Dịch Covid-19 hiện đang là mối quan tâm sâu sắc của xã hội và mọi người dân bởi nó liên quan, ảnh hưởng trực tiếp tới công ăn việc làm, đời sống của mỗi gia đình. Bên cạnh những thông tin chính thức, chính thống, chính xác để nâng cao kiến thức
Lực lượng công an triệu tập và xử lý những người thông tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19 trên mạng xã hội
Hậu quả nặng nề của thông tin sai lệch, thất thiệt
Dịch Covid-19 hiện đang là mối quan tâm sâu sắc của xã hội và mọi người dân bởi nó liên quan, ảnh hưởng trực tiếp tới công ăn việc làm, đời sống của mỗi gia đình. Bên cạnh những thông tin chính thức, chính thống, chính xác để nâng cao kiến thức, hiểu biết của mỗi người dân về dịch bệnh Covid-19, qua đó góp phần rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này, thì cũng có những thông tin sai sự thật, bịa đặt, thêu dệt… về dịch bệnh gây hoang mang, lo lắng và có thể mang lại những hậu quả khôn lường.
Một trong những điều quan tâm nhất hiện nay là cách thức phòng tránh cũng như chữa bệnh Covid-19. Các thông tin mới nhất từ các tổ chức y tế lớn nhất thế giới như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hay cơ quan y tế các nước phát triển nhất thế giới cho thấy, hiện thế giới vẫn đang trong quá trình tìm kiếm vaccine cũng như các phương thuốc đặc trị bệnh Covid-19, chưa có một loại thuốc được chính thức công nhận là thuốc đặc trị cho căn bệnh truyền nhiễm đã khiến hơn 340 nghìn người mắc và gần 15 nghìn người tử vong (tính tới cuối giờ chiều ngày 23-3) này.
Tuy nhiên, không ít đối tượng ở nước ta vô tình, thiếu hiểu biết hay hữu ý với các dụng ý khác nhau đã đưa ra những thông tin sai trái, thất thiệt về những “bài thuốc” mà họ cho là có tác dụng chữa bệnh Covid-19. Thôi thì đủ các “bài thuốc” được “nổ” là “dân gian”, “hiệu nghiệm” đưa ra với mô tả cụ thể từ cách thức “bào chế” cho tới “sử dụng” và công dụng”.
Một trong những thông tin thất thiệt đầu tiên về phương thuốc ứng phó với dịch bệnh Covid-19 là “ăn trứng gà và trứng vịt có thể phòng được bệnh Covid-19” xuất hiện cách đây hơn một tháng. Thậm chí những người tung tin này còn hướng dẫn cụ thể là “ăn trứng gà trứng vịt vào 12 giờ trưa sẽ ngăn ngừa được căn bệnh nguy hiểm Covid-19”.
Thông tin thất thiệt trên xuất hiện tại cả tỉnh Nghệ An ở Bắc miền Trung và Bình Dương ở miền Nam. Những đối tượng tung tin sai sự thật này đều đã bị lực lượng Công an tại các tỉnh Nghệ An và Bình Nhưỡng triệu tập, xử lý theo quy định của pháp luật.
Một thông tin thất thiệt khác về phương thuốc chữa trị bệnh Covid-19 cũng được lan truyền nhiều gần đây là “chữa bệnh Covid-19 bằng nước tỏi” như có chủ tài khoản trên mạng xã hội Facebook đã đưa công khai rằng “Virus Corona Vũ Hán có thể tự khỏi bằng một bát nước tỏi mới đun sôi, lấy 8 tép tỏi băm nhỏ, thêm 7 cốc nước và đun sôi. Ăn và uống nước được đun sôi từ tỏi. Được chứng minh và chữa khỏi qua đêm”. Tuy nhiên, khi làm việc với lực lượng Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), người phụ nữ là chủ tài khoản này đã thừa nhận thông tin này là hoàn toàn sai sự thật và bị xử phạt vi phạm hành chính 12,5 triệu đồng.
Một trong những thông tin thất thiệt khôi hài nhất là một người phụ nữ 39 tuổi ở tỉnh Ninh Bình tung lên mạng xã hội Facebook là: “Khoảng 22h30 ngày 20-3-2020 thì được Diêm Vương cho gặp và chỉ cho cách chữa bệnh, cứ ăn cật dê sẽ khỏi. Chế biến cật dê để ăn, cứ ăn khi nào khỏi thì thui”. Người phụ nữ thông tin sai sự thật để “câu view”, “câu like” này đã bị xử lý, phạt 15 triệu đồng.
Những thông tin sai lệch, thất thiệt về cách thức, phương thuốc chữa trị bệnh Covid-19 có thể mang lại những hậu quả rất nặng nề. Mới đây nhất, thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, bệnh viện đã cứu sống một nam bệnh nhân 44 tuổi, ở Hà Nội, bị ngộ độc nặng phải nhập viện rửa ruột sau khi uống khoảng 15 viên thuốc sốt rét để… phòng bệnh Covid-19 sau khi đọc được thông tin này lan truyền trên các trang mạng xã hội.
