo khảo sát của PV báo Lao Động tại một số trường THCS, THPT trên địa bàn Hà Nội, tại căngtin của các trường trong giờ ăn sáng, nhiều em vừa ăn, vừa tranh thủ làm nốt bài tập còn dang dở mà tối qua không thể hoàn thành hết. Có em lại gục luôn xuống bàn ăn để “ngủ được phút nào hay phút ấy”.
Nói về điều này, Ths Trần Trung Hiếu - giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An cho biết trong quá trình giảng dạy, từng phải mời HS ra khỏi lớp tội “ngủ say mê trong lớp”. Việc này không diễn ra nhiều tại trường nhưng thi thoảng vẫn có. Việc học sinh ngủ trên lớp có nhiều khả năng, có thể do học nhiều quá hay buổi tối chơi nhiều quá, đi ngủ muộn. Hiện nay, hầu hết gia đình nào cũng có lắp mạng internet hay HS đều có điện thoại thông minh, bố mẹ lại không kiểm soát được hành động của các cháu. Về lý do áp lực việc thi cử, theo Ths Hiếu rõ ràng việc này đã giảm đi nhiều so với vài năm trước đây bởi thi THPT quốc gia dưới hình thức thi trắc nghiệm áp lực học không lớn bằng thi tự luận, thậm chí nhiều em tư tưởng khoanh bừa hay dựa vào yếu tố may rủi.
Biện pháp nào “chữa trị”?
Từ những kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy của mình, Ths Trần Trung Hiếu cho rằng nguyên nhân sâu xa của việc HS thiếu ngủ là do bố mẹ chưa thực sự quan tâm, quản lý được con cái, đặc biệt hơn là nguyên nhân từ căn bệnh “thành tích” thâm niên đã khó chữa.
Thầy giáo Trung Hiếu phân tích thêm, thực tế, áp lực thi đã giảm, nhưng tâm lý về thi cử thì vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Tại các trường, từ hiệu trưởng đến giáo viên đều mong muốn cuối năm có bản báo cáo thành tích đẹp cho mình bằng tỉ lệ HS thi đỗ HS giỏi cao, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao... Chính từ suy nghĩ đó, nên chính các thầy cô đã tạo cho các em áp lực bằng việc giao nhiều bài tập. Tâm lý HS sợ không làm sẽ bị phạt, bị ghi sổ đầu bài hay hạ hạnh kiểm nên làm bài tập chứ không phải vì ý chí, quyết tâm trau dồi kiến thức.
Mặt khác, giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu cũng chỉ ra nguyên nhân từ suy nghĩ của chính các bậc phụ huynh. Ngoài học trên lớp, gia đình còn đăng ký cho con theo học thêm vào buổi tối khiến thời gian nghỉ ngơi của HS ít dần.
Đồng quan điểm, PGS-TS Trịnh Hòa Bình - nhà Tâm lý học, Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam cho rằng: “Câu chuyện này xuất phát từ lòng tham của cha mẹ và áp lực chung xung quanh bệnh thành tích trong giáo dục từ trước nay vẫn còn rơi rớt lại. Mặc dù gần đây, ngành giáo dục đã chủ trương giảm tải nhiều nhưng nếu chúng ta nhìn vào cặp sách của học trò thì vẫn cứ nặng, vẫn cứ khổ sở như thế. Giữa chủ trương và hành động trong thực tế lại không ăn nhập, ngành giáo dục nói giảm tải nhưng vẫn giao nhiều bài về nhà. Đó là câu chuyện chưa thể tháo gỡ được”.
Từ đó, PGS-TS Trịnh Hòa Bình đưa lời khuyên: Các bậc phụ huynh cần quan tâm và tận tình hơn nữa với việc học hành của con. Dẫu con có không làm hết bài cũng phải yêu cầu con dừng lại để đảm bảo sức khoẻ và tâm trí, không thể chạy đua theo yêu cầu của giáo viên, nhà trường. Quan trọng nhất, nút gỡ chính là ở phía nhà trường, là tư tưởng của giáo viên. Bên cạnh đó, cần tăng cường, thẳng thắn trong việc kết nối trở lại giữa gia đình và nhà trường. “Trong trường hợp nhận thấy những bất hợp lý trong giáo dục, phụ huynh cần chủ động liên lạc trực tiếp với nhà trường, với các thầy cô giáo để có điều chỉnh cho phù hợp. Các học sinh, cũng nên bố trí khoa học, thời gian hợp lý để học được nhiều mà vẫn giữ sức khỏe”- PGS Trịnh Hòa Bình nói.
TP Hồ Chí Minh và những đề xuất cải cách lớn trong giáo dục
Với việc quyết tâm xây dựng TPHCM trở thành một TP thông minh, TP này đang có những đề án riêng cho chiến lược phát ... |
Học sinh kêu cứu vì thiếu ngủ: Trẻ em là nạn nhân của bệnh thành tích?
Làm cha mẹ, ai cũng xót xa khi thấy con mình đang bị vắt kiệt sức vì áp lực học hành, nhưng đành chấp nhận. ... |
Ngày đăng: 08:54 | 08/01/2018
/ https://laodong.vn