Tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước có mặt trong hệ thống phân phối tăng cao. Đông đảo người tiêu dùng lựa chọn, tin tưởng hàng Việt, nhất là đối với phân khúc hàng Việt Nam chất lượng cao… Đó là những kết quả sau 13 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, doanh nghiệp, hàng Việt Nam đang có cuộc lên ngôi ngoạn mục. Tuy nhiên, để hàng Việt có chỗ đứng vững chắc tại thị trường nội địa và vươn ra thế giới, vẫn còn nhiều việc phải làm.
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm bánh, kẹo tại siêu thị Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy). Ảnh: Nhật Nam
Người tiêu dùng tin tưởng, ưu tiên sử dụng
Đẩy chiếc xe đầy ắp hộp bánh, mứt, kẹo, thực phẩm chế biến của các nhãn hàng trong nước như Kinh Đô, Vissan… vừa mua tại siêu thị Big C Thăng Long, chị Lê Minh Hương (trú tại ngõ 12 phố Tú Mỡ, quận Cầu Giấy) cho biết, hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất phong phú, chất lượng không thua gì hàng ngoại nhập. Đặc biệt trong 2 năm đại dịch Covid-19 vừa qua, chị cũng như nhiều người đã lựa chọn những sản phẩm hàng Việt giá cả vừa túi tiền để sử dụng.
Ghi nhận tại các siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội như: BRGMart/HaproMart, AEON, Co.opmart Hà Nội, Big C Thăng Long, Lotte…, các sản phẩm hàng Việt Nam được bày kín các kệ hàng. Nhiều thương hiệu Việt đã quen thuộc với người tiêu dùng, như Richy, Kinh Đô, cà phê Trung Nguyên, sữa đậu nành Vinasoy… Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến nay, hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ trên 90% tại các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước; chiếm 60-96% tại hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt Nam tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Từ đó có thể thấy xu hướng người Việt dùng hàng Việt đã dần phổ biến.
Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân cho hay, tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống bán lẻ của Central Retail (siêu thị GO!, Big C và siêu thị Tops Market) là trên 90%. Siêu thị chính là kênh quảng bá, xúc tiến thương mại quan trọng, đưa các sản phẩm địa phương từ chỗ không ai biết lên đúng vị trí của nó. Còn chị Nguyễn Phương Anh, chủ cửa hàng tạp hóa trên phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, cửa hàng chị nhập trên 90% hàng hóa sản xuất trong nước để phục vụ người tiêu dùng.
Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, Sở Công Thương đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; vận động, khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, để hàng Việt tiếp cận nhiều hơn đến người tiêu dùng.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp. Ảnh: Nguyễn Quang
Nâng tầm sản phẩm nội địa theo chuẩn quốc tế
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhận định, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng có sự lan tỏa, được người tiêu dùng cả nước biết đến và hưởng ứng tích cực. Trải qua đại dịch Covid-19, xu hướng người Việt dùng hàng Việt càng rõ hơn, góp phần rất lớn giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Qua đó, doanh nghiệp cũng nhìn nhận thị trường trong nước một cách thấu đáo, thấy được tiềm năng rất lớn không thể bỏ qua.
“Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng, hằng năm, thành phố Hà Nội tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, phiên chợ để giới thiệu, kết nối, đưa sản phẩm sản xuất trong nước đến với người tiêu dùng. Qua đó, không chỉ giúp người dân tiếp cận hàng Việt, mà còn giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh sân nhà...”, bà Trần Thị Phương Lan nói.
Nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ, cách tốt nhất để cả xã hội đồng lòng tham gia cuộc vận động trên là chính doanh nghiệp phải nâng chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm của mình lên ngang chuẩn quốc tế. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, hàng bán ra nước ngoài thế nào, thì bán trong nước phải y như vậy, thậm chí phải tốt hơn. Mặt khác, phải liên tục đổi mới, thích ứng với thói quen của người tiêu dùng. Chính người tiêu dùng nội địa là “phép thử” tốt nhất cho các nhà sản xuất muốn lớn mạnh và đưa hàng ra nhiều thị trường lớn khác.
Còn theo Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Kim Dung, để hàng Việt có sức lan tỏa và lớn mạnh, ngoài kênh bán lẻ trực tiếp, việc áp dụng số hóa sẽ cung cấp thêm cho người tiêu dùng những trải nghiệm mua sắm mới, hiện đại, tiện lợi hơn…, tạo nên sức mạnh cộng hưởng trong phát triển chuỗi cung ứng, gia tăng nội lực cạnh tranh cho các thương hiệu Việt.
Để cuộc vận động phát huy hiệu quả vững chắc hơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, trong năm 2023, Ban Chỉ đạo cuộc vận động thành phố sẽ tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chú trọng tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, nhất là các sản phẩm, dịch vụ được bình chọn, công nhận “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”.
Thành phố cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, chuyển đổi số, bình ổn thị trường, tổ chức các chương trình đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng; gắn cuộc vận động với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm có thế mạnh của địa phương, tăng cường giới thiệu, kết nối để sản phẩm đi sâu vào đời sống, tạo thói quen tiêu dùng; hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất, kích cầu tiêu dùng và thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường, bảo vệ hàng hóa trong nước.
http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1054332/hang-viet-dang-len-ngoi
Ngày đăng: 08:31 | 01/02/2023
THANH HIỀN / HNM.com.vn