Nguyễn Ngọc Thấn, kẻ mang lệnh truy nã 36 năm lẩn trốn về tội giết người, cướp tài sản đã bị "xộ khám" để tiếp tục thụ án tù.

Sáng 1.6.2018, tại Trại giam Kim Sơn (Bộ Công an), đóng tại huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, đối tượng Nguyễn Ngọc Thấn (60 tuổi, tên gọi khác Cu chai, ngụ thôn Long Quang, xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn, Bình Định), kẻ mang lệnh truy nã 36 năm lẩn trốn về tội giết người, cướp tài sản đã bị "xộ khám" để tiếp tục thụ án tù.

Dưới sự chỉ đạo của Giám thị Trại giam Kim Sơn và Ban Giám đốc Công an tỉnh Bình Định, các trinh sát tinh nhuệ được tung vào cuộc. Từ đầu tháng 5, tại Bình Định, một tổ công tác do đồng chí Sanh . Đội phó Đội Trinh sát (thuộc Trại giam Kim Sơn) bắt đầu tiến hành xác minh các mối quan hệ nhân thân của đối tượng Thấn.

hanh trinh truy bat ke sat nhan sau 36 nam lan tron

Tại TP. Hồ Chí Minh, một tổ công tác do Thượng tá Nguyễn Hữu Lợi. Trưởng Phòng Cảnh sát Truy nã, Công an tỉnh Bình Định sau khi rà soát manh mối đã di chuyển xuống huyện Tân Thành (Bà Rịa . Vũng Tàu) tìm gặp và "khai thác" chị dâu của Thấn (vợ của đối tượng Xuân đã bị tử hình vào năm 1979).

Tuy nhiên, người chị dâu này không biết gì. Qua câu chuyện này, trinh sát nắm được Thấn còn một người em tại Gia Lai nên lập tức có mặt tại Bắc Tây Nguyên.

Tới Gia Lai, một thông tin quan trọng xuất hiện, là Thấn có khả năng về thăm người vợ đầu tại xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa nên tổ công tác gồm Thượng tá Lợi, trinh sát Tuấn, Thanh… lập tức quay xuống Nam Trung bộ.

Được sự giúp đỡ của Đại tá Khanh - Trưởng Công an huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), tối 31.5 , tổ công tác áp sát căn nhà người vợ đầu của Thấn. Các trinh sát quyết tâm bắt kẻ giết người tại đây nhưng khi vào nhà thì chỉ thấy một đôi dép da và một ba lô nghi vấn của đối tượng.

Bằng biện pháp nghiệp vụ, trinh sát được biết, Thấn đã lên ở một lán trại trên đỉnh đồi Khánh Hiệp (xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh) để trông coi giúp người con trai đầu tên Lâm (30 tuổi). Vòng vây của trinh sát ngày càng khép chặt.

Tới căn lán trại của Thấn đang ẩn náu, các trinh sát chia nhiều vòng giám sát. Trong vai thợ điện, Thượng tá Lợi dẫn ba trinh sát tiếp cận vào bên trong. Lúc này có con dâu và cháu nội của Thấn. Nhưng bóng dáng Thấn thì "bặt tăm". Thượng tá Lợi quan sát thấy một đôi dép khổ lớn để dưới một chiếc giường, bên trong có người đang ngủ sớm.

"Tuy nhiên, lúc này không biết bên trong là ai, trinh sát không thể xác định được có phải là Thấn hay không nên buộc phải tạo dựng một tình huống để đưa con dâu ra khỏi nhà. Chúng tôi đòi ăn trứng gà để lót dạ" . Thượng tá Lợi kể.

hanh trinh truy bat ke sat nhan sau 36 nam lan tron

Đối tượng Thấn tại cơ quan điều tra.

Thật may mắn, nhà không còn trứng gà nên buộc cô con dâu phải gọi người đang ngủ dậy để ra ngoài mua trứng về chế biến thức ăn cho khách.

Trong ánh sáng lờ mờ nơi núi rừng sâu thẳm, dáng dấp nghi can dần lộ diện. Lấy cớ hỏi thăm cuộc sống gia đình, Thượng tá Lợi tiếp cận đối tượng và phát hiện hắn có giọng nói "xứ nẫu" (chỉ vùng Bình Định . Phú Yên) không lẫn vào đâu được.