Đồng lòng tiêu diệt “virus tin giả” trên mạng xã hội
Các chuyên gia y tế cho rằng các "bài thuốc" trị bệnh Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội đều không có cơ sở, thậm chí có thể nguy hại tới sức khỏe người dùng. Theo đó, các bài thuốc hay cách phòng chống dịch bệnh bằng các loại nguyên liệu như: Tỏi, sả tươi, củ gừng, nghệ tươi, hành tây... mà nhiều người truyền nhau sử dụng trong dịch bệnh Covid-19 đều không có bất kỳ tác dụng phòng chống bệnh dịch nào.
Những vị thuốc được nhắc tới trong các "bài thuốc" chống bệnh Covid-19 trên đều mua khá dễ dàng nhưng không có cơ sở nào khẳng định nó có tác dụng diệt SARS-CoV-2. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần cẩn trọng về những loại thực phẩm, vị thuốc vốn bình thường trong cuộc sống thường nhật được một số người dùng mạng xã hội "nâng cấp", “thổi phồng”, thậm chí “thêu dệt”, “bịa đặt” thành các “bài thuốc đông y” trôi nổi trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là trong các nhóm kín trên mạng xã hội. Giới chuyên môn khẳng định, đó đều là những cách chữa bệnh không có căn cứ và cơ sở khoa học, không xuất phát từ cơ sở thực tế bệnh lý nên không thể có hiệu quả trong việc phòng hay chữa bệnh.
Thời quan qua, cùng với sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, một thứ dịch bệnh khác cũng rất nguy hại là “dịch tin giả” (fake news) cũng lan truyền trên các trang mạng xã hội, gây những hệ lụy khôn lường. Có những đối tượng tung tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội chỉ nhằm “câu like, câu view:, thích được nhiều người biết đến để được nổi tiếng theo kiểu “đốt đền”, nhưng cũng có kẻ cố ý phao tin thất thiệt, bịa đặt nhằm lôi kéo, kích động “tâm lý đám đông” để nhắm tới dụng ý xấu xa, đen tối.
Cho dù có động cơ, mục đích, lý do gì thì việc tung tin giả, sai sự thật về dịch bệnh Covid-19, trong đó có những phương thuốc hay cách thức chữa bệnh, đều phải phê phán kịch liệt và xử lý kiên quyết, triệt để những đối tượng vi phạm. Bởi virus SARS-CoV-2 gây ra dịch bệnh Covid-19 rất nguy hại nhưng nguy hại không kém, tác động và lan truyền còn nhanh hơn gấp bội là những “con virus tin giả” lan truyền trên mạng xã hội.
Trong các chỉ đạo, điều hành về công tác phòng chống dịch Covid-19 của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ngành và địa phương nước ta thời gian qua bên cạnh công tác chuyên môn đều nhấn mạnh với việc phòng ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp thông tin sai sự thật về dịch bệnh gây hoang mang, lo lắng. Hàng trăm trường hợp thông tin thất thiệt, sai sự thật đã bị lực lượng công an, chức năng điều tra, phát hiện và xử lý, tuy nhiên những thông tin tai hại này vẫn liên tục xuất hiện trên các trang mạng xã hội.
Vì thế, bên cạnh việc xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật của các lực lượng chức năng, cũng rất cần mỗi chúng ta với trách nhiệm công dân của mình hãy cùng đồng lòng đấu tranh, lên án, tẩy chay những “virus tin giả” mỗi khi chúng xuất hiện, lây lan trên mạng xã hội. Mỗi người cũng cần luôn đề cao ý thức, bổn phận, nghĩa vụ công dân trong việc tiếp nhận, sàng lọc, thu nạp những thông tin trung thực, tích cực, lành mạnh, nhân văn trên không gian mạng trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay.
Hà Nội: Một người phải cấp cứu vì uống 15 viên thuốc trị sốt rét để... phòng Covid-19
Quá hoảng sợ trước tình hình dịch Covid-19 ở Hà Nội, lại tin theo lời đồn thiếu căn cứ trên mạng xã hội, một người ... |
Bác sĩ khuyến cáo dân không tích trữ thuốc sốt rét
Nhiều người Việt đang tìm mua trữ thuốc chống sốt rét để trị Covid-19, tuy nhiên bác sĩ khuyến cáo không nên bởi tự ý ... |
5 loại thuốc được thử nghiệm chữa viêm phổi corona
Remdesivir, Chloroquine Phosphate, Favilavir cùng hai loại kháng HIV là Ritonavir và Lopinavir đang được thử nghiệm lâm sàng điều trị Covid-19. |
Ngày đăng: 22:38 | 24/03/2020
/ anninhthudo.vn