Rác thải nhựa đã trở thành một vấn đề gây nhức nhối toàn cầu và ở mỗi quốc gia, đặc biệt là những nước đang phát triển như Việt Nam. Sự tồn tại của rác thải nhựa đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe con người.
Hiểm họa này xuất phát từ chính những thói quen tiêu dùng hằng ngày của người dân do sử dụng quá nhiều vật dụng bằng nhựa. Nhận thức rõ tác hại từ rác thải nhựa, những năm qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách và cam kết hành động quyết liệt để giảm thiểu rác thải nhựa, chung tay bảo vệ môi trường.
Gánh nặng của môi trường
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, rác thải nhựa chiếm tỷ trọng 10% trong rác thải sinh hoạt. Hiện nay, ở Việt Nam, mỗi năm thải ra khoảng 3,2 triệu tấn rác nhựa, trong đó có hơn 30 tỷ túi ni lông. Hơn 80% trong số đó bị thải ra môi trường sau khi dùng một lần.
Thực tế tại Hà Nội, mỗi ngày phát sinh khoảng 7.500 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó có hơn 1.000 tấn rác thải nhựa. Số lượng chất thải nhựa này vẫn chưa được thu gom và xử lý riêng, phần lớn bị lẫn với chất thải rắn sinh hoạt, được đưa đến xử lý tại bãi chôn lấp. Quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Đào Thị Anh Điệp cho biết, rác thải nhựa mất từ hàng trăm đến hàng nghìn năm để tự phân hủy. Khi tích tụ quá nhiều hoặc nằm rải rác trên các bề mặt nước, đất, rác thải nhựa sẽ gây ra ô nhiễm, ảnh hưởng đến mọi sinh vật sống, bao gồm cả con người.
Không riêng gì ở Hà Nội, tình trạng rác thải nhựa phát sinh tràn lan ra môi trường cũng xảy ra ở hầu hết các địa phương trên cả nước, như: Tại thành phố Hồ Chí Minh phát sinh khoảng 1.600 tấn/ngày, tỉnh Quảng Ninh khoảng 450 tấn/ngày, các địa phương khác phát sinh từ 200 đến 400 tấn/ngày... Trong khi đó, công tác tái chế chất thải nhựa tại các địa phương vẫn theo hình thức tự phát với công nghệ lạc hậu...
Về nguyên nhân gia tăng phát sinh rác thải nhựa, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam Hoàng Đức Vượng phân tích, năm 2023 nước ta nhập khẩu khoảng 7,5 triệu tấn hạt nhựa, đồng thời sản xuất trong nước hơn 2 triệu tấn và tăng trưởng khoảng 15%/năm. Việc sản lượng gia tăng đồng nghĩa với lượng rác thải nhựa phát sinh ngoài môi trường nhiều, đang tạo ra những thách thức lớn về công tác quản lý cho các địa phương. Do đó, nếu không có giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng, khó khắc phục.
Triển khai nhiều giải pháp
Cùng với các quốc gia trên thế giới, thời gian qua, nước ta đã ban hành nhiều chính sách hướng đến việc giảm thiểu rác thải nhựa. Cụ thể, tại Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22-7-2021 về việc phê duyệt đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam, Chính phủ đặt mục tiêu: Đến năm 2025, sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị, phục vụ cho mục đích sinh hoạt, thay thế túi ni lông khó phân hủy; tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh…
Điều 73, Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng quy định: Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định. Hay tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Từ ngày 1-1-2026, Việt Nam không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm; sau ngày 31-12-2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy...
Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Quang Huy cho biết, để cụ thể hóa các chính sách trên, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động đến 14.000 đoàn viên thanh niên tích cực tham gia các phong trào thu gom rác thải nhựa, làm sạch môi trường sống. Nhiều cách làm hay cũng đã được thực hiện như: Triển khai mô hình công sở xanh tại cơ quan làm việc; tham gia phân loại rác tại nguồn; đổi rác lấy cây xanh...
Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, ngoài việc ban hành các văn bản phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông, thành phố còn phát động nhiều phong trào, triển khai nhiều mô hình “Chống rác thải nhựa”, thu hút các sở, ngành, hội, đoàn thể, địa phương và nhân dân tham gia. Cụ thể, Hội Liên hiệp phụ nữ 30 quận, huyện, thị xã triển khai mô hình “Đổi phế liệu giữ màu xanh, gây quỹ từ thiện”, “Tái chế rác thải nhựa”, “Chi hội phụ nữ sử dụng làn khi đi chợ”, “Ngôi nhà xanh thu gom phế liệu”. Trong 2 năm 2022-2023, quận Hoàn Kiếm triển khai chương trình “Giảm rác thải nhựa và kinh tế tuần hoàn”, thu hút hơn 7.000 hộ dân tham gia phân loại rác thải nhựa giá trị thấp tại nguồn. Tại huyện Đông Anh, 100% xã, thị trấn triển khai đề án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn…
Tương tự, tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, phong trào “chống rác thải nhựa” ngày càng lan tỏa trong cộng đồng. Điển hình như: Phong trào “Trường học giảm thiểu rác thải nhựa”; “Chợ giảm thiểu rác thải nhựa/phiên chợ xanh”; công trình “Điểm tập kết xanh” của Đoàn thanh niên huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế); "đổi rác lấy quà”, khu phố, ấp “xanh, sạch, an toàn” của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh…
Một số chuyên gia môi trường cho rằng, tuy nước ta đã có nhiều chính sách và hành động nhằm giảm rác thải nhựa nhưng chưa bền vững. Do đó, để công tác này hiệu quả hơn nữa, đáp ứng được các mục tiêu, cam kết đề ra, các bộ, ngành, địa phương cần sớm phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng cường áp dụng công nghệ cao trong xử lý chất thải nhựa, tái chế rác thải nhựa thành tài nguyên.
https://hanoimoi.vn/hanh-dong-quyet-liet-de-giam-rac-thai-nhua-659822.html
Ngày đăng: 13:47 | 04/03/2024
Hoàng Sơn / HNM.com.vn