Dù hình ảnh trên hồ sơ lưu của cơ quan Công an đã 36 năm nhưng khuôn mặt hắn vẫn còn nét rắn rỏi của dân lao động. Sau vài phút suy xét, tính toán cẩn trọng, Thượng tá Lợi hét lên: "Nguyễn Ngọc Thấn, giơ tay lên!". Ngay lập tức, các trinh sát Thanh, Tuấn… hỗ trợ đồng đội quật ngã Thấn và bắt ngay tại chỗ.

Lúc này là 20h, đường về trụ sở Công an huyện Khánh Vĩnh rất khó đi vì toàn sỏi đá, quãng đường mất 18km nên không thể có ôtô công vụ đáp ứng chở đối tượng. Đó cũng là cách tránh "bứt dây, động rừng" nên các trinh sát phải "tống ba", kẹp Thấn ở giữa để mau chóng vượt rừng già.

Sau một giờ đồng hồ, đúng 21h đêm, các trinh sát đã đưa Thấn về tới trụ sở Công an huyện để tiến hành các thủ tục theo luật định.

Thấn khai nhận, năm 1977, sau khi bị bắt và tòa tuyên án 18 năm tù, Thấn chấp hành án tại Trại giam Kim Sơn (Bộ Công an). Trong quá trình cải tạo được 5 năm, đến năm 1982, lợi dụng sơ hở Thấn đã trốn khỏi nơi giam.

Sau khi trốn ra ngoài, hắn vào huyện Long Khánh (Đồng Nai) làm thuê sinh sống và đổi tên thành Văn Minh Tám. Quá trình sinh sống tại Long Khánh, đối tượng đã lập gia đình với chị Trần Thị Lộc (52 tuổi, quê quán Long Khánh, Đồng Nai) và có với nhau được ba người con.

hanh trinh truy bat ke sat nhan sau 36 nam lan tron

Nguyễn Ngọc Thấn bị bắt sau 36 năm lẩn trốn.

Sau đó, vợ chồng Thấn di chuyển nơi ở đến xã Khánh Hiệp (huyện Khánh Vĩnh). Đây là một huyện miền núi có địa hình rừng núi hiểm trở, đi lại rất khó khăn để mua đất cất nhà cùng vợ con ổn định cuộc sống.

Trong suốt các năm đó, ba người con của người vợ đầu luôn hỏi về quê cha đất tổ nhưng hắn luôn nói: "Gia đình ba tuyệt tự hết rồi, không còn ai nữa" để tránh bị phát hiện. Cô con gái đầu của Thấn đã 33 tuổi, người con sau 30 tuổi và con út đã 29 tuổi. Họ đều đã có gia đình riêng.

Thời gian sau này, Thấn và Lộc chia tay do có nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống. Thấn quen một người phụ nữ khác ở xã Khánh Bình (H. Khánh Vĩnh) ở với nhau như vợ chồng và có với nhau hai người con.

Đến năm 2000, Thấn để vợ hai ở tại quê nhà rồi di chuyển địa bàn lẩn trốn lên huyện Ia Grai (Gia Lai), tiếp tục quen một người phụ nữ khác và chung sống với nhau như vợ chồng đến nay.

Tuy nhiên, giữa họ không có con cái vì người vợ thứ ba nhiều lần bị sảy thai. Là người thương con và các cháu nội, ngoại, đầu tháng 5 vừa qua, Thấn quyết định về thăm con cháu của người vợ đầu tại xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh thì bị bắt.

Tại trụ sở Công an huyện khuya 31.5, Thấn đã thú nhận với các con: "Các con hãy về quê cha ở TX. An Nhơn (Bình Định). Ở đó, còn có bác hai của các con. Khi nào rảnh thì ghé đến thăm ba!". Nói rồi, Thấn khóc.

Thượng tá Lợi lúc này đến bên cạnh nói với y: "Anh hãy chấp hành xong hình phạt và vẫn còn cơ hội quay trở lại gia đình và tìm đường về cố hương. Đừng sống chui trốn nhủi nữa anh ạ. Lưới trời lồng lộng không bao giờ buông tay cho tội ác đâu. Công an luôn giúp anh tìm lại cuộc đời thực, chứ không phải nay đâu mai đó".

Thấn nghe đến đây chỉ biết òa khóc. Những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má hanh hao của tuổi già đã đến. Đến nửa đêm, xe công vụ của Công an Bình Định lăn bánh trực chỉ đất Võ để đưa Thấn về giao cho Trại giam Kim Sơn tiếp tục thụ án.

Theo hồ sơ truy nã của cơ quan Công an, đêm 28.9.1977, Nguyễn Ngọc Thấn về nhà anh ruột là Nguyễn Ngọc Xuân (cùng thôn Long Quang, X. Nhơn Hòa, H. An Nhơn, Bình Định). Sau khi hai anh em ăn cơm xong, Xuân bàn với Thấn đến nhà bà Lê Thị Tẩu trộm cắp tài sản. Nếu bà Tẩu còn thức thì giết bà Tẩu cướp tài sản, Thấn đồng ý.

Khoảng 20h ngày 28.9.1977, Xuân và Thấn cùng nhau đến nhà bà Tẩu để thực hiện phạm tội. Trước khi đi, Xuân có mang theo tiền, đến nơi, nếu bà Tẩu còn thức thì giả vờ mua thuốc lá, nhân lúc bà Tẩu sơ hở thì giết để cướp của, Thấn nói "tùy cơ ứng biến".

Sau khi bà Tẩu ăn cơm xong lên nhà trên thì Xuân đứng dậy đi theo, còn Thấn ra ngoài xem xét tình hình. Lúc này bà Tẩu bảo chúng đi về đi vì đêm đã khuya.

Khi bà Tẩu xuống nhà dưới thì Xuân từ phía sau ôm choàng bóp cổ và đè bà Tẩu xuống nền nhà. Thấn ở ngoài chạy vào đè lấy hai chân bà Tẩu không cho giãy giụa. Xuân vẫn tiếp tục bóp chặt cổ bà Tẩu và bảo Thấn đi tìm dây để buộc vào cổ nạn nhân.

Làm xong mọi việc, Xuân khiêng đầu, Thấn khiêng hai chân, lật xác nạn nhân lục soát trong người bà Tẩu tìm tài sản nhưng không có gì, chỉ tìm được hai chiếc chìa khóa.

Để tránh bại lộ, chúng lấy chăn, đắp xác bà Tẩu rồi cùng nhau mở tủ để tìm tài sản. Chúng mở tủ thấy một chiếc va ly mở ra để tìm vàng, bạc nhưng không có, chúng chỉ lấy được một áo len màu xanh, một áo dài, một áo vải, hai cái quần đen, một đèn pin và hai đồng bạc. Xong chúng lục soát khắp nhà, lục cả phi thóc để lấy được 24kg thóc và 5kg gạo.

Khoảng 23h ngày 28.9.1977, chúng đem các vật đã cướp được giấu vào thùng phi rồi thay quần áo đi ngủ, vợ con không hay biết gì. Sáng hôm sau, Xuân bảo Thấn đến nhà người anh ruột Nguyễn Tấn mượn thuyền nhưng anh Tấn không cho.

Chúng lén lấy thuyền rồi đem các đồ đã cướp đến chợ Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định hiện nay) bán cho bà Lê Thị Trình, người buôn đồ cũ, tất cả số tài sản cướp được lấy 80 đồng để chi tiêu.

Gần một năm sau, tại bản án sơ thẩm số 31 ngày 18.7.1978 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghĩa Bình (nay là Bình Định), hội đồng xét xử đã tuyên phạt Nguyễn Ngọc Xuân tử hình về tội giết người và cướp tài sản; Nguyễn Ngọc Thấn 18 năm tù giam về tội giết người và cướp tài sản.

Ngày 2.1.1979, Thấn đến chấp hành án tại Trại giam Kim Sơn (Bộ Công an) tại huyện Hoài Ân, Bình Định. Tuy nhiên, ngày 4.6.1982 trong lúc lao động, lợi dụng sơ hở, Thấn trốn khỏi nơi giam cho đến nay và bị bắt giữa vào ngày 31.5.2018.

hanh trinh truy bat ke sat nhan sau 36 nam lan tron Hành trình truy bắt trùm ma túy Tam giác vàng

Thạo Cu Mùa là tên trùm ranh ma trong đường dây đưa “hàng” từ Tam giác vàng về tập kết tại Lào rồi đưa sang ...

hanh trinh truy bat ke sat nhan sau 36 nam lan tron Truy bắt nhóm côn đồ vượt hàng trăm cây số đi \'thúc nợ\'

CQĐT CAH Thủy Nguyên, Hải Phòng ngày 6-7 cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh tạm giam ...

Ngày đăng: 09:22 | 11/07/2018

/ http://danviet.vn